Đừng Lỡ Hẹn –  14/9/2018

3817

 

Nê-hê-mi 13:1-3

   1 Trong ngày đó, người ta đọc sách Môi-se có dân sự nghe; trong đó có chép rằng người Am-môn và người Mô-áp đời đời không được vào hội của Đức Chúa Trời, 2 bởi vì chúng nó không đem bánh và nước đến đón dân Y-sơ-ra-ên, song dùng bạc thỉnh Ba-la-am đến rủa sả dân Y-sơ-ra-ên (nhưng Đức Chúa Trời chúng tôi đổi sự rủa sả ra sự phước hạnh). 3 Xảy khi chúng đã nghe luật pháp rồi, bèn phân rẽ khỏi Y-sơ-ra-ên các dân ngoại bang.

Câu gốc: “Xảy khi chúng đã nghe luật pháp rồi, bèn phân rẽ khỏi Y-sơ-ra-ên các dân ngoại bang” (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh này nhắc lại câu chuyện lịch sử nào giữa người Y-sơ-ra-ên, Am-môn, và Mô-áp? Tại sao Chúa lại cấm người Am-môn và người Mô-áp không được vào hội của Đức Chúa Trời? Câu chuyện này nhắc nhở bạn điều gì?

Trong lễ cung hiến tường thành, dân Chúa không chỉ dành thời gian chúc tụng, cảm tạ, dâng hiến, nhưng họ còn được lắng nghe Lời Chúa trong sách luật pháp Môi-se. Người Y-sơ-ra-ên một lần nữa được nhắc nhớ về việc người Am-môn và người Mô-áp không được vào hội của Đức Chúa Trời (Phục Truyền 23:3-5). Bởi trong quá khứ, người Am-môn đã từng từ chối bán thức ăn cùng nước uống cho người Y-sơ-ra-ên, nhưng lại sẵn lòng bán cho các nước khác (Phục Truyền 2:27-30); còn vua người Mô-áp đã từng mua chuộc Tiên tri Ba-la-am để rủa sả dân của Chúa (Dân Số Ký 22:1-8). Thế nên, Chúa đã cấm những dân này không được vào hội của Đức Chúa Trời. Nói như thế, không có nghĩa là Dân Ngoại không có cơ hội tin nhận Đức Chúa Trời. Những phân đoạn khác trong Cựu Ước nói rõ rằng Dân Ngoại có thể trở về cùng Đức Chúa Trời, nhưng sự cải đạo của họ phải chân thành và triệt để. Một bằng chứng là tổ mẫu của Vua Đa-vít thuộc người Mô-áp, tức bà Ru-tơ. Bà Ru-tơ đã công khai xưng nhận rằng: “Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của con” (Ru-tơ 1:16b). Đây là một minh chứng đầy thuyết phục rằng Dân Ngoại hoàn toàn có cơ hội trở về với Đức Chúa Trời. Nhưng một khi Dân Ngoại vẫn còn cứng lòng, cố bám niềm tin sai lạc của họ, thì họ không được phép vào trong đền thờ của Chúa. Điều này một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự thánh khiết trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.

Chúng ta không nghĩ dân Chúa lại có thể quên đi đều quan trọng như vậy trong cuộc sống theo Chúa. Nếu không bởi sự nhắc nhở của Lời Chúa thì dân Chúa đã không nhìn thấy sự sai trật của mình, càng không có cơ hội để sửa sai. Từ đó cho thấy việc lắng nghe Lời Chúa và tra xét nếp sống của mình mỗi ngày là luôn luôn cần thiết cho mỗi con dân Chúa. Điều này tưởng chừng dễ dàng nhưng thật ra lại là thách thức lớn cho Cơ Đốc nhân thời hiện đại. Bởi quỹ thời gian một ngày của chúng ta bị chia năm xẻ bảy, đến nỗi việc dành thời gian tĩnh nguyện với Chúa mỗi ngày cũng trở thành nan đề trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, nếu không có sự chỉ dẫn của Lời Chúa, chúng ta sẽ chỉ mãi mê đi theo những điều mà Kinh Thánh mô tả là ten rét và mối mọt. Cuộc hẹn quan trọng và giá trị nhất mỗi ngày là cuộc hẹn giữa Chúa và mình. Đừng bỏ lỡ cuộc hẹn ấy để rồi đánh mất điều giá trị nhất trong cuộc đời.

Điều gì khiến bạn thường xuyên lỡ hẹn với Chúa?

Lạy Chúa, trong cuộc sống bộn bề mỗi ngày, xin giúp con luôn dành thời gian đọc Kinh Thánh và tương giao với Chúa. Xin cho con yêu mến Lời Chúa và sống đúng theo những điều Chúa dạy.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 15.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcNhững Ngôi Nhà “Bày Tỏ Tình Thương” Tại Tỉnh Sóc Trăng
Bài tiếp theoKhánh Hoà: Huấn Luyện Giáo Viên Trường Chúa Nhật Quý III