Hy Vọng Trong Chúa Phục Sinh

4846

Có thể gọi I Phi-e-rơ là thư tín về sự hy vọng tin quyết giữa khổ nạn trăm bề cho những Cơ Đốc nhân đang kiều ngụ rải rác khắp các tỉnh của đế quốc La Mã, tại vùng Tiểu Á, và mỗi chúng ta. Bởi lẽ, trải qua mọi thế đại, nhân loại như chiên đi lạc, ai theo đường ấy. Nên Đức Chúa Giê-xu Christ đã sẵn sàng gạt bỏ một bên địa vị cao trọng, giáng thế làm người. Dù là Con, nhưng Ngài vẫn học bài học vâng lời theo ý Cha, bước lên Thập tự giá, gánh lấy mọi tội của thế nhân. Ngài cam chịu trở nên như một kẻ bị rủa sả, để cho những ai tin Ngài, một “cơ nghiệp bền vững”.

CƠ NGHIỆP BỀN VỮNG

Được sanh lại

Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:3-4).

Niềm hy vọng về một cơ nghiệp bền vững, được hứa dành cho các Cơ Đốc nhân đang đối diện với bắt bớ, hoạn nạn, thất vọng, cô đơn, … Cơ nghiệp này có những phẩm chất là “không hư đi, không ô uế, không suy tàn, …được để dành trên các từng trời”. Chính Chúa là Đấng gìn giữ, duy trì và bảo quản.

Nhưng chính Đức Chúa Giê-xu đã từng trả lời quả quyết với Ni-cô-đem “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3).

Vì vậy, điều kiện để nhận được cơ nghiệp bền vững này là bản thân mỗi người phải được sanh lại. Không có nghĩa là trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai theo suy nghĩ của ông Ni-cô-đem. Nhưng ngay khi một người đặt lòng tin trọn vẹn nơi Đức Chúa Giê-xu, thì Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng, tái tạo người đó trở nên mới, khác với con người cũ tội lỗi.

Tin Chúa thật lòng là con đường duy nhất để bước vào cánh cửa cứu rỗi, nhận lấy cơ nghiệp bền vững, đời đời. Một người được sanh lại sẽ có tấm lòng và đời sống đổi mới, ghét tội lỗi và yêu mến Chúa.

Hy vọng sống

Khi tin Chúa thật lòng, mỗi chúng ta có quyền hy vọng chắc chắn, nhận được cơ nghiệp bền vững Chúa để dành trên các từng trời. Đây là một hy vọng sống động, chứ không phải là hy vọng trong vô vọng. Vì hy vọng về cơ nghiệp bền vững này, đặt cơ sở trên sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu Christ “đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống” (I Phi-e-rơ 1:3b).

Sứ đồ Phao-lô cho thấy sự đáng thương, và tội nghiệp của những ai không tin vào sự Phục sinh (I Cô-rinh-tô 15:12-19):

  • Lịch sử chứng minh Đấng Christ đã sống lại, sao vẫn có người nói những kẻ chết sẽ không sống lại.
  • Nếu những kẻ chết không sống lại, tức là phủ nhận sự kiện Chúa Giê-xu đã sống lại.
  • Nếu cho rằng Đức Chúa Giê-xu Christ đã không sống lại, một mặt người ấy phủ nhận lịch sử, một mặt đức tin của họ nơi Chúa là vô ích. Người ấy, vẫn còn ở trong tội lỗi, và chờ đợi sự đoán phạt đời đời mà mình không biết.
  • Tất cả những lời làm chứng, dạy dỗ của các sứ đồ đều là giả dối. Những người đã tin Chúa và chết cũng sẽ hư mất. Thật tội nghiệp cho những ai không biết mình đang chuẩn bị nhận sự đoán phạt đời đời.

Đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng đã sống lại là một hy vọng sống động, và chắc chắn.

ĐƯỢC BẢO ĐẢM CHẮC CHẮN

Bởi đức tin và quyền phép của Chúa

là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!” (I Phi-e-rơ 1:5).

Hy vọng nhận được cơ nghiệp bền vững được bảo đảm vì hai lý do:

Thứ nhất, đức tin của cá nhân người đó, vì nếu “không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6). Khi đã không có đức tin, thì những hoạt động tôn giáo cũng chỉ là vô nghĩa, người đó sẽ chẳng nhận được gì từ Đức Chúa Trời. Vì họ, không thể kêu cầu ở một Đấng mà mình không tin, nhưng Chúa khẳng định: “Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu ta, sẽ đi và cầu nguyện ta, và ta sẽ nhậm lời” (Giê-rê-mi 29:12). Và cơ nghiệp bền vững trên các từng trời, là một thứ hy vọng trong vô vọng.

Thứ hai, khi một người đặt lòng tin vào Chúa Giê-xu, Đấng đã chết và sống lại, người ấy được Đức Thánh Linh tái tạo thành người mới, được đưa vào gia đình của Đức Chúa Trời, được gọi Chúa là Cha (Giăng 1:12). Chính Đức Thánh Linh sẽ ở cùng, gìn giữ và bảo vệ người đó trước mọi hoạn nạn, thử thách để họ vẫn không bỏ Chúa.

Bởi vậy, một người mất cơ nghiệp bền vững, đời đời là vì họ bỏ Chúa, do không có đức tin thật nơi Chúa, là Đấng đã chết và đã phục sinh. Nên, những ai tin Chúa thật lòng thì đừng buồn, đừng thất vọng trước những hoạn nạn, đau thương trăm bề trước mắt. Vì tất cả những điều chúng ta chịu chỉ là sự buồn bã tạm thời.

Dù phải buồn bã ít lâu

Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu” (I Phi-e-rơ 1:6).

Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên anh em trong đức tin, luôn giữ một tâm thế vui mừng khi đang phải đối diện với những sự thử thách trăm bề. “Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra” (I Phi-e-rơ 1:7). Mỗi Cơ Đốc nhân cần nhận thức việc giữ vững đức tin trong sự đau khổ, sỉ nhục, thiếu thốn, mất mát, … giống như vàng bị nung chảy, để những chất cặn bã nổi lên bề mặt, và có thể vớt bỏ đi. Đức tin vượt qua hoạn nạn, thử thách sẽ tăng trưởng, vững vàng, tinh ròng, và được Chúa trân trọng… Cơ Đốc nhân như thế, sẽ trở thành người làm công không chỗ trách được, và hữu dụng cho Đức Chúa Trời.

PHẦN THƯỞNG CỦA SỰ HY VỌNG

Sinh ra đức tin biết chắc

Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến; dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài, và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển:” (I Phi-e-rơ 1:8). Làm sao có thể yêu mến và đặt lòng tin chắc vào một Đấng mà chúng ta không thấy? Đức tin đắc thắng hoạn nạn, thử thách, …sẽ khiến cho Cơ Đốc nhân có được sự vui mừng khôn tả ngay trong những khó khăn hiện tại. Còn tương lai, là viễn cảnh họ được vui hưởng sự cứu rỗi cách trọn vẹn, trong sự hiện diện của Chúa Giê-xu, vì họ đã trung tín cho đến chết (Khải Huyền 2:10).

Gióp là tấm gương về hành động giữ vững đức tin trong hoạn nạn, mất mát, bệnh tật, …hy vọng nơi một Đức Chúa Trời toàn năng “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm.” (Gióp 42:2). Bởi vậy, ông nhận được sự an ủi và hy vọng, dù đang ở trong hoạn nạn “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài” (Gióp 42:6). Phần thưởng của đức tin biết chắc là sự bình an trong hiện tại, và tương lai tin quyết vào sự cứu rỗi đã định sẵn.

Sự cứu rỗi định sẵn từ Đức Chúa Trời

vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển: nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình” (I Phi-e-rơ 1:8b-9). Đức tin trong Chúa phục sinh sẽ ban cho Cơ Đốc nhân có một sự vui mừng không xiết kể. Đó là niềm vui vinh quang tràn ngập, không diễn tả được trong ngày nhận phần thưởng là sự cứu rỗi. “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:10), đây là sự cứu rỗi được định sẵn và rao truyền không bởi ý người, nhưng bởi sự linh cảm của Đức Thánh Linh trên các tiên tri để họ nói ra “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 1:21). Nên Cơ Đốc nhân càng có hy vọng về sự cứu rỗi trong Chúa Phục Sinh, nếu giữ đức tin trung tín cho đến chết.

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcSự Cám Dỗ Đến Từ Tiên Tri Giả – 18/4/2022
Bài tiếp theoUBKT: Thư Ngỏ Xây Dựng Nhà Thờ Tin Lành Việt An