Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 2)

3430

 

THỜI KỲ CAN ĐẢM

ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU chúng ta thấy về Ê-li là một người can đảm – là sự can đảm chỉ đến với những con người sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ê-li ở Thi-sê-be, là một người sống giữa vòng dân Ga-la-át, đã can đảm đứng trước vua A-háp và công bố: “Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng sống mà thề rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (I Các Vua 17:1).

Ê-li khởi sự đã bước vào những trang Kinh Thánh với vài từ này và đứng ngay chính giữa thế lực thù địch.

Nền kinh tế của Y-sơ-ra-ên dựa trên nông nghiệp. Giờ đây, Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của Ê-li không cho mưa xuống – nhu cầu của dân sự để vụ mùa được phát triển. Tại sao? Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho dân sự của Ngài. Đó chính là thời điểm phán xét trách phạt.

Như đã đề cập, Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự thờ lạy Ba-anh dưới sự dẫn dắt của A-háp. Ông đã xây dựng đền thờ cho Ba-anh tại Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc phía Bắc, và ông “cũng dựng lên một hình tượng Át-tạt-tê.” (I Các Vua 16:33), một đối tượng của sự thờ phượng ngoại giáo.

A-háp đã cúi xuống trước các thần giả dối, là những thần không thể làm được gì dù là đem mưa hay hạn hán đến. Lời tuyên bố của Ê-li về một cơn hạn hán sắp đến mô tả sự đối ngược giữa Đức Chúa Trời của ông và thần mà A-háp đã chọn để thờ lạy. Ba-anh là thần màu mỡ, cũng được gọi là “thần mưa.” Những lời tuyên bố của Ê-li phủ nhận điều đó. Ông dường như muốn nói rằng: Giê-hô-va mới chính là Đấng ban mưa xuống từ trời, và Ngài sắp chứng tỏ điều đó.

Việc không có mưa trong một khí hậu vốn đã khô sẽ là một đòn giáng cho một cộng đồng chủ yếu dựa vào nông nghiệp – nhưng Đức Chúa Trời sắp chứng tỏ cho dân sự rằng việc tin cậy Ngài quan trọng hơn rất nhiều so với việc có được những cơn mưa tươi mát và đem lại sức sống.

Khi bàn tay sửa phạt của Đức Chúa Trời giáng trên dân sự của Ngài, thì Ê-li, một người vô danh không ai biết đến- đã can đảm bước vào cung Vua A-háp để công bố lẽ thật trong quyền năng.

Tội Lỗi của A-háp

Khi vương quốc phía bắc của Y-sơ-ra-ên và vương quốc phía nam của Giu-đa phân rẽ sau thời kỳ cai trị của Sa-lô-môn, Giê-rô-bô-am làm vua ở phía bắc và Rô-bô-am trị vì ở phía nam. Cả hai vua đều đưa ra hàng loạt quyết định sai lầm. Và những quyết định này đã tác động sâu rộng đến cả hai vương quốc. Cả Giê-rô-bô-am và Giê-bô-am đều lập lên việc thờ thần tượng.

Trong Y-sơ-ra-ên, sự vi phạm điều răn thứ nhất trong bảng luật pháp mà Môi-se đã nhận trên núi và đem xuống cho dân sự đã trở thành mô hình chi phối dân sự suốt đến đời A-háp. Giê-rô-bô-am đã bắt đầu trượt dốc khi dựng nên hai con bò con bằng vàng cho dân sự thờ lạy (I Các Vua 12:28). Với nỗi lo sợ rằng dân sự của ông vì ước muốn đi lên đền thờ Giê-ru-sa-lem (ở tại vương quốc phía nam) để thờ phượng sẽ từng hồi hướng lòng trung thành trở về với Giê-bô-am, vua của Giu-đa, Giê-rô-bô-am đã dựng lên cho dân sự hai con bò con bằng vàng. “Vua nói với dân-sự rằng: Các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó thay! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Nầy là các thần ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (c. 28)

Với hành động này, Giê-rô-bô-am bắt đầu dẫn Y-sơ-ra-ên sa vào một chặng đường dài làm điều ác và thờ lạy hình tượng như đã nói. Hầu hết các vua đó đều chọc giận Đức Chúa Trời “với những hình tượng của họ” (I Các Vua 16: 13, 26).

Rồi đến A-háp, một khi đã sống một đời sống phó mình cho điều ác, ông đã buông mình làm đủ mọi điều ác.

“A-háp, con trai Ôm-ri, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiền bối mình.” (I Các Vua 16:30). Ông đã học theo và thậm chí còn làm điều ác gấp bội so với vua đầu tiên, Giê-rô-bô-am của 60 năm trước đó. A-háp đã đem sự thờ lạy Ba-anh đến cho dân Y-sơ-ra-ên – một hình thức gìn giữ thần tượng được Giê-sa-bên cùng đem đến từ quê nhà của bà, Ty-rơ và Si-đôn (c. 31).

Thực tế, A-háp không chỉ có thiện ý với sự thờ lạy Ba-anh; mà ông đã nâng nó ngang tầm quan trọng như sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Khixem lại I Các Vua 16:32, câu Kinh Thánh giải thích rằng A-háp đã lập một đền thờ tại Sa-ma-ri và cho biết có một bàn thờ cho Ba-anh trong đền thờ đó. Những tương đồng giữa đền thờ của Sa-lô-môn tại Giê-ru-sa-lem và đền thờ của Ba-anh tại Sa-ma-ri là điều đáng chú ý. Rõ ràng, A-háp đã đặt thần khác trước mặt Đức Chúa Trời chân thật.

Khoảng thời gian 60 năm kéo dài liên tục của các vị vua gian ác này không phải là lần đầu tiên dân sự Chúa quên Đấng đã giải cứu họ ra khỏi Ai-cập, chu cấp cho họ trong sa mạc, và đem họ vào Đất Hứa. Từ thời kỳ Si-nai và con bò con vàng đến thời kỳ Ê-xê-chi-ên với nơi Chí Thánh trở thành nơi chứa đầy thần tượng, tuyển dân của Đức Chúa Trời đã thường bị hấp dẫn bởi các thần khác của xứ.

Khi nhìn lại người Y-sơ-ra-ên và những lầm lỗi của họ, có lẽ chúng ta cho rằng điều này không thể xảy ra trong thế kỷ hai mươi mốt. Chúng ta có thể nghĩ mình đã hiểu quá rõ và quá sáng suốt để không thể mắc phải sai lầm ban sơ như sự thờ hình tượng này.. Nhưng, thờ hình tượng chính là việc đặt điều khác – bất cứ đối tượng nào – thay vào chỗ của Đức Chúa Trời. Trong cuốn Unwavering Tenacity: Insights into the Life of Elijah (Tạm dịch:Sự Bám Víu Vững Chắc: Những Hiểu Biết Sâu Sắc Về Đời Sống Ê-li)), tác giả và là giáo viên dạy Kinh Thánh Gene Getz cho rằng ngày nay chúng ta làm điều này trên nhiều cấp độ. Ông nói một số người trong chúng ta có thể có những thần tượng này.

Các Thần Thuộc Chủ Nghĩa Nhân Văn. Điều này bao gồm một mảng rộng về nhữngcon người như là các ngôi sao thể thao, âm nhạc, và nhà lãnh đạo.
Các Thần Thuộc Chủ Nghĩa Duy Vật. “Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.” (Ma-thi-ơ 6: 24) hoặc những điều mua được bằng tiền.
Các Thần Thuộc Về Nhục Dục. “Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 5:5).
Các Thần Thuộc Về Mối Liên Hệ. Ngay cả điều gì đó tuyệt vời như các mối liên hệ lành mạnh có thể trở thành những hình tượng. Chúa Jêsus đã cảnh cáo, “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.” (Ma-thi-ơ 10:37).

Qua Ê-li, Đức Chúa Trời đã chất vấn A-háp về những điều Phao-lô cảnh cáo chúng ta phải chống lại trong Rô-ma 1: 25. Đó là việc thờ loài thọ tạo thế cho Đấng dựng nên. Những lời của vị sứ đồ đã định rõ tội lỗi của vua Y-sơ-ra-ên: “Họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên.”

Phản Ứng Của Đức Chúa Trời

Khi Ê-li đứng trước mặt A-háp, ông nói với A-háp: “Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (I Các Vua 17:1).

Giáo viên dạy Kinh Thánh John Whitcomb đã tính mầu nhiệm và hấp dẫn của những lời Ê-li nói như sau: “Giống như một ngôi sao băng thình lình vụt sáng ngang qua bầu trời tối tăm mờ mịt, Ê-li xuất hiện trong hiện trường, không gia phổ, không lý lịch, và không có sự báo trước. Một sự phán xét như sấm từ trời qua môi miệng của ông, và rồi ông biến mất, không để lại dấu vết!” (Solomon To The Exile, tr. 50).

Chúng ta không thấy sự phản ứng ngay lập tức của A-háp. Chúng ta không biết Ê-li có vụt chạy ra khỏi hoàng cung trước những lính gác không. Theo ký thuật Kinh Thánh (I Các Vua 17), ông chỉ đơn giản đến nói ra sứ điệp của Chúa và đi. Ông rời khỏi A-háp và đến địa điểm kế tiếp đã được định sẵn, là nơi chúng ta thấy Chúa đã bày tỏ cho ông trong I Các Vua 17:2-3.

Sứ điệp của Ê-li cho A-háp có một sự xác quyết mạnh mẽ. Nhiều năm trước đó, Môi-se đã cảnh cáo rằng sự bội đạo của đất nước sẽ khiến cho trời không có mưa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11: 16-17). Ông nói với dân sự rằng, “Các ngươi khá cẩn thận, kẻo lòng mình bị dụ dỗ, xây bỏ Chúa, mà hầu việc các thần khác, và quì lạy trước mặt chúng nó chăng; e cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va sẽ phừng lên cùng các ngươi, Ngài đóng các từng trời lại, nên nỗi chẳng có mưa nữa, đất không sanh sản: như vậy, các ngươi sẽ vội chết mất trong xứ tốt tươi nầy, là xứ mà Đức Giê-hô-va ban cho các ngươi.” (c.16-17)

Đức Chúa Trời đã nhắc nhở về Môi-se và nhắc dân sự nhớ về thời của ông khi Ngài ban mưa theo mùa để dân sự gieo trồng và sinh sống. Quyền kiểm soát của Ngài trong khía cạnh này của đời sống họ có ít nhất hai sứ điệp dành cho họ. Đầu tiên là sứ điệp nhắc họ rằng chính Đức Chúa Trời chân thật duy nhất là Đấng có quyền ban mưa- chớ không phải Ba-anh, thần ban sự sung túc của người Ca-na-an. Thứ hai là sứ điệp nhắc nhở dân sự rằng nếu Đức Chúa Trời đã quan tâm sâu sắc đến đời sống họ, thì Ngài cũng mong muốn ở họ sự vâng phục.

Mặc cho những lời cảnh cáo được lặp đi lặp lại, dân Y-sơ-ra-ên đã không trung thành với Đức Chúa Trời của mình. Vì thế, như A-háp đã bị cảnh cáo, ơn phước của Đức Chúa Trời dành cho đất nước sẽ bị ngưng lại. Dưới sự quan sát của A-háp, đất nước đã trải qua hơn ba năm hạn hán.

Lời Cầu Nguyện Của Ê-li

Gia-cơ 5: 17-18 cho chúng ta biết rằng cầu nguyện là phương tiện mà Đức Chúa Trời dùng để báo hiệu và công bố sự đoán phạt này trên đất nước Y-sơ-ra-ên. Điều đáng ngạc nhiên là dường như không có ai có sự bạo dạn và can đảm thuộc linh như Ê-li đã khiến ông trở thành một chiến sĩ cầu nguyện thành công như thế. Hãy nhớ rằng Gia-cơ cho chúng ta biết ông “vốn yếu đuối như chúng ta.”

Đây là một nét độc đáo quan trọng được đưa ra trong thời Tân Ước. Không nghi ngờ gì, Ê-li là một trong những nhân vật lịch sử thiêng liêng nhất trong vòng nhiều người thời của Gia-cơ. Khi Gia-cơ nói với độc giả của ông rằng họ và Ê-li giống nhau – rằng Ê-li là “một người y như chúng ta” như một bản dịch cho biết – ông nhấn mạnh rằng con người vĩ đại của Cựu Ước này không khác biệt gì với mỗi một người trong số họ. Và rồi độc giả của Gia-cơ và các tín hữu ngày nay được khích lệ rằng họ có thể có một đời sống cầu nguyện hiệu quả như chính nhân vật vĩ đại trong lịch sử Kinh thánh này đã có.

Trong khi lời cầu nguyện của Ê-li không được đề cập gì trong I Các Vua, chúng ta học biết được từ những điều Gia-cơ nói với chúng ta rằng Ê-li đã đáp ứng được ba tiêu chí cầu nguyện khi ông trình dâng sự nài xin của ông lên Chúa trong suốt thời kỳ khó khăn. Gia-cơ nói rằng chúng ta nên xem xét những mức độ này khi cầu nguyện.

Trước hết, Gia-cơ đã nói đến thực tế là Ê-li là “một người công bình” (c. 16). Ông là một người giống như chúng ta, nhưng rõ ràng ông là người tin kính. Là người công bình không có nghĩa là Ê-li hoàn hảo; nhưng có nghĩa là khi Ê-li cầu nguyện, ông đã xưng tội lỗi của mình và đã được tha thứ. Ông có vị thế đúng đắn với Đức Chúa Trời, là nguồn của sự công bình.

Thứ hai, Gia-cơ cho chúng ta biết rằng ông đã cầu nguyện “sốt sắng” cho trời đừng mưa. Và thật như vậy! “Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi” (c. 17). Điều cốt lõi của những câu Kinh Thánh trong Gia-cơ 5: 16- 17 cho chúng ta biết cả về quyền năng của sự cầu nguyện lẫn ích lợi của sự cầu nguyện. Cầu nguyện có quyền năng – và sự cầu nguyện mạnh mẽ là những gì Ê-li đã làm. Và nó hiệu quả!

Thứ ba, Ê-li cũng cầu nguyện một cách cụ thể. Ông cầu nguyện rằng sẽ không có sương hoặc mưa – không sự ẩm ướt nào cả. Trả lời cho sự cầu nguyện của ông là sự hạn hán xảy ra.

Trong ba năm rưỡi, Đức Chúa Trời đã dùng những lời cầu nguyện của một người giống như chúng ta để đối đầu với một số người đã trôi dạt khỏi tình yêu của Ngài.

Áp Dụng

Ê-li đã hiểu được quyền năng của sự cầu nguyện, và ông đã thực hành nó – điều này cho chúng ta một số câu hỏi then chốt để xem xét:

Chúng ta có nghĩ rằng chúng ta có được hiệu quả cho nhà Chúa là do những tài năng hay vị trí của mình không? Hay do chúng ta phụ thuộc vào chính Chúa?
Chúng ta có thấy Đức Chúa Trời chân thật là Đấng Có Một và là đối tượng duy nhất của sự thờ phượng của chúng ta không? Hay tấm lòng và tâm trí của chúng ta đang bị các thần khác che mờ?
Chúng ta có sống trong thực tại của nguồn tài nguyên của sự cầu nguyện, mà qua đó Đức Chúa Trời có thể làm những việc diệu kỳ theo ý muốn Ngài không?

Bài trướcNgày 20/6/2017: Vững Lòng Tin Nơi Chúa
Bài tiếp theoV/v. Ngày Viện Thánh Kinh Thần Học