Via Dolorosa – Con Đường Thương Khó

3579

 

VIA DOLOROSA

Giăng 19:17-18

 

Khi viết về chặng đường thương khó của Chúa Giê-xu, các sử gia Cơ Đốc đã gọi đoạn đường Chúa Giê-xu đi từ trường án đến pháp trường là Con Đường Thập Tự hay là Đường Gô-gô-tha. Người La Mã gọi nó là VIA DOLOROSA (Chặng Đường Khổ Đau). Khi James M. Stalker viết lịch sử bồi linh về sự thương khó của Chúa Giê-xu, ông đã dành một chương để viết về chặng đường khổ đau – Via Dolorosa. Chặng đường nầy chỉ dài chừng một dặm, nhưng theo Thánh Kinh thì nó rất là xa: Từ thiên đàng đến thế gian, hay từ khi tổ phụ loài người phạm tội trong vườn địa đàng cho đến khi Chúa Giê-xu treo thân trên thập tự giá ở đồi Gô-gô-tha. Thánh Kinh chép: “Đức Chúa Giê-xu vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. Ấy đó là chỗ họ đóng đinh Ngài” (Giăng 19:17,18a).

 

Sở dĩ gọi chặng đường Chúa đi từ trường án đến đồi Gô-gô-tha là “chặng đường khổ đau”, vì trên:

 

I. VIA DOLOROSA: CHÚA GIÊ-XU VÁC CÂY THẬP TỰ.

“Đức Chúa Giê-xu vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha” (Giăng 19:17). Sau khi bị kết án tử hình trên thập tự giá, toán lính La Mã bắt Chúa Giê-xu vác thập tự giá đi đến trường án. Đây là cách hành hình của người La Mã đương thời Chúa Giê-xu. Trước khi đóng đinh, họ bắt tử tù vác thập tự giá đi từ trường án đến pháp trường. Đây là cách bêu xấu tử tội và cảnh cáo mọi người chớ có phạm tội. Trong qúa trình tử tội vác thập tự giá đi, toán lính còn đánh đập tàn bạo, dân chúng bao vây la hét, mắng chửi, nguyền rủa v.v..

 

Trên đường đi đến pháp trường, Chúa Giê-xu bị ngã quỵ nhiều lần, và không thể vác thập tự đi nổi, nên toán lính bắt một người đi đường tên là Simôn, người Syren vác hộ Chúa Giê-xu. Thực ra đoạn đường từ trường án đến đồi Gô-gô-tha chỉ chừng một dặm, với sức một người nam 33,34 tuổi không có gì là nặng nhọc. Thế nhưng Chúa Giê-xu không vác đi nổi bởi vì Ngài bị bắt trong đêm thứ 5, bị xử trước tòa án tôn giáo suốt đêm không chợp mắt. Sáng hôm sau họ giải Chúa Giê-xu đến vua Hê-rốt, sau đó trả về Phi-lát và cuối cùng vác thập tự ra pháp trường. Suốt các chặng đường Chúa Giê-xu luôn bị đánh đập, hành hạ không thương xót. Lại nữa suốt đêm Chúa không hề ăn hay uống lấy một hớp nước. Vì vậy, Ngài bị kiệt sức và ngã quỵ.

 

Cho đến ngày nay nhiều người trong nhân loại vẫn còn thắc mắc: Tại sao Thượng Đế toàn năng lại để cho con người mỏng manh hành hạ như thế? Thực ra không phải Chúa thua mưu hay thất thế đối với con người gian ác; nhưng Chúa tình nguyện nhập thể mang thân xác con người, chịu nhục hình để chuộc tội cho con người. Thánh Kinh chép: “Chính Ngài tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người, Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:7,8). Đây là hành động tự nguyện: “Ta là người chăn hiền lành, người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình… làm giá chuộc nhiều người” (Giăng 10:11, Mat 20:28). Hầu hết các tiên tri của Chúa đều chết trong thành Giê-ru-sa-lem, chỉ con Đức Chúa Trời là bị đóng đinh ngoài thành thánh. Đây là hình thức loại trừ Chúa Cứu Thế của người Do Thái. Ngày nay nhân loại cũng đang tiếp tục loại trừ Chúa ra khỏi đời sống và xã hội của họ. Thái độ của chúng ta đối với Chúa Cứu thế ra sao khi nghĩ về Via Dolorosa?

 

II. VIA DOLOROSA: CHÚA BỊ TREO TRÊN THẬP HÌNH.

Đóng đinh trên thập tự giá là một trong những cách xử tử dã man nhứt xưa nay. Hình phạt nầy xuất phát từ người Ba Tư và Phê-nê-xi, sau đó người La Mã áp dụng để xử tử những phạm nhân thuộc giới nô lệ hoặc là những người phạm tội nặng như tội nổi loạn, cướp của giết người… công dân La Mã chẳng bao giờ bị xử tử đóng đinh, dầu tội nặng tới đâu cũng không. Vậy mà họ đã đem Chúa Cứu Thế vô tội đóng đinh trên thập tự giá!

 

Có mấy hình thức thập hình: Thập tự hình đơn giản I, Cựu ước gọi là mộc hình. Thập tự hình chữ X, gọi là thập tự thánh Andrew. Thập tự chữ T, gọi là thập tự thánh Anthony. Thập tự Hi Lạp +, bốn cạnh đều nhau và thập tự của người La Mã hay còn gọi là thập tự của Chúa Giê-xu: t thanh đứng dài hơn thanh ngang.

 

Những tử tội ngày nay không bị hành hạ đau đớn thể xác, nhân phẩm cũng không bị chà đạp và tử tội chết rất nhanh, dầu là treo cổ hay xử bắn, tra ghế điện hoặc tiêm thuốc độc, tất cả đều kết thúc nhanh. Thời xưa không như vậy, người bị xử đóng đinh sẽ bị thiệt hại mọi phương diện: Thể xác: Bị lột hết quần áo bêu xấu, bị đóng đinh tay chân đau đớn cùng cực, thần kinh căng thẳng, cơn hấp hối kéo dài. Tinh thần: Nhân phẩm bị chà đạp thậm tệ, bị mọi người nguyền rủa, xa lánh, bị ghép vào hàng kẻ dữ; Chúa Giê-xu bị đóng đinh giữa hai tên cướp khét tiếng thời đó. Tâm linh: Chúa Giê-xu bị Cha Ngài lìa bỏ trong thời gian Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, vì gánh tội lỗi mà Ngài mang thế cho cả nhân loại. Những khổ nạn Chúa Giê-xu chịu thật là đau đớn: “Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt Ngài chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi Ngài chúng ta được lành bịnh… Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Ngài” (Ê-sai 53:5,6).

 

Tại sao Chúa Giê-xu vô tội phải chịu nhục hình khốn khổ như vậy. Thánh Kinh giải đáp: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Côr 5:21).

 

Ngày nay thập tự giá đã trở thành biểu tượng của tình yêu và nhiều người, kể cả người không tin Chúa cũng trang sức thập tự giá, nhưng ai biết được rằng từ ban đầu nó là một dụng cụ xử tử dã man, chỉ cần nghe đến đã rợn người rồi. Vì tính chất dã man của nó nên nhà văn Cicero của La Mã viết: “Người La Mã không nên để bóng dáng thập tự giá trong trí, dầu chỉ là ý nghĩ thoáng qua cũng không”. Thế nhưng từ khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa đã biến sự dã man của hình cụ thập tự giá trở thành biểu tượng của tình yêu được vô số người yêu quý. Cũng vậy Chúa sẽ biến đổi tất cả những cuộc đời xấu xa gian ác, biết ăn năn thống hối, lìa bỏ tội, hết lòng tin thờ Chúa và biến họ trở nên thánh nhân. Ngài còn phục hồi những cuộc đời thân tàn ma dại trở nên lành mạnh, hữu dụng, được Chúa yêu người mến. Kết thúc của Via Dolorosa thật là vinh quang.

 

III. VIA DOLOROSA: DẪN ĐẾN TOÀN THẮNG NƠI MỘ TRỐNG.

Điều kỳ diệu mà Chúa Giê-xu đã làm trên đồi Gô-gô-tha là Ngài hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại. Khi Chúa Giê-xu bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, bị hành hạ đau đớn trong trường án và bị đóng đinh trên thập tự giá, những kẻ thù của Chúa gồm có giới lãnh đạo tôn giáo thời đó lẫn đế quốc La Mã, và cả thế lực Satan ma qủy đều reo mừng, tưởng đã giết được Chúa Giê-xu và phá hỏng chương trình của Đức Chúa Trời. Nhưng tất cả đã lầm lẫn, sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá chính là giải pháp cứu chuộc tội lỗi nhân loại, như Thánh Kinh chép: “Bởi thập tự giá, Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai (Do Thái và Ngoại bang) hiệp thành một thể mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:16). Tuy nhiên, cuộc đời Chúa Giê-xu không kết thúc ở thập tự giá mà ở ngôi mộ trống, nghĩa là Chúa Giê-xu đã phục sinh: “Đấng Christ đã chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh thánh và Ngài đã hiện ra cho Sêpha, sau lại hiện ra cho mười hai môn đồ, rồi cùng trong một lần Ngài hiện ra cho 500 anh em xem thấy” (I Côr 15:3-6).

 

Giải pháp cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời qua Giê-xu khác với cách cứu nhân độ thế của các giáo chủ đời nầy. Trong khi các giáo chủ đưa ra nhiều giáo điều rất hay với những lời khuyến thiện nhằm động viên người tin làm theo. Chúa Giê-xu thì khác, Ngài lấy chính sinh mạng mình chuộc tội thế nhân. Nợ tội chỉ trả bằng sinh mạng và Chúa Giê-xu “đã phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat 20:28). Sở dĩ sự chuộc tội của Chúa Giê-xu được Đức Chúa Trời chấp nhận vì Ngài là Thượng Đế hóa thân làm người. Tất cả mọi con người sinh ra trên đời đều phạm tội, nên không ai cứu ai được. Giống như người không biết bơi không thể cứu người chết đuối được, hay như con cá mắc lưới, càng vùng vẫy càng bị trói chặt, lần lần đuối sức và chết!

 

Không có loại vi khuẩn nào độc hại cho bằng tội lỗi, tác hại của tội làm cho tất cả nhân loại đi dần đến sự chết và hỏa ngục. Thượng Đế thương yêu con người ban ơn giải cứu qua Đức Chúa Giê-xu, muốn được cứu rỗi con người phải tin Chúa Giê-xu. Đây là giải pháp duy nhứt để con người được cứu. Các bạn không thể được cứu bằng một phương pháp nào khác ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu “đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta” (Rô-ma 4:25). Chúa chết vì các bạn, cũng đã sống lại để đem niềm hi vọng sống vĩnh cửu đến cho những ai tin thờ Ngài. Xin các bạn hãy mở lòng ra tiếp nhận Chúa ngay giờ nầy, chắc chắn tâm linh lẫn thể xác của các bạn sẽ được Chúa cứu vớt.

 

Tác giả: Doulos

 

* Tìm hiểu thêm về “Con đường Dolorosa” được ký thuật trong Chuyên mục “Hồi Ký” – Bản Tin Mục Vụ số 46, xuất bản tháng 03/2015, hiện đã được bán tại các nhà sách Cơ Đốc.

Bài trướcTỉnh Đăk Nông: Hội Đồng Bồi Linh Quý I/2015
Bài tiếp theoBài thứ 89: Cầu xin gì?