Hỡi anh em, về thời và kỳ, thì không cần viết cho anh em;
vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.
Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu.
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3.
Các câu hỏi người Tê-sa-lô-ni-ca đặt ra có lẽ cũng là của người thời nay, đó là có các dấu hiệu nào báo trước Chúa tái lâm hay không? Đã gần đến ngày đó chưa? Sứ đồ Phao-lô nói rằng người Tê-sa-lô-ni-ca đã biết tất cả những gì họ cần biết, họ chỉ chưa áp dụng đó thôi.
Trước tiên, sứ đồ Phao-lô nói về thời gian. Trong bản Kinh Thánh Việt ngữ nói là thời và kỳ, nguyên văn là thời gian và mùa, tức là lúc nào và vào mùa nào. Phao-lô khẳng định là vấn đề thời gian không đặt ra nữa, vì họ đã biết những điều họ cần biết rồi. Đây cũng là điều con dân Chúa nên nắm vững để không bao giờ tin bất cứ dư luận nào hay nguồn tin nào nói về một ngày giờ nào đó Chúa sẽ tái lâm, vì không một người nào biết chuyện này, Chúa Giê-xu đã khẳng định như thế. Dù ta không biết khi nào Chúa tái lâm, nhưng ta có đầy đủ những huấn thị về việc chuẩn bị đón rước Chúa, đây mới là điều ta đáng quan tâm.
Nhận huấn thị, nhưng có áp dụng và thực hành hay không mới là quan tâm của Phao-lô.
Sứ đồ Phao-lô bảo: 2 vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy.
3 Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu.
Một từ quen thuộc được dùng trong Kinh Thánh là Ngày của Chúa. Tiên tri A-mốt đã nói đến Ngày của Chúa nhiều thế kỷ trước thời Tân Ước. Theo tinh thần của Kinh Thánh Cựu Ước, thì Ngày của Chúa là ngày phán xét, ngày làm ngay lành lại những gì sai trái, ngày mà kẻ có tội lo sợ và người tin Chúa vui mừng chào đón.
Trong thời Tân Ước, ý nghĩa phán xét của ngày đó cũng được tuyên bố.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói về ngày phán xét (2 Phi-e-rơ 2:9).
Sứ đồ Phao-lô nói về ngày thịnh nộ và mặc khải phán xét của Chúa (Rô-ma 2:5).
Ngày ấy còn gọi là Ngày Cứu Chuộc, tức là ngày con dân Chúa được cứu khỏi thế gian này (Ê-phê-sô 4:30). Chỗ khác gọi là Ngày của Chúa, Ngày của Chúa Giê-xu (Phi-líp 1:6 và 1 Cô-rinh-tô 1:8). Trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca đặc biệt chỉ nói về Ngày đó. Trong Giăng 6:39 gọi là Ngày sau cùng. Trong khi đó Giu-đe gọi là Ngày lớn.
Dù tên gọi có khác, Ngày của Chúa là ngày phán xét, một ngày Chúa dùng công lý bào chữa cho dân Ngài và trừng phạt những kẻ phạm tội.
Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm vào ban đêm, nghĩa là không ai ngờ trước được.
Ngày của Chúa sẽ đến khi người vô tín nói về hòa bình và yên ổn. Có lẽ lúc ấy kinh tế phồn thịnh nhất, các nước không còn chiến tranh nữa, và mọi việc sáng tỏ hơn trước nhiều. Nhưng vào lúc như vậy, con dân Chúa là những người gần với Lời Chúa và nhìn vào các dấu hiệu, hiểu rằng Chúa gần tới. Khi nào mọi việc được tuyên bố là thành công và thế giới gần lại với nhau hơn cả, là lúc Chúa Giê-xu trở lại.
Phao-lô bảo rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đờn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu. Có hai điểm ta lưu ý, đó là việc Chúa đến rất bất ngờ, và thứ hai, không ai tránh thoát được tai họa. Tai họa lớn nhất là cơ hội ăn năn hối lỗi đã hết, và ngày phán xét đã đến. Những ai từng phỉ báng chối bỏ Chúa, những ai gây tác hại cho dân Chúa sẽ chờ đợi ngày tai họa này và không bao giờ tránh thoát được. Ngày phán xét của Chúa chắc chắn sẽ đến và không thế lực nào ngăn cản được.