Thông Biết Chúa Và Lời Chúa

4298


 “Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa của chúng ta.. Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ” “Để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao và bề sâu của nó là thể nào.”

 (II Phierơ 1:2, 3:18, Êphêsô 3:18)

 

 

Thư Phierơ thứ hai ngoài chủ đề tăng trưởng đức tin Cơ Đốc nhân, nội dung bức thư còn nhấn mạnh đến hai từ “nhận biết” và “thông biết”. Có ít nhất 17 chữ “biết” trong bức thư ngắn ngủi nầy. Điều đó nói lên chủ đích của bức thư là Chúa muốn tôi con Chúa phải thông biết Chúa và lời Chúa:

 

1:2, 3:18 Nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ.

1:3 Biết Đấng lấy vinh hiển quyền phép kêu gọi chúng ta.

1:12 Biết rõ ràng chắc chắn lẽ thật lời Chúa.

1:14 Biết mình sẽ vội lìa nhà tạm.

1:16 Biết quyền phép sự tái lâm của Chúa Giê-xu.

1:20,21 Biết rõ cả Thánh Kinh đều được Đức Thánh Linh hà hơi cảm thúc.

2:8 Biết đau xót cho sự hư mất của kẻ có tội.

2:9 Biết Chúa cứu người tin kính khỏi sự cám dỗ.

2:12 Biết giáo sư giả là kẻ vô tri sẽ chết đi như thú vật.

2:20 Biết kẻ chìu theo cám dỗ sẽ càng xấu xa hơn.

2:21 Biết kẻ thối lui sẽ bị hư bỏng bại hoại.

3:3 Biết trong ngày sau rốt sẽ có kẻ hay gièm chê.

3:15 Biết Chúa nhịn nhục chờ đợi cứu thêm kẻ tin.

3:17 Cơ Đốc nhân biết trước việc nầy nên giữ mình cẩn thận.

3:18 Cơ Đốc Nhân liên tục tấn tới trong sự thông biết Chúa.

 

Đây là những hiểu biết cần yếu và vô cùng quan trọng mà mỗi con cái Chúa phải có, nhứt là những người đang góp phần phục vụ Chúa giữa Hội Thánh.

 

I. MỨC ĐỘ CƠ ĐỐC NHÂN HIỂU BIẾT CHÚA VÀ LỜI CHÚA.

 

Thư II Phierơ cho chúng ta thấy có hai mức độ hiểu biết Chúa và lời Chúa của Cơ Đốc nhân: 

 

1. Nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu (1:2).

“Nguyền xin và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta.” (1:2, 2:19, 3:18)

 

Khi mới tin Chúa chúng ta chưa biết gì về Chúa Giê-xu, cũng chẳng hiểu gì về Đức Chúa Trời, nhưng nhờ lòng khát khao và sự siêng năng học hỏi lời Chúa mà sự hiểu biết Chúa mỗi lúc một sâu nhiệm hơn. Cơ Đốc nhân ngày nay hạnh phúc hơn dân Isơraên xưa là nhờ có Đức Thánh Linh khai tâm mở trí dẫn vào lẽ thật, để học hiểu Chúa nhanh hơn, dễ hơn. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh chỉ giúp cho những người có lòng ước ao khát khao học lời Chúa; những người thờ ơ, lơ đễnh và lười biếng học Thánh Kinh, thì dẫu có theo Chúa suốt đời cũng chẳng hiểu biết Chúa bao nhiêu và chẳng bao giờ nhận được niềm vui của sự hiểu biết và sâu nhiệm trong lời Chúa.

Sự hiểu biết Chúa là Đức Chúa Trời và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ, được Phierơ nêu lên theo hai mức độ: NHẬN BIẾT (1:2) và THÔNG BIẾT (3:18) hai mức độ hiểu biết nầy khác nhau:

Nhận biết là biết cách tổng quát, biết cách cơ bản.

Thông biết là biết cặn kẽ, biết rõ, biết thấu suốt, biết bằng trải nghiệm.

 

Đức tin, lòng kính sợ và sự trung thành theo Chúa của Cơ Đốc nhân, tùy thuộc vào sự hiểu biết Chúa và lời Chúa trong Thánh Kinh. Sự hiểu biết Chúa sinh ra lòng kính sợ Chúa; còn hiểu biết lời Chúa làm cho nên thánh. Cả hai yếu tố trên giúp cho Cơ Đốc nhân sâu nhiệm để phục vụ Chúa có kết quả.

 

2. Biết lẽ thật trong Thánh Kinh (1:12,20,21, 3:16)

 

Với lẽ thật là lời Chúa trong Thánh Kinh, thư II Phierơ khuyến khích con cái Chúa cần phải:

 

(1) Biết rõ: “Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi.” (1:12). “Biết rõ” ở đây là biết đúng đắn, biết chính xác, khác với biết đại khái, biết mơ hồ và biết do dựa dẫm vào người khác. Khi mới bắt đầu học lời Chúa chúng ta nhờ người đi trước dìu dắt và chỉ dạy, nhưng sau đó mỗi người tự tìm tòi học hỏi riêng tư với Chúa, nhờ Chúa Thánh Linh là Giáo sư lớn soi sáng để mỗi lúc một hiểu biết Chúa rõ hơn và sâu nhiệm hơn để đạt đến mức độ: (2) Biết chắc chắn. Biết chắc chắn có nghĩa là biết tường tận, biết quả quyết và biết bằng trải nghiệm cá nhân. Một vấn đề gì mà chúng ta biết chắc chắn thì không còn nghi ngờ cũng chẳng còn bị phân tâm khi có ai đó cố ý phủ nhận hay nói sai và khích bác. Tại sao có một số con cái Chúa dễ bị dẫn dụ đi sai lạc theo tà giáo hoặc nghi ngờ lời Chúa trong Thánh Kinh. Vì họ bị lỗ hổng kiến thức về Chúa, lời Chúa và tổ chức Hội Thánh.

Bà Êva bị cám dỗ ăn trái cấm như thế nào? Không phải lần đầu tiên bà thấy trái cấm là hái ăn ngay đâu. Bà tới lui cây trái cấm nhiều lần, ôm ấp sự nghi ngờ, qua đó ma quỷ thấy sự tham muốn bất chánh nẩy sinh từ trong lòng bà nên nó tạo cơ hội cám dỗ và đánh gục bà luôn. Những con cái Chúa bị sa vào tà giáo hoặc bị dẫn dụ đi sai lạc cũng y như vậy. Bắt đầu là sự ham muốn riêng, kế đến là chìu theo kẻ quyến dụ, cuối cùng là hành động theo. Tất cả đều do hậu quả của sự thiếu hiểu Chúa và lời Chúa trong Thánh Kinh. Có những người hiểu lời Chúa ít, nhưng họ không bị quyến dụ đi sai lạc, bởi vì họ có lập trường vững vàng và biết bịt tai trước những quyến dụ; giống như “rắn hổ mang điếc lấp tai lại chẳng nghe tiếng thầy dụ nó, dẫu dụ nó giỏi đến ngần nào.” (Thi 58:4,5)

 

3. Biết sự tái lâm của Chúa Giê-xu.

 

“Chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài.” (II Phierơ 1:16)

 

Điều biết thứ ba thư II Phierơ khuyến khích con cái Chúa phải đạt đến là: “Biết sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ.” Đây là lời tiên tri liên quan đến Chúa Giê-xu chưa được ứng nghiệm. Lời tiên tri nầy đang bị lạm dụng, ma quỷ tấn công mạnh vào giáo lý nầy. Trong năm qua có một tà thuyết về Chúa Tái lâm do giám đốc đài phát thanh Radio Family tuyên bố ngày 21/5/2011 Chúa đến và còn nhiều lý thuyết tà giáo về Chúa tái lâm khác nữa. Đây chiến thuật của ma quỷ nhằm ngăn trở người ta đến với Chúa và được cứu. Thánh Kinh phơi bày công việc gian ác của các Giáo sư giả là kẻ tung “những chuyện khéo đặt để” nhằm gây hoang mang các tín hữu kém đức tin và hiểu lời Chúa chưa vững dễ dàng nghe và đi theo tà giáo.

 

Phierơ khuyên con cái Chúa nên học biết sự đến của Chúa y như Thánh Kinh dạy và như kinh nghiệm của sứ đồ Phierơ rằng: Chính mắt tôi nhìn thấy, tai chúng tôi đã nghe và lòng chúng tôi đã trải nghiệm. Đây là điều sứ đồ Phierơ trải nghiệm khi chứng kiến Chúa hóa hình trên núi và nó cũng là mô hình Chúa sẽ tái lâm trong vinh quang để tiếp rước những người thuộc về Chúa (cả Cơ Đốc nhân còn sống lẫn Cơ Đốc nhân đã qua đời được sống lại).

 

Cả hai thành phần Cơ Đốc nhân nầy sẽ biến hóa và cất lên không trung gặp Chúa, sau đó sẽ cùng Chúa giáng xuống núi Ôlive, phán xét các dân tộc và lập nước 1.000 năm Bình an.

 

4. Tai hại của sự thiếu hiểu biết (2:12)

 

Thư II Phierơ còn nói đến tình trạng thiếu hiểu biết của các giáo sư giả. Các giáo sư giả là kẻ “không biết gì” mà còn “khinh chê những điều không biết và chết đi như thú vật!” (2:12) Các giáo sư giả bị xem như là những kẻ thiếu hiểu biết hay không biết gì hết. Thánh Kinh kết án họ giống như những “con vật không biết chi, sanh ra chỉ làm thú vật để bị bắt mà làm thịt, hay chê bai điều mình không biết, rồi chết đi như con vật.”. Châm ngôn có lời cảnh cáo dành cho những kẻ thiếu hiểu biết: “Nó sẽ chết vì thiếu lời khuyên dạy và bị lầm lạc vì ngu dại quá.” (Châm 5:23). Các giáo sư giả là kẻ càn dỡ cứng lòng không bao giờ ăn năn, con cái Chúa không thể khuyên can họ được, nên đừng mất thì giờ với các Giáo sư giả.

 

Người VN có câu nói: ‘Kẻ dại chết không ai thương’ Chúa muốn tất cả con cái Chúa đều là người khôn ngoan. Nếu ai kém khôn ngoan hãy cầu xin Chúa ban cho (Giacơ 1:5).

 

Để được khôn ngoan hiểu biết, mỗi con cái Chúa phải tập kính sợ Chúa và siêng năng học lời Chúa, vì “lời Chúa khiến cho khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” (II Tim 3:16).

 

II. CÁC LÃNH VỰC CẦN HIỂU BIẾT CỦA CƠ ĐỐC NHÂN.

 

Các lãnh vực cần hiểu biết của Cơ Đốc nhân được Êphêsô 3:18 nêu lên như sau: “Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.” (Êph 3:14-19). Có 4 chiều kích hiểu biết Chúa có thể gọi là không gian 4D thuộc linh:

 

Bề rộng: Chỉ về ân điển và tình yêu Chúa phổ cập cho tất cả vũ trụ vạn vật, đặc biệt cho tất cả mọi hạng người không phân biệt.
Bề dài: Vì tình yêu Chúa Giê-xu từ trời đến thế gian tìm cứu và ẵm bồng con cái Chúa từ đời nầy sang đời sau.
Bề cao: Chúa đem con người từ địa vị hư mất trong tội lỗi lên đến thiên đàng. 
Bề sâu: Chúa ban cho Cơ Đốc nhân sự khôn ngoan để hiểu thấu tình yêu Chúa hầu đời sống ngày càng sâu nhiệm hơn.

 

Khi con cái Chúa hiểu được bốn chiều kích nầy trong tình yêu Chúa, thì đời sống thuộc linh vững vàng, không còn lay động hay thay đổi nữa. Cũng chẳng có thế lực nào đánh hạ người hiểu biết Chúa và lời Chúa như vậy được. Nếu con cái Chúa mà chưa trải nghiệm bốn chiều kích trên đây, thì người đó rất dễ yếu đuối, sa ngã hoặc dễ dàng đổi chác Chúa để được danh lợi quyền đời nầy.

 

III. YẾU TỐ GIÚP GIA TĂNG SỰ HIỂU BIẾT CỦA CƠ ĐỐC NHÂN.

“Và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” (II Tim 3:14, 15). Hai câu Thánh Kinh nầy chỉ cho chúng ta cách để được tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa và lời Chúa:

 

1. Học đúng thời điểm: “Học từ khi còn thơ ấu”

 

Thánh Kinh dạy rõ: “Và từ khi con còn thơ ấu, vốn đã biết Kinh Thánh có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (câu 15). Đúng như lời Chúa dạy, thời điểm tốt nhứt để con người học lời Chúa là thời thơ ấu. Hầu hết những người tri thức uyên bác đều đã bỏ ra 1/3 cuộc đời để học những kiến thức căn bản cần thiết cho cuộc sống (trung học & đại học). Nếu học thêm các ngành khoa học hay chuyên nghiệp thì phải ra thêm 4-10 năm nữa. Như vậy những người có kiến thức cao, họ có thể bỏ phân nửa cuộc đời để học. Thậm chí như Môise bỏ 2/3 cuộc đời để học rồi mới phục vụ Chúa. Chẳng ai không học mà làm việc hiệu quả được.

 

Không Tử có viết trong sách Luận ngữ rằng: Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học (Hồi 15 tuổi để tâm vào việc học). Phương pháp giáo dục ngày nay con người học từ lúc lên 3: “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo.”. Phương pháp giáo dục hiện đại, người ta đã khuyên phải dạy con từ trong bụng mẹ.

 

Các nhà tâm lý giáo dục cho biết thời điểm tốt nhứt để một con người học, đó là thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ có tâm trí minh mẫn, trí nhớ tốt, tiếp thu cao. Có người ví trí óc của tuổi thanh xuân tiếp thu kiến thức như miếng bông thấm hút nước hay như nam châm hút sắt. Thánh Kinh khuyên: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.” (Châm 22:6). “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi..” (Truyền 12:1). Chúa Giê-xu rất yêu thương các em thiếu nhi, Ngài dạy các sứ đồ rằng: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở, vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ như con trẻ ấy.” (Mat 19:14).

 

Hầu hết những vĩ nhân trong Hội Thánh đều được học lời Chúa từ khi còn thơ ấu như ba chị em nhà Miriam, Arôn, và Môise, hay như Samuên, Đavít, Phaolô, Timôthê, Martin Luther, John Wesley.v.v.. Thật phước hạnh thay cho những Hội Thánh có Trường Chúa nhựt, có ban Dạy Đạo Thiếu nhi, có các lớp Thánh Kinh hè, Thánh Kinh căn bản v.v.. Đây là cơ hội để tất cả con cái Chúa từ mọi lứa tuổi có thể học lời Chúa và trở nên khôn ngoan. Vậy mỗi con cái Chúa nên dành thì giờ học lời Chúa.

 

2. Học đúng người: “Học với bà và mẹ”

 

Thế giới xưa cũng như nay, rất coi trọng việc chọn thầy và trường để học. Sở dĩ như vậy vì thầy sao trò vậy. Trường nào sinh viên nấy. Trường học là cái khuôn nắn đúc nhân tài. Nếu thầy giỏi trò cũng sẽ giỏi, trường tốt người học sẽ trở thành nhân tài xuất chúng. Với Cơ Đốc nhân, Gia đình chính là trường học đầu tiên của con người, là lò nắn đúc nhân cách, chỗ rèn luyện đạo đức cho con cháu. Chính cha mẹ là Giáo viên đầu tiên của con cái. Trong gia đình con cái học cả lý thuyết và thực hành! Chính gia đình Timôthê là khuôn mẫu cho chúng ta ngày nay. Dầu cha của Timôthê là người Hi lạp. Người Hi lạp đương thời thờ đầy dẫy ngẫu tượng và thần thoại, nhưng nhờ có mẹ là Ơ nít và  bà ngoại là Lô ít, vốn là những người tin kính Chúa tốt, nên đã dạy cho Timôthê biết Chúa từ khi còn thơ ấu, chuẩn bị cho công tác phục vụ Chúa.

 

Có những gia đình không đồng bộ trong đức tin, vợ hoặc chồng không tin, nhưng có cha hoặc mẹ tin kính Chúa tốt và hết lòng dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa trong Thánh Kinh, cũng đã giúp cho con cái giống như Timôthê. Khi một con cái Chúa sống tốt, đúng như lời Chúa dạy thì có thể chinh phục ngay cả những con người cứng lòng và chống nghịch. Rất tiếc chúng ta đã không sống đúng theo lời Chúa nên thất bại trong việc dạy dỗ con cái và chinh phục mọi người.

 

3. Thực hành đúng: “Giữ và làm theo”

 

Giữ có nghĩa là ghi vào trí, khắc vào lòng và quý trọng ôm giữ không để mất. Giữ cũng có nghĩa là cất giấu trong lòng không bao giờ quên. Nhiều người học rất nhiều mà nhớ chẳng bao nhiêu, không phải do trí óc lú lẫn mà do hờ hững, coi thường, không qúy trọng lời Chúa. Các bạn cố gắng ghi nhớ những gì mình đã học. Tâm lý cho biết chỉ những gì thật là ấn tượng thì chúng ta mới nhớ lâu còn bình thường trí óc không ghi vào bộ nhớ nên chẳng bao lâu thì quên hết. Vì tâm trí chúng ta hay quên nên phải cố gắng lưu lại những gì học được. Ca dao có câu: “Của chưa gặp vận, cất có nơi.” Đúng như vậy. Những điều các bạn học được hãy cất giữ trong trí, tài liệu lưu giữ trong nhà, đến lúc cần sẽ dùng đến.

 

Làm theo là tuân thủ và thực hành đầy đủ lời Chúa. Biến nó thành hành động chứ không phải để nó trong trí trong sự hiểu biết mà thôi. Đây là điều khó nhứt trong sự học lời Chúa. Nhưng nếu chúng ta làm theo được thì sẽ nhận được phước lớn:

 

* Đời nầy: Được khôn ngoan.

* Đời sau: Được cứu.

 

Mọi sự học trong đời đều chỉ có giá trị tạm thời, nhưng lời Chúa có giá trị cho đến đời đời. Hãy siêng năng học lời Chúa. Học cho đến khi về với Chúa mới thôi.

 

Thống kê cho thấy đa số các nhà bác học xuất thân từ Tây phương nhiều hơn bên Đông phương. Sự phát triển khoa học cũng từ thế giới Tây phương. Tại sao vậy? Vì thế giới Tây phương chịu ảnh hưởng bởi Cơ Đốc giáo; được lời Chúa khai phóng tâm trí và tấm lòng trở nên khôn ngoan, vị tha và rộng mở, sẵn sàng chia sẻ những phát minh có ích cho toàn nhân loại. Khác với thế giới Đông phương cái gì cũng gia truyền (truyền trong nhà) hay bí truyền (đem xuống âm phủ). Là con cái Chúa, chúng ta cần phải siêng năng đọc, học lời Chúa, trước hết để được khôn ngoan và được cứu; sau đó hết lòng phổ biến lời Chúa để cứu vớt thế nhân.

 

 

Doulos

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.