Mục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (P1)

11732

♦ Mục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (Phần cuối)

HTTLVN.ORG – Nếu ai có dịp tiếp xúc với Mục sư Tôn Thất Bình hẳn sẽ rất ấn tượng ba điều về ông. Thứ nhất, ông có gương mặt dễ mến với nụ cười thân thiện thường trực. Thứ hai, ông luôn sốt sắng chứng đạo, lúc nào cũng muốn giới thiệu về Chúa Giê-xu. Và, thứ ba, dù là người Mỹ nhưng ông có khả năng nói tiếng Việt thông thạo và truyền cảm. Người viết tin rằng Đức Chúa Trời đã trang bị ba điều đó cho Mục sư Tôn Thất Bình để sử dụng ông trong cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam. Ông đã tận hiến cuộc đời mình cho công cuộc truyền giáo với một tấm lòng dành trọn cho Việt Nam.


Chân dung Mục sư Tôn Thất Bình

Một cái tên rất Việt Nam

Mục sư Thomas Hartman Stebbins được biết nhiều với cái tên rất Việt Nam – Tôn Thất Bình. Sở dĩ ông chọn cái tên rất Việt Nam nầy là vì tên của ông gọi tắt là ‘Tom Stebbins’ gần giống với cách phát âm của chữ ‘Tôn Thất Bình’ trong tiếng Việt. Hơn nữa, những người tin Chúa được Chúa gọi là con của Đức Chúa Trời, được kể vào dòng hoàng tộc và đối với người Việt Nam những người mang họ ‘Tôn Thất’ đều thuộc dòng dõi hoàng tộc (triều Nguyễn), cùng với việc được sinh ra tại Cố Đô Huế nên trong những năm về sau Mục sư Thomas Stebbins đã chọn tên Việt Nam của mình là Tôn Thất Bình.[1]

Được sinh trưởng tại Việt Nam (1933-1941)

Mục sư Thomas Hartman Stebbins (còn gọi là Tôn Thất Bình) sinh ngày 19/5/1933 tại Cố Đô Huế (Việt Nam) trong một gia đình có 7 anh chị em. Ông là con trai út của ông bà Giáo sĩ Irving Randolph Stebbins và Mary Jones Hartman, một trong những giáo sĩ tiên phong của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA), đã hầu việc Chúa trọn đời (42 năm) tại quê hương Việt Nam.

Những năm đầu đời, Thomas Stebbins cùng với gia đình sống tại Việt Nam, nơi mà ông chọn là quê hương thứ nhất. Năm lên 6 tuổi (năm 1939), ông được gửi vào học tại trường dành cho các con của giáo sĩ tại Đà Lạt và học tại đó trong gần 3 năm (1939-1941).[2]


Gia đình Mục sư Tôn Thất Bình (Ông bà Giáo sĩ Irving Randolph Stebbins cùng với 7 người con. Mục sư Tôn Thất Bình là cậu bé nhỏ nhất đứng phía trước. Ảnh chụp năm 1936 khi Mục sư Tôn Thất Bình được 3 tuổi)

Tạm rời xa Việt Nam (1941-1956)

Lúc bấy giờ, Đệ nhị Thế chiến nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 1941, quân đội Nhật bắt đầu xâm chiếm Việt Nam. Thomas Stebbins phải theo gia đình di tản khỏi Việt Nam. Sau chuyến hành trình rời Sài Gòn sang Philippines rồi đến San Francisco (Hoa Kỳ) và cuối cùng định cư tại Nyack (New York – Hoa Kỳ). Tại đây ông tiếp tục học lớp 3 bậc tiểu học tại trường Liberty Street. Đây là khoảng thời gian mà Thomas Stebbins phải tạm rời xa Việt Nam cho đến 15 năm sau ông mới có thể trở lại quê hương thứ nhất của mình. [3]

Trong thời gian 15 năm tạm rời xa Việt Nam, Thomas Stebbins đã trải qua những biến cố quan trọng của cuộc đời mình: Tiếp nhận Chúa Giê-xu, đời sống được biến đổi, được kêu gọi vào công tác truyền giáo hải ngoại (làm giáo sĩ) và lập gia đình. Những biến cố mà ông đã trải nghiệm trong thời gian nầy chính là sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời cho cuộc đời và chức vụ của ông về sau.


“Căn nhà lưu động” – một hiện tượng lạ tại Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là nơi ở gia đình Mục sư Tôn Thất Bình khi ông còn trong tuổi thiếu nhi.

Tiếp nhận Chúa Giê-xu

Vào một đêm mùa hè năm 1942, cậu bé 9 tuổi Thomas Stebbins đã quyết định cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của cuộc đời mình. Mặc dầu đã cầu nguyện tin Chúa, nhưng trong những năm đó, chàng thiếu niên Thomas Stebbins chỉ sống như là một người mang danh tín đồ mà thôi. Trong 7 năm, ngoại trừ lúc ở nhà thờ, ngày thường cậu không đọc Kinh Thánh, không cầu nguyện, không chia sẻ với ai về Chúa. Những người mà cậu tiếp xúc bên ngoài không ai biết cậu là người tin Chúa.[4]

Đời sống được biến đổi

Mùa hè năm 1949, chàng thiếu niên 16 tuổi Thomas Stebbins được Chúa thăm viếng nên đã ăn năn với Chúa, quyết định sống cuộc đời của một người thuộc về Chúa cả bảy ngày trong tuần, và hứa sẽ hầu việc Chúa là Đấng Chủ Tể của cuộc đời mình. Thomas Stebbins bắt đầu đọc Kinh Thánh và sau khoảng 12 tháng đã đọc xong quyền Kinh Thánh. Từ đó, Kinh Thánh đã mãi mãi trở nên quyển sách yêu thích nhất của Mục sư Thomas Stebbins.[5]

Được kêu gọi vào công tác truyền giáo

Từ năm 1949, chàng thiếu niên 16 tuổi Thomas Stebbins theo học tại học viện Hampden DuBose (HDA) ở Zellwood (Florida), một ngôi trường dành cho con của giáo sĩ. Trong hai năm học tại trường (1949-1950), Thomas Stebbins đã được Chúa kêu gọi vào công tác truyền giáo hải ngoại mặc dù trước đó ông không hề nghĩ đến.[6]

Tháng 5/1951, Thomas Stebbins tốt nghiệp trung học. Mùa thu năm đó, ông vào học tại Đại Học Nyack, một trường đào tạo giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp.[7]

Lập gia đình

Trong thời gian theo học tại Đại Học Nyack, Thomas Stebbins được người chị là Anne Stebbins giới thiệu cho một cô gái tên là Donna Jean Stadsklev, là con của một giáo sĩ tại Phi châu, được sinh tại Phi châu. Donna cũng học tại Đại Học Nyack, và rất ước muốn trở thành giáo sĩ. Sau hơn hai năm yêu nhau, Thomas Stebbins  và Donna Stadsklev đã thành hôn vào ngày 31/8/1954.[8]

Trong hai năm cuối Đại Học, ông bà Thomas và Donna Stebbins có cơ hội tập sự phục vụ Chúa với tư cách Mục sư cho thanh niên. Đây là điều kiện bắt buộc nơi những ứng viên giáo sĩ trước khi họ đi ra nước ngoài.

(Còn nữa)

Tường Quang

(Dựa theo hồi ký “Bàn Tay Trong Chiếc Găng” của Mục sư Tôn Thất Bình)

[1] Những lần Mục sư Tôn Thất Bình có dịp giảng cho cộng đồng người Việt tại Việt Nam hoặc hải ngoại, ông thường mở đầu bằng lời giải thích về cái tên ‘Tôn Thất Bình’ của mình.

[2] Tôn Thất Bình, Bàn Tay Trong Chiếc Găng (Tp.HCM: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2012), 17.

[3] Ibid., 13-20.

[4] Ibid., 22-24.

[5] Ibid., 28-30.

[6] Ibid., 31-37.

[7] Ibid., 43-45.

[8] Ibid., 51-56.

Bài trướcKiên Giang: HTTL Tân Hiệp Trao Tặng Quà Tết Cho Người Nghèo Khó
Bài tiếp theoMục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (Phần cuối)