Vị Khách Bình An

1890

HTTLVN.ORG – Có những vị khách khác nhau đến nhà chúng ta mỗi ngày. Với những lý do cũng khác nhau. Có hạng khách đã được báo trước về thời gian, địa điểm và đến với mục đích gì! Có hạng khách đến một cách bất ngờ, không báo trước. Lại cũng có hạng khách đến thường xuyên để tán gẫu… Với những hạng khách khác nhau thì thái độ của chủ nhà trong việc tiếp đón cũng khác nhau.

Vì sự xuất hiện của các vị khách có thể khiến chủ nhà vui mừng đón tiếp, nếu vị khách này sẽ mạng lại những ích lợi cho mình. Cũng có thể sự xuất hiện của vị khách kia khiến chủ nhà sợ hãi, có thể tránh mặt, hoặc dùng đủ mọi cách để từ chối gặp mặt, trò chuyện, hoặc tiếp với thái độ dửng dưng, vì nhiều lý do. Có khi đó là vì người chủ nhà đang mượn nợ vị khách ấy, hoặc vị khách ấy là người thường xuyên đến mượn nợ hoặc làm phiền chủ nhà.

Nhưng có một vị khách đã được báo trước, được cả một dân tộc mong chờ, chính là Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế. Nhưng thế gian đã chào đón Ngài với thái độ nào?

Vị khách được mong chờ và báo trước

Chúa Giê-xu không phải là vị khách đến bất ngờ, nhưng đã báo trước một cách rõ ràng. Hơn thế nữa, nhu cầu của dân Y-sơ-ra cũng cần sự xuất hiện của vị khách này.

 Bởi lẽ “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết.” (Ê-sai 9:1). Trong bóng tối của nỗi tuyệt vọng trong cảnh lưu đày, bóng tối của sự chết, sự bất an, con người rất cần có sự sáng để bình an, hi vọng. Sự sáng đó đến từ Đấng Cứu Thế mà dân Y-sơ-ra-ên đã chờ đợi từ lâu.

Vị khách mà nhân loại đang mong chờ là Đấng có quyền trên Sa-tan, trên sự chết để ban bình an cho con người. Ngay khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời đã phán với ma quỷ rằng: Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng Thế Ký 3:15). Vị khách này được báo trước, sẽ ra từ dòng dõi người nữ.

Dấu hiệu để tìm biết vị khách này là một ngôi sao, “Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ; tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần;Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, Một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên;…” (Dân Số Ký 24:17)

Nơi vị khách này đến là Bết-lê-hem Ép-ra-ta (Mi-chê 5:1).

Vị khách này là Đấng Cứu Thế, Chúa Bình An, như tiên tri Ê-sai công bố “Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14); “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an” (Ê-sai 9:5).

Sự kiện Chúa Giê-xu giáng sinh được ký thuật trong Lu-ca 2:1-6. Chính quyền buộc Giô-sép phải thực hiện một cuộc hành trình thật xa để khai báo sổ bạ. Vị hôn thê cũng phải cùng đi cùng và cô sắp sửa sinh nở bất cứ lúc nào. Nhưng khi đến Bết-lê-hem, họ đã không tìm được dù chỉ một chỗ để nghỉ lại “vì nhà quán không có đủ chỗ ở”. Thế gian đang mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng khi Ngài đến thì không có bất kỳ một chỗ nào dành cho Ngài.

Có thể lấy lý do vì dân sự lúc bấy giờ chưa nhận biết Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng khi Chúa thi hành chức vụ giảng dạy, làm phép lạ, khiến mọi người ăn năn nhưng không ít người đã chối từ Ngài “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Khi Chúa khiến quỷ ra khỏi người Giê-ra-sê (Lu-ca 8:26-39; Mác 5:1-20) và cho quỷ nhập vào bầy heo 2.000 con, đâm đầu xuống biển thì dân ở vùng đó xin Chúa lìa khỏi xứ của họ.

Chúa đến thế gian, Ngài là vị khách được báo trước, được mọi người mong chờ, nhưng vẫn không có đủ một chỗ cho Ngài. Đó là đối với dân Y-sơ-ra-ên và con người phải đối diện với tội lỗi nói chung. Còn chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, sẽ tiếp Chúa như thế nào?

Vị khách bình an đến để gánh và trả nợ thay

Ngày nay, chúng ta biết rõ Chúa Giê-xu là vị khách được Kinh Thánh báo trước và các lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Chúng ta cũng biết mục đích Chúa đến để làm gì. Ngài là vị khách đến với mỗi chúng ta ngày nay không phải để đòi nợ. Nhưng Ngài đến để nhắc chúng ta nhớ mình đang mắc một khoản nợ rất lớn “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23), và giá phải trả cho khoản nợ đó là sự chết “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23).

Ngài đến không phải để bắt chúng ta trả, ngược lại Ngài gánh thay cho chúng ta “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:6). Chúa đến để gánh thay mọi khoản nợ về tội lỗi của chúng ta. Ngài khẳng định “còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10b)

Chúa sẵn sàng trả thay món nợ tội lỗi của chúng ta bằng sự chết của Ngài để chúng ta được bình an, không còn lo lắng mà lẽ ra mình phải gánh chịu “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh” (Ê-sai 53:5). Không còn cách nào khác để xoá tội thay cho việc Chúa phải chết hay sao? Chính Sứ đồ Phi-e-rơ cũng không thể chấp nhận sự thật này “Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Phi-e-rơ bèn đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (Ma-thi-ơ 16:21-22). Nhưng Chúa Giê-xu đến thế gian là để làm trọn luật pháp, mà “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). “Và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7). Chúa đến để trả hết nợ tội lỗi cho chúng ta, xoá bỏ án phạt bằng sự chết mà lẽ ra chúng ta phải gánh chịu.

Nhưng có bao nhiêu người thật sự mở cửa lòng để đón tiếp Chúa là vị khách bình an! Không chỉ những người chưa biết Chúa cần mở cả lòng để Chúa bước vào, mà cả những người đã biết và theo Ngài, nhưng chưa thật sự mở lòng để Chúa bước vào làm chủ hoàn toàn.

Vào thời Tân Ước, Hội Thánh Lao-đi-xê rất giàu có và tự phụ. Họ cảm thấy tự mãn, nhưng họ không có Chúa Cứu Thế hiện diện giữa họ. Ngài đã gõ cửa lòng họ, nhưng họ quá bận rộn cho việc hưởng thụ các lạc thú trần gian, đến nỗi không nhận ra rằng Ngài đang muốn vào. “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Khải Huyền 3:20a).

Có nhiều người đã theo Chúa nhiều năm, nhưng vẫn chưa thật sự mở tấm lòng để Chúa bước vào trọn vẹn, cùng trò chuyện, và sống cuộc đời có Ngài làm chủ và hướng dẫn.

Ai sẵn lòng tiếp vị khách bình an?

Nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho” (Khải Huyền 3:20). Nhiều người đã nghe tiếng Chúa, nhưng vẫn không chịu mở cửa lòng, vẫn khép hờ hờ, nhiều người bịt tai với Lời Chúa, nên vẫn chưa chịu mở cửa lòng. Nhiều người lại nghĩ, nếu để Chúa bước vào thì có thể Ngài sẽ làm xáo trộn cuộc sống của mình, với những thói quen tội lỗi. Có nhiều người biết Chúa, nghe tiếng Chúa cũng nói vọng ra, “dạ có con đây, chờ con một chút, từ từ Chúa ơi!” Như một người môn đồ đã từng biện minh cho việc mình không thể theo Chúa “Lạy Chúa, xin Chúa cho phép tôi về chôn cha tôi trước đã” (Ma-thi-ơ 8:21).

Một hạng người khác, dường như “mở cửa” để Chúa bước vào nhưng chỉ không mời ngài “ăn bữa tối cùng mình và mình với Chúa trò chuyện”, nghĩa là không có mối liên hệ cá nhân với Chúa. Đó là những người chỉ theo đạo thôi chứ không có đức tin sống động thể hiện qua cách ăn, nết ở, vẫn tiếp tục với thói quen tội lỗi. Đây cũng là chỗ để mỗi chúng ta suy xét lại mối liên hệ với Chúa của mình. Hãy thử tượng tượng chúng ta mời Chúa “ăn bữa tối với mình” trong khi miệng phì phà khói thuốc, cụng nâng những ly rượu đầy men say thì có phù hợp hay không?

Chúng ta mời Chúa bước vào nhưng đừng để Chúa ngồi một mình, cả hai cùng im lặng. Chúng ta phải trò chuyện, tâm sự, qua sự cầu nguyện, học Kinh Thánh để hiểu Chúa nhiều hơn, yêu Chúa hơn. Ước ao rằng Chúa không còn là vị khách trong nhà, nhưng phải là một thành viên vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong gia đình mình, Ngài chính là chủ ngôi nhà của bạn.

Paul Tạ

Bài trướcBài Ca Hạnh Phúc (Phần 1) – 22/12/2021
Bài tiếp theoThơ: Bình An Dưới Đất