Nói là một cách để con người có thể giao tiếp với nhau. Có nhiều cách thể hiện lời nói:
- Nói bằng miệng.
- Nói bằng ngôn ngữ cơ thể (body language): Qua ánh mắt, qua biểu cảm trên gương mặt…
- Nói bằng âm nhạc: Dùng âm nhạc để “Thay lời muốn nói”.
- Nói bằng hành động: Một cái vỗ vai động viên, một cái bắt tay thật chặt, một cái nắm tay cảm thông, một cái ôm, một sự hiện diện bằng ngàn lời nói, một sự vắng mặt là câu trả lời…
- Nói bằng một việc làm.
Những câu chuyện ngụ ngôn mang tính dạy dỗ được lưu truyền qua nhiều thế hệ phải có người kể và người nghe. Mọi thông tin dịch bệnh phải được nói ra để mọi người trong cộng đồng cùng hiểu. Tất cả đều phải nhờ vào lời nói. Thư Rô-ma 10:13-14 đã dạy rất rõ về điều này: “Vì ai kêu cầu Danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?”
Đứng trước tình hình dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, số người nhiễm bệnh tăng đến chóng mặt mỗi ngày, số người chết đã lên đến gần 60.000 (theo thống kê của WHO tính đến ngày 4/4/2020). 60.000 linh hồn đã ra đi, không biết bao nhiêu trong số đó được nghe nói về Chúa, và nếu dịch bệnh chưa khống chế được thì bao nhiêu người nữa sẽ ra đi mà chưa được cứu?
Trong lịch sử, thành Ni-ni-ve là một trong những thành đầu tiên do Nim-rốt xây dựng lại sau cơn Đại Hồng Thủy (Sáng Thế Ký 10:11). Thành rất lớn và đông dân, hơn 120.000 người (Giô-na 4:11), nếu không nhờ Tiên tri Giô-na nói cho họ biết về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời thì họ đã bị hủy diệt. Cho dù miễn cưỡng, nhưng Tiên tri Giô-na cũng đã cứu được dân thành Ni-ni-ve bằng lời nói: “Giô-na khởi đầu vào trong thành đi một ngày thì rao giảng và nói rằng: Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” Dân thành Ni-ni-ve đã phản ứng ra sao? “Dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ”, kể cả vua: “Tin đồn ấy đến vua Ni-ni-ve, vua đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro”. Kết quả, Đức Chúa Trời đã thay đổi ý định giáng tai họa cho họ.
Ngày nay, Lời Chúa rất cần được chia sẻ, nhất là trong lúc mọi người phải đương đầu với dịch bệnh mỗi ngày. Con người bất an, phải sống trong nỗi sợ hãi vì không ai nói cho họ biết về Chúa Bình An “Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an” (Ê-sai 9:5).
Thật vô cùng cảm động, khi hình ảnh cô y tá Lori Marie Key tại Bệnh viện St. Marcy Mercy Livonia, thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ đã hát vang khắp cả khoa bài “Ân điển lạ lùng” (Amazing Grace) trong buổi sáng giao ban. Trên facebook của mình, Key đã chia sẻ: “Trong thời gian này chúng tôi rất cần ân điển và lòng nhân từ của Chúa. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, những người đang công tác tại tuyến đầu với nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.” Bản thân cô Key biết đặt lòng tin cậy nơi Chúa, nhưng cô cũng đã mang tình yêu của Chúa để trấn an đồng nghiệp và bệnh nhân. Các nhân viên trong bệnh viện từ người biết Chúa đến người chưa biết Chúa đều bày tỏ sự cảm động khi nghe tiếng hát của cô vang cả khoa phòng. Họ cảm ơn Key đã giúp họ được bình an trước nỗi sợ hãi gia tăng mỗi ngày. Ít nhiều gì mỗi buổi sáng cô đã gieo vào lòng họ tình yêu của Chúa qua lời bài hát “Bàn tay Chúa hằng nắm giữ tôi”. Key cũng sẵn lòng cầu nguyện cho những bệnh nhân trở nặng, và những bệnh nhân đi dần đến cái chết.
Hình ảnh cô y tá Lori Marie Key hát vang bài thánh ca “Ân điển lạ lùng” trong bệnh viện
Sau đó đài truyền hình Fox News đã có cuộc phỏng vấn với cô. Ảnh chụp màn hình
Và đây là hình ảnh các bác sĩ, y tá tại bệnh viện Annie Penn Hospital tại thành phố Reidsville, tiểu bang North Carolina, đã cùng nhau ra sân bệnh viện để cầu nguyện. Họ quyết định thay vì chia sẻ thức ăn thì họ chia sẻ niềm tin cho nhau. Mọi người đều cảm thấy rất bình an sau mỗi buổi cầu nguyện vào giờ cơm trưa. Họ muốn đem niềm tin nơi Chúa để trấn an mình, đồng thời truyền đến cho những người chưa biết Chúa, cho cả bệnh nhân và thân nhân của họ. Ảnh: Fb Annie Penn Hospital
Đó là những con người bằng niềm tin của mình đã hết lòng mang ánh sáng của Chúa đến với mọi người, cho dù họ đang trong hoàn cảnh đầy sự khủng hoảng.
Còn chúng ta đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì trong bối cảnh mọi người phải sống trong nỗi lo sợ dịch bệnh. Chúng ta hành động thế nào khi bao nhiêu công nhân lao động sống bằng thu nhập tính theo giờ công, nay đang bị khốn khổ vì các cơ sở kinh doanh, công ty lớn nhỏ đều phải tạm đóng cửa. Những người đang “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nay phải nằm nhà vì lệnh cách ly xã hội. Họ đang đối mặt với sự đói kém. Một vài gói mì, 5-10 ký gạo, một chai nước mắm… trong lúc này hơn ngàn lời nói.
Lời Chúa trong Thư I Giăng 3:18 dạy: “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”. Chúng ta có thể đem đến những món quà vật chất để giúp nuôi cơ thể họ, qua đó họ cảm nhận được tình yêu của Chúa. Đồng thời chúng ta cũng có thể chia sẻ cho họ những món quà tinh thần.
Câu chuyện của một bệnh nhân người Ý, 93 tuổi bị nhiễm virus Corona. Sau khi được điều trị khỏi, trước khi ra viện, cầm hóa đơn viện phí 5.000 Euro (khoảng 130 triệu đồng), ông đã bật khóc. Mọi người nghĩ rằng ông không đủ tiền. Nhưng ông đã làm cho mọi người khóc vì câu trả lời của mình “Tôi không khóc vì số tiền phải trả, tôi có thể trả được hóa đơn này. Tôi khóc vì tôi dã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm, không bao giờ phải trả tiền. Nhưng phải mất 5.000 Euro để sử dụng máy thở trong vài ngày. Tôi thấy tôi nợ Chúa nhiều quá. Trước đây tôi không nhận ra để thưa với Chúa một lời cảm ơn” (Câu chuyện được loan truyền trên các phương tiện truyền thông).
Chúng ta phải nói thế nào cho mọi người hiểu rằng mỗi giây chúng ta đều phải thở để oxy vào cơ thể nuôi dưỡng các tế bào. Tế bào não chỉ cần 5 phút không có oxy sẽ chết không hồi phục. Mỗi phút chúng ta phải hít thở 12-15 lần. Mỗi ngày cơ thể chúng ta hít vào thở ra gần 19.000 lít không khí, trong đó có khoảng 40 kg oxy. Nếu vì lý do bệnh lý nào đó, chúng ta không thở được, phải dùng mặt nạ dưỡng khí nối với một bình oxy, thì giá một bình oxy 40 kg (tương đương 40 lít) dao động từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng, sử dụng cho một ngày. Chúng ta đã trả gì cho Chúa?
Hãy “NÓI” cho mọi người biết điều này, nhất là trong lúc này, kể cả nước Mỹ cũng đang lo lắng cho tình trạng thiếu hụt máy giúp thở. Vì virus Corona đặc biệt tấn công vào tế bào tại phổi, bệnh nhân sẽ tử vong do khó thở. Nhưng có một Đấng cung cấp không khí cho chúng ta mỗi ngày vẫn đang quan phòng chăm sóc từng hơi thở cho chúng ta. Đấng đó có phải là một Đức Chúa Trời của quá khứ không? Thưa không, Ngài vẫn đang hiện hữu và đang điều chỉnh nồng độ oxy trong bầu khí quyển cho chúng ta từng giây. Vì nếu nồng độ oxy cao, con người sẽ bị tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, nếu thấp thì sẽ khó khăn trong hô hấp phải cần đến các bình oxy hoặc máy giúp thở.
Mỗi chúng ta hãy “NÓI” cho chính mình, nói cho người thân, nói cho bạn hữu, nói cho cộng đồng xã hội biết rằng chúng ta đang có một Đức Chúa Trời đầy quyền năng, chăm sóc cho chúng ta từng giây, Ngài chăm lo cho chúng ta ngày và đêm, một Đức Chúa Trời không hề ngơi nghỉ, “Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ”, để họ biết quay về thờ phượng Ngài. Nhưng chúng ta cũng phải thể hiện đức tin của mình bằng hành động. Vì “Xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26).
ĐÔ-CA