Việt Nam “hậu đại dịch”: Sứ mạng của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi

4663

Một suy tư về “Sứ mạng của Đức Chúa Trời” theo Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8 trong bối cảnh “hậu đại dịch”

Dẫn nhập

Ngày 05/05/2023 vừa qua, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.[1] Tiếp theo sau đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những ý kiến về việc xem xét công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.[2] Có thể nói, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bước sang thời kỳ “hậu đại dịch.” Trong suốt hơn 3 năm qua, từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 12 năm 2019 tại Trung Quốc, thế giới đã có những thay đổi rất nhanh chóng để thích ứng với cơn khủng hoảng toàn cầu: bắt đầu với những nỗi sợ hãi, đau đớn với những mất mát, lần hồi bình tĩnh để tìm kiếm những biện pháp đối phó, vượt qua những mất mát để lần hồi thích ứng với trạng thái “bình thường mới.” Trong suốt thời kỳ khủng hoảng đó, Hội Thánh đã có những đáp ứng rất nhanh chóng, tích cực và hữu hiệu trước những vấn đề xã hội. Tuy nhiên, khi cơn đại dịch đã trôi qua, câu hỏi đặt ra là: Hội Thánh cần phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo này, trong kỷ nguyên hậu đại dịch?[3]

Việt Nam trải qua cơn đại dịch

Trong hơn ba năm qua, từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 1 năm 2020,[4] đời sống xã hội của người dân Việt Nam bị tác động mạnh mẽ, tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được chính phủ ban bố kèm theo đó là những hạn chế về tự do đi lại, tự do cư trú và tự do hội họp… Ngoài ra, những chuỗi lây nhiễm xuất phát từ các sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Hoa Kỳ,[5] Hàn Quốc[6] cũng như Việt Nam đã khiến chính phủ thiết lập nhiều hạn chế hơn nữa đối với các sinh hoạt tôn giáo trong thời gian dịch bệnh bùng phát.[7]

Trong cơn đại dịch, các hệ phái Tin Lành nói chung và từng Hội Thánh địa phương đã tận dụng cơ hội để tham gia các công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh rất tích cực:[8] ủng hộ tiền,[9] tham gia lực lượng phòng chống dịch, trao tặng các thiết bị y tế, [10] thuốc chữa bệnh, cung cấp những bữa ăn,[11] nhu yếu phẩm cho người dân,… [12] tạo nên một hình ảnh tốt đẹp về Tin Lành – vốn bị kỳ thị trong xã hội vì những hiểu lầm về niềm tin và những tuyên truyền lệch lạc.

Trong hoàn cảnh “giãn cách xã hội,” các cơ sở tôn giáo bao gồm nhà thờ phải đóng cửa và Hội Thánh phải nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới bằng cách tổ chức các sinh hoạt trực tuyến. Kế hoạch gởi các giáo sĩ đi đến những cánh đồng mới bị gián đoạn. Các chương trình thờ phượng Chúa, công tác chứng đạo cá nhân cũng như những chương trình truyền giảng tại nhà thờ hay sân vận động không thể thực hiện, đã được thay thế bằng các chương trình thờ phượng,[13] truyền giảng Tin Lành,[14] các nhóm học Kinh Thánh trực tuyến trên các nền tảng: Zoom, Meet, Facebook, Youtube…[15]

Cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam dần nới lỏng những hạn chế trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh và đời sống xã hội chuyển sang trạng thái “bình thường mới” – các sinh hoạt trong đời sống xã hội dần được khôi phục như trước khi xảy ra đại dịch. Sự khao khát thuộc linh sau những ngày bị “giãn cách xã hội” trở nên một nhu cầu lớn lao hơn bao giờ hết: các sinh hoạt tại nhà thờ dần phục hồi với nhiều người tham dự hơn; công tác chứng đạo được đẩy mạnh; các chương trình truyền giảng tại sân vận động được tổ chức với hàng chục ngàn người tham dự và hàng ngàn người tiếp nhận đức tin nơi Chúa; nhiều Hội Thánh mới được tiếp tục mở ra…

Tháng 12 năm 2022, chương trình truyền giảng Tin Lành do Ban Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại sân vận động Phú Thọ nhân dịp Lễ Giáng sinh đã thu hút 10.000 người tham dự dưới mưa, với kết quả 500 người bằng lòng tiếp nhận Chúa.[16]

Đầu năm 2023, sau nhiều lần phải hoãn vì dịch covid-19 (22-23/02/2020; 04-05/12/2021), chiến dịch truyền giảng Tin Lành Xuân Yêu Thương của tổ chức Billy Graham kết hợp với các hệ phái Tin Lành khác đã diễn ra tại sân vận động Phú Thọ trong 2 đêm: 04-05/03/2023, thu hút 25.000 người tham dự tại chỗ mỗi đêm,[17] 165.000 lượt người xem qua các kênh truyền thông khác nhau và có 4.500 người đã bằng lòng tiếp nhận Chúa.[18]

Bức tranh về đời sống xã hội cũng như các hoạt động của Hội Thánh cho thấy cơn đại dịch đã trôi qua, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn đó và tiếp tục tạo ra nhiều thách thức cho xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện: Một xã hội đầy tổn thương với hơn 43.000 người đã chết vì Covid-19,[19] một nền kinh tế đang rơi vào chu kỳ suy thoái,[20] một nỗi khao khát về phương diện tâm linh cần được lấp đầy… Trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn lóe lên nhiều điểm sáng với những bước tiến về khoa học và công nghệ: các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến và càng trở nên thông minh hơn với trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI), một xã hội với tinh thần sẻ chia, một sự thức tỉnh về nhu cầu tâm linh vĩnh cửu hơn là nhu cầu vật chất tạm thời…

Thực thi “Sứ mạng của Đức Chúa Trời” bởi “Quyền phép từ trời”

Thuật ngữ Missio Dei (Sứ mạng của Đức Chúa Trời hay Sứ vụ của Thiên Chúa) có nghĩa là truyền giáo – một sứ mạng – bắt nguồn từ trong bản tính của Đức Chúa Trời.[21] Chính Đức Chúa Trời Ba Ngôi sai phái Hội Thánh đi vào thế gian và mỗi công tác truyền giáo là tham gia vào tiến trình sai phái của Đức Chúa Trời, nó không chỉ là hoạt động của Hội Thánh mà hơn thế nữa, truyền giáo là thuộc tính của Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Chúa Trời truyền giáo và Ngài ủy thác sứ mạng cho Hội Thánh nói chung và mỗi Cơ Đốc nhân nói riêng phải thực hiện.[22]

Không phải Hội Thánh có một sứ mạng cứu rỗi phải hoàn thành trong thế giới, mà chính Đức Chúa Trời đưa Hội Thánh đi vào sứ mạng này.[23] Do đó, truyền giáo được xem như một chuyển động từ Đức Chúa Trời đến với thế giới trong khi Hội Thánh được xem như là công cụ cho sứ mạng ấy. Hội Thánh hiện hữu là vì có sứ mạng truyền giáo, chứ không phải ngược lại. Mỗi Cơ Đốc nhân tham gia vào sứ mạng là tham gia vào chuyển động tình yêu của Đức Chúa Trời đối với con người, qua đó Đức Chúa Trời trao ban tình yêu của Ngài cho con người thông qua những công cụ của Ngài: Hội Thánh và mỗi Cơ Đốc nhân.

Trước lúc thăng thiên, Đức Chúa Giê-xu đã ban truyền sứ mạng cho các môn đồ: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Việc thực thi “sứ mạng của Đức Chúa Trời” theo Công Vụ 1:8 bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau, dầu vậy có 3 phương diện cần đặc biệt quan tâm:

  1. Nhận lấy quyền phép. Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi, sứ mạng truyền giáo của Ngài không hề thay đổi, sứ điệp Phúc Âm được bày tỏ qua sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-xu Christ không hề thay đổi, và quyền phép của Đức Thánh Linh cũng không hề thay đổi. Dù cho con người có nhiều thay đổi nhanh chóng giữa một thế giới vẫn luôn thay đổi không ngừng… thì tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho con người vẫn y nguyên, sự cứu rỗi vẫn là một nhu cầu của cả nhân loại và quyền phép là điều mà mỗi Cơ Đốc nhân cần nhận lãnh để hoàn thành sứ mạng của Đức Chúa Trời.
  2. Làm chứng về Chúa – đó là lời mời gọi của Đức Chúa Giê-xu Christ dành cho các môn đồ trước khi Ngài về trời. Lời mời gọi đó đã vang vọng đến các thế hệ môn đồ để họ tiếp tục trở nên những chứng nhân cho Chúa. Lời mời gọi đó đã thúc giục các thế hệ giáo sĩ đem Tin Lành đến Việt Nam hơn 100 năm trước. Lời mời gọi đó đã kéo nhiều “truyền giáo”[24] đi “lên thượng du” cứu người.[25] Lời mời gọi đó vẫn tiếp tục và còn sẽ tiếp tục vang vọng để giục giã nhiều Cơ Đốc nhân dấn thân cho công tác truyền giáo cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại.
  3. Cho mọi dân tộc. “Cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” không chỉ nói đến phương diện địa dư, mà còn nói đến phương diện chủng tộc như Ma-thi-ơ 28: “hãy đi dạy dỗ muôn dân,” có thể được dịch là “trong khi các con đi, hãy khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta.” Cũng như Tin Lành không chỉ dành cho người Do Thái mà dành cho mọi dân tộc trên thế giới, Tin Lành không chỉ dành cho người Kinh nhưng dành cho tất cả 54 dân tộc đang sống trên nước Việt,[26] và người Việt đang sống tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.[27]

Thực thi “Sứ mạng của Đức Chúa Trời” trong bối cảnh “Hậu đại dịch”

Việt Nam ngày nay là một quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với khoảng 97,5 triệu người,[28] nhưng Tin Lành tại Việt Nam vẫn là một cộng đồng nhỏ mặc dù Tin Lành đã đến với dân tộc Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ (1911-2023). Tính chung tất cả các hệ phái Tin Lành, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu tín hữu, chiếm tỉ lệ 1,44% dân số,[29] thuộc 100 tổ chức khác nhau, với khoảng 6.300 Hội Thánh, hơn 2.300 giáo phẩm.[30] Trong đó, HTTLVN chiếm đa số với khoảng 1 triệu tín đồ, 2.253 Hội Thánh, 1.619 giáo phẩm[31] thuộc hơn 40 sắc dân khác nhau.[32] Ngoài ra còn có 61 Hội Thánh người nước ngoài được cấp đăng ký sinh hoạt với hơn 9.000 tín hữu trong cả nước.[33]

Với mục tiêu của Ủy ban Truyền giáo Tổng Liên Hội, trong nhiệm kỳ 4 năm: “mỗi Hội Thánh địa phương mở một Hội Thánh mới,”[34] hơn lúc nào hết mỗi Cơ Đốc nhân cần đáp ứng với “Sứ mạng của Đức Chúa Trời:” “nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8), dù vẫn còn đó những thách thức rất lớn lao:

  • Một xã hội đầy đau thương cần được chữa lành;
  • Nỗi ám ảnh về lây nhiễm dịch bệnh vẫn chưa dứt;
  • Kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn suy thoái cùng với những ảnh hưởng của chiến tranh tại Ukraina đã khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn;
  • Sự quan tâm của các giới chức đối với các sinh hoạt tôn giáo trên các nền tảng mạng xã hội với tham vọng quản lý những hoạt động tôn giáo trên không gian mạng;[35]
  • Việc sai phái các giáo sĩ đi đến các quốc gia khác bị đình trệ;
  • Môi trường mạng xã hội như con dao hai lưỡi, là phương tiện tốt để rao truyền Phúc Âm, nhưng cũng là phương tiện để các tà giáo gieo rắc những giáo lý sai lạc.

Bên cạnh những thách thức trong bối cảnh hậu đại dịch là những cơ hội để hoàn thành “Sứ mạng của Đức Chúa Trời:”

  • Cái nhìn về Hội Thánh Tin Lành của chính quyền và người dân trở nên cởi mở và thiện cảm hơn qua những đóng góp thiết thực của Hội Thánh trong cơn đại dịch, tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa cộng đồng để Hội Thánh có thể tiếp nhận được nhiều người hơn.
  • Tinh thần đồng cam cộng khổ được lan tỏa trong cơn đại dịch kéo mọi người lại gần nhau hơn. Người ta mở lòng hơn để tiếp nhận tình yêu thương từ Đức Chúa Trời.
  • Những buổi hội họp trực tuyến trở nên phổ biến hơn, người dân dù ở nông thôn hay thành thị, dù là người cao tuổi vốn ít tiếp cận với mạng xã hội hay GenZ, thì đều trở nên quen thuộc với các thiết bị công nghệ và mạng xã hội. Đó là cơ hội để Hội Thánh có thể giảng Tin Lành qua các nền tảng mạng xã hội.
  • Hội Thánh quan tâm hơn đến lãnh vực truyền thông trên nền tảng mạng xã hội vừa để bảo vệ đức tin trước những tà giáo, vừa để rao truyền Phúc Âm vượt ra khỏi những giới hạn về không gian và thời gian.
  • Sự khao khát tâm linh sau cơn đại dịch là cơ hội để hạt giống Tin Lành được gieo ra và kết quả.

Kết luận

Giữa một thế giới đầy biến chuyển thì sự bất biến của Đức Chúa Trời và sứ mạng của Ngài là niềm hy vọng và là cứu cánh duy nhất cho toàn cả nhân loại. Lời mời gọi thực thi sứ mạng vẫn còn vang vọng: “khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Tiếng gọi con gặt vẫn tiếp tục giục giã các Cơ Đốc nhân bước vào đồng lúa đang chín vàng: “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt” (Giăng 4:35). Tiếng kêu của “người Ma-xê-đoan vẫn đang hiển hiện: “Xin đến xứ Ma-xê-đoan cứu giúp chúng tôi” (Công Vụ 16:9). Vì vậy, mỗi Cơ Đốc nhân cần “nhận lấy quyền phép” từ Đức Đức Thánh Linh, trở nên những chứng nhân sống động đầy năng quyền cho Đức Chúa Giê-xu, hướng đến những con người chưa biết Chúa – không phân biệt không gian, chủng tộc – để hoàn thành “sứ mạng của Đức Chúa Trời” trao ban cho mỗi người.

MS. Hồ Nguyên Kha

Tài liệu tham khảo
Ban Tôn giáo Chính phủ. ‘Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo.’ Hà Nội, 2021.
Bosch, David J. Động năng sứ vụ Kitô giáo. Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2020.
Skreslet, Standley H. Thấu hiểu sứ mạng. Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2021.
Ủy ban Truyền giáo Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, ’10 Định hướng của Ủy ban Truyền giáo 2022-2026.”
https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-hang-ngan-nguoi-dan-cung-hoa-minh-trong-dem-nhac-xuan-yeu-thuong-244875.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://covid19.gov.vn (truy cập ngày 25/05/2023)
https://danhba.httlvn.org (truy cập ngày 05/05/2023)
https://danso.org/cac-quoc-gia-tren-the-gioi-theo-dan-so/ (truy cập ngày 25/05/2023)
https://httlvn.org/ca-mau-muc-su-hoi-truong-giang-boi-linh-truc-tuyen-cho-cac-hoi-thanh-trong-tinh.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://httlvn.org/dak-lak-boi-linh-hiep-nguyen-truc-tuyen-quy-i-2022.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://httlvn.org/truyen-giang-giang-sinh-truc-tuyen-cua-ban-dai-dien-long-an.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://httlvn.org/thanh-nhac-giang-sinh-2022.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://joshuaproject.net/countries/VM#peoplegroups (truy cập ngày 05/05/2023)
http://mttq.bentre.gov.vn/noi-dung/ban-dai-dien-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-tinh-ben-tre-tuong-tro-nguoi-dan-vung (truy cập ngày 05/05/2023)
http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/tong-lien-hoi-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-ho-tro-11-ty-dong-cho-quy-phong-chong-dich-covid19-tp-ho-chi-minh-38776.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://oneway.vn/tin-tuc/xuan-yeu-thuong-cong-tac-cham-soc-4500-tan-tin-huu-50535.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://ourworldindata.org/covid-exemplar-vietnam (truy cập ngày 05/05/2023)
https://thanhnien.vn/khoi-to-vu-an-lam-lay-lan-dich-benh-lien-quan-hoi-tin-lanh-truyen-giao-phuc-hung-1851072817.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://thanhnien.vn/viet-nam-xem-xet-cong-bo-het-dich-covid-19-185230519172701897.htm (truy cập ngày 20/05/2023)
https://traon.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/188038 (truy cập ngày 05/05/2023)
http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&cat=0&id=17 (truy cập ngày 05/05/2023)
https://tuoitre.vn/kho-khan-lan-rong-doanh-nghiep-san-xuat-cam-chung-20230513092758902.htm (truy cập ngày 25/05/2023)
https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/quan-ly-hoat-dong-ton-giao-tren-khong-gian-mang-136992 (truy cập ngày 05/05/2023)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_kiều#:~:text=tế%2C%20chứng%20khoán.-,Việt%20kiều%20trên%20thế%20giới,Á%20và%20châu%20Đại%20Dương. (truy cập ngày 25/05/2023)
https://vneconomy.vn/12-bieu-do-cho-thay-suy-thoai-kinh-te-toan-cau-co-the-da-bat-dau.htm (truy cập ngày 25/05/2023)
https://www.binhthuan.gov.vn/4/469/66822/571263/thong-tin-quyen-gop-covid-19/ban-dai-dien-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-tinh-ung-ho-tien-va-nhu-yeu-pham-phong-chong-dich-covid.aspx (truy cập ngày 05/05/2023)
https://www.cbsnews.com/news/south-korea-coronavirus-daegu-sues-religious-sect-over-covid-as-it-grapples-with-2nd-wave/ (truy cập ngày 05/05/2023)
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tong-lien-hoi-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-trao-may-tho-oxy-cho-benh-vien-da-chien-thu-dung-1491880824 (truy cập ngày 05/05/2023)
https://www.nytimes.com/2020/07/08/us/coronavirus-churches-outbreaks.html (truy cập ngày 05/05/2023)
https://www.who.int/news/item/05-05-2023-statement-on-the-fifteenth-meeting-of-the-international-health-regulations-(2005)-emergency-committee-regarding-the-coronavirus-disease-(covid-19)-pandemic (truy cập ngày 05/05/2023)

 

[1] https://www.who.int/news/item/05-05-2023-statement-on-the-fifteenth-meeting-of-the-international-health-regulations-(2005)-emergency-committee-regarding-the-coronavirus-disease-(covid-19)-pandemic (truy cập ngày 05/05/2023)
[2] https://thanhnien.vn/viet-nam-xem-xet-cong-bo-het-dich-covid-19-185230519172701897.htm (truy cập ngày 20/05/2023)
[3] “Truyền giáo trong thời đại hậu đại dịch: Thách thức và Cơ hội trong thế giới bình thường mới” là chủ đề của Hội nghị Truyền giáo Á châu lần thứ 15 diễn ra tại Jakarta, Indonesia. https://ama2023.asiamissions.net (truy cập ngày 05/05/2023).
[4] https://ourworldindata.org/covid-exemplar-vietnam (truy cập ngày 05/05/2023)
[5] https://www.nytimes.com/2020/07/08/us/coronavirus-churches-outbreaks.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[6] https://www.cbsnews.com/news/south-korea-coronavirus-daegu-sues-religious-sect-over-covid-as-it-grapples-with-2nd-wave/ (truy cập ngày 05/05/2023)
[7] Tháng 5/2021, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh liên quan Hội Tin Lành Truyền giáo Phục Hưng.” Hành động này trở nên một áp lực rất lớn cho việc sinh hoạt tập trung của Hội Thánh trong hoàn cảnh dịch bệnh. https://thanhnien.vn/khoi-to-vu-an-lam-lay-lan-dich-benh-lien-quan-hoi-tin-lanh-truyen-giao-phuc-hung-1851072817.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[8] Ban Tôn giáo Chính phủ, ‘Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo,’ (Hà Nội, 2021), 90-92.
[9] http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/tong-lien-hoi-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-ho-tro-11-ty-dong-cho-quy-phong-chong-dich-covid19-tp-ho-chi-minh-38776.html, https://traon.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/188038 (truy cập ngày 05/05/2023)
[10] https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tong-lien-hoi-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-trao-may-tho-oxy-cho-benh-vien-da-chien-thu-dung-1491880824 (truy cập ngày 05/05/2023)
[11] http://mttq.bentre.gov.vn/noi-dung/ban-dai-dien-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-mien-nam-tinh-ben-tre-tuong-tro-nguoi-dan-vung (truy cập ngày 05/05/2023)
[12] https://www.binhthuan.gov.vn/4/469/66822/571263/thong-tin-quyen-gop-covid-19/ban-dai-dien-hoi-thanh-tin-lanh-viet-nam-tinh-ung-ho-tien-va-nhu-yeu-pham-phong-chong-dich-covid.aspx (truy cập ngày 05/05/2023)
[13] https://httlvn.org/ca-mau-muc-su-hoi-truong-giang-boi-linh-truc-tuyen-cho-cac-hoi-thanh-trong-tinh.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[14] https://httlvn.org/truyen-giang-giang-sinh-truc-tuyen-cua-ban-dai-dien-long-an.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[15] https://httlvn.org/dak-lak-boi-linh-hiep-nguyen-truc-tuyen-quy-i-2022.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[16] https://httlvn.org/thanh-nhac-giang-sinh-2022.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[17] https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-hang-ngan-nguoi-dan-cung-hoa-minh-trong-dem-nhac-xuan-yeu-thuong-244875.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[18] https://oneway.vn/tin-tuc/xuan-yeu-thuong-cong-tac-cham-soc-4500-tan-tin-huu-50535.html (truy cập ngày 05/05/2023)
[19] https://covid19.gov.vn (truy cập ngày 25/05/2023)
[20] https://tuoitre.vn/kho-khan-lan-rong-doanh-nghiep-san-xuat-cam-chung-20230513092758902.htm (truy cập ngày 25/05/2023) https://vneconomy.vn/12-bieu-do-cho-thay-suy-thoai-kinh-te-toan-cau-co-the-da-bat-dau.htm (truy cập ngày 25/05/2023)
[21] Trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến trong thần học truyền giáo như ngày nay, Karl Barth đã từng trình bày cách rõ ràng rằng, “truyền giáo là một hoạt động của chính Thiên Chúa.” Quan điểm đó của Karl Barth đã ảnh hưởng đến các nhà truyền giáo học và tại Hội nghị Truyền giáo Quốc tế (IMC, International Missionary Conference in Willingen, Germany) năm 1952 tổ chức ở Willingen, Tây Đức, lần đầu tiên ý niệm về Missio Dei đã xuất hiện một cách rõ ràng. Karl Barth, Die Theologie und die Mission in der Gegenwart, 100-126, quoted in David J. Bosch, Động năng sứ vụ Kitô giáo (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2020), 721. Xem thêm Standley H. Skreslet, Thấu hiểu sứ mạng (Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2021), 45-47.
[22] David J. Bosch, 722-723.
[23] David J. Bosch, 723.
[24] Trước năm 1975, những nhân sự truyền giáo cho các dân tộc được gọi là “Truyền giáo” để phân biệt với các Giáo sĩ đến từ hải ngoại: Ông bà Mục sư Truyền giáo Kiều Toản truyền giáo cho người Ka-tu, Ông bà Mục sư Truyền giáo Bùi Tấn Lộc truyền giáo cho người Bru, Ông bà Mục sư Truyền giáo Phạm Xuân Tín truyền giáo cho người Chru, Ông bà Mục sư Truyền giáo Nguyễn Hậu Nhương và Ông bà Mục sư Truyền giáo Lê Khắc Cung truyền giáo cho người Ê-đê, Ông bà Mục sư Truyền giáo Hồ Hiếu Hạ truyền giáo cho người Mnong…
[25] Phỏng theo lời Thánh ca 361 (1950): “Ai lên thượng du cứu nầy?”
[26] Một số các nhóm dân/dân tộc chưa nghe Tin Lành: Chứt, Cờ Lao, Cống, Giáy, Lự, Pu Péo, Xinh Mun… https://joshuaproject.net/countries/VM#peoplegroups (truy cập ngày 05/05/2023), http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&cat=0&id=17 (truy cập ngày 05/05/2023)
[27] Theo một thống kê năm 2020, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người phân bố không đồng đều trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. https://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_kiều#:~:text=tế%2C%20chứng%20khoán.-,Việt%20kiều%20trên%20thế%20giới,Á%20và%20châu%20Đại%20Dương. (truy cập ngày 25/05/2023)
[28] https://danso.org/cac-quoc-gia-tren-the-gioi-theo-dan-so/ (truy cập ngày 25/05/2023)
[29] Con số thống kê có sự khác nhau giữa các tổ chức, tùy thuộc vào phương pháp thống kê: Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ vào tháng 12/2020, Việt Nam có khoảng 1,12 triệu tín đồ Tin Lành, chiếm 1,15% dân số. Ban Tôn giáo Chính phủ, 83. Tương tự, báo cáo từ các giáo hội là 1,4 triệu (1,44%) và từ Dự án Joshua là 2,16 triệu (2,22%) https://joshuaproject.net/countries/VM (truy cập ngày 05/05/2023).
[30] Ban Tôn giáo Chính phủ, 83.
[31] https://danhba.httlvn.org. Để đáp ứng với nhu cầu phát triển Hội Thánh, Viện Thánh Kinh Thần Học đã được thành lập bởi HTTLVN vào năm 2003. Viện đào tạo các chương trình Cử nhân Thần học và Cao học Thần học tại cơ sở chính tọa lạc tại Thành phố Thủ Đức, và đào đạo chương trình Trung cấp tại các chi nhánh: Quảng Nam, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Bình Phước, Vĩnh Long… Mỗi 2 năm, có 100 sinh viên hệ Cử nhân và hàng trăm sinh viên các chương trình khác tốt nghiệp, cung ứng người hầu việc Chúa cho các Hội Thánh địa phương.
[32] https://joshuaproject.net/countries/VM#peoplegroups (truy cập ngày 05/05/2023)
[33] Ban Tôn giáo Chính phủ, 83.
[34] Ủy ban Truyền giáo Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, ’10 Định hướng của Ủy ban Truyền giáo 2022-2026.”
[35] https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/quan-ly-hoat-dong-ton-giao-tren-khong-gian-mang-136992 (truy cập ngày 05/05/2023).

Bài trướcĐồng Nai: Hội Đồng Bồi Linh Lần I Năm 2023
Bài tiếp theoTiền Giang: Bồi Dưỡng Mục Vụ Chấp Sự 2023