Bền và Bỉ là con của ông Sáu Bến, là cháu của ông Bảy Bờ. Bền là anh, Bỉ là em. Năm nay hai anh em đều hai mươi tuổi. Bền khỏe mạnh, còn Bỉ bị chứng phong giựt từ lúc mới sinh. Bền đi đứng tự nhiên bình thường còn Bỉ có dáng đi gần giống như cua. Cần cổ hơi xoay sang phải, đôi mắt liếc xéo, đôi vai hơi nghiêng theo ánh mắt. Khi đi, hai cánh tay xuôi về phía sau như hai mái chèo. Thế mà hai anh em đều có điện thoại riêng để liên lạc với gia đình.
Lịch sử cuộc đời của Bền và Bỉ không có gì tốt đẹp. Khi ba tuổi họ bị mẹ bỏ rơi. Ông Sáu Bến nuôi con lớn lên đến năm tám tuổi thì mang con đến trường câm điếc để gửi con vào học lấy một nghề, nhưng bị nhà trường từ chối. Ông không biết rõ lý do, chỉ biết người ta bảo chờ và ông chờ suốt từ đó đến nay. Khi được mười tuổi, Bền và Bỉ được ông Sáu Bến gửi về nhà bà ngoại sống vì cảnh nhà ông gặp khó khăn. Đến năm mười tám tuổi, Bền và Bỉ được cha đem về. Ở bên đó tụi nó hư hỏng quá. Ông Sáu Bến nói như vậy, ông nói tiếp: Ở bên đó tụi nó bị bạn bè rủ rê uống rượu và cờ bạc. Có đem về bên đây tôi mới kèm cặp được tụi nó.
Nhiều người xác nhận Bền và Bỉ tuy câm nhưng nghe được và hiểu được. Một người biết chuyện nói: Ở nhà, ba tụi nó nói gì, tụi nó biết hết, làm được hết. Trong một sáng Chúa nhật, Bền và Bỉ ngồi nghe giảng chăm chú. Một cụ ông lão thành trong Hội Thánh nói: Tụi nó nghe như người ta múc nước bằng rổ, dù nước lọt xuống hết nhưng cũng còn sót lại chút đỉnh, cũng tốt. Thật ra Bền và Bỉ nghe hiểu được một số từ căn bản, ví dụ như: ăn cơm, đi tắm, đi ngủ, về nhà.v.v… Còn như bảo Bền hay Bỉ mang mười cái ghế ra đây thì nó chỉ mang ra hai cái rồi ngưng lại, vì nó không hiểu được con số đếm. Có lần ban Thanh niên nhận cắt mè gây quỹ. Bền nghe được kế hoạch đó nên cũng xin tham gia. Cả ban thanh niên gần hai mươi người làm việc với nhau như một ngày hội. Bền cũng cầm lưỡi hái cắt mè và ôm mè vô sân phơi. Tất cả đều mệt nhoài nhưng Bền thì vẫn tươi cười. Đến chiều xong việc, chủ ruộng trả tiền công cho anh trưởng ban Thanh niên, rồi tất cả ra về. Bền không nói năng gì, sau đó, bẵng đi hai tuần, Bền và Bỉ không đến nhà thờ. Ông sáu Bến cũng lấy làm lạ nên hỏi con trai. Ông có cách riêng để giao tiếp với Bền và Bỉ. Khi ông biết thằng Bền đi cắt mè nhưng không được trả tiền công, ông tức tốc gọi điện thoại cho người chủ ruộng để nhắc chừng. À ra vậy, đến lúc nầy người chủ ruộng mới biết lý do Bền và Bỉ không đến nhà thờ là vì tiền công. Người chủ ruộng giải thích cho ông sáu Bến biết công việc cắt mè để gây quỹ cho Ban Thanh Niên chớ không phải mướn một mình Bền làm việc. Dầu vậy người chủ ruộng cũng đem tiền một ngày công đến trả cho Bền. Tuần sau đó, hai anh em lại đến nhà thờ với bộ quần áo mới mọi khi.
Một ngày Chúa Nhật kia, Bỉ đến nhà thờ với một vết thượng trên đầu. Mọi người ai cũng xuýt xoa. Vết thương như một vết dao chém giữa đỉnh đầu. Tuy không còn chảy máu nữa nhưng vết thương còn rất mới, đỏ hồng. Có người hỏi tại sao có vết thương này, Bỉ chỉ lên đầu rồi chỉ vào Bền. Có người thông dịch là Bỉ bị anh nó chém tét đầu. Có người khác nói chen vào: Không phải vậy đâu, chắc nó chui hàng rào ăn trộm, bị người ta chém mới dữ vậy đó. Cô y sĩ đem Bỉ vô phòng y tế rịt lại vết thương, cho thêm ba ngày thuốc và một ít băng keo cá nhân. Nhờ ơn Chúa, vết thương không sâu nên không cần khâu lại. Sau giờ nhóm, Hội Thánh cử người đến nhà hỏi ông Sáu Bến về vết thương trên đầu Bỉ. Ông Sáu Bến nói: Hai anh em nó cải nhau về chuyện thằng Bỉ về bên ngoại, đi chơi đêm, cờ bạc, uống rượu. Thằng Bỉ thì chối, còn thằng Bền thì tức vì không nói được, cho nên thằng Bền cầm dao chặt lên đầu thằng Bỉ, để dạy em nó.
Tuần sau, vết thương lành lại, hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp để đến nhà thờ. Hai anh em lại xoắn xuýt với nhau như chưa hề có chuyện xảy ra.
Bền và Bỉ học rất nhanh qua đôi mắt nhìn. Thấy tín hữu vào nhà thờ ai cũng bỏ áo vô quần nên tụi nó cũng bắt chước. Bền và Bỉ biết dâng hiến vì thấy mọi người bỏ tiền vào hộp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là bắt chước mà là ở tấm lòng. Có lần Hội Thánh lạc quyên cho lớp Thánh Kinh hè, Bền và Bỉ cũng dâng hiến hai trăm ngàn. Tuần sau cô thủ quỹ kêu Bền đến trả lại tiền để thử xem tấm lòng nó thế nào. Bền đưa bàn tay chận lại rồi khoát khoát bàn tay, lắc lắc cái đầu, miệng nói A, A… vui vẻ. Lần khác, vào dịp lễ Nô-ên có truyền giảng, Hội Thánh chuẩn bị một ngàn cái ghế và sân khấu ngoài trời. Bền và Bỉ nhìn thấy và hiểu nó phải làm gì. Đêm đó Bền và Bỉ mời ba nó đến nghe truyền giảng. Trước giờ bắt đầu, Bền muốn nói gì đó với ông mục sư, nó chỉ vào nó rồi chỉ về hướng nhà nó rồi đưa ba ngón tay lên rồi chỉ vào hàng ghế ngoài sân. Không ai hiểu Bền muốn nói gì cho đến khi có người nhận ra ông Sáu Bến là ba của Bền và Bỉ cũng đến nghe giảng. Đến lúc nầy Bền và Bỉ mới A, A , chỉ, chỉ liếng thoắng, rộn ràng. Tấm lòng tụi nó vui lắm. Đêm đó ông Sáu Bến quyết định lên cầu nguyện tiếp nhận Chúa.
Bền và Bỉ cũng có thể học sai ý nghĩa. Một lần vào lúc Hội Thánh mở Trại hè Thanh niên. Bền và Bỉ cũng đăng ký tham gia nhưng không đóng tiền. Ban thanh niên cũng không đòi tiền Bền và Bỉ vì khó mà nói cho Bền và Bỉ hiểu thế nào là trại hè và thế nào là đóng tiền trại phí.
Hội Thánh chúng tôi tiếp nhận Bền và Bỉ được một năm thì Bền và Bỉ chịu phép báp-tem. Ông mục sư gửi gắm hai em cho một chấp sự, ông nói: Anh cố gắng dạy Bền, Bỉ biết đọc biết viết để nó học Kinh Thánh thêm. Hội Thánh chúng tôi không biết áp dụng phương cách nào cho Bền và Bỉ biết về Chúa Giê-xu yêu quý của chúng ta ngoài cách nêu gương. Bởi vì đọc thì không được, nghe thì không hiểu hết, chỉ còn cách học bằng quan sát mà thôi. Chúa Giê-xu nói trong nước thiên đàng người điếc được nghe, người câm được nói, người mù được sáng, người què được đi. Điều ấy đã đến rồi trong cuộc đời của Bền và Bỉ.
* * *
Hơn một năm đến với nhà thờ, Bền và Bỉ đã khám phá được sự khác biệt trong nhà thờ, nơi mà cuộc sống đời thường không mang lại cho họ. Mong sao Bền và Bỉ hiểu được Chúa Giê-xu yêu quý giống như chúng ta hiểu Ngài. Mong sao ánh sáng của Chúa soi rọi vào trong tâm trí của hai em Bền và Bỉ qua nếp sống đạo của mỗi chúng ta.
Trầm Hương