Đừng Để Người Ta Khinh Con Vì Trẻ Tuổi

3861

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta thường có tư tưởng cho rằng nam thanh niên là những người năng động, tráng kiện, và tràn đầy năng lượng trong công việc. Những từ hay dùng để mô tả về họ như có hoài bão, có sức bền và chấp nhận mạo hiểm.

Thật vậy, khả năng của những chàng trai trong độ tuổi này là vô tận. Họ có thể làm lụng vất vả trong tuổi thanh xuân để mong đem lại một nền tảng tốt đẹp cho phần còn lại của cuộc đời. Họ có thể lấy vợ, sinh con và chu cấp cho gia đình mình cũng như gia đình hai bên – hoặc ít nhất họ cũng đạt được cho mình những bằng cấp, sự đào tạo, và kinh nghiệm để giúp họ có thêm khả năng kiếm sống.

Chúng ta luôn mong mỏi được nhìn thấy những người nam thanh niên này có thể phát huy hết năng lực của mình, bởi vì ai ai cũng đều nhìn nhận rằng sẽ có một kết quả tuyệt vời khi họ biết kết hợp những tố chất về giới tính và năng lực làm việc ở lứa tuổi này cho công tác nước Trời. Ngược lại, hậu quả sẽ trở nên khó lường khi họ kết hợp đồng thời những tố chất về giới tính đó với tình trạng vô công rỗi nghề. Như người xưa đã kinh nghiệm và đúc kết một câu nói rất chính xác: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Độc thân, không con cái, nhàn rỗi

Hãy thử tưởng tượng: ngày nay có đến 20% số nam thanh niên là ít học thức nhưng lại không chịu làm việc, không màng đến hôn nhân, và họ dường như an phận với cuộc sống đó. Không ai muốn chấp nhận điều này, nhưng chúng ta cần phải nhận thức thực trạng này. Theo giáo sư kinh tế Erik Hurst của Đại học Chicago (Mỹ), thời gian làm việc của những nam thanh niên không có bằng Đại học trong độ tuổi từ 21 đến 30 vào năm 2015 ít hơn nhiều so với năm 2000, và có đến 18% nhóm người này trong tình trạng vô công rỗi nghề vào năm ngoái (tăng 8% so với năm 2000).

Giáo sư Hurst mô tả rằng hầu như 1/5 dân số đang ở trong cảnh nhàn rỗi: họ không đến trường và cũng không làm việc. Có đến 70% những nam thanh niên này đang sống chung với cha mẹ (tăng 50% so với năm 2000). Nhóm thanh niên này không lập gia đình, không có con, và cũng không có thu nhập. Họ là những người độc thân, không con cái và nhàn rỗi.

Một ảo tưởng về hạnh phúc

Như vậy, cuộc sống của những nam thanh niên này là gì? Cũng theo giáo sư Hurst, họ chơi game. Họ sử dụng hầu hết thời gian nhàn rỗi của mình để chơi game vi tính và game điều khiển, tỉ lệ này gia tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2000. 

Khi Hurst chuyển các số liệu thống kê này cho Russ Roberts – người dẫn chương trình Econtalk Podcast – ông đã không thể tin khi nhìn thấy những con số thống kê này và thật sự sốc trước một thực tế rằng có quá nhiều nam thanh niên ngày nay chỉ muốn ăn bám bố mẹ để không phải lao động và có thể được ở nhà chơi game.

Để giải tỏa sự hoang mang của Roberts, giáo sư Hurst đã đưa ra “bảng thống kê về chỉ số hạnh phúc”, để chỉ ra rằng trạng thái thỏa mãn với cuộc sống của “những nam thanh niên ít học” này đang càng ngày càng gia tăng.

Những nam thanh niên này không chịu lập gia đình, không chịu làm việc, họ chỉ muốn chui rúc tại nhà để chơi game và cảm thấy hài lòng với cuộc sống.

Hurst suy đoán rằng nếu để những thanh niên này bước ra xã hội, thì họ cũng buộc phải làm việc, cho dù với mức lương tương đối thấp. Nhưng bởi vì có những điều, mà theo giáo sư Hurst gọi là “một sự thỏa thuận ngầm”, ám chỉ về sự bảo bọc của cha mẹ cho cuộc sống của những đứa con này, cho nên họ cảm thấy không cần phải làm việc. Và vì thế, họ cũng không màng tới sự nghiệp.

Không thể chìu theo sự biếng nhác

Sứ đồ Phao-lô có một giải pháp đơn giản cho tình trạng này, đó là: “nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10)

Anh ta không muốn tìm việc làm ư? Anh ta chỉ muốn ngồi ì một chỗ để chơi game suốt cả ngày ư? Hãy ngừng dự trữ thức ăn trong tủ lạnh. Hãy cắt giảm sự chu cấp thực phẩm. Vì đã đến lúc anh ta phải tự lo cho bản thân mình.

Liệu cách đối xử như vậy có khắc nghiệt không? Thật ra, đây mới chính là cách đem đến nhiều ích lợi. Bạn phải biết có những điều tưởng như là cách đối xử tử tế, nhưng thật ra lại là một điều tai hại.

Châm Ngôn 19:18 khuyên răn những bậc cha mẹ, “Hãy sửa phạt con ngươi trong lúc còn sự trông cậy; nhưng chớ toan lòng giết nó”. Đừng tạo điều kiện cho những nam thanh niên này trở nên biếng nhác, hãy giúp họ tự lập, đừng để họ dựa dẫm vào cha mẹ, hãy trang bị cho họ khả năng tự tìm kiếm việc làm để trang trải cho cuộc sống.

Đừng đánh giá thấp năng lực của kẻ khác

Đức Chúa Trời tạo dựng nên người nam với bản năng là để làm việc, chu cấp, lãnh đạo và bảo vệ. Trong ý định tạo dựng người đàn ông mang lấy hình ảnh của Ngài, Đức Chúa Trời muốn người nam mặc lấy chính bản chất của Ngài, là Đấng đã bày tỏ những bản chất ấy qua sự sáng tạo. Ngài tạo dựng, chu cấp, bảo vệ và dẫn dắt. Ngài làm những điều này không phải vì nhu cầu riêng của Ngài, bèn là vì ích lợi cho nhân loại.

Một vị cựu tổng thống Hoa Kỳ đã từng đề cập đến “sự kỳ thị qua việc đánh giá thấp năng lực của người khác”.  Chẳng hạn như, người ta cho rằng không thể kỳ vọng gì ở một nam thanh niên trong độ tuổi 20 không nghề nghiệp, không bằng cấp, và chưa có gia đình nhưng lại chỉ biết dành năng lực, vận dụng sự khéo léo và sự sáng tạo của mình để lướt web hoặc chơi trò chơi điện tử. Đối với ông, việc đánh giá thấp một người nào đó cũng là một điều xúc phạm tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, giá trị và tiềm năng của một nam thanh niên được kỳ vọng là người có khả năng chu cấp, bảo vệ và lãnh đạo – đúng với mục đích của một người nam được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời. Điều này cũng để khẳng định rằng anh ta có một chân giá trị cho riêng mình.

Cần tìm một giải pháp nào đó cho tình trạng này, nó không đơn thuần là một sự quan tâm mà thôi. Xã hội của chúng ta không chấp nhận những nam thanh niên này phung phí tuổi thanh xuân của họ qua sự nhàn rỗi, và chúng ta cũng phải có lý do để ngừng biện minh cho họ. Thật vậy, nếu chúng ta không huấn luyện các cậu bé khi còn nhỏ biết quan tâm đến người khác, biết hy sinh, dám đương đầu với những rủi ro và siêng năng lao động, thì chúng ta vô tình đã cướp đi một cuộc sống tiện nghi và thoải mái đáng phải có mà chúng có khả năng tự tạo ra khi trưởng thành.

Kinh Thánh Tân Ước đưa ra một tầm nhìn phù hợp hơn cho những nam thanh niên Cơ Đốc khác với của xã hội chúng ta ngày nay. Chúng ta không chấp nhận sự non nớt của họ, tuy nhiên cũng không chấp nhận những ai coi thường tuổi trẻ của họ (1 Ti-mô-thê 4:12), trái lại hãy coi họ như anh em để nâng đỡ họ (1 Ti-mô-thê 5: 1). Chúng ta không để cho họ có cuộc sống buông thả, nhưng dạy họ ăn ở cách tiết độ (Tít 2: 6) và “cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.” (2 Ti-mô-thê 2:22). Chúng ta hãy tạo cơ hội giúp họ biết nghiên cứu Kinh Thánh để Lời Đức Chúa Trời được ở trong họ (1 Giăng 2:14) và – điều quan trọng nhất – là họ có thể thắng được ma quỷ (1 Giăng 2:13). Đây là một chiến thắng ấn tượng và thỏa lòng hơn bất cứ những sự thắng cuộc nào do những trò chơi game đem lại.

Để giúp cho thế hệ thanh niên Cơ Đốc ngày nay sống đúng với lời Chúa dạy, trước hết hãy điều chỉnh lại thái độ của chúng ta, và sau đó hãy rèn luyện cho họ nhìn nhận mục đích và chân giá trị của họ. Hãy giúp họ nhận biết điều tốt lành trong ý định của Chúa về giá trị của sự lao động – mà qua sự đóng góp đó đem đến ích lợi cho xã hội và khiến hết thảy chúng ta trở nên giống Chúa Jesus hơn. Hãy truyền cảm hứng để họ được nâng tầm và thực hiện những giấc mơ của mình. Nhưng trên hết mọi điều, hãy cho họ thấy rằng hạnh phúc không thể được tìm thấy qua những những cuộc giải trí vô bổ, qua việc hưởng thụ ăn uống, hoặc qua lối sống tự do phóng khoáng, mà nó chỉ được tìm thấy nơi Đức Chúa Trời, qua Chúa Cứu Thế Jesus, để giúp chúng ta được gần gũi hơn với Ngài.


Biên dịch: Thanh Trang
(Nguồn: Jim Hamilton/DesiringGod)

Bài trướcNói Gì Trong Cơn Đại Dịch Covid-19?
Bài tiếp theoThứ Tư Tuần Lễ Thánh – 8/4/2020