Bài thứ 239: Vui Vẻ Và Nức Lòng Mừng Rỡ

662

Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ và lấy mọi điều dữ nói vu cho các người, thì các người sẽ được phước.  Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các người ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.  

Ma-thi-ơ 5:11-12.

 

 

Chúng ta nghiên cứu tiếp hai câu 11 và 12. Trong bài trước chúng ta đã nói đến phản ứng của người tin Chúa trước hoàn cảnh chống đối của xã hội.  Chúng ta đã nói đến ba nguyên tắc Chúa dạy là:

 

1. Người tin Chúa không giống bất cứ người nào chưa tin Chúa.

2. Cuộc đời người tin Chúa có Chúa Giê-xu làm chủ và quản trị.

3. Cuộc đời người tin Chúa phải tập trung vào những ý nghĩ về thiên đàng và thế giới trong tương lai.

 

Bài này, chúng ta sẽ phân tích lời dạy của Chúa về  “Vui vẻ và nức lòng mừng rỡ” trong cơn hoạn nạn, thử thách vì danh nghĩa của Chúa, vì Chúa.  Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người tin Chúa có thể vui trong khi chịu khổ vì Chúa được?

 

Dĩ nhiên người tin Chúa không vui vì có cuộc bách hại, vì có cuộc bách hại nào lại làm cho người ta vui cười được, như thế là trái tự nhiên.  Con người bị thương biết đau, bị nhục biết tủi, bị hành hạ vô lý, khó chịu, cay đắng.

 

Mặt khác, nếu chịu khổ với ý nghĩ: Ta hãnh diện chịu khổ để cho kẻ thù thấy rằng ta hơn hẳn chúng một bậc, chúng hành hạ ta vì chúng thấp kém, không hiểu biết, thì chúng ta đang mang tâm trạng của những người giả hình.  Ta phải hiểu hành động bạo tàn của kẻ thù đối với ta là một điều đáng tiếc, vì những con người đó đã bất nhân, đã độc ác như quỷ sứ chỉ vì tội ác hoành hành dưới sự chỉ huy của Sa-tan, quỷ vương.  Chúng ta đau đớn không những vì vết thương, nhưng còn vì ảnh hưởng tai hại của tội ác.  Như thế, người tin Chúa không bao giờ vui trong hành động bách hại cả.

 

Nhưng Chúa dạy:  “Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ”  là thế nào?  Chính Chúa Giê-xu đã trả lời câu hỏi này.

 

Trước tiên, cuộc bách hại người ấy chịu là vì Chúa, và là bằng chứng cho thấy rõ người ấy là ai, và bản chất như thế nào.  Chúa Giê-xu dạy: “Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng dành cho các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm. Vì họ cũng từng bách hại các sứ giả của Chúa trước các ngươi như vậy”.  Như thế nếu vì danh Chúa mà ta bị người đời làm hại và vu cáo, ta biết ta cũng như các sứ giả của Chúa, những bậc tôi trung của Ngài hiện đang ở với Chúa trong vinh quang, hoan lạc; đó chính là điều đáng vui mừng.  Đây là một trong những cách Chúa biến hoàn cảnh ra cuộc chiến thắng. Nói một cách khác, Chúa biến ngay điều gian ác thành ra nguyên nhân đem lại phúc hạnh.

 

Thuộc hạ của Sa-tan bách hại người tin Chúa và làm cho người ấy khốn khổ, nhưng nếu nhìn cho đúng ta thấy có điều đáng mừng. Ta có thể quay lại Sa-tan mà nói rằng:  vì ngươi phá haị, ta bằng chứng rõ ràng rằng ta là con của Chúa, nếu không, ta sẽ không bao giờ vì danh Chúa mà bị bách hại được.”

 

Gia-cơ trong thư của ông cũng lý luận rằng: Sự thử thách là bằng cớ minh chứng là ta đã được Chúa gọi và là con thật của Chúa, tức là cách ta biết chắc ta là con của Chúa.

 

Nói một cách khác, khi chịu khổ vì Chúa như vậy, ta đã xác định rõ mình là người của Chúa.  Nếu ta bị vu cáo, làm hại như Chúa ngày xưa, tức là cuộc đời ta đã thuộc hẳn về Chúa.  Khi ta bị ngược đãi như Chúa thì đúng như lời Chúa đã tiên đóan.  Trước khi về trời, Chúa đã nói rằng việc bách hại sẽ chắc chắn xẩy ra.  Sứ đồ Phao-lô viết: Chúa nhân Chúa Cứu Thế, ban ơn cho anh em, không những tin Chúa Cứu Thế mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa.” Phi-líp 1:29.  Vì vậy, khi người tin Chúa gặp khổ nạn thì biết rằng đó là bằng chứng mình là con thật của Chúa.

 

Lý do thứ hai về việc vui vẻ và nức lòng mừng rỡ là:  “Vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”.” Đây là một giáo lý được giải bầy trong suốt Kinh-thánh.  Chúa Giê-xu dường như bảo rằng:  Nếu cuộc khổ nạn xảy ra cho con, đó là dấu hiệu con đang trên đường về nước Trời.  Điều đó cũng có nghĩa là nhãn hiệu nước Trời đã được ghi rõ trên cuộc đời của con. Nước Trời là nơi cuối cùng của đời con.  Người đời gây khổ nạn cho con vì con không thuộc về họ, con là người khác hẳn, thuộc về một lãnh giới khác với trần tục này.  Đó chính là lý do mà Chúa bảo hãy nức lòng mừng rỡ.

 

Ta có thể nói thêm, căn cứ vào những gì xảy ra cho ta, ta biết được ba điều:

 

1. Xác định rõ ta là ai.

2. Ta biết rõ nơi đến của hành trình là nơi nào.

3. Ta biết phần thưởng của ta và những gì đang chờ đợi ta.

 

 

Bài trướcHọp Mặt Tân Tín Hữu Tại Hội Thánh Tân Hiệp-Kiên Giang.
Bài tiếp theoTruyền Giảng Tin Lành Tại HT Việt An, Quảng Nam.