Mục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (Phần cuối)

9234

♦ Mục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (phần 1)

Chức vụ giáo sĩ tại Việt Nam (1957-1975)

Sau 15 năm tạm rời xa Việt Nam, Mục sư Thomas Stebbins được sai phái đến Việt Nam với tư cách một giáo sĩ. Việc ông đến Việt Nam làm giáo sĩ đã diễn ra thật tình cờ. Giáo sĩ Bob Mosely, đang là giáo sư tại Đại Học Nyack cũng là người đã từng phục vụ tại Việt Nam trước đó, được mong đợi sẽ quay trở lại Việt Nam để dạy trường Kinh Thánh nhưng ông từ chối với lý do đã quá cao tuổi để học tiếng Việt. Mục sư Thomas Stebbins được tiến cử thay thế và được Ban Quản Trị Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp chấp thuận.

Ban đầu Mục sư Thomas Stebbins cứ đinh ninh rằng mình đến Việt Nam để dạy trường Kinh Thánh. Đó cũng là suy nghĩ chung của các giáo sĩ được sai phái đến Việt Nam trước đó. Sau cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Louis King, lúc đó đang là Tổng Thư ký khu vực Á Châu của C&MA, ông cầu xin Chúa cho mình có ơn để trở nên người rao giảng Phúc Âm theo Ê-phê-sô 4:11. Một vài năm sau, ông nhận ra rằng lời cầu nguyện đó chính là sự định hướng cho chức vụ của mình.

Sau thời gian ngắn chuẩn bị mọi thứ, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins lên tàu rời Hoa Kỳ để hướng về Việt Nam. Sáng sớm ngày 15/2/1957, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins đã đặt chân đến Việt Nam.[1]

Những ngày đầu tại Việt Nam, giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình lưu trú tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng để bắt đầu quá trình học tiếng Việt và thích nghi với cuộc sống mới. Các giáo sĩ mới không chỉ cần phải thích nghi về phương diện ngôn ngữ và văn hóa nơi xứ sở mà họ phục vụ, nhưng tất cả các giáo sĩ trong nhiệm kỳ đầu tiên còn phải thích nghi khí hậu và thổ nhưỡng. Gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins phải chịu nhiều thử thách về thể xác bởi sự bệnh tật, đau yếu.[2]

Sau một năm học tiếng Việt, ông bà được bổ nhiệm đến Phú Yên (năm 1958). Năm đầu tiên tại Phú Yên, cũng là năm thứ hai của chức vụ giáo sĩ, sẽ bao gồm việc soạn bài giảng, giảng và dạy.[3] Giáo sĩ Thomas Stebbins tỏ ra rất khiêm nhường học hỏi nơi các bạn đồng lao, đặc biệt là các Mục sư Truyền đạo người Việt. Ông học nơi Mục sư Nguyễn Văn Thìn về văn hóa Việt Nam, cách thiết lập mối quan hệ với người Việt để thuận lợi cho công tác rao giảng Phúc Âm.[4] Ông học nơi Mục sư Phan Đình Liệu về cách giới thiệu Phúc Âm cho người Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Việt Nam sao cho thuyết phục.[5]

Giáo sĩ Thomas Stebbins sống giữa vòng người Việt Nam, hiệp tác với Mục sư và Truyền đạo Việt Nam, ăn thức ăn Việt Nam, nói tiếng Việt cả ngày, và cảm thấy yêu thương người Việt Nam ngày càng nhiều hơn![6]

Tình hình chiến sự tại Việt Nam, cụ thể là Phú Yên những năm đầu thập niên 1960 ngày càng dữ dội, sự an nguy của các giáo sĩ (người nước ngoài) bị đe dọa nghiêm trọng. Dầu vậy, giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình cứ phó thác đời sống mình trong bàn tay của Đức Chúa Trời để Ngài sử dụng và bảo vệ. Có những chuyến đi lưu giảng “lành ít dữ nhiều”, không biết còn cơ hội sống sót trở về hay không, nguy hiểm cho cả người đi lẫn người ở nhà, nhưng ông vẫn không ngại hiểm nguy, cậy nhờ quyền năng Chúa để làm tròn phận sự của một tôi tớ Ngài.[7]


Giáo sĩ Thomas Stebbins và Hội Thánh Thạch Bàn (Phú Yên). Hình chụp năm 1958


Giáo sĩ Thomas Stebbins và các Mục sư Truyền đạo người Việt tại Tuy Hòa (Phú Yên). Hàng trước từ trái qua: Truyền đạo Nguyễn Kim Khánh, Mục sư Nguyễn Văn Thìn, Truyền đạo Đặng Đăng Khoa. Hàng sau từ trái qua: Giáo sĩ Thomas Stebbins, Truyền đạo Đinh Thống.


Bà Giáo sĩ Donna Stebbins cùng giới nữ Việt Nam phục vụ trong một lớp Kinh Thánh ngắn hạn tại Tuy Hòa (Phú Yên)

Sau gần ba năm ở Phú Yên (1958-1960), sáu tháng trước khi mãn nhiệm kỳ đầu tiên, giáo sĩ Thomas Stebbins tạm thời được phân công làm giám thị khu ký túc xá nữ tại trường quốc tế Đà Lạt (Dalat International School), nơi ông theo học thuở nhỏ. Cuối năm 1961, Giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình đã trở về Hoa Kỳ để nghỉ phép sau bốn năm rưỡi phục vụ tại Việt Nam.[8]

Hết kỳ nghỉ phép, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Việt Nam (năm 1962). Ông bà được bổ nhiệm đến Đà Nẵng. Mặc dù không muốn đến đó nhưng ông vẫn bày tỏ lòng thuận phục lãnh đạo. Lý do ông không muốn đến Đà Nẵng vì nghĩ rằng tại đó đã có những Mục sư kỳ cựu và những Hội Thánh lâu đời trong khi còn nhiều vùng chưa hề được truyền giáo và mở mang Hội Thánh. Kết quả của sự thuận phục của ông là nhiều Hội Thánh mới được thành lập tại Đà Nẵng.[9]

Sau hai năm hầu việc Chúa tại Đà Nẵng, ông bà giáo sĩ Thomas Stebbins được thuyên chuyển đến Huế (cuối năm 1964). Tại đây, ông bà tiếp tục hiệp tác với Mục sư Lê Đình Tố (cũng từ Đà Nẵng chuyển đến) để mở mang công việc Chúa tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị.[10]

Sau nhiệm kỳ thứ hai phục vụ tại Việt Nam, giữa năm 1967, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Hoa Kỳ để nghỉ phép. Trong khoảng thời gian nầy, một số giáo sĩ đã tuận đạo tại Việt Nam trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, trong đó có người anh rể Ed Thompson và chị ruột Ruth Thompson của giáo sĩ Thomas Stebbins.[11]

Một năm nghỉ phép tại Hoa Kỳ trôi qua, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba (năm 1968) tại Đà Nẵng. Một năm sau, tại Hội Đồng Địa Hạt năm 1969 diễn ra tại Sài Gòn, giáo sĩ Thomas Stebbins được tín nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) tại Việt Nam, một chức vụ mà ông không hề nghĩ tới. Với trách nhiệm của mình, ông phải lãnh đạo 150 giáo sĩ, phục vụ trong một đất nước chiến tranh.[12]

Trong nhiệm kỳ hội trưởng của mình (1969-1973), giáo sĩ Thomas Stebbins không tự giới hạn mình tại văn phòng điều hành nhưng ông luôn sẵn sàng trong công tác rao truyền Phúc Âm cho những nơi cần đến, một sứ mạng mà ông được kêu gọi tận hiến trọn đời.[13]

Nhiệm kỳ bốn năm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt Nam của giáo sĩ Thomas Stebbins cũng là giai đoạn gay cấn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1972, khi chiến tranh ngày càng leo thang, nhìn trước viễn cảnh Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp phải rời khỏi Việt Nam và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở lại đứng một mình, lãnh đạo hai bên đã ký kết một bản giao ước để Hội Thánh Tin Lành Việt Nam sẽ tiếp quản toàn bộ tài sản và công việc Chúa mà Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp để lại.[14]


Đại diện Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong buổi ký kết Bản Giao Ước 1972. Giáo sĩ Thomas Stebbins (Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt Nam) ngồi ở bìa trái – hàng đầu tiên, bên cạnh là Mục sư Đoàn Văn Miêng (Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam)

Mùa hè năm 1973, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins lại trở về Hoa Kỳ để nghỉ ngơi.[15] Sau một năm nghỉ phép, ông bà giáo sĩ Thomas Stebbins cùng gia đình trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư (năm 1974) với chức vụ Mục sư cho Hội Thánh Tin Lành Quốc Tế (International Protestant Church – IPC).[16]

Một thời gian ngắn sau khi làm Mục sư tại IPC, giáo sĩ Thomas Stebbins có dự định trở thành một nhà truyền giảng lưu động. Nhưng, tình hình tại Việt Nam lúc đó (đầu tháng 3/1975) đang bước vào đỉnh điểm giao tranh, chuẩn bị kết thúc cuộc chiến nên dự định tổ chức truyền giảng tại Quảng Trị (thành phố cực bắc của Nam Việt Nam lúc đó) đã không thành. Lúc bấy giờ, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã có kế hoạch rút các giáo sĩ ra khỏi Việt Nam. Thay vì chuẩn bị cho cuộc di tản, những ngày cuối cùng của giáo sĩ Thomas Stebbins tại Việt Nam đã được tận dụng tối đa bằng những cuộc truyền giảng Tin Lành và công tác chứng đạo cá nhân.[17] Trưa ngày 8/4/1975, ông bà giáo sĩ phải gấp rút rời Việt Nam trên chuyến bay thương mại cuối cùng rời khỏi Sài Gòn để đến Manila (Philippines).[18]


Các giáo sĩ họp tại Đà Lạt (Ông Bà Giáo sĩ Hội trưởng Thomas Stebbins ngồi ở bìa trái)

Mặc dù có cơ hội rời Việt Nam trước khi cuộc chiến kết thúc, nhưng với tấm lòng cưu mang những người còn ở lại Việt Nam nên từ Philippines giáo sĩ Thomas Stebbins đã tìm cách quay trở lại Việt Nam trong tình cảnh hết sức hiểm nguy vào trưa ngày 28/4/1975, chỉ hai ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ.[19] Lúc đó, tình hình hết sức hỗn loạn nên ông không thể làm được gì hơn là tìm cách rời khỏi Việt Nam lần nữa. Rạng sáng ngày 30/4/1975, giáo sĩ Thomas Stebbins là một trong những người cuối cùng di tản bằng trực thăng đúng vào ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiếc trực thăng đáp trên boong tàu SS Navigator để chuyển tất cả hành khách (trong đó có giáo sĩ Thomas Stebbins) xuống tàu. Đứng trên boong tàu, nhìn về bờ biển Việt Nam, giáo sĩ Thomas Stebbins đã khóc suốt 3-4 giờ đồng hồ. Một nỗi đau mà suốt cả cuộc đời ông chưa bao giờ trải qua.[20]

Nỗi khắc khoải hướng về Việt Nam (từ năm 1975)

Ngày 30/4/1975, giáo sĩ Thomas Stebbins rời Việt Nam trong nước mắt. Một tâm trạng mà ông đã diễn tả trong cuốn hồi ký của mình là “tan nát cõi lòng”.[21] Dù không còn ở Việt Nam nữa, nhưng lòng ông lúc nào cũng khắc khoải hướng về Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục gắn bó chức vụ mình với những người Việt xa xứ sau năm 1975.

Chuyến tàu cập bến Subic (Philippines), ông bà Thomas Stebbins được đoàn tụ với nhau. Chỉ một vài ngày sau, ông bà bắt đầu công tác mới, đó là chăm sóc cho các ‘thuyền nhân’[22] tại đảo Guam (Hoa Kỳ). Ông bà đã chăm lo mọi mặt đời sống thuộc linh lẫn thuộc thể cho cộng đồng người Việt tị nạn tại đây. Những chương trình truyền giảng tại đảo Guam đã đem nhiều người trở lại với Chúa Giê-xu.[23]

Một năm sau ngày rời Việt Nam để đến Guam, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins rời Guam để đến phục vụ Chúa tại Hồng Kông vào năm 1976. Tại đây, ông có dịp tiếp xúc và làm quen với linh vụ Chứng Đạo Sâu Rộng (Evangelism Explosion – EE), một công tác mà ông gắn bó và phát động suốt quảng đời còn lại của mình.[24]

Năm 1989, ông bà trở về Hoa Kỳ để làm Mục sư đặc trách truyền giáo tại Hội Thánh Ohama Gospel Tabernacle ở Ohama (Nebraska), Hội Thánh sau nầy đổi tên thành Christ Community Church. Chúa cho công việc ở đây đạt nhiều kết quả, đặc biệt là công tác huấn luyện chứng đạo.[25]

Từ năm 1995-2003, Mục sư Thomas Stebbins giữ chức Phó Chủ tịch Điều hành (COO) và đảm nhận chức vụ Sứ giả Toàn cầu kể từ năm 2004 cho Cơ quan Chứng Đạo Sâu Rộng Quốc tế (Evangelism Explosion – EE).[26]

Những năm tháng xa cách Việt Nam, dù đi đến đâu ông cũng tìm cách kết nối với cộng đồng người Việt và trong cuộc sống ông luôn có những hình ảnh hoặc từ ngữ liên tưởng tới Việt Nam.[27]

Những lần trở lại Việt Nam (sau 1975)

Sau khoảng 30 năm xa cách, ông bà Mục sư Thomas Stebbins có dịp trở lại Việt Nam nhiều lần. Trong đó, có những lần về Việt Nam của ông bà gắn liền với những sự kiện quan trọng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

– Năm 2005, ông là khách mời của Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 44 diễn ra tại Tp.HCM

– Năm 2011, ông là diễn giả của Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng

– Năm 2013, ông là diễn giả của Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 46 diễn ra tại Tp.HCM

Trong những lần trở lại Việt Nam, ông bà có dịp thăm viếng các Hội Thánh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để nhìn thấy công việc Chúa vẫn đang tiếp tục được gây dựng và phát triển tại đất nước Việt Nam thân yêu. Một sự tiếp nối thành quả mà nhiều thập kỷ trước ông đã dày công vun đắp.

Thay lời kết

Sáng ngày 15/02/2018 (theo giờ địa phương), Mục sư Thomas Stebbins (Tôn Thất Bình) đã yên nghỉ trong Chúa tại Florida (Hoa Kỳ), chấm dứt cuộc hành trình 85 năm trên đất. Ông đã sống một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho Đức Chúa Trời và vâng phục trọn vẹn đường lối Ngài cho cuộc đời mình. Ông cũng dành trọn tấm lòng của mình cho đất nước, con người và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Trong lời tựa của cuốn hồi ký về cuộc đời chức vụ của mình, ông ví sánh cuộc đời mình như một chiếc găng tay. Bản thân chiếc găng tay không hữu dụng gì, không có khả năng và giá trị thực tiễn nào. Nhưng với bàn tay của người chủ, người sử dụng là Đức Chúa Trời khôn ngoan, tuyệt diệu và quyền năng, thì một chiếc găng tay có thể hoàn thành nhiều công tác ngoạn mục có giá trị lâu dài.[28]

“Chiếc găng tay” Tôn Thất Bình đã để cho “bàn tay quyền năng” của Đức Chúa Trời vận hành bên trong suốt những năm tháng trên đất để hoàn thành nhiều công tác ngoạn mục có giá trị lâu dài. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn sàng để “bàn tay quyền năng” của Đức Chúa Trời vận hành bên trong “chiếc găng tay” cuộc đời mình không?

Thiết nghĩ mỗi tôi con Chúa người Việt chúng ta tưởng nhớ đến Mục sư Tôn Thất Bình không chỉ với tâm tình tri ân ông nhưng cũng với tâm tình học theo ông!

Tường Quang

Ông Bà Mục sư Thomas Stebbins (hàng trước, bìa phải) chụp hình lưu niệm với Tân Ban Trị sự Tổng Liên Hội và các khách mời tại Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 44


Mục sư Thomas Stebbins tại Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam
Đà Nẵng – năm 2011


Mục sư Thomas Stebbins tại Đại Hội Đồng 46 năm 2013

[1] Ibid., 63-69.

[2] Ibid., 71-78.

[3] Ibid., 78.

[4] Ibid., 84.

[5] Ibid., 88-89.

[6] Ibid., 91.

[7] Ibid., 97-99.

[8] Ibid., 101-102.

[9] Ibid., 115-117.

[10] Ibid., 120-126.

[11] Ibid., 143-145.

[12] Ibid., 153.

[13] Ibid., 159-164.

[14] Ibid., 165-166.

[15] Ibid., 167.

[16] Ibid., 174.

[17] Ibid., 177-178.

[18] Ibid., 182-183.

[19] Ibid., 185-186.

[20] Ibid., 188-191.

[21] Ibid., 185.

[22] Tên gọi thuyền nhân Việt Nam dùng để chỉ những người rời khỏi Việt Nam vượt biên bằng thuyền và tàu sau chiến tranh Việt Nam.

[23] Ibid., 192-204.

[24] Ibid., 205-221.

[25] Ibid., 225-252.

[26] Ibid., 269-.

[27] Ibid., 227.

[28] Ibid., ix-x.

Bài trướcMục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (P1)
Bài tiếp theoBài giảng Của Ms Billy Graham: Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm