I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-16
“Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như Lời của Đức Chúa Trời, vì thật là Lời Đức Chúa Trời, cũng hành động trong anh em có lòng tin” (câu 13).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô tạ ơn Chúa không ngớt về điều gì? Các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca tiếp nhận Lời Chúa thế nào và kết quả ra sao? Bạn đón nhận Lời Chúa cho mình như thế nào?
Sứ đồ Phao-lô không ngớt tạ ơn Đức Chúa Trời vì các tín hữu Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca khi nghe ông và các bạn đồng lao của ông rao giảng đã suy xét cẩn thận và nhận biết đây đúng là Lời Đức Chúa Trời chứ không phải lời loài người nên họ đã tin và tiếp nhận để quyền năng của Lời Chúa vận hành trong đời sống họ, khiến đời sống được thay đổi rõ rệt và kết quả cho Chúa (câu 13). Khi một người nhận biết và tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời, điều đó chứng tỏ họ thật có đức tin nơi Ngài, đồng thời cũng tuyên xưng thẩm quyền của Lời ấy trong đời sống của mình qua việc vâng theo.
Từ ngữ “tiếp nhận” hay đón nhận mang ý nghĩa không phải chỉ lấy nghe làm đủ, nhưng “tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời” là một tiến trình lắng nghe có suy xét và đón nhận Lời Chúa vào trong đời sống của mình. Nói cách khác, sau khi nghe Lời Chúa họ quyết định sống theo sự hướng dẫn của Lời họ đã xưng nhận, là Lời có thẩm quyền trên đời sống mình. Chính vì lẽ đó, Lời của Đức Chúa Trời tác động vào đời sống đức tin của họ khiến họ được vững vàng, sẵn sàng chịu khổ khi bị bắt bớ đức tin từ chính những người đồng xứ mình, như gương của các Hội Thánh trong Đức Chúa Giê-xu Christ, cụ thể là những tín hữu trong Hội Thánh Đức Chúa Trời tại xứ Giu-đê (câu 14).
Những cụm từ Sứ đồ Phao-lô dùng để mô tả về tín hữu tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca như “có lòng tin”, “tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời”, “đã chịu khổ” cho thấy rằng những tín hữu tại đây thật sự được tăng trưởng trong đời sống đức tin. Họ có đức tin, có Lời của Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, đức tin họ còn thể hiện qua việc làm là sẵn sàng chịu khổ vì Phúc Âm.
Thái độ của chúng ta với Lời Chúa cùng với quyết định của chúng ta sẽ tiếp nhận hay chỉ lấy nghe làm đủ sẽ là thước đo sự tăng trưởng tâm linh của mình. Nếu thật có lòng tin nơi Chúa thì chúng ta sẽ xưng nhận thẩm quyền Lời truyền dạy trong Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, và sẽ được Lời ấy hướng dẫn để vững vàng trong đời sống đức tin. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ xem đó là một lời truyền dạy từ loài người thì dễ lắm chúng ta sẽ hành động sai trật như một số người Giu-đa lúc bấy giờ đã làm cho các Cơ Đốc nhân (câu 15-16).
Bạn có để quyền năng của Lời Chúa hành động trong đời sống bạn hay chưa?
Kính lạy Đức Chúa Trời! Tạ ơn Chúa vì đã ban Lời Ngài cho con để biến đổi đời sống con và hướng dẫn con biết sống đẹp lòng Ngài. Xin giúp con luôn xưng nhận thẩm quyền Lời Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống con. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 18
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN: