Bốn Bước Xử Trí Khi Con Tỏ Thái Độ Thiếu Tôn Trọng

3267

HTTLVN.ORG – Ai đã từng làm cha mẹ, người trông trẻ hoặc giáo viên đều biết rằng trẻ có thể tỏ thái độ thiếu tôn trọng hay vô lễ dễ dàng như ăn kẹo vậy. Nhưng về phía người lớn chúng ta thì có những mức độ chịu đựng khác nhau. Tôi nhớ mẹ tôi rất hiếm hoặc có thể nói là không khoan nhượng cho sự vô lễ. Thường thì mẹ sẽ trợn mắt thật to và chỉ trong vòng vài giây, tôi sẽ trở nên một đứa trẻ phục tùng. Nhưng tôi lại tỏ ra ít phục tùng với ba hơn.  

Vậy “thiếu tôn trọng” chính xác là gì?

Từ điển Webster mô tả đó là thái độ “coi thường hay xem nhẹ với một ai đó hoặc một điều gì đó”. Nghĩa là qua cái nhìn, lời nói và hành vi của mình, bạn đang làm giảm bớt giá trị hiện hữu của một người hay vật. Tôi nghĩ hiểu được định nghĩa này là rất quan trọng khi chúng ta tìm cách giải quyết vấn đề này.

Một điều tôi đã khám phá ra trong quá trình nuôi dạy con gái là nó cố gắng bắt chước sự hài hước của người lớn. Tôi không có ý nói đến những chuyện chọc cười không phù hợp. Tôi chỉ muốn nói rằng người lớn chúng ta thường có những lúc chọc cười với những câu nói đùa trong khi không hề có ý thiếu tôn trọng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trên thực tế, khoảng cách giữa việc nói đùa để chọc cười với nói năng vô lễ, thiếu tôn trọng cũng khá mong manh. Có một số người có thể chọc cười một cách hoàn hảo, chúng ta hay gọi là họ có khiếu hài hước. Con gái tôi rất muốn đùa giỡn và làm cho mọi người cười, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Trên thực tế, đôi khi, nó bị coi là vô lễ. Nhưng tôi hiểu con không có ý như vậy.  

Điều này đưa tôi đến điểm số một:

  1. Phân biệt đâu là đùa giỡn, đâu là nói năng thiếu tôn trọng

Điều này không có nghĩa là chúng ta cho phép con muốn nói gì thì nói. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu ý định của con thì mới có hướng giải quyết phù hợp. 

Trong trường hợp của con gái tôi, nhiều lần, vấn đề tôi cần dạy con là giúp con ý thức rằng cách đùa giỡn như vậy dễ bị người khác hiểu sai là vô lễ, thiếu tôn trọng. Và trong những lần như vậy, con thường sẽ tự tìm cách xin lỗi vì con rõ ràng không muốn bị người khác hiểu lầm rằng mình đang coi thường hay hạ thấp giá trị của họ.  

Mặt khác, có những lúc con gái tôi thực sự tỏ ra thiếu tôn trọng. Cho dù ở nơi riêng tư hay nơi công cộng, rõ ràng con có ý định hạ thấp người khác. Liếc mắt, thở dài nặng nhọc, và lẩm bẩm những từ khó hiểu là những dấu hiệu cho thấy đó không phải là lúc con đang trêu đùa mà chắc chắn là đang xem thường người khác. 

  1. Cố gắng tìm hiểu lý do  

Tôi không phải là người ủng hộ cho việc chúng ta chỉ nên nói chuyện thay vì dùng đến đòn roi, kỷ luật. Tuy nhiên, tôi đề nghị là trước khi thi hành kỷ luật thì là cha mẹ, chúng ta cũng nên tìm hiểu lý do tại sao con mình lại hành xử như vậy. Thường thì một đứa trẻ thể hiện thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng khi nó thất vọng, tức giận, hoặc hoàn toàn nổi loạn. Điều quan trọng là phải biết lý do khiến con phản ứng như vậy. Nếu không, vấn đề cơ bản không thể được giải quyết và một cái gì đó nghiêm trọng hơn có thể phát sinh bên trong tấm lòng của con.

Hãy tưởng tượng thiếu tôn trọng như một căn bệnh. Bạn đến phòng cấp cứu vì bạn bị đau bụng kinh khủng. Họ nghi ngờ bạn đã ăn quá nhiều vào vào bữa tiệc tối hôm trước, nhưng sau khi tìm kiếm nguyên nhân cơ bản, họ phát hiện ra bạn bị viêm ruột thừa. Nguyên nhân cơ bản đó nghiêm trọng hơn nhiều so với cơn đau bụng, và đau bụng chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn đó.

Hãy nhắc cho trẻ ý thức rằng chúng là con và ở dưới thẩm quyền của ba mẹ; rằng vô lễ, thiếu tôn trọng là thái độ không đúng, cần phải loại bỏ; rằng chúng không có quyền gì để nói năng như vậy. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì cũng không khác gì với việc đưa người đang đau bụng dữ dội về nhà nằm nghỉ thay vì phải đưa đi khám để tìm ra nguyên nhân của cơn đau. Đừng chỉ xử lý phần ngọn mà bỏ qua gốc rễ của vấn đề, là điều quan trọng hơn rất nhiều và có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.  

  1. Giải quyết vấn đề phía sau

Thay vì nổi cơn thịnh nộ, cư xử thô lỗ, một khi phát hiện ra nguyên nhân của vấn đề, chúng ta sẽ có cách xử trí hiệu quả hơn. 

Tôi nhớ lại cách đây không lâu, con trai tôi rất dễ cáu giận. Không chỉ giọng điệu, mà lời nói của con cũng vô cùng thiếu tôn trọng. Tôi đưa con về phòng để làm dịu cơn tức giận và nhắc nhở con biết mình là ai, vị trí của con trong gia đình. Sau đó, tôi đến thăm con và hỏi xem điều gì khiến con tỏ thái độ như vậy. Sau vài câu hỏi thăm dò, có cả một số câu hỏi bị bỏ ngỏ, cuối cùng, con trai tôi tiết lộ rằng nó đang cảm thấy rất đau buồn vì sự ra đi của bà, và vì đang cố che đậy cảm xúc của mình nên tâm trạng mới bị ảnh hưởng như vậy.  

Khi đó, tôi hiểu rằng vấn đề mình cần giải quyết không phải là thái độ cọc cằn, thiếu tôn trọng bộc phát mà là sự đau buồn đang âm ĩ trong lòng của thằng bé. Phải làm sao để giúp con có thể bày tỏ cảm xúc của mình cách phù hợp. 

Khi trừng phạt thái độ thiếu tôn trọng, chúng ta có thể đã cho con hiểu được quan điểm của mình. Nhưng nếu chúng ta không giúp con giải quyết vấn đề sâu xa hơn thì nó sẽ để lại nhiều tổn thương trong lòng.  

Con cái vô lễ có thể là một trong những khía cạnh khó chịu nhất của những người làm cha mẹ. Ảnh minh hoạ: HubPages

  1. Giải quyết thái độ thiếu tôn trọng

Cũng cần lưu ý là không phải cứ cho rằng có nguyên nhân phía sau thì bỏ qua hoặc xem nhẹ thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng. Tất nhiên chúng ta phải nên tìm hiểu là có nguyên nhân sâu xa gì không, nhưng đôi khi cũng phải hiểu rằng có những cơn đau bụng đột phát không phải bệnh lý, và cũng có những thái độ vô lễ, thiếu tôn trọng đơn thuần chứ không cần phải có lý do tiềm ẩn nào đó phía sau.  

Khi xác định như vậy thì cần phải xử trí một cách dứt khoát và nhanh chóng. Nếu con cũng khẳng định là không có lý do gì phía sau thì đó cũng nên là lúc mà chúng ta đem hành vi thiếu tôn trọng ra để xử lý. 

Cũng nên nhớ rằng việc kỷ luật của chúng ta cũng không được làm hạ giá trị của con, vì như vậy thì chúng ta cũng đang bày tỏ một thái độ thiếu tôn trọng. Hãy giữ cảm xúc vững vàng, ổn định. Việc kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng trong quá trình xử lý hành vi sai trái.  

Sự thiếu tôn trọng có thể là một trong những khía cạnh khó chịu nhất của bậc làm cha mẹ vì nó dường như lẩn quẩn khắp mọi ngóc ngách, đặc biệt là khi con bạn bước vào tuổi thiếu niên. Đột nhiên, chúng nghĩ rằng chúng thông minh hơn, khôn ngoan hơn và tuyệt vời hơn bạn. Điều tối quan trọng là đừng cố chứng minh chúng sai. Hãy cố gắng trở thành những người bạn thân của con. Đây là thời điểm để bạn, đặc biệt là cha mẹ, giữ chặt tiêu chuẩn tôn trọng. Phải giúp con học được rằng tôn trọng là chìa khóa cho các mối quan hệ thành công khi chúng bước vào tuổi trưởng thành, ở nơi làm việc, ở Hội Thánh hay bất kỳ môi trường nào. 

Và điều cuối cùng: Hãy làm gương

Nhiều đứa trẻ học cách cư xử thiếu tôn trọng dựa trên những tấm gương mà chúng chứng kiến ​​xung quanh. Bạn có đang thể hiện sự tôn trọng với người phối ngẫu, có đang hạ thấp giá trị của họ trước mặt con? Bạn có tôn trọng người đại diện dịch vụ khách hàng khi bạn phản ánh về chất lượng sản phẩm hay là bạn chỉ trích người ta thậm tệ ở trước mặt con? Thật khó để bắt con phải đạt tới một mức độ tôn trọng mà bạn không thể áp dụng cho chính mình. Con bạn sẽ phát hiện ra hành vi đạo đức giả đó, và lời nói của bạn sẽ không xứng hợp khi đối diện với tấm gương của chính bạn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự tự tôn ngày càng trở nên quan trọng hơn tôn trọng người khác. Nếu bạn muốn con mình trưởng thành và được mọi người đón nhận, điều quan trọng là phải dạy chúng rằng tôn trọng và đánh giá cao người khác là yếu tố rất quan trọng trong những mối quan hệ lành mạnh. Tôn trọng giúp có được bạn bè, còn thiếu tôn trọng thì không chỉ đánh mất tình bạn mà còn mở đường cho sự căng thẳng, lo lắng, bất an xâm nhập vào cuộc sống của mỗi người.  

Châm Ngôn 15:1 dạy, “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.” Lời đáp êm nhẹ, tử tế chính là hành động phát xuất từ thái độ tôn trọng. Đó là sự đảm bảo rằng những gì trước mặt bạn là có giá trị và bạn rất trân trọng.  

Rose Phan dịch
(Theo Jaime Wright/ CrossWalk) 

Bài trướcBài hát: Vững Vàng Vượt Qua Thử Thách
Bài tiếp theoKđhăp Klei Pap Brei – 31/8/2021