Bài 8: Sự Sáng Tạo Có Đáng Tin? (Phần 2)

1701

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

Chúng ta vừa bắt đầu khảo sát sách Sáng thế ký. Trong bài rồi, chúng ta đã so sánh bản ký thuật của Kinh thánh về sự sáng tạo với thuyết tiến hóa vô thần. Khi đọc chương đầu của sách Sáng thế ký, quí vị sẽ đi đến cùng một kết luận như vậy.

 

Trước tiên, hãy để ý điều nầy: Bản ký thuật về sự sáng tạo trong Sáng thế ký đề cập đến mọi vật hiện hữu. Mọi vật là kết quả của 3 hành động sáng tạo của Đức Chúa Trời. Có nhiều sự thay đổi và phát triển giữa những hành động sáng tạo nầy. Sau những hành động sáng tạo nguyên thủy, Thần của Đức Chúa Trời vận hành, thay đổi và phát triển tạo vật. Có điểm tương đồng giữa bản ký thuật về sự sáng tạo và niềm tin của các nhà khoa học. Các nhà khoa học nghiên cứu về các dạng thức của sự sống, và thấy sự sống thay đổi và phát triển. Họ kết luận rằng: “Sự sống có phát triển và thay đổi”.

 

Một số các Cơ Đốc nhân sửng sốt và cho rằng, “Không thể được.” Bây giờ, chúng ta hãy trở về với bản ký thuật về sự sáng tạo của Sáng thế ký và xem Kinh thánh đã nói gì? Kinh thánh đã thật sự nói điều gì? Kinh thánh cho biết có 3 hành động sáng tạo và giữa những hành động nầy có sự thay đổi  và phát triển. Bởi vậy, lý thuyết về sự thay đổi và bản ký thuật về sự sáng tạo của sách Sáng thế ký có sự tương đồng tại điểm nầy.

 

Song, có chỗ bất đồng giữa khoa học và Kinh thánh. Có ba lần bản ký thuật về sự sáng tạo của sách Sáng thế ký khẳng định Đức Chúa Trời dựng nên. Còn các nhà khoa học thì không chấp nhận như vậy. Lý do là vì nó nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của họ. Sự sáng tạo bao gồm yếu tố siêu nhiên, chủ quan và thuộc linh. Theo các nhà khoa học, những yếu tố siêu nhiên không mang tính chất khoa học.

 

Để tóm tắt, chúng ta cần nhớ rằng, có những tương đồng giữa khoa học và Kinh thánh về sự sáng tạo, nhưng có 3 chỗ mà các nhà khoa học vô thần không sao trả lời được. Đó là 3 chỗ mà Sáng thế ký khẳng định, “Đức Chúa Trời dựng nên.” Các nhà khoa học vô thần lúng túng để tìm câu trả lời, “Mọi sự đã bắt đầu như thế nào?” Khi quí vị bắt đầu ngay tại chỗ khởi thủy, họ phải chật vật để tìm câu trả lời.

 

Có vị mục sư tham dư buổi hội thảo với sự có mặt của một nhà khoa học nổi tiếng. Khi ông nầy nói đến chỗ là “Chúng ta từ thể hơi.” Mục sư liền chuẩn bị đưa tay lên hỏi, nhà khoa học nhìn xuyên qua cặp kính dày cộm và nói: “Xin đừng hỏi tôi là thể hơi nầy do đâu mà ra.” Quí vị thấy đó, họ không sao tìm được câu trả lời về nguyên nhân đầu tiên. Mọi sự đã bắt nguồn tại đâu? Chính tại chỗ đó, Kinh thánh khẳng định rằng, Đức Chúa Trời dựng nên. Vì các nhà khoa học đã định nghĩa thế nào là khoa học; và chiếu theo định nghĩa nầy, họ thường nói rằng, “Tôi không tin Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới nầy.” Riêng tôi, tôi cảm thấy khó hiểu vì các nhà khoa học lại tin vào thuyết “Nổ lớn” là thuyết cho rằng, bằng cách nào đó đã có vụ nổ dữ dội, và điều nầy đã hình thành vũ trụ chúng ta có ngày nay.

 

Kinh thánh dạy rằng, đã có một Đức Chúa Trời vĩ đại. Chính Đức Chúa Trời vĩ đại nầy đã tạo dựng muôn loài muôn vật; và đó chính là lý do của mọi sự hiện hữu. Tin vào một Đức Chúa Trời vĩ đại thì dễ chấp nhận hơn là tin vào vụ nổ dữ dội. Các nhà khoa học không thể trả lời được câu hỏi “Mọi sự đã bắt nguồn như thế nào?”

 

Điểm thứ hai mà các nhà khoa học vô tín không có câu trả lời thỏa đáng, đó là làm sao sự sống thực vật lại theo một quá trình tiến hóa để thành sự sống động vật? Đây không chỉ là một sự gián đoạn. Có cả thảy ba sự gián đoạn; và đây là chỗ thứ nhì. Làm thế nào để sự sống thực vật trở thành sự sống động vật? Một lần nữa Kinh thánh đưa ra câu trả lời: Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã hành động, một hành động của sự sáng tạo.

 

Rồi hiển nhiên một sự gián đoạn thứ ba, đó là làm sao sự sống của động vật lại biến thành sự sống của loài người. Tại đây cũng lần thứ ba, Kinh thánh trả lời: Đức Chúa Trời. Bản ký thuật về sự sáng tạo của sách Sáng thế ký cho biết rằng, Đức Chúa Trời dựng nên con người. Tôi không biết quí vị thế nào, riêng tôi, thật lý thú về nhận xét sau đây. Tại ba chỗ mà các khoa học gia không thể trả lời thì Sáng thế ký cho chúng ta câu trả lời. Các lý thuyết sơ khai nói về nguồn gốc như thế nào. Chỉ cần quay lại bốn hoặc năm trăm năm trước người ta tin gì? Họ cho rằng trái đất quay trên cái vòi của một con voi mà chân của nó đứng trên 4 con rùa. Họ có ý tưởng rất sơ khai về sự hình thành vũ trụ. Còn Kinh thánh được viết 3,300 năm trước Darwin, đã cho biết, “sự sống có thay đổi và phát triển. Khi vấn đề trở nên bế tắc, chúng ta tìm được câu trả lời trong Kinh thánh vì cả ba lần Kinh thánh phán: “Đức Chúa Trời dựng nên.” Đức Chúa Trời đặt động lực vào trong sự sáng tạo để sản sinh mọi vật.

 

Kinh thánh không cố gắng mang tính khoa học. Mục đích của Kinh thánh không phải là để trình bày về sự sáng tạo. Kinh thánh không phải là cuốn sách giáo khoa về khoa học. Kinh thánh là cuốn giáo khoa về sự cứu rỗi, chuộc tội. Kinh thánh cho biết bối cảnh lịch sử của chương trình cứu chuộc. Đó chính là mục đích của Kinh thánh. Có 1189 chương trong Kinh thánh, nhưng chỉ có 1.5 chương nói về sự sáng tạo. Kinh thánh đã đi trước khoa học 3,300 năm mặc dầu Kinh thánh nói rất vắn tắt về khoa học.

 

Cũng tiếp tục với sự sáng tạo, thử hỏi: “Ai có đủ tư cách nói về đề tài nầy?” Đức Chúa Trời đã hỏi Gióp là một người rất thông minh và cao trọng rằng: “Khi ta tạo dựng trời đất thì ngươi ở đâu?” Thật là một câu hỏi tuyệt vời. Không một khoa học gia nào có mặt lúc đó để  quan sát, thí nghiệm và kết luận. Do đó, tôi tin rằng các khoa học gia không thể đưa ra những phán đoán có thẩm quyền về nguồn gốc của muôn vật. Nó không thuộc phạm vi của khoa học mà thuộc phạm vi của thần học, và có lẽ là triết học.

 

Cuối năm dạy triết học, một vị giáo sư đi đến 4 kết luận rất dí dỏm. Trước mặt cả lớp, ông vừa nói vừa viết lên bảng: “Thứ nhất là tôi không biết.” “Thứ hai là các anh chị không biết.” “Thứ ba là không ai biết.” Kết luận thứ tư của ông là “Nhưng suy nghĩ về điều đó là khôn ngoan.” Đây chính là triết học.

 

Nếu muốn, quí vị có thể xem sự sáng tạo thuộc về phạm vi của triết học. Và quí vị có thể kết luận giống như vị giáo sư rằng, tôi không biết về sự sáng tạo, anh chị không biết, không ai biết, nhưng phải chăng suy nghĩ về điều nầy là thiếu khôn ngoan? Sách Sáng thế ký cho biết sự sáng tạo là chủ đề thuộc về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sáng tạo. Chỉ một mình Đức Chúa Trời có mặt vào lúc đó mà thôi. Chỉ một mình Ngài biết. Do đó, chỉ có một người có thể tiết lộ cho chúng ta biết về sự sáng tạo chính là vị tiên tri nhận sự mặc khải từ Chúa. Môi-se chính là con người đó. Ông lên núi Si-nai ba lần, trong suốt 40 ngày không ăn, không uống và Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Môi-se. Năm sách đầu tiên của Kinh thánh là kết quả của sự bày tỏ nầy. Sự bày tỏ hay mặc khải bắt đầu với lời phát biểu ngắn gọn về sự sáng tạo. Đây chính là chân lý.

 

Khi học về chủ đề sáng tạo, chúng ta dễ rơi vào hai trường hợp đối nghịch. Những người tin Chúa bảo thủ cho rằng, trái đất chỉ có 6000 năm tuổi và con người đã xuất hiện được 6000 năm. Thật ra, Kinh thánh không nói như vậy. Mặt khác, có người chấp nhận quan điểm của những người duy vật, vô thần và  thế tục. Họ ủng hộ học thuyết tiến hóa. Tôi không tin rằng cả hai đúng. Giữa hai thái cực, chúng ta có bản ký thuật về sự sáng tạo của sách Sáng thế ký. Điều kỳ lạ là nhiều người chưa đọc đến. Nhiều nhà khoa học biết rất nhiều về khoa học song chưa bao giờ đọc Sáng thế ký một cách khách quan và kỹ lưỡng. Nhiều người tin Kinh thánh lại rất e dè về thuyết tiến hóa, đến nỗi họ không xem Kinh thánh đã nói gì về điều nầy.

 

Tôi không phải là một khoa học gia, không biết về thuyết tiến hóa. Đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi. Tôi chỉ đề nghị như thế nầy: Hãy xem Kinh thánh đã nói gì về sự sáng tạo. Đừng nghĩ rằng quí vị phải binh vực cho Đức Chúa Trời. Những gì Chúa phán dạy luôn luôn là chân thật.

 

Chúng ta cũng tự hỏi câu nầy: Vì sao Đức Chúa Trời tiết lộ sự sáng tạo cho chúng ta? Xin đừng nghĩ rằng, Đức Chúa Trời bị bắt buộc phải giải thích cho chúng ta. Ngài không mắc nợ chúng ta về điều nầy. Song, Chúa biết rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận thức rằng, chúng ta cần sự tân tạo trong lòng mình giống như Đa-vít vậy. Sau khi phạm tội, Đa-vít rất đau buồn và dâng lên lời cầu nguyện sâu nhiệm như sau: “Xin tỏ cho con biết con người thật của con.” Khi Chúa bày tỏ, Đa-vít đã nói rằng: “Tôi là kẻ có tội ngay từ trong lòng mẹ, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” Rồi ông dâng lên lời cầu nguyện, trong đó ông dùng chữ bara, “Xin hãy tạo nên trong con một lòng trong sạch, và dựng nên trong con một thần linh ngay thẳng.” Những gì mà Đa-vít muốn nói là: “Chúa ơi, nếu Ngài không làm một phép lạ về sự sáng tạo ngay trong lòng con thì con sẽ thất bại hết lần nầy đến lần khác. Con cần một phép lạ sáng tạo ngay nơi chính con người bên trong của con.”

 

Câu trả lời cho Đa-vít là sự tái sinh. Đây là điều mà Chúa Jêsus đã nói đến, “Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại. Bởi vì điều chi sanh bởi xác thịt là xác thịt. Ngươi phải sanh lại Ngươi cần sự tân tạo.” Khi các vị sứ đồ đề cập đến sự dạy dỗ của Chúa về sự tái sanh, họ gọi đó là sự sáng tạo. Họ nói rằng: “Hễ ai được tái sanh là người được tạo dựng hay sáng tạo nên mới.” Phao-lô nói rằng, “chúng ta là công việc của tay Chúa, được dựng nên trong Đấng Christ.” Những người được tái sanh kinh nghiệm sự tân tạo; và điều đó chính là công việc của Đức Chúa Trời.

 

Tôi tin rằng, Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận thức về nhu cầu của hành động tân sanh. Khi chúng ta thấy được điều nầy, Chúa sẽ là Đấng làm điều đó và chỉ một mình Ngài mới có thể tân tạo. Đó là lý do vì sao Chúa phán dạy về sự sáng tạo; qua đó, Ngài muốn chúng ta hiểu sự sáng tạo có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày hôm nay. Chúa muốn chúng ta biết rằng, “điều chi sanh bởi xác thịt là xác thịt”; và chúng ta cần sự tạo dựng mới hay sự tái sanh, sự sanh ra thuộc linh.

 

Quí vị đã kinh nghiệm về sự tái sanh, hay sự tạo dựng nên mới trong đời sống quí vị chưa? Nếu chưa, tôi kính mời quí vị hãy cầu nguyện với Đức Chúa Trời để Ngài tân tạo đời sống bên trong của quí vị.

 

Bài trướcChương Trình Truyền Giảng Của Hội Nhánh Hiệp Bình Phước – Tp. HCM.
Bài tiếp theoBài 290: Đừng Bao Giờ Quá Bận