Tĩnh Nguyện Gia Đình

2299

Trong một vài chuyến viếng thăm đến TP. Hồ Chí Minh, khi quan sát những hoạt động vào buổi tối tại đây, tôi nhận thấy một trong những nét văn hóa của các bạn là hướng về gia đình. Trong các công viên, có nhiều gia đình dành thời gian bên nhau: cha mẹ cùng chơi với các con, ông bà tận hưởng niềm vui khi quan sát các thế hệ trẻ.

Trong Cơ Đốc giáo, gia đình là một thể chế do Chúa thiết lập. Chúng ta cần chăm sóc nó trong 4 lãnh vực: (1) Thuộc thể: thể hiện bằng sự đáp ứng các nhu cầu về nhà ở, thức ăn, quần áo; (2) Trí tuệ: sự kích thích của tâm trí, chủ yếu là thông qua giáo dục; (3) Xã hội: thông qua mối quan hệ tương tác lành mạnh giữa các cá nhân; (4) Thuộc linh: việc nuôi “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn  22:6).

Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin phép được đề cập đến lãnh vực chăm sóc thứ tư: Chăm sóc về thuộc linh. Đây là lãnh vực chúng ta cần chú trọng và đầu tư.

Việc gia đình dành thời gian để dạy dỗ cho thế hệ sau về nếp sống Cơ Đốc là điều quan trọng. Thì giờ tĩnh nguyện gia đình đã được thử nghiệm và có hiệu quả ở nhiều nơi, nhiều thế hệ. Hoạt động này, có thể các bạn đã từng biết với cách gọi “Gia Đình Lễ Bái”, “Thờ Phượng của Gia Đình” hay “Nhóm Cầu Nguyện trong Gia Đình”, phải là một biểu hiện tự nhiên từ đức tin của các bậc làm cha mẹ. Đây là cơ hội để cha mẹ truyền đạt mối liên hệ mật thiết của cá nhân với Chúa cho thế hệ con cái.

Có nhiều lý do khiến nhiều người bỏ qua thì giờ tĩnh nguyện gia đình. Việc thiếu cam kết cá nhân, sự hạn chế về thời gian, thiếu ý tưởng, sợ thất bại và thậm chí một số ít người đã thử nhưng thất bại và đã không tiếp tục.

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp trong việc tĩnh nguyện gia đình:

  1. Tĩnh nguyện gia đình cần được thực hiện thường xuyên như thế nào?

Điều này tùy thuộc vào các thứ tự ưu tiên của cá nhân. Một số người thích thực hiện hằng ngày; số khác thấy có thể thực hiện mỗi tuần một lần. Chúng ta cần thức ăn thuộc thể ở mức độ thường xuyên nào? Điều tôi muốn nói đến là mức độ thường xuyên chúng ta cần đến thức ăn thuộc linh không thể kém hơn thức ăn về thuộc thể. Vì vậy, thực hiện tĩnh nguyện gia đình mỗi ngày là lý tưởng nhất mà chúng ta cần hướng đến. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, mà chúng ta có thể bắt đầu với mức độ mà mọi thành viên trong gia đình có thể theo được. Và số lần này có thể được tăng dần lên.

  1. Chúng ta nên thực hiện tĩnh nguyện gia đình trong thời gian nào?

Mỗi gia đình cần tìm thời gian phù hợp cho mình. Một số thích thực hiện trước bữa ăn khi mọi thành viên trong gia đình quây quần tại bàn ăn. Một số khác lại thấy sau bữa ăn là phù hợp hơn. Nhưng có người lại cho rằng trước khi các con đã đi ngủ là tốt nhất. Có một quy luật chúng ta cần xem xét, đặc biệt là khi liên quan đến con trẻ: chúng thích theo thường lệ, vì vậy hãy thiết lập thời gian cho thì giờ tĩnh nguyện gia đình. Việc thiết lập một thời gian giúp mọi thành viên trong gia đình đặt ưu tiên cho việc này và từ chối các cuộc hẹn trùng với thì giờ này.

  1. Ai hướng dẫn giờ tĩnh nguyện gia đình?

Câu trả lời là hoặc cha hoặc mẹ đều được, nhưng tốt hơn là cả hai cùng dự phần. Tất nhiên, Đức Chúa Trời đặt người cha là người lãnh đạo của gia đình. Quan trọng hơn, con cái cần nhìn thấy gương mẫu của cha mẹ cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau.

  1. Khi có khách mời hiện diện trong gia đình, chúng tôi phải làm gì với thì giờ tĩnh nguyện?

Hãy cứ tiếp tục thì giờ tĩnh nguyện gia đình như thường lệ. Hãy để khách mời dự phần trong giờ tĩnh nguyện gia đình của bạn. Có thể họ sẽ học được điều gì đó từ bạn.

  1. Thì giờ tĩnh nguyện gia đình cần kéo dài trong bao lâu?

Một từ chìa khóa là ngắn gọn. Những đứa con trưởng thành hay ở tuổi thiếu niên đặt câu hỏi và trao đổi, nhưng trẻ nhỏ không thấy được ý nghĩa, và giá trị của các hoạt động kéo dài của người lớn. 4-5 phút cho việc chia sẻ 1-2 câu Kinh Thánh, tiếp theo là một bài hát và lời cầu nguyện ngắn có thể phù hợp với sự tập trung có giới hạn của trẻ ở tuổi mẫu giáo.

  1. Chúng ta có những nguồn tài liệu nào có thể dùng trong tĩnh nguyện gia đình?

Về một phương diện, đây sẽ là một thách thức cho các bạn vì không có nhiều tài liệu về đề tài này được viết bằng ngôn ngữ của các bạn. Về một phương diện khác, các bạn có trong tay nguồn tài liệu tốt nhất – KINH THÁNH. Đối với các trẻ nhỏ, hãy lựa chọn những câu chuyện phù hợp với độ tuổi của các em. Với các đối tượng khác, hãy kiên trì đọc xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh.

  1. Phải chăng tĩnh nguyện gia đình chỉ có ý nghĩa đối với những gia đình có con cái?

Câu trả lời là “không”. Đối với những cặp vợ chồng chưa có con, việc tĩnh nguyện gia đình hiện tại sẽ thiết lập kiểu mẫu cho họ trong tương lai. Ngay cả những bậc ông bà cũng có thể làm gương cho con cháu mình.

  1. Khi gia đình có con còn quá nhỏ, làm sao chúng tôi có thể tổ chức được thì giờ tĩnh nguyện?

Con trẻ học qua các giác quan. Cầu nguyện trước khi ăn, bên cạnh cha mẹ trong thì giờ tĩnh nguyện gia đình, thấy cha mẹ đọc Kinh Thánh, nghe cha mẹ cầu nguyện là những yếu tố giúp trẻ nhận thức các thứ tự ưu tiên của gia đình.

  1. Xin cho biết một số ý tưởng cho tĩnh nguyện gia đình?

Một số ý tưởng quan trọng cơ bản cho tĩnh nguyện gia đình là a) đọc Kinh Thánh, b) tương tác/trao đổi, c) cầu nguyện, d) hát, và e) ghi nhớ. Nội dung của thì giờ tĩnh nguyện của gia đình bạn có thể được thiết kế cách linh hoạt tùy theo mức độ tiếp thu của từng thành viên trong gia đình. Nếu gia đình bạn có các con ở các lứa tuổi quá cách xa, có thể trong một vài phần của thì giờ, bạn có thể chia thành nhóm.

 

MỘT SỐ Ý TƯỞNG “THÊM GIA VỊ” CHO GIỜ TĨNH NGUYỆN GIA ĐÌNH:

1/ Thu hút sự chú ý của con ở tuổi mẫu giáo

a) Dùng những vật dụng mà chúng có thể sờ, chạm và thấy, ví dụ con rối, tranh ảnh. Dùng những vật dụng cụ thể mà chỉ có trong giờ tĩnh nguyện gia đình để khiến chúng trở nên đặc biệt.

b) Duy trì sự gần gũi về mặt thể chất – Để trẻ ngồi trên đùi hay bên cạnh bạn;

c) Giữ giờ tĩnh nguyện gia đình ngắn gọn. Hãy nhớ mức độ tập trung của trẻ rất ngắn;

d) Tiếp tục việc dạy dỗ suốt cả ngày: hát những bài hát nhấn mạnh đến phần tĩnh nguyện, đề cập đến những điều cần cầu thay đã được chia sẻ, nhắc đến những nhân vật, sự kiện trong câu chuyện và tiếp tục với những phần áp dụng.

2/ Sách cầu nguyện

Hầu hết chúng ta đều là những người học qua điều mắt thấy. Đối với trẻ nhỏ (thật ra đối với cả trẻ lớn hơn, tôi muốn nói đến trẻ từ 9 tháng đến 99 năm), hãy làm tập sách cầu nguyện với hình ảnh của người/điều mà chúng ta cầu nguyện. Đối với người lớn và trẻ ở độ tuổi lớn hơn, việc này giúp chúng ta có một danh sách những lời cầu nguyện cụ thể với một cột đáp ứng bên cạnh. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự thành tín của Đức Chúa Trời một cách thực tế hơn khi “thấy” Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện.

3/ Dã ngoại

Đi đến bãi biển hay khu vườn đế chiêm ngưỡng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời sẽ là cơ hội tốt về không gian và thời gian để cả gia đình thờ phượng Ngài.

4/ Đối với thiếu niên: Tin xấu/tốt

Cùng đọc những điểm chú ý của một bài báo chứa đựng những tin tức về sự thất vọng hay gây chú ý. Sau đó hãy thách thức gia đình suy nghĩ về phân đoạn/câu Kinh Thánh cho biết cách đáp ứng của một người Cơ Đốc trong ánh sáng của Tin Lành. Hãy cùng nhau cầu nguyện/cầu thay cho tình trạng đã được đề cập.

KHI NÀO BẮT ĐẦU?

Tất cả chúng ta đều sống trong xã hội bận rộn. Nếu chúng ta rũ bỏ giờ tĩnh nguyện gia đình hôm nay vì “ngày mai” có cơ hội thuận tiện hơn để thực hiện, thì sẽ không bao giờ có một ngày nào là thuận tiện và tốt đẹp hơn.

Hãy xác định rằng đời sống thuộc linh của gia đình bạn là quan trọng và phải bắt đầu ngay. Hãy thiết lập thói quen đọc Lời Chúa và áp dụng. Hãy chỉ cho chúng thấy (không chỉ nói cho chúng biết) Đức Chúa Trời đã phán với bạn qua lời Ngài như thế nào. Hãy là gương mẫu về cách Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện bằng cách chia sẻ về điều đó trong giờ tĩnh nguyện gia đình.

Hãy cùng gia đình thực hiện nó vì bản thân giờ tĩnh nguyện gia đình có thể là một lời cầu nguyện được nhậm của nhiều người.

VẤN ĐỀ CẦN CẦU THAY

Trong phạm vi của bài viết này về, tôi đề nghị các bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho ba lãnh vực sau:

(1) Cầu nguyện cho các bậc cha mẹ có một nếp sống tin kính, làm gương cho thế hệ tương lai;

(2) Cầu nguyện cho các gia đình lớn lên trong sự yêu mến Chúa và yêu thương nhau thông qua việc học hỏi lời Chúa;

(3) Cầu nguyện rằng những Cơ Đốc nhân có ân tứ sẽ được Chúa dức dấy để viết xuống những nguồn tài liệu bổ ích cho Hội Thánh.

 

Anne Trần
Chuyển ngữ từ bài viết của Giáo sư Tiến Sĩ Koh Siang-Kiang (Trưởng Khoa Cơ Đốc Giáo Dục, Trường Thần Học Singapore Bible College)

(BTMV 29 – Tháng 05/2012)

Bài trướcQuảng Ngãi: Hiệp Nguyện Giáo Phẩm, Chấp Sự Tháng 07/2020
Bài tiếp theoYêu Qua Hành Động – 7/7/2020