Thuộc về Chúa

16378

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và sự đáp ứng thị hiếu của người sử dụng mạng xã hội, chúng ta thấy không chỉ người Cơ Đốc, mà thậm chí những người chưa tin Chúa cũng thường xuyên sử dụng biểu tượng “#feeling blessed” (cảm thấy có phúc) để chia sẻ những trải nghiệm tốt đẹp mà họ đang có. Có người cho thấy họ đang thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn tại nhà hàng sang trọng hay những ly thức uống lạ mắt trong các quán cà phê đẹp; có người cho thấy họ vừa được tăng lương; có người cho thấy họ mới tậu được con xe mới; có người cho thấy họ vừa dọn đến căn hộ mới mua; có người cho thấy tấm hình gia đình sum họp đề huề, ai nấy đều rạng rỡ và xinh đẹp, v.v…

Đối với người tin Chúa, chúng ta chúc nhau “Chúa ban phước cho bạn!” với mong ước người được chúc sẽ luôn được thành công và hạnh phúc. Cũng có lẽ vì vậy mà chúng ta thường nhận định một người có sự nghiệp thăng tiến, đời sống vật chất phát đạt, và gia đình hòa thuận đủ đầy chính là “người được phước”. Còn ai không được như thế thì có lẽ chưa nhận được “phước” của Chúa. Trong sự phục vụ, không ít lần chúng ta cũng chúc nhau rằng “Chúa ban phước cho chức vụ của ông bà!” hay “Chúa ban phước cho mục vụ của bạn!”. Thế rồi, chúng ta cũng lại nhận định một chức vụ “được phước” là chức vụ có đội ngũ tham gia đông đảo, nguồn quỹ dồi dào, làm được nhiều việc, đi được nhiều nơi, và có được nhiều người hâm mộ. Còn ai âm thầm phục vụ với những thử thách tứ bề thì chắc có lẽ là Chúa đã quên ban phước cho họ rồi. Từ đó, chúng ta cũng sẽ đánh giá một chương trình hay một mục vụ là “được phước” dựa trên những con số và những giá trị mắt thấy tai nghe.

 Quả thật, chúng ta mong ước nhận lãnh phước lành từ nơi Chúa cho cuộc sống và sự phục vụ của mình như là những món quà hay sự ban cho từ nơi Chúa. Nhưng phải chăng sự thành công, sự thành đạt, và những kết quả thấy được chính là phước lành theo Thánh Kinh mà Cơ Đốc nhân nên tìm kiếm? Nếu quả thật “phước” của Chúa có thể được định lượng bằng những gì chúng ta gặt hái được, thì năm vừa qua quả là một năm “vô phước” khi thế giới, đất nước, và Hội Thánh trải qua những tổn thất to lớn do thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy của nó. Miền Trung – dải đất mỏng manh với điều kiện sống khắc nghiệt – đã liên tiếp hứng chịu nhiều trận bão lũ, hậu quả là không biết bao gia đình đã chịu mất mát, đau thương. Dịch Covid đã cướp đi biết bao sinh mạng trên thế giới, nền kinh tế quốc gia thì đình trệ, vô số người đã mất công ăn việc làm, và nhiều công ty đã phá sản. Sự giãn cách xã hội vì dịch đã khiến biết bao người trở nên trầm cảm sau thời gian dài không tiếp xúc cộng đồng, chưa kể đến sự túng thiếu đã làm gia tăng tệ nạn xã hội, đặc biệt là giữa vòng những người trẻ tuổi. Khó khăn chồng chất khó khăn. Thử thách tiếp nối thử thách. Chúng ta tìm “phước” và đếm “phước” nơi đâu giữa những điều đó? Khi nhìn xem Kinh Thánh như một bức tranh lớn, chúng ta sẽ thấy phước hạnh thật chỉ dành cho người thuộc về Chúa. Người thuộc Chúa sẽ kinh nghiệm được phước hạnh trong những thử thách và đau khổ; trong sự kính sợ, tin cậy, và trông đợi Chúa; và trên hết là trong chính mối liên hệ thỏa vui của người đó với Chúa dù hoàn cảnh chung quanh có như thế nào đi nữa.

Người thuộc Chúa được phước trong những thử thách và đau khổ

Trong Tân Ước của bản dịch Kinh Thánh Tiếng Việt Truyền Thống (1926), có 104 từ “phước” nhưng không có từ nào liên hệ đến thành công hay sự thịnh vượng về vật chất nhưng lại liên hệ đến những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngay từ đầu Tân Ước, sách Phúc âm Ma-thi-ơ đã ghi lại lời chúc phước của Chúa Giê-xu: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn… Phước cho những kẻ than khóc… Phước cho những kẻ nhu mì… Phước cho những kẻ đói khát sự công bình… Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình” (Ma-thi-ơ 5:3-10). Những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn sẽ thấy được đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia và vui mừng nhờ những lời chúc phước này của Chúa Cứu Thế. Ngài nhận thấy những khó khăn của họ từ bên trong tấm lòng. Ngài biết những nỗi khổ tâm và phiền muộn đã khiến họ than khóc. Ngài biết những khốn khó mà người nhu mì phải chịu đựng khi không tranh đấu được với những kẻ mạnh. Ngài biết sự bất công mà người bị áp bức phải chịu và những mong mỏi cho công lý được thực thi của họ. Ngài thấu hiểu sự bắt bớ và ức chế mà người công chính phải trải qua. Ngài xác nhận rằng họ được phước vì có những trải nghiệm đó. Gia-cơ 1:12 cũng nhấn mạnh rằng “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài”. Vì sao khi chịu hoạn nạn và khó khăn thì chúng ta lại được phước? Bởi vì trong chính hoạn nạn và khó khăn đó, chúng ta kinh nghiệm được ân sủng của Chúa thông qua những sự ủi an, vỗ về, thấu cảm, và thêm sức của chính Chúa đối với chúng ta. Đó là một trong những đặc điểm đầu tiên của nước Thiên đàng mà Chúa Giê-xu đang giới thiệu với dân chúng Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ khi Ngài bắt đầu chức vụ của mình. Đó cũng chính là thông điệp phước hạnh dành cho chúng ta ngày nay.

Nếu một người làm việc gì cũng hanh thông, thuận lợi, ban đầu họ có thể kể đó là của Chúa; nhưng về sau, lòng tự kiêu trong bản chất vốn có của con người sẽ khiến họ trở nên tự phụ, tự mãn. Những lúc ấy họ không cần đến Chúa nữa, mà cho rằng đó là nỗ lực của bản thân họ trong học thức, đời sống, và sự nghiệp. Có thể họ vẫn luôn giàu có, sung túc, thành công và được trọng vọng, nhưng đó không phải là phước của họ, bởi vì họ đã đánh mất Chúa. Trong phút chốc, những gì họ có được có thể bị đánh mất. Ngược lại, những hoàn cảnh khốn khó cho chúng ta thấy tình trạng bất lực của mình, sự bất toàn của mình, và nhu cầu cần Chúa hơn bao giờ hết của mình. Nhờ đó, chúng ta được đem đến gần hơn với Chúa và kinh nghiệm ân sủng Chúa sâu nhiệm hơn. Trường hợp của ông Gióp cho chúng ta thấy gia đình, của cải, các mối quan hệ bằng hữu và kể cả hôn nhân đều có thể mất đi bất cứ lúc nào Chúa cho phép. Nhưng Gióp được phước bởi vì trong cơn hoạn nạn, ông vẫn tin cậy Chúa rằng “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).

Theo Kinh Thánh Nghiên Cứu Từ Khóa (Key-Word Study Bible), “từ Hi Lạp được dịch là được phước trong các phân đoạn (Tân Ước) là makarioi, có nghĩa là hoàn toàn được thỏa mãn. Nó ám chỉ đến những người nhận lãnh ân huệ của Đức Chúa Trời, bất luận hoàn cảnh như thế nào”. Vậy, phước hạnh thật là gì? Kinh Thánh đã cho thấy đó là bất cứ điều gì kéo chúng ta đến gần với Chúa, tìm kiếm Chúa và những giá trị đời đời chứ không phải là những giá trị tạm bợ của đời này. Và để được như vậy, những hoàn cảnh khó khăn và hoạn nạn lại thường giúp chúng ta kinh nghiệm tốt nhất ơn phước này. Điều này không có nghĩa là con cái Chúa bắt buộc phải gặp khó khăn thì mới kinh nghiệm được Chúa hay những người thành công không kinh nghiệm được Chúa. Điểm được nhấn mạnh ở đây là thông qua những hoàn cảnh hoạn nạn và đau khổ, người thuộc về Chúa sẽ được kết nối bền chặc hơn với Chúa Cứu Thế. Trải nghiệm Chúa cách sâu nhiệm trong thử thách chính là phước hạnh đặc biệt của họ.

Người thuộc Chúa được phước trong sự kính sợ, tin cậy và trông đợi Chúa

Tương tự, người thuộc Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có Chúa hướng dẫn, nên họ sẽ bám lấy những lời hứa của Chúa. Dù có khó khăn, họ không đánh mất hi vọng vì họ kính sợ, tin cậy, và trông đợi nơi Chúa. Thi Thiên 112:1 và 128:1 đều nêu rõ rằng “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va”, “ưa thích các điều răn Ngài” và “đi trong đường lối Ngài”. Dẫu cho có gặp thử thách, nếu người thuộc Chúa gìn giữ và làm theo Lời Chúa thì sẽ được phước như lời Chúa hứa. Ngay cả khi những lời hứa của Chúa chưa được thành toàn, hay ngay cả khi chưa nhìn thấy Chúa Giê-xu bằng xương bằng thịt thì họ vẫn được phước nhờ đức tin của họ nơi Chúa: “Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:29). Trong lúc gian truân, họ trông đợi Chúa trong mối tương giao mật thiết với Ngài. Có thể họ không nhận được những điều họ mong đợi, như việc làm thuận lợi, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, hay tình yêu tươi đẹp, v.v… Nhưng thông qua thử thách và sự rèn luyện đức tin, đời sống họ và mối liên hệ của họ với Chúa nhờ đó được biến đổi và thánh hóa. Họ sẽ nhận biết cuộc sống trên trần thế là tạm thời, và họ trông đợi Chúa trở lại để đem họ đến quê hương tốt hơn ở trên trời. Họ sẽ nhận biết Chúa có thể trở lại bất cứ lúc nào, thế nên họ được phước trong sự canh thức của mình như những đầy tớ thức canh chủ về (Lu-ca 12:37 – “Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh!”), hay như người tỉnh thức và nghiêm chỉnh để trộm không vào nhà và nhìn thấy sự xấu hổ của họ (Khải Huyền 16:15 – “Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình, đặng khỏi đi lõa lồ và người ta không thấy sự xấu hổ mình”).

Người thuộc Chúa được phước trong chính Chúa

Vượt trên cả những trải nghiệm sâu nhiệm với Chúa qua những khó khăn thử thách, hay qua sự kính sợ, tin cậy và trông đợi Chúa, người thuộc Chúa còn được phước lớn hơn hết khi có Chúa ở với mình, sống trong mình và giúp đỡ mình. Điều này giúp người thuộc về Chúa thay vì tìm kiếm những giá trị tạm thời thì chỉ tìm kiếm chính Chúa mà thôi. Nếu như cuộc sống khốn khó và đau thương khiến họ mòn mỏi, Chúa mời gọi họ đến với chính Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Sự an nghỉ thật chỉ có được khi người ta chạy đến với Chúa chứ không phải chạy đến với căn nhà biệt thự tráng lệ, hay nghĩ về số tài khoản trong ngân hàng hay số lượng tín hữu đang ủng hộ mình. Nếu như mọi điều người ta đang sở hữu dường như vẫn không đáp ứng được cơn khát đang khắc khoải trong tâm hồn họ, thì chính Chúa là nguồn nước mát hằng sống tuôn chảy dồi dào cho người chạy đến cùng Ngài: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình” (Giăng 7:37-38). Chúa Giê-xu hứa người nào uống nước Ngài ban cho “thì chẳng hề khát nữa” bởi nước ấy “sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:14-15). Ngay cả khi họ tạm lìa cõi đời, thì họ vẫn được phước vì được chết trong Chúa (Khải Huyền 14:13). Quả thật là một phước hạnh diệu kỳ và lớn lao cho ai tìm đến chính Chúa Giê-xu và thuộc về Ngài.

Một năm mới lại đến, những hi vọng cho tương lai và những lời tạ ơn cho năm đã qua của người thuộc về Chúa ắt hẳn không gì khác hơn là được tiếp tục thuộc về Chúa, bởi vì chính Chúa mới là phước hạnh diệu kỳ nhất được ban cho nhân loại. Có Ngài, chúng ta sẽ có tất cả; nhưng nếu có tất cả mà không có Chúa Giê-xu thì thật ra không có gì cả. Năm mới này, mặc dù những món quà Chúa ban cho trong cuộc sống là những điều có giá trị, chúng ta hãy tìm kiếm chính Chúa chứ không phải tìm quà Chúa ban, bởi vì Đức Chúa Trời “đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32).

Karis Đỗ
(trich Bản Tin Mục Vụ)

Bài trướcQuảng Ngãi: Hiệp Nguyện Đầu Năm 2024
Bài tiếp theoUB.TTN – Thông Báo V/v Trại Bồi Linh Thanh Niên 2024