SỰ CỨU RỖI TỪ TRỜI

5150

 Mục sư Nicky Gumble người Anh đã nhận xét rất tinh tế và chính xác về lễ Giáng sinh trong xã hội hiện đại như sau: “Lễ giáng sinh ngày nay đã làm lu mờ hình ảnh của Chúa Cứu Thế!”. Thật vậy, lễ Giáng sinh ngày càng bị thế tục hóa. Lễ Giáng sinh ngày nay đã trở thành lễ hội văn hóa quốc tế, là dịp để vui chơi, ăn uống, mua sắm chứ không còn ý nghĩa đích thực của lễ Giáng sinh như đáng phải có. Người ta vui Giáng sinh, ăn Giáng sinh, mừng Giáng sinh mà không biết Đấng Giáng sinh là ai. Người ta cố tình loại bỏ Chúa là Đấng từ trời giáng sinh nơi trần gian để đem sự cứu rỗi đến cho con người.

Với chủ đề “Đấng Cứu Thế”, Hội Thánh Tin Lành chúng ta muốn tìm về ý nghĩa đích thực của lễ Giáng sinh đầu tiên để tôn cao và rao giảng Chúa Giáng sinh là Đấng Cứu Thế duy nhất của cả nhân loại, như thiên sứ đã báo trong đêm Chúa giáng sinh đầu tiên “…này, ta báo các ngươi một tin lành, sẽ là sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa “ (Lu-ca 2:10-11) và cũng khẳng định một lần nữa rằng “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

        NHÂN LOẠI ĐANG TUYỆT VỌNG CẦN MỘT ĐẤNG CỨU THẾ

  •  Nan đề của nhân loại

Từ khi phạm tội, xa cách Đức Chúa Trời, nhân loại bị mất phước và phải đối diện với nhiều nan đề, bế tắc trong đời sống. Ba nan đề lớn mà nhân loại phải đối diện xưa nay là tội ác, đau khổ và sự chết mà không ai thoát khỏi được. Điều hay nhất mà Đức Phật đã khám phá ra là “đời là bể khổ” và tìm cách giải thoát theo con đường mình cho là đúng, nhưng xem vô vọng, bất lực. Thánh Phao-lô cũng phải than lên rằng “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?(Rô-ma 7:24).

Xưa nay có nhiều tôn giáo, nhiều giáo chủ tìm con đường giải thoát cho nhân loại nhưng xem ra bất lực trước nan đề tội lỗi, đau khổ và sự chết. Nhà thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều phải than lên rằng “Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”.

  • Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác

Xưa nay các nhà hiền triết, các giáo chủ các tôn giáo tìm cách đưa ra những giáo thuyết cao siêu, phương cách hay ho nhằm giải thoát con người ra khỏi sự chết nhưng cuối cùng bất lực, vì chính họ cũng nằm yên trong nấm mộ.

Thật vậy, con người không thể tự cứu mình mà cần nhờ một thế lực siêu nhiên bên ngoài giúp đỡ. Kinh Thánh khẳng định “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Con người không thể tự cứu mình mà cần sự cứu vớt từ bên ngoài của Đấng toàn năng. Đó là sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu, sự cứu rỗi từ trời. Ngay từ khi con người phạm tội và bị án phạt phải chết thì Đức Chúa Trời đã dự bị một phương cách cứu rỗi cho nhân loại, đó là Ngài đã sai chính Con Ngài đến thế gian để hy sinh chuộc tội cho nhân loại. Chúa Giê-xu, Ngài là ai? Tại sao Ngài có thể ban ơn cứu rỗi nhân loại?

  •  Danh hiệu của Đấng Cứu Thế

Trong đêm Chúa giáng sinh, Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ đến báo tin cho các người chăn chiên ngoài đồng đang thức đêm canh giữ bầy chiên rằng: “…này, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11). Đấng Cứu Thế có nhiều danh hiệu cao quí, mà Thánh Lu-ca đề cập ở đây ba danh hiệu đáng nhớ: Giê-xu, không phải tên bình thường mà là một danh hiệu, có nghĩa là Đấng Cứu rỗi theo từ gốc Hy-bá-lai là Giô-sua; Christ là từ Hy Lạp, nghĩa là Đấng được xức dầu (ám chỉ Ngài là Vua); Chúa nghĩa là chủ, Đấng chủ tể trời đất, muôn vật. Ba từ này nhằm mô tả Chúa là Đấng Cứu Thế, Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết về năm danh hiệu mà tiên tri Ê-sai bảy trăm năm trước Chúa giáng sinh đã nói tiên tri về Ngài: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an” (Ê-sai 9:5). Sở dĩ Kinh Thánh mô tả Đấng Cứu Thế với nhiều danh hiệu như vậy với hàm ý rằng Ngài Đấng Cứu Thế từ trời, độc nhất vô nhị, không ai giống như Ngài.

             SỰ CỨU RỖI TỪ TRỜI QUA CHÚA GIÊ-XU

Nhân loại đang sống trong tình trạng tuyệt vọng giống như một người bị rơi xuống vũng bùn lầy không thể tự cứu, không thể tìm đâu sự giải thoát, cứu vớt ngoại trừ giơ bàn tay ra nhận lấy sự cứu giúp từ trời, vì ở dưới trời này không có ai có thể giải cứu con người như Kinh Thánh dạy. Đây là kế hoạch cứu rỗi kỳ diệu của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng, khôn ngoan đã dựng nên con người và biết rõ những yếu đuối bất lực của con người và Ngài ra tay cứu giúp. Sự cứu rỗi từ trời có thể được mô tả cô đọng trong bốn điều sau đây:

  • Con Trời trở nên Con người (Giăng 1:14)

“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha”.

Đấng Cứu Thế của nhân loại không đến từ con người, từ đất, mà đến từ Đức Chúa Trời, từ trời, vì thế Ngài có danh hiệu kỳ diệu là “Em-ma-nu-ên” nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 1:23), bởi vì Ngài mang lấy thân xác loài người qua sự nhập thể mầu nhiệm.

 Ngài trở nên Đấng Trung bảo hay trung gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người. Sự nhập thể mầu nhiệm này khiến cho Đấng Cứu Thế vừa mang nhân tính vừa mang thần tính, là Đấng “Thần Nhân” để có thể làm Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người (1 Ti-mô-thê 2:5). Không ai có đủ tư cách để làm trung gian giữa Trời và người ngoại trừ Chúa Giê-xu.

Nhà thần học Anathasius đã phát biểu một câu bất hủ về sự nhập thể mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế như sau: “Con Trời đã trở nên Con Người để con người trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Son of God became Son of man that the sons of men might become the sons of God).

  • Thập tự giá: Trung tâm điểm của sự cứu chuộc (Rô-ma 5:8)

Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

Sự giáng sinh chỉ là khởi điểm của chương trình cứu chuộc, nhưng thập tự giá mới là trung tâm điểm của chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Đấng Cứu Thế sinh ra không phải để sống, nhưng để chết như một sinh tế chuộc tội cho cả nhân loại. Chúa đổ huyết ra trên thập tự để bôi xóa tội của cả nhân loại, như Kinh Thánh chép “huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7b).

Thập tự giá, nơi Chúa chịu hy sinh đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự cứu chuộc. Ngày nay không chỉ Hội Thánh dùng biểu tượng thập tự giá, mà Chúa đã khiến cho cả nhân loại cũng dùng dấu hiệu này trong các bệnh viện, xe cứu thương, hội Chữ Thập đỏ để làm biểu tượng cho tình thương, sự cứu giúp. Điều này thật có ý nghĩa và kỳ diệu.

  • Niềm hy vọng nơi Chúa Phục sinh (Giăng 11:25)

“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”.

Tôi lỗi sinh ra sự chết và con người bất lực trước cái chết. Nhưng Chúa Giê-xu đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết của Ngài và Ngài đã sống lại từ cõi chết để ban cho nhân loại sự sống và sự sống vĩnh cửu. Ngài là Chúa giáng sinh và Ngài cũng là Chúa phục sinh. Tất cả những người tin nơi Đấng Cứu Thế có được niềm hy vọng sống cho tương lại như lời Chúa phán “Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống”.

  • Sự cứu rỗi là quà tặng của Thiên Chúa (Ê-phê-sô: 2:8)

“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.

Khác với các tôn giáo đời này dựa vào nỗ lực bản thân để tu thân tích đức hầu đạt sự giải thoát. Sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu là một ơn ban, là hồng ân của Thiên Chúa. Bởi vì sự cứu rỗi linh hồn không thể nhờ sức người mà được nhưng nhờ quyền năng và sự đắc thắng của Chúa Cứu Thế. Sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu là quà tặng của Đức Chúa Trời nhờ ân điển, bởi đức tin.

Nếu các tôn giáo dạy sự cứu rỗi, giải thoát là do tu trì, nỗ lực để đạt được, thì ngược lại, sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu là quà tặng vô điều kiện chỉ nhận lãnh bằng đức tin mà thôi.

Đó là sự cứu rỗi từ trời, do Chúa ban cho dành cho mọi người có lòng tin. Sự cứu rỗi từ trời nhờ TIN chứ phải TU như Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (1 Ti-mô-thê 1:15).

  KẾT LUẬN  

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng thuật lại câu chuyện thú vị về một tu sĩ Phật giáo đã tìm thấy chân lý cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Tôi có dịp đọc tập sách viết tay có tựa đề “Từ cội bồ đề đến chân thập tự”. Sư cô Diệu Thông đã thuật lại cơ hội sư cô tin Chúa như sau: Sư cô Diệu Thông tu trong chùa từ lúc 10 tuổi vì gia đình cô có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhưng một hôm, cô đọc được trong tập sách nói về Tin Lành thì cô bắt gặp một câu Kinh Thánh làm cô băn khoăn thắc mắc: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12). Cô tự hỏi: như vậy thì tại sao không tin Chúa mà lại tin Phật? Rồi một hôm, vào năm 1941, cô tìm đến nhà thờ Tin Lành Thủ Đức để hỏi cho ra lẽ, và vị mục sự đã cắt nghĩa tường tận cho cô hiểu và cô cùng cả gia đình cô đều quỳ gối tiếp nhận Chúa. Cô đã gặp Chúa và cuộc đời từ đó được biến đổi vì sư cô nhận biết chẳng có sự rỗi trong đấng nào khác ngoại trừ Chúa Giê-xu, vì Ngài phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Trinh Phan
Mùa giáng sinh 2023

 

Bài trướcTruyện ngắn: ƠN CHÚA DIỆU KỲ
Bài tiếp theoTĩnh Tâm Giáng Sinh 2023 – ĐẤNG CỨU THẾ – NIỀM VUI LỚN