Gióp 11:1-4
1 Sô-pha, người Na-a-ma, đáp lại, mà rằng:
2 Há chẳng nên đáp lại lời nói nhiều sao?
Người già miệng há sẽ được xưng là công bình ư?
3 Chớ thì các lời khoe khoang của ông sẽ khiến người ta nín sao?
Khi ông nhạo báng, há không có ai bỉ mặt ông ư?
4 Vì ông thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Đạo lý tôi là thanh tịnh;
Tôi không nhơ bợn trước mặt Chúa.
Câu gốc: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:15-16).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Sô-pha là ai? Ông chỉ trích ông Gióp điều gì và điều đó đúng không? Chúng ta cần làm gì để giúp anh chị em mình và những người khác khi họ gặp thử thách, đau thương?
Ông Sô-pha, người Na-a-ma, là một trong ba người bạn cùng thời với ông Gióp. Sau khi nghe hai bạn mình là ông Ê-li-pha và ông Binh-đát buộc tội ông Gióp, ông Sô-pha chẳng những không cảm thông với ông Gióp mà còn lấy lời cay nghiệt trách bạn mình. Ông đã dùng lý luận và sự khôn ngoan của ông để chứng minh ông Gióp phạm tội. Trong phần đầu (câu 1-4), ông nói ông Gióp là người “già miệng” (câu 2) hay là người “ba hoa, lắm lời”. Ông Sô-pha cho rằng ông Gióp đã nói quá nhiều, và lắm lời như vậy cũng không “được xưng là công bình.” Ông kết tội ông Gióp là loại người như Chúa đã phán “lấy môi miệng đến cùng ta, nhưng lòng thì cách xa ta lắm” (Ê-sai 29:13). Ông Sô-pha còn nói rằng ông Gióp không những nói nhiều mà còn dùng những lời “khoe khoang” và “nhạo báng” (câu 3). Ông tiếp tục kết tội ông Gióp gian dối khi nói về bản thân mình, vì ông không thật sự trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Ông tố cáo ông Gióp nói “Đạo lý tôi là thanh tịnh” (câu 4), nguyên nghĩa là “Đạo lý tôi là thuần khiết, thanh sạch.” Khi cho mình là liêm chính, ông Gióp tạo cảm tưởng ông vô tội, dĩ nhiên là điều không đúng (xem Gióp 6:30; 9:20-21; 10:7). Nhưng điều rất quan trọng ở đây là ông Gióp không bao giờ nói mình vô tội. Ông chỉ bày tỏ là ông không làm những điều ác để rồi phải chịu hình phạt tan cửa nát nhà, mười người con yêu dấu chết trong một ngày. Các bạn của ông Gióp đã không cùng khóc với ông trong hoàn cảnh bi thương đó, mà còn thiếu khôn ngoan khi buộc tội ông quá nặng nề.
Ông Sô-pha đã dùng sự khôn ngoan của mình để chỉ trích ông Gióp, không cảm thông với hoàn cảnh của bạn. Lý luận của ông chặt chẽ, nhưng vì sự khôn ngoan của ông hạn chế nên lời nói của ông không đúng. Ông có thương bạn, đến với bạn, nhưng không cảm thông thật sự với bạn mình. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau… Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:15-16). Khi chúng ta đến với anh chị em mình trong sự thử thách, đau buồn họ gặp phải, chúng ta cần phải cảm thông với họ. Hãy dùng Lời Chúa mà an an ủi, khích lệ anh chị em mình nương cậy nơi Chúa (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18) chứ đừng đến như một quan tòa. Cũng hãy cầu nguyện xin Đức Thánh Linh an ủi anh chị em mình.
Bạn có đồng cảm với anh chị em mình trong sự thử thách họ gặp không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có sự khôn ngoan của Chúa để nâng đỡ mọi người. Xin cho con có lòng yêu thương, đồng cảm với người khác như Chúa đã yêu thương và chết thay cho con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: A-ghê 1.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện