Tôi Là Ai? – IMAGO DEI

2680

 “Căn tính” hay “nhân dạng” (trong tiếng Anh là identity) chỉ về bản chất, bản thể của một người, cái khiến một người thực sự được xem là người. Thế nhưng, có một tác giả đã nhận định rằng thế giới của con người là một thế giới “đánh mất căn tính.[i]” (Theo Vaughan Roberts (2019), Cuộc chiến của những người tin Chúa, NXB. Tôn giáo, trang 18).

Thật vậy, trong suốt dòng lịch sử, con người luôn phải đối diện với câu hỏi: “Tôi thực sự là ai?” Vì mơ hồ trong việc xác định căn tính thật, con người loay hoay với ý nghĩa đời sống, không tìm được câu trả lời cho những lựa chọn, những phân định đúng sai trong cuộc đời.

Dưới quan điểm của niềm tin Cơ Đốc, khi trở lại với Kinh Thánh, chúng ta tìm được câu trả lời cho căn tính thật của con người. Chương đầu tiên của sách Sáng Thế Ký thuật lại công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời, Lời Chúa đã bày tỏ:

Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ” (Sáng Thế Ký 1:27 Bản TTHĐ).

Cụm từ “hình ảnh Đức Chúa Trời” trong tiếng La-tinh là Imago Dei, một thuật ngữ thần học mô tả căn bản giáo lý của Cơ Đốc giáo về Con người được dựng nên theo Hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có con người. Về mặt sinh học, con người có chung một số đặc điểm với một số loài sinh vật khác. Nhưng điều khiến cho con người trở nên khác biệt là con người không được tạo ra “tuỳ theo loại” giống như các tạo vật khác. Con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đây là điều rất quan trọng, vì Imago Dei “là điều làm cho con người đáng gọi là người.[ii]” (Theo Walter Eichrod (1967), Theology of Old Testament, Philadelphia: Wesminters, quyển 2, trang 122).

Học giả thần học Millard Erickson đã phân loại những cách giải nghĩa Imago Dei thành ba nhóm ý nghĩa chung: ý nghĩa về bản chất, ý nghĩa về mối liên hệý nghĩa về chức năng.[iii] (Millard J. Erickson (2005), Thần học Cơ Đốc giáo, NXB. Văn hoá – Thông tin, quyển 1, trang 532).

Ý nghĩa về bản chất cho rằng con người phản chiếu một số thuộc tính có thể truyền đạt được của Đức Chúa Trời, như là lý trí, ý chí, tình cảm và đạo đức. Bởi đó, con người là loại thọ tạo có tư duy, có suy nghĩ, có cảm xúc và có những quy tắc đúng sai trong đời sống. Những phẩm tính ấy được Đức Chúa Trời ban cho con người, đặt để bên trong con người dù con người có nhìn nhận sự hiện hữu của Ngài hay không.

Ý nghĩa về mối liên hệ lại nhấn mạnh rằng Imago Dei được thể hiện trong khả năng mà con người phản chiếu tính hiệp thông nội tại của Ba Ngôi Đức Chúa Trời và mối liên hệ của Ngài đối với con người và cõi tạo vật. Trong ý nghĩa này, con người không thể sống một cách đầy trọn mà thiếu Chúa, thiếu người khác, và thiếu thế giới tự nhiên.

Ý nghĩa về chức năng thì nhấn mạnh đến hình ảnh của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong con người qua những gì mà con người thực hiện trong thế giới. Chức năng được nhắc đến nhiều nhất là vai trò quản trị cõi tạo vật như được thể hiện trong Sáng Thế Ký 1:26-28 – Đức Chúa Trời nói Ngài sẽ tạo nên loài người theo hình ảnh của Ngài để quản trị cá biển, chim trời, súc vật, côn trùng và cả trái đất. Tất cả các loài thọ tạo khác được đặt dưới quyền của con người. Tuy nhiên, đây không phải sự cho phép để con người khai thác kiệt quệ các sinh vật hay những nguồn tài nguyên trên trái đất. Sáng Thế Ký 2:4–25 cho thấy rằng con người phải noi gương Đức Chúa Trời trong vai trò quản lý trái đất của Ngài. Cái gì Đức Chúa Trời đã sáng tạo, thì con người có nhiệm vụ duy trì và vun đắp.

Đức Chúa Trời đã đặt hình ảnh của Ngài trong loài người khi Ngài tạo dựng nên họ. Con người là Imago Dei, Imago Dei chính là nhân dạng, là căn tính, là bản thể của con người.

Vậy, điều gì đã khiến con người dường như bị lạc mất căn tính Imago Dei của chính mình? Điều gì khiến con người – một loài thọ tạo của Đức Chúa Trời, hoặc là vẫn loay hoay, hoặc là vẫn vô tình với những câu hỏi quan trọng: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Và tôi nên sống như thế nào? Điều đó chính là TỘI LỖI – khuynh hướng tự tôn của con người, thứ khiến họ khước từ Đấng Tạo Hoá và tình yêu biến đổi của Ngài hơn là tìm về với cội nguồn sáng tạo nên mình. Cũng vì vậy mà con người đối diện đầy dẫy những nan đề trong cuộc sống. Chúng ta bất an, không nhận biết giá trị và nhân phẩm đích thực của mình, chỉ sống cho hiện tại và không cần biết ngày mai, chỉ sống cho thể chất mà bỏ qua đạo đức và tâm linh. Chúng ta chạy theo những thứ hư ảo của vật chất và định nghĩa mình dựa trên vật chất cũng như danh – lợi – quyền. Chúng ta đổ vỡ trong những mối liên hệ và hiếm có được những mối quan hệ chân thật. Chúng ta tham lam và ích kỷ khi vắt kiệt tài nguyên để phục vụ lợi ích cá nhân, không quan tâm đến việc các thế hệ tương lai sẽ sống sót thế nào, rồi phó mặc cho họ giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, thiếu nguồn cung ứng từ đất đai, rừng xanh và biển bạc.

Khi con người nhận biết và sống với tinh thần mình là Imago Dei, hiện trạng trên sẽ rất khác. Nhưng hình ảnh của Đức Chúa Trời vốn đến từ Đức Chúa Trời, nên chỉ có thể được tái tạo và phục hồi bởi chính Chúa mà thôi. Dù có nhiều nỗ lực về giáo dục, đạo đức, và tập quán tôn giáo, nhưng nếu không trở lại với Đấng Tạo Hoá, con người vẫn vô vọng về một thế giới được phục hồi, về nhân dạng được tái tạo.

Thật vậy, Imago Dei chỉ có thể được phục hồi trong và bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong thư Cô-lô-se, Sứ đồ Phao-lô quả quyết rằng, Chúa Cứu Thế “…hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình.” (Cô-lô-se 1:15a Bản TTHĐ). Ngài là sự bày tỏ hữu hình của Đức Chúa Trời vô hình. Qua Ngài, con người chiêm ngưỡng được vinh quang của Đức Chúa Trời, “Ngài là tấm gương hoàn hảo nhất cho bản tính con người đúng như Đức Chúa Trời đã định lúc ban đầu” (Erickson). Qua công tác cứu chuộc nhân loại trên thập tự giá và sự sống lại khải hoàn của Ngài, Đức Chúa Giê-xu đã khiến nhân loại được ôm trọn trở lại vào vòng tay của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá của họ. Ở trong Chúa, họ tìm lại được chính mình, được phục hồi căn tính, được sống là chính mình một cách đích thực. Mọi lối sống, mọi suy nghĩ và quan điểm trước đó ở bên ngoài Chúa Cứu Thế đều trở nên hư ảo và giả mạo. Ở trong Chúa Cứu Thế, con người được “mặc lấy người mới, là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn” (Cô-lô-se 3:10).

Khi sống với căn tính Imago Dei, con người cũng đồng thời nhận lấy sứ mạng để sử dụng lý trí, ý chí, tình cảm, và quy chuẩn đạo đức một cách đúng đắn trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và sự liên hiệp với Đấng Christ để phản chiếu thuộc tính của Đức Chúa Trời; chủ động xây dựng các mối liên hệ lành mạnh trong gia đình, Hội Thánh và xã hội; dự phần vào công tác cứu chuộc của Ba Ngôi Đức Chúa Trời bằng cách giúp người hư mất trở về với Imago Dei thông qua Đấng Christ và thực thi công tác quản trị phần thế giới mà Đức Chúa Trời trao cho.

Như vậy, Imago Dei chính là câu trả lời cho chúng ta khi đối diện với câu hỏi về căn tính thật của chính mình – Tôi là ai?

Khối Thanh Niên – Uỷ Ban Thanh Thiếu Nhi TLH

[i] Vaughan Roberts (2019), Cuộc chiến của những người tin Chúa, NXB. Tôn giáo, trang 18.
[ii] Walter Eichrod (1967), Theology of Old Testament, Philadelphia: Wesminters, quyển 2, trang 122.
[iii] Millard J. Erickson (2005), Thần học Cơ Đốc giáo, NXB. Văn hoá – Thông tin, quyển 1, trang 532.

Bài trướcTiền Giang: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm Tháng 11
Bài tiếp theoHội Thánh Phú Quý: Niềm Vui Tiếp Đón Tân Quản Nhiệm