Bài 13: Em Ngươi Ở Đâu?

1431

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Sáng thế ký nghĩa là “khởi nguyên hay bắt đầu”, ghi lại khởi nguyên của trời đất, cây cỏ, súc vật, con người, hôn nhân, gia đình… Nó trình bày những việc đã xảy ra, không phải vì Đức Chúa Trời buộc phải giải thích những điều nầy, nhưng vì Ngài muốn chúng ta hiểu những điều đó có ý nghĩa gì cho chúng ta ngày hôm nay. Đó là lý do mà nhiều biến cố sự việc đã được thuật lại. Chúa muốn chúng ta hiểu về hôn nhân; do đó, Ngài cho phép ghi lại hôn nhân của Ađam và Êva. Chúa muốn chúng ta biết Ngài đối phó với tội lỗi như thế nào; vì thế, Chúa cho phép ghi lại việc con người bất tuân Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký chương 3.

 

Trong nửa phần sau của chương 3, chúng ta được xem sự đối thoại giữa Đức Chúa Trời và con người. Ngay khi con người sa ngã, họ đã chạy trốn Đức Chúa Trời và không dám gặp mặt Ngài; song, Chúa đã tìm kiếm để đối thoại với họ. Ngài hỏi họ rằng, “Ngươi ở đâu?” và “Ai đã bảo cho ngươi như vậy?” Khi học phần nầy, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa quan trọng của những câu hỏi trên cho chúng ta ngày nay. Tiếng nói của Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn vang vọng. Ngài vẫn đối thoại với chúng ta ngày hôm nay. Nếu biết được điều nầy, chúng ta sẽ hiểu rất nhiều điều qua những kinh nghiệm trong cuộc sống, nhất là qua những khủng hoảng. Đức Chúa Trời dùng những hoạn nạn hoặc khủng hoảng để khiến chúng ta phải chú tâm; và qua đó, Ngài đối thoại với chúng ta và cho chúng ta biết mình đang ở đâu, hay chúng ta đang ở trong tình trạng như thế nào.

 

Có viên phi công chỉ huy của một phi đội phản lực. Ông dùng la bàn, tiếng Anh gọi là compass – để dạy các phi công đàn em khi họ bay lạc. Ông nói, “Bất cứ khi nào anh em bị lạc hãy nhớ đến 5 điểm về chiếc la bàn. Hãy làm điều nầy bằng cách đếm 5 ngón tay. Thứ nhất là hãy thú nhận rằng mình đã bị lạc. (Chữ thú nhận trong tiếng Anh là confess, được bắt đầu với chữ C như chữ compass. Đây là một lối dùng chữ của viên phi công. Năm chữ ông trình bày đều bắt đầu với chữ C.) Ông giải thích tiếp, ngày nay, phản lực cơ bay rất nhanh, nếu anh em không nhận ra rằng mình lạc; trong phút chốc, anh em càng bị lạc xa hơn.

 

Điểm thứ hai là phải bay lên cao hơn hay climb. Khi bay lên cao hơn, máy bay dùng ít nhiên liệu hơn và sự thông tin liên lạc dễ dàng hơn.

 

Điểm thứ ba là phải bảo quản nhiên liệu hay conserve. Khi bị lạc, phi công không được tiêu thụ nhiều nhiên liệu bằng cách giảm tốc độ lại.

 

Hai điểm sau cùng là quan trọng nhất. Điểm thứ tư là liên lạc hay communicate. Hãy liên lạc với đoàn.

 

Và điểm thứ năm là phải tuân theo sư chỉ dẫn từ trung ương hay comply.

 

Vậy 5 điểm cần nhớ là: Thú nhận mình lạc, bay lên cao hơn, giảm tiêu thụ nhiên liệu, liên lạc và cuối cùng tuân theo chỉ dẫn từ trung ương. Năm điều nầy giúp các viên phi công khi họ bị lạc.

 

Những nguyên tắc nầy giống nửa phần sau chương thứ 3 của sách Sáng thế ký. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có một la bàn thuộc linh. Khi bị lạc như Adam và Êva, chúng ta hãy thú nhận rằng mình đang bị lạc. Sau đó, Ngài muốn chúng ta bay lên cao; hay nói theo cách khác, chúng ta di chuyển theo hướng Ngài dẫn dắt. Khi làm như vậy, chúng ta khám phá rằng, Ngài đang hướng về chúng ta. Chúng ta cũng phải dè dặt hay thận trọng khi bị lạc. Đừng thực hiện một quyết định quan trọng nào khi quí vị bị lạc. Điều có ý nghĩa nhất về sự áp dụng câu chuyện nầy là hãy liên lạc, hay đến và thưa chuyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn đối thoại với quí vị. Đó chính là sứ điệp của phần Kinh Thánh nầy. Ma-ri là mẹ Chúa Jêsus đã nói rằng, “Người nói gì hãy vâng theo cả.” Đây luôn luôn là một qui luật: Luôn luôn làm theo những gì mà quí vị tin rằng Chúa đang phán dạy quí vị.

 

Trong Sáng thế ký chương 3, chúng ta đã thấy những kết quả tích cực như Đức Chúa Trời tìm kiếm chúng ta, nỗ lực để cứu chúng ta. Quí vị cũng thấy lời tiên tri tại câu 15 chương 3, lời tiên tri đầu tiên về Đấng Mê-si-a, chứ không phải đợi đến Sáng thế ký chương 12, chúng ta mới thấy chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời để cứu chuộc nhân loại qua câu chuyện của Áp-ra-ham. Trong Sáng thế ký chương 3 câu 15, Đức Chúa Trời bày tỏ chương trình vĩ đại của Ngài khi Chúa phán với con rắn rằng,

“Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.”

 

Đây chính là lời tiên tri đầu tiên về Đấng Mê-si-a. Đức Chúa Trời sẽ  sai một Đấng đến trong thế gian nầy, Đấng đó sẽ sửa lại mọi sự. Thật là một bức tranh tuyệt vời về Đấng Mê-si-a sau khi con người sa ngã.

 

Dĩ nhiên, có nhiều hậu quả tiêu cực cho người nữ, người nam cũng như giữa người nam và người nữ với nhau. Hậu quả nghiêm trọng nhất được chép ở cuối chương. Con người bị phân cách với Đức Chúa Trời. Họ bị đuổi ra khỏi vườn. Đây là điều cần phải cảnh giác. Sứ điệp của Đức Chúa Trời có thể được mô tả như thế nầy: “Nếu ngươi không coi trọng lời của Ta, không nhìn mọi nhu cầu của ngươi qua ánh sáng của lời Ta, không sống bằng mỗi lời Ta ban cho thì ngươi sẽ bị quét khỏi hành tinh nầy.” Tôi nghĩ rằng, đó là điều có thể xảy ra trong thời đại chúng ta. Cuối chương cho biết rằng, có gươm lưỡi chói lòa canh giữ con đường đến sự sống. Đức Chúa Trời và con người bị phân cách, chỉ có một con đường để con người trở lại cây sự sống đó là con đường qua lưỡi gươm. Nhiều người tin rằng, lưỡi gươm sáng chói chỉ về Chúa Jêsus là Lời Hằng sống; bởi vì, Ngài là con đường duy nhất để trở lại. Khi đến trong thế gian, Ngài phán rằng, “Ta là đường đi, ngoài Ta không có con đường nào khác.” Gươm sáng chói cũng có thể chỉ về Lời Đức Chúa Trời. Bởi vậy, theo một nghĩa rất thực tế, Lời Đức Chúa Trời là con đường duy nhất đem con người trở lại với cây sự sống.

 

 Chương 4 lại đề cập đến một hậu quả khác của sự sa ngã, đó là sự xung đột giữa hai anh em Ca-in và A-bên. Chương nầy nói về sự xung đột đã xảy ra trong quá khứ, nhằm giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nó cho ngày hôm nay. Chúng ta ở trong tình trạng xung đột lẫn nhau: vợ chồng xung đột với nhau, con cái xung đột với cha mẹ, công nhân xung đột với chủ xí nghiệp, biểu tình đình công xảy ra liên miên, quốc gia nầy xung đột với quốc gia khác. Sự xung đột trở thành một nan đề lớn trong thời đại hiện tại. Con người hầu như thất bại khi giải quyết nan đề nầy.  Qua Sáng thế ký chương 4, Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta thấy những yếu tố chính gây ra xung đột và vài giải pháp để giải quyết tình trạng nầy. Ngài chỉ dạy cho chúng ta qua câu chuyện đau lòng hai anh em Ca-in và A-bên.

 

Câu chuyện về hai anh em nầy rất quen thuộc với chúng ta. Ca-in có ý định dâng của lễ cho Đức Chúa Trời. Vì Ca-in là một nông gia nên dâng thổ sản cho Chúa. Em của Ca-in là A-bên, làm nghề chăn chiên nên dâng lên Chúa bằng súc vật. Nếu đọc câu chuyện nầy cách cẩn thận, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không hài lòng về chính con người của Ca-in. Ca-in không được Đức Chúa Trời chấp nhận; bởi vậy, Ngài không chấp nhận của lễ Ca-in dâng lên. Xin lưu ý điều nầy cách cẩn thận. Kinh Thánh cũng ghi rằng, Đức Chúa Trời hài lòng về A-bên. A-bên là người được Đức Chúa Trời chấp nhận; bởi vậy, Ngài nhậm lễ vật của A-bên. Khi đọc câu chuyện nầy nhiều người nói rằng, “Điều sai lầm của Ca-in là ông không dâng súc vật như được chỉ bảo.” Điều nầy không có trong bản văn.

 

Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu hai khái niệm. Khái niệm thứ nhất liên quan đến chữ “exegesis” hay có nghĩa là giải kinh.  Chữ nầy có nghĩa là “trình bày hết mọi ý nghĩa trong câu văn của Kinh Thánh.” Thông thường, một sinh viên trường Kinh Thánh phải học Hy văn để chuẩn bị cho chức vụ giảng dạy sau nầy. Năm đầu, họ sẽ học về văn phạm; những năm sau, họ sẽ học về exegesis, hay nghiên cứu và giải nghĩa  Kinh Thánh. Họ phải tìm hiểu trình bày mọi điều mà câu Kinh Thánh đó nói đến.

 

Ngược lại với “exegesis” là “eisegesis”. Chữ nầy có nghĩa là thay vì nói điều Kinh Thánh nói thì lại nói điều Kinh Thánh không nói. Một nguyên tắc khi học Kinh Thánh, đó là đừng đưa điều gì vào một câu Kinh Thánh mà Kinh Thánh không có ý  nói đến. Ví dụ trong câu chuyện sáng tạo, nhiều người cho rằng có một đại biến xảy ra giữa câu 1 và câu 2. Kinh Thánh không hề nói như vậy. Đây chính là lối suy diễn gán cho Kinh Thánh điều mà  Kinh Thánh không nói đến.

 

Khi đến câu chuyện của Ca-in và A-bên, rất dễ để gán cho Kinh Thánh điều mà Kinh Thánh không nói đến. Ca-in không hề được chỉ dạy là phải mang súc vật làm sinh tế. Trong sách Lê-vi ký, dân chúng được bảo dâng thổ sản nếu họ sản xuất ra thổ sản. Bởi thế của dâng không  phải là điều quan trọng trong câu chuyện nầy, nhưng điều quan trọng chính là người dâng. Chương 11 của sách Hê bơ rơ, có giải thích câu chuyện nầy và khẳng định rằng, A-bên thông qua của dâng đã chứng tỏ ông là người công bình. Đức Chúa Trời quan tâm đến con người nhiều hơn là của dâng. Nếu được đặt tên thì Ca-in sẽ mang tên “Nguyễn Khước Từ ”. Chúng ta không được biết vì sao ông lại bị khước từ. Ông ấy đã bị như vậy; và chắc chắn, Đức Chúa Trời có lý do cho mỗi thái độ và hành động của Ngài mà Chúa không luôn luôn giải thích cho chúng ta. Còn A-bên được đặt tên là “Nguyễn Chấp Nhận.” Bây giờ, cả hai ông Nguyễn Khước Từ và Nguyễn Chấp Nhận mang của lễ đến dâng lên Đức Chúa Trời. Ngài không nhận lễ vật của ông Nguyễn Khước Từ nhưng nhậm lễ vật của ông Nguyễn Chấp Nhận. Kết quả là ông Nguyễn Khước Từ bực mình và giận dữ . Thái độ giận dữ cũng là điều phổ thông ngày nay.

 

Bài tập cho quí vị là đọc câu chuyện rất quen thuộc nầy. Thử tìm xem có bài học áp dụng nào để đối phó với sự giận dữ và chán nản.

 

Trong khi đọc, xin tự hỏi các câu nầy: “Câu chuyện nầy nói điều gì? Nó có ý nghĩa gì? Và nó có ý nghĩa gì đối với tôi?” Nếu đang có sự giận dữ, chán nản hoặc cả hai, quí vị sẽ tìm thấy sự giúp đỡ qua câu chuyện quen thuộc nầy.

 

 

Bài trướcHuấn Luyện Thánh Kinh Hè 2012 Cho Các Giáo Viên Tại Tỉnh Tiền Giang.
Bài tiếp theoBài 13: Loài Người Bị Sa Ngã