Các con có nghe lời dạy: “Chớ phạm tội tà dâm”, nhưng ta bảo cho các con biết: Hễ ai nhìn phụ nữ mà ham muốn thì trong lòng đã phạm tội tà dâm với người ấy rồi.
Ma-thi-ơ 5:27-28
Lời dạy của Chúa Giê-xu chú trọng vào tính chất của tội tà dâm hơn là hành động tà dâm. Nói khác đi, Chúa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của tội này, đó là tư tưởng xấu xa trong tâm hồn. Người Pha-ri-si và các lĩnh tụ tôn giáo thời ấy chỉ chú ý đến hành động tà dâm mà không quan tâm đến tư tưởng hư xấu trong đầu óc, vì vậy, khi nào không hành động, hay là không bị bắt quả tang thì chưa thể nói là có tội. Đây là lối dạy thu hẹp điều răn này, và làm cho nhiều người cảm thấy vô tội, mặc dù tâm hồn tràn đầy tham dục và tội ác.
Khi không có ý thức thật chính xác về tội, con người sẽ phủ nhận cả cái chết hi sinh chuộc tội của Chúa Giê-xu.
Tại sao Chúa Giê-xu chịu hi sinh trên thập giá? Ý nghĩa thật của cuộc hi sinh trên thập tự của Chúa Giê-xu là gì? Câu trả lời ngắn gọn nhất là Tội. Chúa vào đời hi sinh chết trên thập giá không phải vì tội của Chúa, vì Chúa hoàn toàn vô tội, nhưng vì tất cả nhân loại. Tất cả mọi người đều đã phạm tội và chờ đợi để bị trừng phạt, nhưng Chúa Giê-xu đã thay đổi tình trạng tuyệt vọng ấy bằng cách chết thay cho tất cả.
Đức Chúa Trời đã từng lên án tội, sai các sứ giả của Ngài cảnh cáo tội của nhân loại, nhưng sau cùng, Ngài đã sai chính con Ngài là Chúa Giê-xu vào đời để thể hiện tình thương của Ngài. Cái chết của Chúa Giê-xu là một giải pháp duy nhất cho con người được cứu khỏi tội và khỏi bị trầm luân.
Người tin Chúa sẽ được tái sinh, nghĩa là cuộc đời thay đổi hoàn toàn hướng đi và lối suy tư. Tâm hồn hướng về những đức độ cao đẹp và noi gương Chúa sống đời thanh sạch, lánh xa tội ác. Đây là điều chỉ có quyền năng tái tạo của Chúa làm được cho con người.
Tin mừng cho nhân loại không phải là tin Chúa để được hưởng phúc lộc, nhưng là để được giải phóng khỏi tội ác, là thứ gông cùm mà tự con người không phá vỡ được.
Khi Chúa Giê-xu đề cập đến tội tà dâm, Chúa nhấn mạnh vào chiều sâu hay là sức mạnh của tội.
Tội không phải chỉ là hành động hay việc làm, nhưng là những gì tự trong tâm hồn ta đưa đến hành động. Chúa nhấn mạnh về tội tà dâm trong lòng, vì đó là nơi xuất phát hành động. Tội tà dâm chỉ là triệu chứng của một cơn bệnh gọi là tội. Chúa Giê-xu dạy rằng: một người chưa có hành động tà dâm không có nghĩa là người ấy vô tội. Phải xét tấm lòng của người ấy. Trong lòng người ấy có căn bệnh tà dâm hay không? Điều quan trọng hơn cả là bản chất tội trong con người, đã từng làm người sa ngã.
Chúa đã tạo dựng con người với bản chất thánh thiện, vô tội, nhưng người vì có lựa chọn, vì được tự do, nên đã chọn việc làm trái ý Chúa và trở thành có tội. Từ đó sức mạnh của tội chiếm ngự tâm hồn người, nên mới tham lam và chỉ mong chiếm đoạt.
Tội phát xuất từ khi ta bắt đầu ưa thích một điều trái đạo, muốn bàn cãi về điều ấy, lúc nào cũng hướng về việc ấy và tìm cách nào để được thỏa mãn.
Một điều khác ta cần nói đến là khuynh hướng phạm tội. Nhiều người nói rằng mình sinh ra có các tính xấu như vậy, nên không thể tránh tội được. Các tính như lẳng lơ, mê gái, nhẹ dạ, trai lơ, lãng mạn, đào hoa, v.v. thường bị gán cho là bẩm sinh như vậy. Thật ra đây chỉ là cách giải thích những hành vi xấu xa mà động cơ tham dục đưa đến. Người nào cũng có những tính xấu kể trên cả, chỉ biểu lộ khác nhau mà thôi. Những người càng can đảm bao nhiêu thì càng dễ phạm tội bấy nhiêu. Trái lại những người tính nhút nhát, lần lữa lại nhiều khi tránh được tội. Nhưng trên cân công lý của Chúa, cả hai đều phạm tội như nhau, chỉ khác nhau về trường hợp mà thôi.
Khuynh hướng phạm tội có thể trừ bỏ được. Khuynh hướng ấy luôn luôn cong vẹo, không ngay thẳng. Chúa Giê-xu dạy thêm trong các câu sau đó rằng: Nếu tay hữu ngươi xui cho ngươi phạm tội thì hãy chắt mà ném nó cho xa ngươi đi, nghĩa là ta có bổn phận kiềm chế tư tưởng, khuynh hướng của mình. Ta cần minh định tư tưởng trước khi có thái độ và hành động. Nói khác đi, ta cần ngăn chặn tội từ trong tư tưởng. Đừng tạo cho tư tưởng phạm tội, vì trước sau cũng đưa đến hành động.
Tư tưởng là điều Chúa tạo nên trong con người của ta, tư tưởng rất là quý chuộng, nhưng tội ác đã làm tư tưởng ô uế và do đó gây hại cho cả đời một người. Khi ta tin nhận Chúa Giê-xu thì điều đầu tiên ta nhận được là tư tưởng mới trong một con người tái tạo. Khuynh hướng phàm tục tội lỗi sẽ được thay thế bằng khuynh hướng thánh thiện cao đẹp tốt lành. Khi đọc Lời Chúa, tâm hồn ta mở rộng đón nhận và linh hồn ta cảm thấy sung sướng, vì niềm tin nơi Chúa cho ta ánh sáng trong tâm linh để tránh những tư tưởng hư xấu đồi trụỵ mà hướng về chân lý cao trọng của Chúa, đó là điều mà tâm linh ta khao khát. Như thế Chúa chính là đối tượng của tâm linh.