Đối Diện Tương Lai

2664

Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của năm mới 2014 và cũng sắp bước vào năm mới Âm lịch Giáp Ngọ. Chúng ta suy nghĩ gì khi đối diện với tương lai của năm mới? Bi quan hay lạc quan đây? Theo dự báo của các chuyên gia thì tình hình kinh tế thế giới năm 2014 có phần khởi sắc hơn, có triển vọng tăng trưởng tốt hơn, nhất là châu Âu vừa thoát khỏi khủng hoảng nợ công và đang trên đường phục hồi. Tuy nhiên về phương diện thiên tai, dịch bệnh thì người ta dự báo sẽ có nguy cơ khắc nghiệt và tệ hại hơn. Bằng chứng là đầu 2014 một đợt giá buốt quét qua Bắc Mỹ có nơi xuống -50 C, tệ hại nhất trong vòng 100 năm qua. Rồi dịch cúm gia cầm H5N1 đang lây lan ở Mỹ làm khá nhiều người chết, khiến nhiều người lo ngại. Rồi điều gì nữa sẽ xảy ra trong những tháng sắp tới, nào ai biết được!

 

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần có thái độ như thế nào khi đối diện với tương lai? Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì? Cảm ơn Chúa, trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-xu cũng dạy chúng ta về tương lai trong Ma-thi-ơ  6:31-34.

 

BẢN CHẤT TƯƠNG LAI

Trước hết Kinh Thánh cho chúng ta biết về bản chất của tương lai. Thánh Gia-cơ dạy “song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.” (Gia-cơ 4:14).

 

Không ai biết chắc tương lai

Điều đầu tiên chúng ta cần biết về bản chất của tương lai là tính không biết chắc.

Châm Ngôn 27:1 cũng dạy “Chớ khoe khoang về ngày mai; Vì con chẳng biết ngày mai sẽ sinh ra điều gì.” Tại sao? Bởi vì cuộc đời là vô thường, vô định, không có gì là chắc chắn cả. Tôi nghĩ có lẽ tác giả bài hát nổi tiếng thế giới bằng tiếng Tây Ban Nha “Que sera sera – Whatever will be will be” thịnh hành trong những thập niên 50-60 của thế kỷ trước và cho đến ngày nay người ta vẫn còn thích hát, đã lấy cảm hứng từ Thánh Kinh khi viết bài hát này, trong đó có đoạn “Biết ra sao ngày sau, đời sẽ vui tươi hay buồn đau, vì sắc duyên là sóng bể dâu, nào ai biết ngày sau…”

 

Đời người mong manh

Sở dĩ tương lai không thể biết chắc cũng vì tương lai cuộc đời chúng ta tùy thuộc vào sinh mạng của chúng ta. Mà đời người lại quá ngắn ngủi, mong manh “như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay”. Tác giả Thi Thiên 103:15 cũng viết “Đời loài người như cây cỏ; Người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.”

 

Khi nói đến bản chất không biết chắc của tương lai, tôi nhớ lại câu chuyện về tàu Titanic bị chìm. Tàu Titanic hạ thủy tại Anh năm 1912 là chiếc tàu tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ với sức chứa gần 1.500 hành khách. Trước khi khởi hành đi từ Anh sang Mỹ, vị thuyền trưởng của chiếc tàu đã tuyên bố đầy ngạo mạn rằng chiếc này rất an toàn, không có gì có thể làm cho nó chìm được. Nhưng nào có ai ngờ trên đường vượt Đại Tây Dương, nó đã bất ngờ va vào một tảng băng lớn và bị chìm và hầu hết hành khách trên tàu phần lớn là những người giàu có, quyền quý, đã bị vùi sâu dưới lòng biển. Câu chuyện tàu Titanic bị chìm đã được ghi vào lịch sử nhân loại và ngày nay cũng được dựng thành phim như để nhắc nhở nhân loại đừng kiêu căng ngạo mạn về tương lai và sự khôn ngoan của mình.

 

THÁI ĐỘ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN ĐỐI VỚI TƯƠNG LAI

 

Trong Bài giảng trên núi, khi dạy về sự lo lắng trong Ma-thi-ơ chương 6, Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta ít ra ba điều liên quan đến thái độ đối tương lai.

 

Đừng lo lắng vì biết Chúa là Đấng nắm giữ tương lai

Chúa Giê-xu đã nhắc lại hai lần trong Ma-thi-ơ 6:31 và 34 rằng “đừng lo lắng.” Tại sao Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng về tương lai? Tất nhiên chúng ta cần phải suy nghĩ, tính toán, lên kế hoạch, lo liệu cho tương lai, nhưng Chúa dạy đừng lo lắng mà hãy cầu nguyện phó thác cho Ngài. Lý do chúng ta không nên lo lắng cho tương lai phải ăn gì uống gì mặc gì bởi vì tâm linh quý trọng hơn vật chất, sự sống quý trọng hơn quần áo. Con người chúng ta khác với các loài vật khác vì có linh hồn và được Đức Chúa Trời dựng nên theo hình ảnh của Ngài, vì thế chúng ta phải dành ưu tiên số một cho nhu cầu tâm linh. Hơn nữa, chúng ta cần ý thức rằng Chúa là Đấng nắm giữ tương lai cuộc đời chúng ta. Kinh Thánh dạy rằng trước khi hoạch định, làm công việc gì trong tương lai thì phải luôn tự nhủ “ví bằng Chúa muốn và nếu ta còn sống.” (Gia-cơ 4:15). Câu này hàm ý rằng Chúa là Đấng nắm giữ tương lai và Ngài nắm quyền tể trị mọi sự trên cuộc đời chúng ta.

 

Chúa không muốn chúng ta lo lắng vì lo lắng là phạm tội vô tín vì không tin cậy vào sự thành tín, yêu thương và quan phòng của Chúa. Chính vì thế mà R. H. Mounce nói một cách mạnh mẽ rằng “Lo lắng là thái độ vô thần thực hành và làm sỉ nhục Đức Chúa Trời”. Trái lại, Chúa bảo “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em.” (1 Phi-e-rơ 5:7).

 

Hãy bước đi bởi đức tin

Lo lắng cũng là thái độ thiếu đức tin, vì thế mà Chúa phán “Hỡi kẻ ít đức tin” (c.30).

Do đó, thay vì lo lắng về tương lai, Chúa muốn chúng ta là con dân Chúa hãy bước đi bởi đức tin. Kinh Thánh dạy “Chúng ta bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy”.

(2 Cô-rinh-tô 5:7). Khuynh hướng tự nhiên của con người là bước đi theo điều mắt mình thấy, nhưng về phương diện tâm linh Chúa không muốn con dân Chúa bước đi bởi mắt thấy.

 

Thế nào là bước đi bởi đức tin? Bước đi bởi đức tin là nhìn xem Chúa mà bước đi chứ không nhìn hoàn cảnh chung quanh. Câu chuyện Phi-e-rơ đi bộ trên mặt biển trong Ma-thi-ơ chương 14 dạy chúng ta bài học cụ thể và sinh động về bước đi bởi đức tin. Sở dĩ Phi-e-rơ có thể đi trên mặt nước được vì ông nghe Chúa phán và ông nhìn xem Chúa mà bước đi. Nhưng khi Phi-e-rơ nhìn sóng gió và sợ hãi thì liền bị sụp xuống nước. Vì thế, tác giả thư Hê-bơ-rơ dạy chúng ta hãy “nhìn xem Đức Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin…”

 

Bước đi bởi đức tin cũng có nghĩa là chúng ta tập trung vào hiện tại chứ không phải vào tương lai, vì đức tin là trong hiện tại. Cho nên trong bài cầu nguyện chung, Chúa dạy “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.” Câu 34 Chúa muốn dạy chúng ta hãy hoàn tất bổn phận và trách nhiệm của chúng ta trong ngày hôm nay và sự khó nhọc cho hôm nay như vậy cũng đủ rồi. Xin Chúa giúp chúng ta nắm chắc lấy Lời Chúa và bước đi bởi đức tin trong năm mới này.

 

 Tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời

Thái độ tích cực hơn khi đối diện với tương lai là “tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài.” Nên nhớ Chúa phán lời này không phải cho người chưa tin Chúa hay dân ngoại mà cho chúng ta là con dân Chúa. Câu Kinh Thánh rất quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên tôi cảm thấy dường như chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm của chân lý này. Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài có nghĩa gì? Tại sao con dân Chúa phải ưu tiên tìm kiếm hai điều ấy? Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ từng từ ngữ trong câu Kinh Thánh này.

 

Trước hết (Proton): Trạng từ này nhấn mạnh tầm quan trọng, thứ tự ưu tiên số một từ trong lòng.

 

Tìm kiếm: Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh để ý thấy Chúa Giê-xu dùng hai động từ “tìm” khác nhau trong câu 32 và câu 33. Tìm (Epizeteo) trong câu 32 chỉ sự tìm kiếm hết sức cực nhọc, vất vả, với nhiều mồ hôi và căng thẳng bức xúc. Đó là tinh thần tìm kiếm vật chất, miếng cơm manh áo để sống, là sự lao nhọc vất vả “đổ môi trán mới có mà ăn” như là hậu quả tội lỗi mà con người phải gánh chịu trong thân phận bị rủa sả. Đó là tinh thần tìm kiếm mà “các dân ngoại vẫn thường tìm” nhưng con dân Chúa thì không nên như vậy.

 

Còn tìm (Zeteo) trong câu 33 thì ngược lại. Đó là sự tìm kiếm với tinh thần nhẹ nhàng vui tươi và lòng khao khát tâm linh muốn thờ phượng Chúa; đó là tinh thần tìm kiếm do ý thức được sự nghèo khó tâm linh, đói khát sự công chính bằng sự cầu nguyện, suy ngẫm, nghiên cứu, học hỏi Lời Chúa để biết Chúa, kinh nghiệm Ngài. Đó là tinh thần tìm kiếm của Đa-vít Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; Trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa.”

(Thi Thiên 63:1).

 

Nước Đức Chúa Trời

Nước Đức Chúa Trời chỉ về sự tể trị, sự cai trị và sự hiện diện của Chúa trong lòng chúng ta, vì Chúa phán “Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” (Lu-ca 17:21) Tìm kiếm nước Đức Chúa Trời là để Chúa chiếm hữu, hiện diện và hướng dẫn đời sống mình. Tìm kiếm nước Đức Chúa Trời là để Chúa làm trung tâm của đời sống mình, để Ngài điều khiển, hướng dẫn mọi khía cạnh của đời sống. Và một khi Chúa trở nên trung tâm điểm của đời sống mình thì chắc chắn chúng ta sẽ kinh nghiệm phước hạnh của nước trời, đó là “sự công chính, bình an, vui vẻ bởi Thánh Linh.” (Rô-ma 14:17)

 

Sự công chính của Ngài

Không những tìm kiếm nước Đức Chúa Trời mà còn tìm kiếm sự công chính của Ngài nữa. Sự công chính của Ngài chứ không phải sự công chính của chúng ta, tức là sự công chính mà Đức Chúa Trời thực hiện qua Chúa Giê-xu, như Kinh Thánh chép “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (2 Cô-rinh-tô 5:21). Chính nhờ sự công bình đó mà chúng ta được hưởng bao nhiêu phước hạnh thiêng liêng ở các các nơi trên trời. Vì thế chúng ta cần dành thì giờ tìm kiếm để kinh nghiệm một cách cá nhân những phước hạnh Chúa ban cho chúng ta nhờ sự chết chuộc tội của Ngài: “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh.” (Ê-sai 53:5). Nói khác đi, sự công chính của Ngài chính là phước hạnh trong Con yêu dấu của Ngài là Chúa Giê-xu mà Chúa dành sẵn cho chúng ta.

 

Hơn nữa, sự công chính này là nhờ ân điển “họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” (Rô-ma 3:24). Vì thế, tìm kiếm sự công chính của Ngài cũng là tìm kiếm để kinh nghiệm ân điển kỳ diệu của Ngài mỗi ngày trong đời sống. Chúng ta được cứu bởi ân điển và sống nhờ ân điển ban cho dư dật của Ngài mỗi ngày, như có chép “Và từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đều nhận được ân điển càng thêm ân điển.” Giăng 1:16 – BTTHĐ).

 

Ngài sẽ thêm cho các ngươi mọi điều ấy nữa

Một khi chúng ta ưu tiên tìm kiếm Chúa và những phước hạnh thuộc linh thì những phước hạnh vật chất sẽ được thêm vào một cách dư dật chứ không phải được ban cho nhờ cầu xin. Đây là kết quả tự nhiên, kỳ diệu; không phải chúng ta chạy theo để tìm kiếm phước hạnh mà phước hạnh chạy theo chúng ta, đúng như Đa-vít đã kinh nghiệm “Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi”.

 

Chúa hứa sẽ ban phước dư dật cho những tấm lòng khát khao tìm kiếm Ngài “Vì Ngài làm cho lòng khao khát được thỏa thích, khiến cho hồn đói được đầy dẫy vật tốt.” Thi Thiên 107:9).

 

KẾT LUẬN

 

            Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng chúng ta biết chắc rằng Chúa là Đấng yêu thương chăm sóc chúng ta, và Ngài là Đấng nắm giữ tương lai của chúng ta; không có điều gì xảy ra mà vượt khỏi tầm kiểm soát của Ngài. Vì thế, điều chúng ta cần làm khi đối diện với tương lai là không lo lắng, nhưng cứ bước đi bởi đức tin và ưu tiên tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài. Hãy phó thác tương lai cuộc đời cùng những dự tính, kế hoạch của mình trong năm mới này cho Chúa. Hãy hướng về tương lai cặp mắt đức tin và cất lên tiếng hát “Dù không biết ngày mai sẽ thế nào, tôi chỉ sống nếp sống mỗi ngày. Tôi không mơ nơi sang giàu huy hoàng, chân trời tím đổi thay nào hay. Lòng không lo ngày sau sẽ thế nào, tôi chỉ nghe tiếng Chúa nhủ khuyên: ‘Ta đang đi với con trong cuộc đời, vì Ta biết trước con mỗi điều’. Tương lai tôi còn có bao lo buồn, nhưng tâm hồn vẫn luôn bình an. Vì tôi biết Chúa nắm tương lai mình và tôi biết người đi trước tôi.” (TC 720). A-men!

 


Trịnh Phan

Tháng giêng – 2014

 

Bài trướcThư Cảm Ơn Của Ủy Ban YTXH TLH
Bài tiếp theoGiới Thiệu Bản Tin Mục Vụ 39 – “ƠN LÀNH CHÚA BAN”