UB.TTN – Đổi Mới Con Cho Ngài

3228

Mưa! vài hạt tí tách rớt trên mái nhà. Vài phút sau mưa nặng hạt hơn làm cho ngoài đường bì bõm vài vũng nước. Lúc sau mưa như trút nước. Cơn mưa chiều nay nghe buồn quá, trong ngôi nhà nhỏ ọp ẹp, nước mưa tạt vào ướt sũng. Ngồi bó gối nhìn ra ngoài sân, nét mặt nó buồn buồn, nhìn thấy đàn gà con đang dúi đầu vào đôi cánh của mẹ thật ấm áp, nó ao ước được giống như mấy con gà con kia được ở bên mẹ biết bao, tự dưng khóe mắt nó cay cay, và nó khóc.

Ngày trước ba mẹ nó yêu nhau lắm, cuộc sống của hai vợ chồng thật hạnh phúc, êm đềm bên mái tranh nghèo, mỗi ngày cơm canh đạm bạc. Ba nó, người đàn ông có thân hình mảnh khảnh, nước da ngâm đen vì nắng, làm nghề chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được ba cọc ba đồng. Còn mẹ nó, người phụ nữ dịu dàng có mái tóc dài đen bóng ngang lưng, gương mặt hốc hác vì công việc làm thuê, phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị chài lưới cho người ta đi biển. Có khi phải vá lưới đến tận khuya cho kịp ngày mai các ngư phủ ra khơi. Công việc cũng khá vất vả đối với người phụ nữ thành thị, cũng vì yêu ba nó nên chấp nhận về chung sống ở nơi làng chài này. Cuộc sống vất vả, họ ăn ở với nhau gần năm năm nhưng vẫn chưa có con.

Cho đến một ngày khi biết được ba nó bạt tình, bỏ mẹ nó để đi theo người phụ nữ khác giàu có hơn, đẹp hơn, cũng là lúc bà đang mang thai nó được hai tháng tuổi. Bà khóc suốt ngày đêm, nài nỉ chồng nhưng vẫn không níu kéo được. Đau khổ bà muốn hủy bỏ cái thai trong bụng, nhưng cũng thương đứa con nhỏ không có tội tình gì, nên cố gắng một mình nuôi dưỡng bào thai cho đến ngày sinh nở. Nhờ sự thương tình của những người hàng xóm, bà đã vượt cạn an toàn. Một thằng bé con xinh xắn ra đời. Tên nó là Trường Hận. Bà đặt tên cho nó là Trường Hận, vì căm giận chồng đã bỏ mặc hai mẹ con đi cưới vợ khác. Nhiều đêm bà thao thức không biết nuôi dạy con ra sao, không biết rồi sau khi nó lớn lên sẽ kể về người cha của nó như thế nào, và nhiều câu hỏi khác làm cho bà càng tủi thân hơn. Cuộc sống của một người mẹ đơn thân nuôi con thật vất vả, khó khăn trăm bề, không có ai bên cạnh để giúp đỡ những lúc đêm khuya, gió lạnh. Chỉ có người hàng xóm thương tình, hằng ngày nấu cơm mang qua cho bà ăn để có sữa cho con bú trong những tháng đầu còn yếu sức.

Khi thằng bé được sáu tháng tuổi bà phải đi làm kiếm tiền, nên bồng nó theo chứ để ở nhà ai chăm. Tội nghiệp thằng nhỏ, dường như biết mẹ khổ cực nên im lặng không quấy khóc cứ nằm chơi một mình, nhìn người lớn nói nói cười cười rồi cũng cười theo. Đôi mắt to tròn, khuôn mặt kháu khỉnh nhìn giống hệt ba nó, một mình bà xoay sở đủ cách hết mới có tiền nuôi con. Rồi ngày tháng trôi qua nhanh chóng, nó đã lên ba tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi hồn nhiên không lo nghĩ gì, những lúc nó hỏi: “Mẹ ơi, ba đâu?” bà chỉ biết ôm nó vào lòng và nói: “Ba con đi làm xa rồi, lâu lắm mới về”. Nói xong, bà quay mặt đi nơi khác lau nước mắt. Cuộc sống cơ cực, vừa nuôi con vừa bươn chải cuộc sống, nên bà đã sanh bệnh. Bác sĩ cho biết bà bị bệnh nan y không thể sống lâu được.

Buổi sáng nọ, thằng bé thức dậy sớm hơn mọi ngày, nhìn sang mẹ nằm ngủ, gương mặt của bà hiền từ, thanh thoát, thằng bé đánh thức mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ơi, thức dậy đi, con chim nó hót trên cành cây kìa!”. Mẹ nó không trả lời. Nó gọi lần nữa, nhưng bà cũng không trả lời, nó gọi mãi, lay mãi nhưng bà vẫn nằm im thin thít. Nó leo nằm lên mình mẹ, bàn tay nhỏ xíu mở mí mắt mẹ, nhưng bà cũng không mở mắt. Có gì đó bất an, nó sợ hãi và òa khóc, nước mắt ràn rụa rớt trên gương mặt của bà, nhưng bà vẫn bất động. Thế là mẹ nó đã ra đi, bỏ lại nó một mình côi cút. Hàng xóm ai cũng xúc động, còn bé mà đã không cha không mẹ, nhưng không ai dám đem nó về nuôi, may thay có ông chú thấy thương quá, tuổi còn nhỏ mà đã mồ côi, nên nhận đem về làm con nuôi. Ông chú cũng chẳng giàu có gì, hằng ngày đạp xích lô, không vợ con, bây giờ có nó về làm bạn thủ thỉ cho vui. Mỗi ngày hai cha con cùng nhau đi làm trên chiếc xích lô dù trời mưa hay nắng. Thằng bé thật tội nghiệp, lâu lại hỏi: “mẹ con đâu hả chú?” ông chú không biết trả lời thế nào, nên mỗi khi nó hỏi câu đó ông chú chuyển đề tài khác hay kể chuyện vui cho nó nghe. Làm nghề chạy xích lô thì làm gì có nhiều tiền mà mua sữa hay đồ ăn ngon, nên nhìn nó ốm tong. Cứ ngày hai bữa cơm cháo nuôi nhau là mừng lắm rồi. Có ngày đắc khách tiền nhiều một chút, hai bố con cùng đi ăn tô bún, dĩa cơm ngon rồi cùng về ngủ thế là hết một ngày lao động, bon chen giữa đời. Ông chú hiền từ, gương mặt nhân hậu, nhìn thằng bé kháu khỉnh, thấy thương nên chìu nó hết sức.

Từ ngày có nó, hai cha con vui vẻ như hai người bạn, đi đâu cũng có nhau. Mà Ông Trời cũng thương, nuôi nó khỏe mạnh. Năm nó lên mười tuổi, cái tuổi phải đến trường lớp như mấy đứa con hàng xóm, nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà đi học. Trong xóm có cô giáo mở lớp học tình thương dạy chữ cho các em trong làng chài, nên cô cũng vui vẻ dạy chữ cho nó. Lúc đầu không quen cách học nghiêm túc trong lớp nên nó bỏ học mấy ngày liền. Cô giáo nhiều lần tìm cách khích lệ nó học chữ để biết đọc biết viết như người ta. Thằng bé thông minh lanh lợi, học cũng khá, chỉ có cái tội ham chơi nên ngày nào cũng đến lớp trễ hơn người khác. Có hôm nó theo đám bạn ra biển bắt mấy con còng gió chạy trên bãi cát, kiếm cũng được kha khá đem về hai bố con có bữa ăn ngon.

Cuộc sống của hai cha con bữa cháo bữa rau, thế mà đã thấm thoát mười lăm năm. Nó cũng lớn hơn, cái tuổi ăn học, tuổi ước mơ như bao đứa bạn cùng trang lứa, ấy mà nó phải đi bưng cá, xẻ cá cho người ta từ sáng sớm đến trưa, chiều lại thì phụ mấy người trong xóm vá lưới. Làm xong người ta cũng cho nó được vài chục ngàn. Nhìn nó thật tội nghiệp, người nhỏ thó, da đen vì phải dang nắng mỗi ngày, được cái là hiền từ lễ phép lúc nào cũng dạ thưa, nói cười hồn nhiên, hay giúp đỡ người khác nên được nhiều người trong làng chài ai cũng thương mến.

Một lần hai cha con cùng nhau sửa lại cái mái nhà bị dột, nước mưa tạt vào ướt sủng chỗ nằm. Hai cha con vừa làm vừa nói cười vui vẻ, ba nó kể cho nó nghe câu chuyện về ba mẹ ruột nó là ai và tại sao tên của nó là Trường Hận. Nghe xong câu chuyện về cuộc đời mình, nó nghẹn ngào cố giấu nước mắt vào trong tỏ ra mạnh mẽ của một thằng con trai. Từ đó, nó trở nên trầm lặng, ít nói ít cười, nét mặt lúc nào cũng buồn buồn và xa lánh mọi người. Nó mặc cảm chính mình, nó hận thù ba nó. Nhiều lần nó muốn bỏ nhà ra đi lang thang, nhưng nghĩ thương ba nuôi, dù lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài với chiếc xích lô, tuy không nhiều tiền nhưng ngần ấy năm cũng đã nuôi nó đến bây giờ. Dẫu thế, nó vẫn mong có được ba mẹ bên cạnh như bao người khác, ước mơ bữa cơm gia đình cùng quây quần bên nhau. Nhiều đêm nó mơ thấy được mẹ chăm sóc, được ba dạy làm con diều, rồi cùng thả bay lên bầu trời xanh ngắt, hai cha con nói cười vui vẻ. Có những buổi sáng thức dậy sớm vì không ngủ được, nó chạy ra biển ngồi một mình, nhìn từng cơn sóng rì rào xô vào bãi cát, gió từ biển thổi lên làm cho nó càng thấy lạnh lẽo, cô đơn, mặc cho suy nghĩ miên man, nó thả hồn trôi dạt theo sóng nước, lòng buồn rười rượi, nước mắt nhạt nhòa rớt xuống, mặn chát.

Một ngày mùa thu, nắng vàng trải dài trên bãi cát trắng, như mọi ngày nó phải đi xẻ cá rồi giao cá ở ngoài chợ cho người ta, tình cờ nhìn thấy một quyển sách nhỏ màu xanh da trời bìa rất đẹp nằm trong đống sách cũ của người bán ve chai. Có bao giờ nó ham đọc sách đâu kia chứ, đâu có học nhiều như người khác đâu chỉ đủ để biết đọc biết viết như cô giáo đã từng dạy nó mà thôi. Nhưng lần này không hiểu sao nó lại thích quyển sách ấy. Có lẽ đó là một quyển sách đặc biệt? Nó đến bên người bán ve chai, nói cô ấy:

Cô ơi, quyển sách màu xanh kia đẹp quá, cô bán lại cho con đi!.

Con có muốn lấy thì cô cho, con không cần trả tiền- cô bán ve chai trả lời.

Nó cảm ơn cô bán ve chai, vui mừng cầm quyển sách ấy lên. Chà! sách còn thơm mùi giấy mới. Nhìn những trang giấy trắng tinh với những dòng chữ mực đen dày đặc, nó lật qua lật lại, cũng chẳng có gì hấp dẫn, nhưng không hiểu tại sao nó lại thích. Nó đem quyển sách ấy về nhà để trên đầu giường. Tối đến lấy ra xem, nó lật qua lật lại, đọc vài trang rồi ngủ thiếp lúc nào không biết.

Sau một ngày làm việc, tối đến nó lại lấy quyển sách nhỏ ấy ra đọc, lần này nó thấy thích bởi câu chuyện “Chúa Hóa Bánh Ra Nhiều”. Nó ước gì người tên là Giê-xu kia có thật sẽ hóa bánh ra cho hai cha con nó để có bữa ăn thật ngon, như trong mấy câu chuyện cổ tích có ông tiên hiện ra cứu giúp người nghèo. Đến câu chuyện “Đức Chúa Giê-xu đi bộ trên mặt biển”, làm nó đọc say mê bởi phép lạ mà nó chưa từng biết, nó là dân biển, nhưng nó chưa thấy ai đi bộ trên mặt biển như Giê-xu này. Đêm đã khuya, không gian tĩnh mịch, chỉ có hàng dừa xanh đang xào xạc lá, mọi người đã say giấc mà nó vẫn không thấy buồn ngủ. Lần đầu tiên nó say sưa đọc sách. Rồi câu chuyện “Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá”. Nó thắc mắc: tại sao người ta bắt Chúa Giê-xu đánh đập và đóng đinh trên thập tự mà Ngài vẫn im lặng? lại còn cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ.? Trong khi đó, nó tự nhủ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba của mình vì đã bỏ mẹ con nó. Trong đầu nhiều câu hỏi, thắc mắc của tuổi mới lớn, nhưng không ai giải đáp được, nó xếp quyển sách ấy lại cố nhắm mắt để đi vào giấc ngủ, nhưng không tài nào ngủ được.

Buổi tối nọ, trong lòng cảm thấy cô đơn, lẻ loi, cảm giác chán nãn, nó không muốn đọc quyển sách ấy nữa, nó ném cuốn sách xuống đất, mặc cho bị gió thổi từng trang, nó cũng chẳng màng đến. Nhưng có gì đó thôi thúc, nó cầm lên và đọc ngay dòng chữ của trang bị gió thổi: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời, bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” Yêu kẻ thù nghịch? tha thứ ư? Thật nực cười, làm sao tha cho kẻ thù nghịch của mình? Làm sao tha thứ cho người cha của mình khi ông ấy đối xử tệ bạc với mẹ con mình như thế?, không đời nào, sự tranh chiến trong lòng giữa tha thứ và không tha thứ làm cho nó càng khó chịu hơn. Chợt như có tiếng nói bên tai: “Ta yêu con Trường Hận, dù con không xứng đáng, nhưng ta vẫn yêu con, con hãy tha thứ cho ông ấy ”. Lời ấy xuyên vào lòng, đâm vào trái tim làm nó thổn thức, lần đầu tiên nó quỳ xuống bên chiếc giường và cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu Ngài có thật, xin giúp con tha thứ cho ba của con, người đã làm cho mẹ con phải đau khổ, người đã bỏ mẹ con con mà đi lấy vợ khác, con muốn lòng con được nhẹ nhàng, yên ổn, không còn thù hận ông ấy nữa….”. Nó nói hết trong lòng đang đầy ắp những cay đắng thù hận, gió khuya lạnh luồn qua khe cửa làm cho nó càng buồn hơn, nó khóc thật nhiều.

Một ngày mới lại bắt đầu, lũ chim hót líu lo trên cành, ánh nắng ban mai thật ấm áp chiếu xuyên qua cửa sổ, rọi vào gương mặt rạng ngời, tuấn tú làm nó giật mình tỉnh giấc. Hôm nay nó thấy mình tràn đầy năng lực của một ngày mới, yêu đời hơn. Bước xuống giường, ra khỏi căn nhà nhỏ ọp ẹp, nó chạy men theo bờ biển và hét lớn lên trong niềm vui sướng: “Chúa ơi! cảm ơn Chúa đã đổi mới con cho chính Ngài.” Một cảm giác tươi mới lạ thường, nó thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, sóng biển vẫn hiền hòa reo vui như muốn nói: “Chúc mừng bạn đã được đổi mới”. Nó không còn thấy lòng nặng nề, căm hận người cha của nó, chính tình yêu của Chúa đã chạm đến và thay đổi cuộc đời nó. Tiết trời mùa xuân đang về trên khắp thôn làng, muôn hoa khoe sắc đang vươn mình đón ánh nắng bình minh. Từng đàn chim đang bay lượn trên bầu trời xanh ngát.

Sao Biển

Bài trướcChủ Đề Các Ngày Lễ Trong Năm 2018
Bài tiếp theoKhông Còn Cơ Hội – 24/1/2018