Bài thứ 206: Cầu Thay

876

 

Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người,

 1Ti-mô-thê 2:1

 

 

Đây là phần mở đầu cho những giáo huấn về tổ chức thờ phượng trong Hội-thánh. Quan trọng hơn cả là Cầu Nguyện.

 

Sứ đồ Phao-lô mở đầu bằng hai cụm từ quan trọng:  trước hết và ta căn dặn hay khuyến giục.  Cả hai cụm từ này đều mang tính chất khẩn cấp và hệ trọng.  Như thế chứng tỏ cầu nguyện cần thiết cho thờ phượng như thế nào.

 

Trong câu một có bốn hình thức cầu nguyện được nêu lên ngắn ngủi mà không cần giải thích, vì có lẽ người thời đó đã hiểu các hình thức cầu nguyện này.

 

Trước tiên là khẩn nguyện, nghĩa là yêu cầu, là xin.  Chúa dạy ta là phải xin Chúa.  Nhiều người bảo rằng Chúa đã biết tất cả rồi hà tất ta phải xin làm gì nữa ?  Nhưng tại đây Sứ đồ Phao-lô căn dặn là phải xin Chúa.  Dĩ nhiên là khi xin như thế ta trình bầy chi tiết rõ ràng nhu cầu của mình, ta cũng cần học biết về Chúa để hiểu rằng có những điều Chúa không thể cho, vì không có lợi cho ta, hoặc không theo ý định của Chúa.  Nhưng dù sao, ta vẫn tôn thờ Chúa đúng cách, khi ta khẩn nguyện về các khó khăn mà mình gặp.

 

Thứ hai là cầu xin.  Đây là từ nói chung về việc cầu nguyện, tức là dâng lên Chúa những lời ca ngợi, chúc tụng, khẩn xin và cảm tạ.

Từ thứ ba được nêu lên ở đây là kêu van.  Kêu van là lời xin của một người ở v ị trí thấp hèn lên Đấng Cao cả.  Đây là kêu xin với một Đấng bậc rõ ràng chứ không phải một thần linh mơ hồ.  Kêu van là đối thoại với Chúa và xin Chúa.  Từ này còn có nghĩa là cầu thay cho ai, hay van xin cho ai khác.

 

Cầu nguyện cần có lòng tin, dạn dĩ đến với Chúa, vào mối tương giao đối diện với Ngài trong thái độ thưa chuyện và đối thoại.  Làm như thế ta mới thấy đời sống cầu nguyện phong phú và sâu nhiệm.

 

Cuối cùng, Sứ đồ Phao-lô khuyên là phải tạ ơn Chúa.  Đây là cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho mình hay hoàn cảnh của mình những gì.

 

Ta cũng nên nhớ rằng tất cả bốn hình thức cầu nguyện vừa kể là dùng để cầu thay cho người khác.  Nhận xét như thế ta mới thấy việc cầu nguyện này khá lạ.  Người khác đây là mọi người, nghĩa là không phân biệt, không kỳ thị.  Bạn hay thù đều phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van và tạ ơn Chúa cho họ và vì họ.

 

Dĩ nhiên là khi vào thực tế ta mới thấy khó.  Thí dụ như làm sao ta tạ ơn về kẻ thù của mình cho được?  Ta có thể tạ ơn Chúa vì Chúa ngăn cản kẻ thù làm hại ta thôi chăng?

 

Câu 2 cho biết là ta phải ưu tiên cầu nguyện cho những ai, đó là các vua và các chính quyền.  Trước đó lời khuyên là cầu nguyện cho tất cả mọi người.  Câu 2 có thể diễn dịch là, trên tất cả, nên nhớ phải cầu nguyện cho các vua và hết thảy các bậc cầm quyền.  Việc cầu nguyện cho các vua trong thời đó rất là khó hiểu, vì vị hoàng đế đương thời của đế quốc La-mã lúc đó chính là bạo vương Nê-rông, người về sau đã ra lệnh sát hại Sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ và nhiều người truyền giáo khác cũng như các tín đồ của Chúa Giê-xu.  Mục đích của việc cầu nguyện này là để con dân Chúa có thể được tự do thờ phượng Chúa mà không bị làm khó dễ.  Trong lịch sử đã có nhiều vụ bách hại người tin Chúa, nhưng con dân Chúa vẫn hết lòng cầu nguyện cho cả kẻ thù của họ. 

 

Phần sau của câu 2 giải thích là tại sao phải cầu nguyện cho các vị trong chính quyền, câu này xin dịch lại theo nguyên văn là: Để chúng ta có thể sống đời bình tịnh, yên ổn trong thánh thiện và công nghĩa.  

 

Bài trướcBài thứ 205: Chúa Là Ai?
Bài tiếp theoLễ Cung Hiến Nhà Thờ Chi Hội Buôn Dang Kang (Krông Bông – Daklak)