Vinh Quang: Mục Đích của Đời Tin Chúa

1632

 



Trong Kinh Thánh tiếng Việt nhiều khi gọi vinh quang là vinh hiển.

Trong tự điển Việt Nam thì vinh quang là: có giá trị tinh thần cao, đem lại niềm tự hào chính đáng.

Còn vinh hiển hay hiển vinh là: vẻ vang vì làm nên việc lớn, có danh vọng.

Tuy nhiên nghĩa vinh quang và vinh hiển trong Kinh Thánh hoàn toàn khác với vinh quang và vinh hiển theo kiểu hiểu của các nhà làm từ điển.

Vinh quang trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là KABOD và Hi Lạp là DOXA, có mấy nghĩa sau đây:

 

1. Việc tự thể hiện bản chất và các việc làm của Thượng Đế. Nghĩa là Thượng Đế như thế nào và Ngài đang làm gì, đặc biệt là trong Chúa Giê-xu, Đấng mạc khải Thượng Đế cho con người. Chúa Giê-xu là vinh quang của Thượng Đế. Như Giăng 17:5, 24; Hê-bơ-rơ 1:3; Giăng 1:14; Giăng 2:11.

 

2. Đức tính và đường lối hành động của Thượng Đế thể hiện qua Chúa Giê-xu và những người tin Chúa. Như 2 Cô-rinh-tô 3:18 và 4:6.

 

3. Tình trạng phước hạnh mà người tin Chúa được vào hưởng sau khi đã được biến hóa trở thành giống như Chúa Cứu Thế Giê-xu, như Rô-ma 8:18, 21; Phi-líp 3:21; 1 Phi-e-rơ 5:1, 10; Khải Huyền 21:11.

 

4. Vẻ sáng rực rỡ hay huy hoàng: Có hai hình thức:

a.. Ánh sáng siêu nhiên phát ra từ Thượng Đế. Như trong Cựu Ước, trong cột mây và trong nơi chí thánh của đền tạm. Đây cũng là vinh quang mà chúng ta sẽ thấy khi Chúa Giê-xu tái lâm.

 b.. Ánh sáng thiên nhiên của các thiên thể mà mắt ta thấy được như 2 Cô-rinh-tô 15:40, 41..

 

Theo các ý nghĩa kể trên, ta thử xét vinh quang ấy trong quan hệ với người tin Chúa như thế nào.

 

Trước tiên, Kinh Thánh khẳng định:

Rô-ma 3:23 ..Moị người đều đã phạm tội hụt mất vinh quang của Đức Chúa Trời.

Chúng tôi thay thế chữ thiếu bằng chữ hụt cho rõ nghĩa. Nguyên văn của chữ này là hysterein, nghĩa là rơi lại phía đằng sau, như chạy đua mà chạy tụt hậu; bị hạ thấp, nghĩa là bị khinh chê; chịu mất mát, nghĩa là không đủ tiêu chuẩn. Trong tiếng Việt từ hụt mất có lẽ thích ứng nhất. Như vậy câu này có nghĩa là: Thủa ban đầu, nghĩa là khi A-đam, tổ tông của cả nhân loại chưa phạm tội, thì A-đam được hưởng, được sống trong vinh quang của Chúa, và có tất cả những đức tính thánh thiện công chính của Ngài. Nhưng sau khi A-đam phạm tội, dòng dõi A-đam cũng phạm tội thì nhân loại không thể nào với lên tới vinh quang của Thượng Đế được nữa vì đã bị tụt hậu, bị bỏ, không đủ tiêu chuẩn để nhìn thấy vinh quang của Thượng Đế và dĩ nhiên sống trong cõi tối tăm của tội ác lầm than.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì tình trạng nhân loại hoàn toàn tuyệt vọng. Rô-ma 5:1,2 ghi: Vì vậy, đã được xưng công chính do lòng tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta. Cũng nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta vào được trong ân sủng, là ân sủng mà chúng ta hiện đang đứng vững và hân hoan về hi vọng được hưởng Vinh quang của Đức Chúa Trời. Trong câu này chúng tôi cũng dịch lại một số chữ cho rõ nghĩa. Nhất là ân sủng thay cho ân điển.

 

Câu Kinh Thánh này có ba phần:

 

1. Vì vậy, đã được xưng công chính do lòng tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta. Đọc câu này, chúng ta phải nghĩ ngay đến tình trạng thù nghịch giữa một bên là toàn thánh, toàn thiện, một bên là tội ác xấu xa. Cơn giận của Chúa dành sẵn án phạt tội cho con người và Ngài không thể nào tiếp xúc với con người. Nhưng Chúa Giê-xu là giải pháp. Chúa Giê-xu đã vào đời làm sinh tế chuộc tội cho loài người, và vì thế, nếu ai tin nhận việc làm của Chúa Giê-xu, thì được tha tội, kể là vô tội và được làm hòa lại với Thượng Đế, nghĩa là không bị trừng phạt tội nữa.

 

2. Cũng nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta vào được trong ân sủng, là ân sủng mà chúng ta hiện đang đứng vững.

Đây là điểm thứ hai trong câu này. Theo đó, khi tin Chúa Giê-xu, thanh tẩy đời sống và bắt đầu hưởng ân sủng tha thứ tái tạo. Đây là điều người tin Chúa chắc chắn hưởng được.

 

3. và hân hoan về hi vọng được hưởng Vinh quang của Đức Chúa Trời. Phần thứ ba của câu Kinh Thánh này nói về Vinh Quang mà chúng ta đang đề cập. Khi ta phạm tội, ta bị hụt mất vinh quang của Thượng Đế. Nhưng khi ta bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu, được tha thứ tội thì lúc ấy ta có hi vọng hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời. Vinh quang này là điều mà A-đam trước khi phạm tội được hưởng.

Như vậy, tin nhận Chúa Giê-xu là phương cách cho ta không còn bị hụt mất vinh quang của Chúa, nhưng hi vọng được hưởng trọn vinh quang đó.

 

Ở đây có mấy vấn đề

 

Thứ nhất là việc ta tin Chúa được xưng công chính, tức là kể là vô tội và không phải ra tòa chịu án phạt nữa. Đó là việc chắc chắn đã xong và không thay đổi.

Thứ hai, việc chúng ta hưởng ân sủng của Chúa cũng không thay đổi.

Nhưng còn hi vọng về vinh quang là một diễn tiến từng ngày. Ta chỉ có thể hưởng trọn vinh quang khi nào gặp Chúa, hay ta chấm dứt hành trình trên đất mà thôi. Ai trung tín cho đến cuối cùng thì vinh quang dành cho người ấy.

Nhưng còn một câu Kinh Thánh nói về vinh quang nữa mà ta phải đọc, đó là Rô-ma 8:30: Còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển.”

Tại đây có mấy tiến trình: Chúa gọi, Chúa coi là người vô tội, tức là xưng công chính, và Chúa làm cho vinh quang.

Khi ta tin Chúa, được hưởng ân sủng của Ngài, thì sẽ được hưởng vinh quang, tức là vinh quang mà nhân loại đã mất khi phạm tội. Đây là một tiến trình của cả đời sống ta. Hay nói đúng hơn là mục tiêu của người tin Chúa, đó là vinh quang của Chúa.

 

Người nào tin Chúa mà chỉ thấy những lợi lộc thuộc về vật chất hay những hanh thông trong cuộc sống, thì vẫn còn sống rất xa với mục tiêu vinh quang của Chúa. Cho đến khi nào ta nhận thấy rằng tất cả cuộc đời ta theo Chúa là để hưởng vinh quang này chứ không phải những gì tạm thời, thì lúc ấy ta mới hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời và mới có thể hi sinh và chịu đựng mọi khó khăn có thể xẩy ra cho mình.

Như vậy, người tin Chúa là được Chúa kể cho là vô tội, tức là xưng công chính, được tha tội tức là hưởng ân sủng của Chúa, và hưởng vinh quang của Chúa dần dần cho đến khi gặp Ngài. Tất cả những việc này đều là do công nghiệp hi sinh cứu chuộc của Chúa Giê-xu.

Chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài ra tay cứu vớt, tha tội, tái tạo cho hưởng mọi phước hạnh trong đời này và đời sau, nhưng quan trọng hơn cả là cho hưởng vinh quang mà A-đam vì phạm tội đã làm cho hụt mất.

Ta hãy hướng về Chúa và vinh quang của Ngài để quyết tâm sống cho xứng đáng với công ơn của Ngài.

 

 

Nguyễn Sinh

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.