3 Lăng Kính Mà Mỗi Phụ Huynh Cần Biết

2250

“Trước khi kết hôn, tôi có sáu nguyên tắc nuôi dạy con cái. Còn bây giờ, tôi có sáu đứa con và không có nguyên tắc nào” – Đây là câu phát biểu được cho là của John Wilmot ở thế kỷ 17, nhưng bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng có thể nói và đồng cảm với câu nói ấy. Việc nuôi dạy con rất phức tạp.

Nếu yêu cầu bạn thử tóm tắt nội dung Kinh Thánh dạy dỗ về cách nuôi dạy con cái thành một câu ngắn gọn thôi thì bạn sẽ có đáp án như thế nào? Tôi đã thử làm điều đó và đây là đáp án của tôi: “

“Cha mẹ muốn giúp con cái mình tập thích nghi với cuộc sống thực tế”.

Đây chính là nguyên tắc nuôi dạy con cái của vợ chồng tôi. Nguyên tắc này là ngọn hải đăng dẫn đường trong đêm tối. Bản thân nguyên tắc này trông có vẻ đơn giản, nhưng tôi tin là bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng có thể xác nhận với tôi rằng, nhiệm vụ này không hề dễ dàng chút nào.

Những đòi hỏi của việc nuôi dạy con cái

Đầu tiên, đó là sự thách thức về con trẻ. Mỗi đứa trẻ đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, độc nhất và đa dạng. Điều đó có nghĩa là nuôi dạy con cái không bao giờ là một kịch bản phù hợp dành cho tất cả.

Sau đó, sự phức tạp tăng lên khi mỗi đứa trẻ được thêm vào gia đình. Không chỉ ở đó có nhiều người hơn, mà mối quan hệ giữa mỗi người cũng được nhân lên, và mỗi sự nối kết cũng đòi hỏi sự chú ý. Không có gì ngạc nhiên khi có người nói rằng nuôi dạy con cái là một trong những công việc khó nhất trên đời.

Có biết bao vấn đề phải dạy dỗ, giải thích cho con trẻ. Những câu hỏi như “Làm thế nào để tôi nói chuyện với con về tất cả các vấn đề phức tạp chúng ta gặp phải ngày nay?” là nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh. Thế là những người cha, người mẹ phải trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ cách sử dụng điện thoại, mạng xã hội sao cho phù hợp đến những kiến thức cần thiết về vấn đề giới tính, kể cả những thắc mắc về đồng giới, chuyển giới.

Vấn đề phức tạp hơn nữa là vô số thông tin về việc nuôi dạy con cái, về đời sống gia đình đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Có những lời khuyên hữu ích đến từ người thân, bạn bè. Có đầy dẫy những đầu sách viết về nuôi dạy con cái. Rồi bao nhiêu là websites, tạp chí, ứng dụng điện thoại về vấn đề này. Nhiều thông tin quá cũng khiến bạn trở nên quá tải.

Cái nhìn của Kinh Thánh

Mặc dù việc nuôi dạy con cái là điều khó khăn không thể phủ nhận, nhưng Lời Chúa hướng dẫn chúng ta vượt qua sự phức tạp đó. Có những phần Kinh Thánh nói một cách trực tiếp, rõ ràng về cách mà các bậc cha mẹ phải nên nuôi dạy con cái mình như thế nào.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:20-25 viết:

Về ngày sau, khi con ngươi hỏi ngươi rằng: Các chứng cớ, luật lệ, mạng lịnh nầy là chi, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi đã truyền cho cha? Thì hãy đáp rằng: Chúng ta đã bị làm tội mọi cho Pha-ra-ôn tại xứ Ê-díp-tô, và Đức Giê-hô-va có dùng tay mang đem chúng ta ra khỏi xứ ấy. Đức Giê-hô-va có làm trước mặt chúng ta những dấu kỳ và phép lạ rất lớn lao đáng sợ, mà hại xứ Ê-díp-tô, Pha-ra-ôn, và cả nhà người; Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta. Đức Giê-hô-va có phán cùng chúng ta khá làm theo các luật lệ nầy, kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, hầu cho chúng ta được phước luôn luôn, và được Ngài bảo tồn sự sống cho chúng ta y như Ngài đã làm đến ngày nay. Vả, chúng ta sẽ được xưng là công bình nếu chúng ta cẩn thận làm theo các điều răn nầy trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, y như Ngài đã phán dặn vậy.

Bạn có nhận thấy điều gì bất ngờ trong câu trả lời của cha mẹ đối với câu hỏi con cái mình  trong đoạn Kinh Thánh này hay không? Khi con trẻ hỏi về mạng lệnh của Đức Chúa Trời, cha mẹ đáp lại bằng một câu chuyện. Thường thì nếu con tôi thắc mắc tại sao nó không thể làm điều này, điều kia, tôi sẽ nêu ra một vài câu trả lời sâu sắc. Tôi có thể nói ra những ưu điểm, nhược điểm khi con làm một hành vi nhất định. Tôi cũng có thể giải thích việc làm đó không thích hợp với Lời Chúa, và khi cần, tôi sẽ nói: “Bởi vì ba mẹ không cho phép”.

Nhưng trong phần Kinh Thánh này, Chúa nhắc nhở chúng ta về những chỉ dẫn trong cuộc sống hằng ngày. Đó không phải là một lời khuyên cụ thể mà là một câu chuyện, câu chuyện Đức Chúa Trời giải cứu dân sự cho chính Ngài. Và câu chuyện này cũng chính là câu chuyện của cả nhân loại. Chúng ta hiểu rõ vấn đề nuôi dạy con cái khi hiểu rõ câu chuyện của cuộc đời trong cái nhìn của Đức Chúa Trời.

Là cha mẹ, chúng ta muốn giúp con cái mình sống đúng với thực tế của một thế giới tốt đẹp nhưng cũng là thế giới đã bị sa ngã mà Chúa Giê-xu đang cứu chuộc.

Ba lăng kính

Để có được một bức tranh chính xác về cuộc sống trong thế giới này, chúng ta phải xem mọi thứ thông qua ba lăng kính. Lăng kính đầu tiên là nhận biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên thế giới này vô cùng tốt đẹp (Sáng Thế Ký 1:31). Lăng kính thứ hai là nhìn biết thế giới hiện nay xấu xa, hư hoại bởi tội lỗi (Sáng Thế Ký 3). Lăng kính thứ ba là hiểu rõ rằng Đức Chúa Giê-xu đến để làm mới lại những thứ bị tội lỗi tàn phá (Rô-ma 8).

Nếu bạn muốn có cái nhìn của Chúa về mọi điều, vậy thì hãy nhìn điều đó theo cả ba lăng kính. Tôi lấy ví dụ, thức ăn là một điều tốt mà Chúa tạo dựng cho con người vui hưởng. Nhưng rõ ràng còn nhiều điều để nói ở đây. Nếu cái phước về chuyện ăn uống bị lạm dụng, thì thức ăn trở nên xấu. Nhưng Chúa Giê-xu đến để cứu chuộc và phục hồi mọi điều, kể cả thức ăn, khi Ngài giúp chúng ta biết đặt thức ăn vào đúng chỗ của nó – không phải là đối tượng chúng ta theo đuổi hay thờ phượng nhưng là thứ để chúng ta thưởng thức. Rồi đến một ngày, những vấn đề liên quan đến chuyện sức khoẻ, ăn uống sẽ bị trừ bỏ mãi mãi và được thay bằng bữa tiệc lớn và vui mừng, đó là Tiệc cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:9). Nếu bạn bỏ qua bất kỳ lăng kính nào trong số ba lăng kính nói trên, bạn sẽ bỏ qua những khía cạnh của hiện thực mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho chúng ta và con cái chúng ta nắm lấy.

Hay nói một cách đơn giản hơn, chúng ta có thể tóm tắt ba lăng kính đó trong ba từ: TỐT – XẤU – MỚI.

Hãy cho con bạn biết rằng dù trong những ngày tồi tệ nhất của bạn trong vai trò là cha, là mẹ, thì bạn vẫn là những điều tốt đẹp nhất mà Chúa ban cho chúng (TỐT). Hãy khẳng định rằng bạn yêu con cái mình. Hãy cho con cái bạn biết rằng chúng là cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho. Nếu bỏ qua lăng kính này, con cái bạn sẽ lớn lên trong sự nghi ngờ.

Nhưng để lăng kính đó được rõ ràng và chân thật, hãy cho con cái bạn biết rằng không có một cha mẹ nào là hoàn hảo. Những người làm cha mẹ cũng phạm sai lầm, cũng là con người (XẤU). Lăng kính này giúp con trẻ loại bỏ những cay đắng trong đời, không cảm thấy quá đau buồn khi bị “vỡ mộng”, giúp chúng trở nên vị tha hơn.

Và cuối cùng, giúp con trẻ nhận biết Chúa Giê-xu đã đặt chúng vào trong gia đình của chính Ngài (MỚI). Đối với con bạn, điều này có nghĩa là giờ đây, chúng có một mức độ an ninh và tình yêu hoàn toàn mới, cũng như cả những thứ tự ưu tiên của đời sống.

Như vậy, cả ba lăng kính đó giúp con trẻ nhìn thấy mọi việc một cách rõ ràng theo cái nhìn của Thánh Kinh.

Ba lăng kính trên là một phương cách hiệu quả để các bậc phụ huynh chia sẻ về Tin Lành cho con cái mình, giúp các cháu hiểu những gì Kinh Thánh bày tỏ. Nhưng ba lăng kính đó không chỉ giúp các cháu hiểu Lời Chúa mà thôi, chúng còn giúp định hướng các nhau đi theo Lời Chúa, để tập thích nghi với thực tế.

Nhìn thực tế bằng ba lăng kính này sẽ giúp biến những phức tạp trở nên rõ ràng. Những lẽ thật đó sẽ là kim chỉ nam trong hành trình nuôi dạy con cái chúng ta cách đẹp lòng Chúa.

Mục sư Champ Thornton
Hồng Nhung dịch
Nguồn: The Gospel Coalition

Bài trướcV/v Tổ Chức Chương Trình Thánh Nhạc Giáng Sinh Năm 2019 Của Ban Đại Diện Tp.HCM
Bài tiếp theoChiến Trận Thuộc Linh Của Cơ Đốc Nhân – 1/10/2019