Bài 134 – Sách Giê-rê-mi: Tin Buồn Từ Chúa (tiếp theo)

1431

Chúng ta tiếp tục học về những bài giảng của Giê-rê-mi. Ông không những giảng cho những người có tấm lòng tan vỡ, nhưng còn giảng với tấm lòng tan vỡ. Giê-rê-mi nói trong 7:8-11 rằng,

Nầy, các ngươi cậy những lời phỉnh phờ chẳng có ích gì. Các ngươi há chẳng trộm cướp, giết người, phạm tội tà dâm, thề dối,dâng hương cho Ba-anh, đi theo thần khác, là thần mình không biết hay sao? Rồi các ngươi đến chầu ta trong nhà nầy, là nơi được xưng bằng danh ta, và nói rằng: Kìa, chúng tôi được thả rồi! hầu cho các ngươi được phạm mọi sự gớm ghiếc ấy. Vậy thì các ngươi xem nhà nầy, là nơi được xưng bằng danh ta, như hang trộm cướp sao? Nầy, ta, chính ta, xem thấy mọi điều đó,Đức Giê-hô-va phán vậy. 

Bài giảng của Giê-rê-mi khiến chúng ta liên tưởng đến bài giảng của Chúa Giê-xu. Khi cỡi lừa vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đã thanh tẩy đền thờ. Ngài nói với những người mua bán tại đó rằng, “Đừng biến nhà của Cha ta thành ra hang trộm cướp.” Chúa Giê-xu đã trích lời của tiên tri Giê-rê-mi. Tân ước thường trích dẫn lời của các tiên tri, nhất là tiên tri Ê-sai và Giê-rê-mi. Khi dân sự chỉ nói thay vì làm thì sứ điệp của Giê-rê-mi là “Hãy vâng lời ta thì ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi và các ngươi sẽ làm dân của ta.” Nhiều người muốn chứng tỏ rằng họ là con dân của Chúa, nhưng các tiên tri khẳng định, “Điều quan trọng là phải sống đúng với địa vị làm con của Đức Chúa Trời.” Theo các tiên tri thì chúng ta được kêu gọi ra khỏi thế gian tội lỗi, không thể thỏa hiệp nhưng phải sống thánh thiện. Khi đó Đức Chúa Trời sẽ là Cha của chúng ta và chúng ta là con trai, con gái của Ngài.

Trong một bài giảng khác, Giê-rê-mi nói về việc Chúa từ bỏ họ. Giê-rê-mi 23: 33& 40 (theo bản diễn ý)

“Khi có người Do Thái, hoặc công dân, tiên tri hay thầy tế lễ hỏi con: ‘Có tin gì của Chúa không?’ con hãy đáp: Chúa phán: ‘Các ngươi chính là tin buồn vì Ta sẽ lìa ‘ các ngươi! Ta sẽ quở phạt các ngươi và các ngươi sẽ mang ô nhục đời đời.”

Người ta đã chế nhạo Giê-rê-mi vì ông không bao giờ nói điều gì tốt cho họ. Sứ điệp của ông là sứ điệp của hoạn nạn vì tai họa sẽ ập đến trên dân Giu-đa. Dẫu vậy, bên cạnh sứ điệp tai họa thì Giê-rê-mi còn công bố sứ điệp hy vọng. Sở dĩ ngày nay chúng ta có sách Giê-rê-mi vì những gì ông nói đã được ứng nghiệm trọn vẹn.

Giê-rê-mi hòa trộn sứ điệp nói về việc dân Giuda được hồi hương cùng với lời tiên tri về Đấng Mê-si. Lời tiên tri về Đấng Mê-si là hy vọng cuối cùng của người Do Thái cũng như chúng ta. Mọi lời tiên tri của Giê-rê-mi đã thành sự thật. Người Do Thái thời Cựu ước dành sự tôn kính đối với những tiên tri mà sứ điệp của họ được ứng nghiệm. Giê-rê-mi nói trước rằng thảm họa sẽ giáng xuống và nó đã đến. Ông giảng về cuộc hồi hương từ xứ lưu đày và điều này đã trở thành sự thật vào 70 năm sau đó.

Chúng ta sẽ đi vào chi tiết nầy khi học đến sách Đa-ni-ên. Đa-ni-ên đã trích dẫn lời tiên tri của Giê-rê-mi về việc hồi hương từ xứ Ba-by-lôn. Lời tiên tri của Giê-rê-mi đã soi sáng cho Đa-ni-ên khi ông viết lời tiên tri về 70 tuần lễ. Qua đó Đa-ni-ên tiên tri về sự xây dựng một thế giới mới và sự hiện đến của Đấng Mê-si. Giê-rê-mi là tiên tri của Đức Chúa Trời vì những gì ông nói đã thành hiện thực. Sứ điệp của ông chứa đầy xúc cảm.

Ôi, lòng dạ tôi đau như cắt, quằn quại, rối như tơ vò, không giờ phút nào yên lặng. Tôi không thế nào câm nín vì tôi đã nghe. Hồn ta hỡi, có nghe chăng tiếng kèn thúc trận? Cả đất nước đâu đâu cũng thấy những cảnh đổ nát điêu tàn. Thình lình nơi cư trú của tôi bị hủy hoại trong giây lát. Tôi còn phải thấy cảnh chiến tranh tàn phá và nghe kèn trận xung phong cho đến bao giờ? (4:19-21 Bản diễn ý)

Đây là lời tiên tri về sự tấn công của người Ba-by-lôn. Giê-rê-mi có thể nghe được tiếng hò hét của quân thù và tiếng than khóc của đồng bào ông. Vì trải qua khải tượng đầy thương tâm nầy nên Giê-rê-mi hỏi Chúa rằng: “Họ phải chịu đựng cảnh tang thương đó bao lâu?” Câu trả lời là: Cho đến khi họ từ bỏ sự ngu muội và nhìn biết Chúa. Vì họ là những đứa con khờ dại, không có trí khôn, khéo làm điều ác, mà không biết làm điều thiện.

Nội dung bài giảng nầy thật thích hợp cho thời đại chúng ta. Ngày này nhân loại rất tài giỏi trong việc chế tạo vũ khí giết người hàng loạt, nhưng còn việc đạo đức thì sao? Bạo động, tội phạm leo thang kinh khủng. Chúng ta hầu như không có khả năng để làm những điều tốt, những điều hay. Sứ điệp của Giê-rê-mi là điều mà thế giới ngày nay cần nghe.

Một bài giảng khác của Giê-rê-mi được tìm thấy trong chương 5 & 6.

Những kẻ tiên tri nói tiên tri dối, các thầy tế lễ bởi đó mà cầm quyền! Dân ta đều lấy làm ưa thích. Khi đến cuối cùng, các ngươi sẽ làm thế nào? (5:31)

Vì trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến người rất lớn, đều tham lam;từ kẻ tiên tri cho đến thầy tế lễ, đều làm sự giả dối. Họ rịt vít thương cho dân ta cách sơ sài mà rằng: Bình an! Bình an!mà không bình an chi hết. (6:13-14)

Nói cách khác không thể chữa bịnh cho người bị thương bằng cách nói rằng nạn nhân không có vết thương. Những vị tiên tri như Ê-sai và Giê-rê-mi đã đề cập đến nan đề của xã hội đương thời và qui trách nhiệm cho thành phần lãnh đạo thuộc linh là những thầy tế lễ và các tiên tri không thanh liêm và ngay thẳng trong chức vụ của mình.

Giê-rê-mi cũng có bài giảng liên quan đến việc đào tạo và huấn luyện:

Nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi mệt, thì làm sao thi được với ngựa? Khi trong xứ yên lặng, ngươi được an ổn, nhưng khi sông Giô-đanh tràn, thì ngươi sẽ làm thế nào? (12:5)

Nói cách khác khi sai phái người như các giáo sĩ đến những nơi khó khăn, họ cần được chuẩn bị đầy đủ và chứng tỏ rằng có khả năng thi hành công việc của một giáo sĩ. Tân ước có nói đến những tiêu chuẩn của những người lãnh đạo Hội Thánh. Một nguyên tắc quan trọng là trước tiên họ cần được thử nghiệm. Đây là chỉ dẫn rất tốt cho các giáo sĩ cũng như những người lãnh đạo Hội Thánh: cần trải qua thử nghiệm.

Trong một chỗ khác, Giê-rê-mi công bố một sứ điệp hết sức nghiêm trọng:

Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: Dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt ta, nhưng lòng ta cũng chẳng hướng về dân nầy. Hãy đuổi chúng nó khỏi trước mắt ta, cho chúng nó đi ra.Sẽ xảy ra khi chúng nó hỏi ngươi rằng: Chúng tôi sẽ đi đâu? — thì hãy bảo chúng nó rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ai đã được định cho chết,hãy chịu chết; ai đã được định cho phải gươm dao, hãy chịu gươm dao; ai đã được định cho phải đói kém, hãy chịu đói kém; ai đã được định cho sự phu tù, hãy chịu phu tù.Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ giáng cho chúng nó bốn thứ tai vạ: gươm để giết, chó để xé, chim trời và loài thú trên đất để nuốt và diệt đi. Vì cớ Ma-na-se, con trai Ê-xê-chia, vua Giu-đa, và vì những sự nó đã làm trong thành Giê-ru-sa-lem, ta sẽ khiến chúng nó bị ném đi ném lại trong các nước thiên hạ. (15:1-4)

Đây là một tin buồn, dân Do Thái đã lún sâu đến chỗ là phải bị lưu đày, nhưng bên cạnh đó Giê-rê-mi còn đưa ra sứ điệp hy vọng. Mở đầu chương 16, Giê-rê-mi đưa ra lời khuyên như sau:

Ngươi chớ cưới vợ, chớ có con trai con gái trong chốn nầy. Vì Đức Giê-hô-va phán về những con trai con gái sẽ sanh tại đây, và về những cha mẹ đã sanh đẻ chúng nó trong đất nầy như vầy: Chúng nó sẽ bị dịch lệ mà chết; chẳng ai khóc cũng chẳng ai chôn; xác chúng nó còn lại như phân trên đất. Chúng nó sẽ bị diệt bởi gươm dao và đói kém; thây chúng nó sẽ làm đồ ăn cho chim trời và loài thú trên đất. (16:2-4)

Giê-rê-mi đưa ra lời khuyên đừng cưới vợ, lấy chồng cho con cái vì dân Giu-đa lúc bấy giờ đang ở trong tình thế đầy khó khăn. Có sự tương đồng giữa lời khuyên của Giê-rê-mi và lời của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 7. Phao-lô đã mở đầu chương nầy với các tín hữu tại Cô-rinh-tô như sau: “tôi tưởng rằng đờn ông không đụng đến đờn bà là hay hơn.” Nhưng sau đó ông bổ sung: “Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ, mỗi người đờn bà phải có chồng.”

Một số người cho rằng Phao-lô là người tâm trí hẹp hòi, không có thái độ bình thường với phụ nữ khi ông nói về hôn nhân. Hầu như chỉ một lý do mà Phao-lô chấp nhận hôn nhân là để tránh sự dâm dục. Dĩ nhiên Phao-lô không dừng tại đó, đến câu 26 thì Phao-lô giải thích, “Tôi đưa ra lời khuyên nầy vì cớ những khó khăn trong hiện tại.” Các tín hữu đang đối diện với sự bắt bớ khi Phao-lô viết I Cô-rinh-tô 7. Họ đã viết thư hỏi ông là liệu con cái họ có nên cưới gả trong tình hình như vậy không? Thử tưởng tượng nếu quí vị sẽ bị ném vào đấu trường để làm mồi cho sư tử, nếu quí vị sẽ bị đưa ra hành quyết và tuận đạo, thì một người độc thân sẽ dễ dàng đương đầu hơn là một người có gia đình, vợ dại con thơ. Trường hợp nầy thật vô cùng khổ tâm. Điều đau đớn nhất là người đó nhìn thấy những người thân yêu chết trước mặt mình. Chẳng thà chính mình chịu chết hơn là nhìn thấy người thân yêu bị hành hình. Trong tình hình vô cùng khó khăn đó mà Phao-lô đưa ra lời khuyên nầy, “Nếu các bạn trẻ còn độc thân thì đừng cưới gả, nếu không cưới gả thì đừng có quan hệ thể xác với nhau. Nhưng nếu họ không thể tự chế được thì nên cưới nhau hẳn hoi chớ không nên để đam mê tình dục dằn vặt họ.” Do đó cần đặt lời khuyên của Phao-lô trong bối cảnh khó khăn của thời kỳ Hội Thánh đầu tiên.

Giê-rê-mi dâng lên lời cầu nguyện trong 17:14, “Hỡi Đức Giê-hô-va! xin Ngài chữa tôi thì tôi sẽ được lành; xin Ngài cứu tôi thì tôi sẽ được rỗi: vì Ngài là Đấng mà tôi ngợi khen.”

Tinh thần của câu Kinh Thánh nầy là chúng ta sẽ không thật sự được cứu cho đến khi Đức Chúa Trời cứu chúng ta, chúng ta sẽ không thật sự được chữa lành cho đến khi Chúa chữa lành chúng ta. Đôi khi chúng ta tìm kiếm sự cứu rỗi từ nơi con người. Chúng ta đến với con người để tìm sự chữa lành. Nhưng khi trải qua những tháng năm kinh nghiệm, chúng ta nhận biết rằng sự cứu rỗi thật sự đến từ Đức Chúa Trời, và sự chữa lành thật sự cũng đến từ Chúa.

Chương 31 đến 33 là bài giảng về Đấng Mê-si. Giê-rê-mi mở đầu với lời tiên tri: “Sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta.” (31:33)

Sau đó Giê-rê-mi nói tiên tri về sự hiện đến của Đấng Mê-si. Cựu ước có những lời tiên tri về việc người Do Thái bị phân tán trên khắp thế giới và đồng thời cũng có lời tiên tri về việc họ hồi hương lập quốc. Sự kiện nầy đã xảy ra vào năm 1948. Như vậy sự khôi phục về phương diện địa lý đã được ứng nghiệm, nhưng sự khôi phục về phương diện thuộc linh thì chưa. Những chuyển biến tại quốc gia Do Thái bày tỏ kế hoạch của Đức Chúa Trời cho thế giới nầy.

Hãy luôn nhớ Lời Chúa phán, “Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhơn từ mà kéo ngươi đến”. Chúa là Đấng thành tín, Ngài lấy lòng yêu thương đời đời mà yêu mỗi chúng ta. Bạn đã nhận được món quà yêu thương của Ngài chưa?

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcTạ Ơn Và Phục Vụ – 2/11/2021
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà Điểu Moih