Được Ơn Trong Mùa Giáng Sinh

3331

Chúng ta đang ở trong những ngày cuối của Mùa vọng (Adventus – sự đến). Mùa vọng hàm ý sự trông mong, hy vọng của con dân Chúa trong mùa Giáng sinh. Bạn và tôi trông mong hy vọng gì trong mùa Giáng sinh? Có lẽ mỗi chúng ta đều khao khát trông mong được ơn dư dật của Chúa trong mùa ơn phước này. Mùa giáng sinh là mùa Thiên Chúa ban hồng ân cho nhân loại qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Là con dân Chúa, chúng ta khao khát được ơn của Chúa để phục vụ Ngài, rao truyền ơn cứu rỗi cho đồng bào.

Trong câu chuyện giáng sinh, sách Tin Lành Lu-ca ghi lại một cách đặc biệt về một người được nhắc đến hai lần là “người được ơn” (Lu-ca 1:28,30). Đó là bà Ma-ri. Cần lưu ý là Ma-ri được Kinh Thánh chép là người được ơn chứ không phải người ban ơn và thiên sứ hiện đến chào bà chứ không thờ lạy bà.

Kinh Thánh thường nói đến hai chữ “được ơn” trước mặt Chúa, được ơn trước mặt chủ. Được ơn trước mặt Chúa có nghĩa gì? Được ơn trước mặt Chúa là được Chúa đẹp lòng, được Chúa yêu mến. Một người được ơn trước mặt Chúa là người như thế nào?

Được Chúa Ở Cùng

Lu-ca ghi lại rằng Chúa sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cùng Ma-ri và phán những lời khiến cho cô vô cùng bối rối và khó hiểu: “Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi” (c.28). Vì thế, thiên sứ đã giải thích tiếp để cô hiểu rõ sứ mệnh đặc biệt Chúa giao và điều kỳ diệu sẽ xảy đến cho cô. “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình” (c.35).

  •  Đức Thánh Linh đầy dẫy và sự che phủ thuộc linh

Một người được Chúa ở cùng là người được ơn đặc biệt, được “Đức Thánh Linh sẽ đến trên” “quyền phép của Đấng Rất Cao che phủ” người ấy. Động từ “đến trên”  (eperchomai) diễn tả sự đến bất ngờ và ảnh hưởng trên người ấy. Đó là tình trạng được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Trong thời Cựu ước Đức Thánh Linh chỉ ở với những người đặc biệt thôi, nhưng trong thời Tân ước, Đức Thánh Linh được ban xuống để ở với mỗi con dân Chúa và ở cùng chúng ta luôn luôn. Người được Chúa ở cùng cũng là người kinh nghiệm sự che phủ thuộc linh, tức được Chúa bảo vệ, che chở trong bóng cánh toàn năng của Ngài. Tác giả Thi Thiên 121 viết “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi. Mặt trời sẽ không giọi ngươi lúc ban ngày, Mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm.” (c.5-6)

  • Làm thế nào để Chúa ở cùng chúng ta?

Thiên sứ hiện đến với Ma-ri khi bà đang ở đâu? “Chỗ người nữ ở”. Kinh Thánh không nói rõ chỗ nào nhưng chúng ta có thể đoán rằng có lẽ đó là trong phòng riêng lúc bà đang cầu nguyện một cách riêng tư với Chúa, vì Ma-ri là thiếu nữ hiền lành tin kính, có mối tương giao gần gũi với Chúa.

Một người muốn được Chúa ở cùng phải có mối tương giao mật thiết với Chúa. Kinh Thánh chép Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài” (Thi Thiên 145:18).

Mùa vọng là trông chờ, hy vọng, khao khát tìm kiếm Chúa. Muốn được ơn, được Chúa ở cùng thì chúng ta phải dành thì giờ, tìm kiếm Chúa, nghe Chúa phán dạy.

Được Chúa Sử Dụng

Một người được ơn trước mặt Chúa là người được Chúa dùng, sử dụng cho công việc Chúa. Ma-ri được đặc ân Chúa sử dụng như một phương tiện để đưa Đấng Cứu Thế vào đời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài ( Lu-ca 1:31).

Thiết nghĩ Ma-ri không ngờ mình lại được Chúa ban đặc ân và sử dụng một cách đặc biệt, ngoài sức tưởng tượng như vậy. Trong hàng vạn phụ nữ Do Thái, Ma-ri chỉ là một thiếu nữ đơn sơ, vô danh tiểu tốt nhưng lại được Chúa chọn và sử dụng để làm phương tiện cho Thiên Chúa đến với con người, “Ngôi Lời trở nên xác thịt”. Đây là sự mầu nhiệm vượt quá trí óc hữu hạn của con người. Ma-ri thực sự cảm biết điều đó khi bà ca ngợi Chúa “Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước. Bởi Đấng Toàn năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh.” (Lu-ca 1:48,49)

Cảm tạ Chúa vì Ngài thường dùng những người tầm thường, hèn mọn để làm những việc phi thường cho Ngài như Ma-ri. Mỗi chúng ta cũng là những người tầm thường nhưng được Chúa cứu và sử dụng để làm ích lợi cho Ngài. Chúa dùng chúng ta để đem Chúa Giê-xu và Phúc âm đến với mọi người. Thật vậy “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Xin Chúa giúp đỡ mỗi chúng ta sống một đời sống tốt đẹp xứng đáng để được Chúa sử dụng làm vinh hiển danh Ngài, như Phao-lô đã khích lệ: “Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 2:21).

  • Vâng Phục Và Trả Giá

Người được ơn của Chúa và được Chúa dùng cũng thường bị hiểu lầm vu oan, sỉ nhục. Khi Ma-ri được Chúa sử dụng làm phương tiện để Chúa vào đời thì bà phải trả giá khá đắt: bà bị hiểu lầm, vu oan, sỉ nhục, bị coi là người nữ không giữ trinh tiết và bị chính người yêu mình là Giô-sép toan âm thầm ly hôn nếu không được Chúa sai thiên sứ đến trong giấc mơ và phán truyền với ông: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus , vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:20-21).

Cám ơn Chúa, sau khi hiểu được ý nghĩa của lời Chúa phán với mình, Ma-ri vì cớ Chúa và kính sợ Ngài bà sẵn sàng chịu sỉ nhục vu oan. Với thái độ khiêm nhu, vâng phục, Ma-ri đã thưa với thiên sứ “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Ma-ri” (Lu-ca 1:38).

  • Khiêm nhường, vâng phục, sẵn sàng trả giá vì cớ Chúa

Chúng ta học được bài học quý báu về sự phục vụ Chúa qua gương Ma-ri: Khi chúng ta phục vụ Chúa, được Chúa sử dụng và được ơn trước mặt Chúa thì chúng ta cũng phải trả giá như Ma-ri: bị hiểu lầm, vu oan, mang tiếng xấu, bị sỉ nhục, nhưng chúng ta cứ vững lòng bước đi với Chúa, học theo gương Phao-lô không hề nao núng lùi bước “Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt.” (2 Cô. 6:8). Thánh Phi-e-rơ cũng khích lệ chúng ta: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (1Phi 4:14)

“Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lê” (I Phi-e-rơ 5:6).

Được Chúa Ban Phước Để Chia Sẻ Phúc Âm Cho Mọi Người

Người được ơn của Chúa, được Chúa sử dụng, bị vu oan, sỉ nhục cũng là người được phước vì Chúa sẽ bênh vực và ban phước dư dật trên người ấy. Vì vậy, trong bài ca tụng của Ma-ri, bà nói “Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là người có phước.” Ma-ri vui mừng ca ngợi Chúa vì biết mình chịu khổ là vì Chúa. Vì thế, cũng trong thời gian đó, Ma-ri chỗi dậy vội vàng vượt đồi lội suối đi đến làng bên cạnh để báo tin vui cho người bà con là Ê-li-sa-bét đang mang thai Giăng Báp-tít. Ma-ri có niềm vui vô hạn vì có Chúa Cứu Thế trong lòng và muốn chia sẻ niềm vui đó cho nhiều người. Xin Chúa cũng ban niềm vui, phước hạnh tràn ngập trong lòng để chúng ta cũng sốt sắng rao báo tin mừng cho mọi người chung quanh trong mùa giáng sinh này. Người được ơn của Chúa là người được thúc giục rao truyền Tin lành cho những người chưa biết Ngài, nhất là những người bà con, bạn bè thân quen để họ cũng được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa.

Ai là người được ơn trong mùa Giáng sinh? Bạn tôi và tôi có được ơn Chúa không? Thực ra mỗi chúng ta là những Cơ Đốc nhân thật đều là người đã được ơn của Chúa vì chúng ta có Chúa giáng sinh trong lòng, có Đức Thánh Linh ở với mình, chúng ta thật là người được ơn của Chúa. Nhưng rất tiếc chúng ta chưa cảm nhận một cách sâu xa, mạnh mẽ  về ơn cứu rỗi Chúa ban cho mình, chúng ta đang xao lãng về những chuyện đời này, hoặc chúng ta đang “yêu thế gian và những vật của thế gian” khiến chúng ta xa cách Chúa, thiếu ơn Chúa!

Mùa giáng sinh trở về là thời điểm để khơi dậy ơn Chúa trong đời sống con dân Chúa, là cơ hội để chúng ta nhen lại ơn Chúa, được Chúa thăm viếng để trở thành những người được ơn Chúa: Được Chúa ở cùng, được Chúa sử dụng, được phước dù bị vu oan sỉ nhục và luôn  sốt sắng rao truyền Tin lành cho mọi người. A-men!

Hãy khao khát và cầu nguyện như Môi-se “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13)

Trịnh Phan (Mùa Giáng sinh 2020)

Bài trướcĐắk Lắk: Cung Hiến Nhà Thờ Tin Lành Buôn Dhŭng
Bài tiếp theoHội Thánh Cuôr Dăng – Đắk Lắk: Phước Hạnh Trong Nhà Chúa