Tiếng Gọi Ma-xê-đoan

1459


Khi Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp chưa đặt chân đến Việt Nam, trong bài viết của Mục sư Robert Jaffray trên Tạp Chí Alliance năm 1899 xác định Việt Nam có 20 triệu người.

 

Với tựa đề Annam, or French Indo-China, Mục sư Robert Jaffray cho biết dân số của Đông Dương là 21 triệu. Ông viết: “Vì sao ở Bắc Kỳ (Tongking) với số dân 11 triệu người mà chưa có hoạt đồng truyền giáo của người Cải Chánh? Vì sao trong vương quốc An-nam (Trung Kỳ)(the Kingdom of Annam) không có một giáo sĩ Cải Chánh nào đến truyền giáo cho 6 triệu dân. Còn ở Nam Kỳ (Cochin-China) có 3 triệu dân, ở Cao-mên có 1 triệu dân, vẫn không một ai hoạt động truyền giáo Cải Chánh?”

 

“Trong khi đó, dân nước Xiêm La được nghe Tin Lành cả trăm năm trước rồi. Còn ở Quảng Đông, Trung Hoa, hơn 100 năm trước đã có giáo sĩ. Ngay cả tỉnh Quảng Tây ở sâu trong lục địa cũng đã có các giáo sĩ hoạt động trong 15 năm qua.”

 

“Xin hỏi lại: Vì sao cánh đồng mênh mông rộng lớn này bị bỏ mặc trong bóng tối, không có Ánh Sáng Tin Lành phước hạnh của Con Đức Chúa Trời soi rọi đến? Có phải vì vị trí, vì địa lý? Phải chăng vì vùng đó không nằm trong lộ trình giao thương và buôn bán của các nước? Khi trình diện Cha chúng ta ở Thiên Đàng, chắc chắn chúng ta không thể nào nêu ra lý do này.”

 

Khi Tin Lành chưa đến Việt Nam các nhà truyền giáo thuở xưa trăn trở về việc truyền giảng Tin Lành cho người Việt Nam như thế nào thì sau hơn một thế kỷ Tin Lành đến Việt Nam, trăn trở vẫn còn đó. Vì sao sau hơn 1 thế kỷ Tin Lành đến Việt Nam mà đại đa số người Việt vẫn chưa được nghe, chưa biết nội dung của Tin Lành? Vì sao sau hơn 1 thế kỷ truyền giáo mà Tin Lành vẫn chưa được rao giảng cho toàn bộ có 54 dân tộc?

 

Khải tượng về dân tộc Kinh

 

Trong 54 dân tộc anh em, người Kinh chiếm gần 90% dân số, còn lại là 53 dân tộc thiểu số. Với số lượng ít ỏi người Kinh tin Chúa, chúng ta cần tự hỏi sau 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, có bao nhiêu người Kinh ở vùng đồng bằng và thành thị được nghe về Chúa Giê-xu, được biết về Tin Lành một cách rõ ràng? Vì nếu 74 triệu người Kinh “chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin”? (Rô-ma 10:14)

 

Nhìn bảng thống kê số lượng tín hữu trong các dân tộc ở Việt Nam thì số lượng tín hữu người Kinh trở thành thiểu số với khoảng nửa triệu tín hữu trên 74 triệu người Kinh. Xem ra Hội thánh người Kơ Ho, người Ê-đê, người Stiêng cần sai phái những nhà truyền giáo xuống miền đồng bằng để rao giảng Tin Lành cho người Kinh.

 

Hơn bao giờ hết, công cuộc truyền giáo và truyền giảng cho người Kinh phải được quan tâm và đặt nặng. Mỗi chi hội, mỗi tín hữu người Kinh trong từng khu vực cần xác định “Giê-ru-sa-lem, xứ Giu Đê, xứ Sa-ma-ri” của mình, cần vâng theo mạng lệnh của Chúa Giê-xu trong việc truyền giảng, làm chứng nhân cho Ngài, như vậy Phúc Âm mới toả rộng. Trước khi hỏi: Có bao nhiêu người tin Chúa Giê-xu, Hội thánh cần hỏi: Có bao nhiêu người được nghe về Chúa Giê-xu?

 

Nếu không gieo với nước mắt, làm sao gặt trong tiếng cười; nếu không ra đi với hạt giống thì làm sao trở về với gánh lúa? (Thi Thiên 126:5-6)

 

Người Việt cần hiểu rõ về Tin Lành qua nội dung trình bày bằng lời nói. Cũng cần hiểu rõ về Tin Lành “không phải với lời nói suông” (I Tê 1:5) mà còn với nếp sống và công việc của tín hữu Tin Lành.

 

Khải tượng cho người Việt ở nước ngoài

 

Hội thánh có khải tượng về công cuộc truyền giảng cho người Việt ở trong nước cũng cần có khải tượng về công cuộc truyền giảng cho người Việt ở nước ngoài.

 

– Ở Camphuchia có khoảng hơn 600 ngàn người Việt, chiếm khoảng 5% dân số Camphuchia.

– Cộng đồng người Việt Nam ở Lào cũng được hình thành cách đây khoảng 1 thế kỷ và hiện nay có khoảng 20-30 ngàn người Lào gốc Việt và người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Lào.

– Hơn nửa triệu lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước Đài Loan, Mã-lai, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Trung Đông và Châu Phi… Đó là chưa tính đến người Việt sinh sống lâu dài tại các nước đó. (Chẳng hạn như ở Đài Loan, trong số 200 ngàn người Việt, có khoảng 80 ngàn thuộc diện xuất khẩu lao động)

– Có khoảng 60 ngàn du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài.  Năm 2005, có 4 ngàn sinh viên Việt Nam du học tại Singapore. Thống kê cho thấy hằng năm có khoảng 1000 sinh viên Việt Nam đi Singapore để nghiên cứu.

 

Hội thánh Tin Lành Việt Nam cần có chung một khải tượng với các Hội thánh người Việt tại các nước trên thế giới, với các tổ chức Cơ Đốc, cũng như nối kết với Hội thánh của các nước có người Việt sinh sống và làm việc, để cộng tác với nhau trong việc truyền giảng, gây dựng Hội thánh người Việt tại các nước.

 

Hội thánh tại Việt Nam không thiếu những người đang có khải tượng về người Việt tại Campuchia, khải tượng cho người Việt tại Malaysia, tại Đài Loan, tại Hàn Quốc. Không thiếu những người đang trăn trở cho sinh viên, học sinh Việt Nam đang du học tại Singapore… Những khải tượng đó cần trở thành khải tượng chung của Hội thánh và những người đó cần được Hội thánh sai phái, nâng đỡ và khích lệ.

 

Khải tượng về những dân tộc chưa nghe Tin Lành

 

Trong thập niên kế tiếp, người lãnh đạo và tín hữu trong hơn những dân tộc đã nghe Tin Lành cần tiếp tục nỗ lực rao giảng Tin Lành cho dân tộc của mình. Đồng thời, Hội Thánh cũng cần tự hỏi, đến bao giờ mới đem Tin Lành đến cho những dân tộc còn lại, là những dân tộc chưa từng nghe Tin Lành trên đất nước Việt Nam?

 

Nếu xưa kia ông Phao-lô thấy khải tượng về một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt mình van nài: “Xin đến xứ Ma-xê-đoan cứu giúp chúng tôi” (Công Vụ 16:9-10) thì ngày hôm nay, Hội Thánh Việt Nam nói chung, từng tín hữu nói riêng, chắc chắn phải nhìn thấy các dân tộc cùng sống trên đất nước này van nài: “Xin đến cứu giúp chúng tôi.”

 

Có thể đây là những dân tộc với số dân dưới 1 ngàn người, dưới 10 ngàn người, dưới 100 ngàn người, dưới 1 triệu người và trên 1 triệu người. Khác nhau về số dân nhưng giống nhau ở một điều. Đó là chưa bao giờ nghe nói về Tin Lành.

 

Ngày xưa sau khi thấy khải tượng về một người Ma-xê-đoan xin được cứu giúp, ông Phao-lô và những người cộng sự lập tức lên đường qua Ma-xê-đoan. Họ không phải chỉ cứu giúp một người Ma-xê-đoan nhưng rất nhiều ở Ma-xê-đoan biết đến danh Chúa Giê-xu và tin Ngài.

 

Ngày hôm nay, Hội thánh Việt Nam rất nhiều người thấy khải tượng về người Việt Nam, về các tầng lớp người Việt, về các dân tộc cùng sống trên đất nước này, thế nhưng vì sao rất ít người Việt biết về Chúa Giê-xu? Vì sao Tin Lành chưa được truyền giảng cho tất cả 54 dân tộc?

 

Lời Chúa phán: “Những chiên ta đi lạc trên mọi núi và mọi đồi cao; những chiên ta tan tác trên cả mặt đất, chẳng có ai kiếm, chẳng có ai tìm” (Ê-xê-chi-ên 34:6)

 

“Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Ê-sai 6:8)

 

Ai sẽ thưa với Chúa: “Có con đây, xin hãy sai con”?

 

Đức Chúa Trời chẳng những sai phái mục sư, truyền đạo, giáo sĩ ra đi rao giảng Tin Lành, Ngài còn muốn tất cả những người tin Ngài, những môn đệ của Ngài làm chứng nhân cho Ngài.

 

– Nếu tất cả tín hữu Việt Nam mỗi ngày nói về Chúa Giê-xu cho 1 người, thì chưa đầy 3 tháng tất cả người Việt đều biết về Chúa Giê-xu.

– Nếu tất cả tín hữu Việt Nam mỗi tuần nói về Chúa Giê-xu cho 1 người, thì chưa đầy 2 năm tất cả người Việt đều biết về Chúa Giê-xu.

– Nếu tất cả tín hữu Việt Nam mỗi tháng nói về Chúa Giê-xu cho 1 người, thì chưa đầy 8 năm tất cả người Việt đều biết về Chúa Giê-xu.

 

Rao truyền Phúc Âm cho hơn 22 triệu gia đình tức là hơn 90 triệu người Việt là thách thức lớn lao lẫn trách nhiệm trọng đại đối với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, đối với mỗi chi hội, mỗi mục sư, truyền đạo và mỗi một tín hữu.

 

Tâm tình của ông Phao-lô: “Nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì để tự hào, vì tôi bị ràng buộc phải làm như vậy, nhưng nếu tôi không rao giảng Tin Lành thì thật khốn khó cho tôi” (I Cô-rinh-tô 9:16) phải là tâm tình của tất cả những người tin Chúa Giê-xu.

 

 

Xuân Thu

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.