Tấm Lòng của Chúa Cứu Thế

14623

Trong những ngày cuối năm này, khi nhìn về cuộc sống chung quanh với những tin dữ ngập tràn, chúng ta không thể không chạnh lòng và khắc khoải mong ngóng những tin tức tốt lành hơn. Liệu có tin lành nào chăng giữa nhân loại mà phần đông trong đó đang chối bỏ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá của họ? Dẫu có những tin tốt, tin vui đây đó thì chúng cũng chỉ đem lại niềm vui trong chốc lát và có lẽ vẫn không thay đổi được thực trạng và vận mệnh của thế giới loài người.

Trong thời của Sứ đồ Giăng, giữa thực trạng tội lỗi, đạo đức giả, nỗi khốn khổ và sự mong chờ một Đấng Giải Cứu, Giăng đã loan báo một Tin Lành mà không chỉ là một tin tức để nghe vui. Với văn phong và nội dung khác biệt, Giăng đã trình bày danh tính của Đấng Cứu Thế – Đấng Thần-Nhân đích thực: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”; “Ngôi Lời đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý” (Giăng 1:1, 14 – TTHĐ). Chỉ có Đức Chúa Trời làm người mới thấu hiểu nỗi khốn cùng của con người và có quyền năng giải cứu con người. Chỉ có một Đức Chúa Trời như thế mới đem lại niềm hy vọng sống giữa đau thương, sự bình an giữa giông bão, và sự phục hồi giữa đổ vỡ trong hiện tại lẫn tương lai cho nhân loại. Chính vì vậy, Giăng nêu rõ mục đích mà ông trình bày Tin Lành là để độc giả “tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Đó quả thật là một Tin Lành bất hủ, vượt thời gian và không gian – một Tin Lành đến từ trời.

Hoà cùng chủ đề về Đấng Thần-Nhân và Tin Lành đem đến sự sống như trên của Giăng, phân đoạn Kinh Thánh Giăng 8:1-11 đã lột tả một chân lý đáng trân quý, đáng tạ ơn, đáng chúc tụng, và đáng để noi theo trong đời sống và trong sự hầu việc Chúa của bất kỳ ai đã nghe và tin Tin Lành của Chúa Cứu Thế. Đó là chân lý về tấm lòng yêu thương, bao dung và chấp nhận của Ngài: Ngài đã tìm và cứu người lạc mất; Ngài đã tha thứ và phục hồi họ; và Ngài thánh hoá và sai phái họ tiếp tục ra đi sống đời nên thánh trong ân sủng Ngài.

Còn Đức Chúa Jêsus lên núi Ô-liu. Đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ. Cả đoàn dân đều đến với Ngài; Ngài ngồi xuống giảng dạy cho họ. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đem một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình, để người nầy đứng ở giữa và nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong luật pháp, Môi-se truyền cho chúng ta phải ném đá những người như vậy. Còn Thầy thì nói thế nào?” Họ nói như thế để thử Ngài, nhằm có cớ tố cáo Ngài. Đức Chúa Jêsus cúi xuống, dùng ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi nên Ngài ngước lên và nói: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi.” Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Khi họ nghe điều nầy thì lần lượt bỏ đi, những người cao tuổi đi trước. Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người phụ nữ vẫn đang đứng giữa đó. Đức Chúa Jêsus ngước lên nói với người phụ nữ: “Nầy chị kia, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?” Người phụ nữ đáp: “Thưa Chúa, không ai cả.” Đức Chúa Jêsus phán: “Ta cũng không kết án chị đâu; hãy đi, đừng phạm tội nữa.” (TTHĐ)

Tấm lòng tội nhân

Giữa một buổi nhóm đông đảo tín hữu trong nhà thờ, một người phụ nữ bị lôi xành xạch bởi một nhóm người đàn ông, len qua những hàng ghế đầy người, tiến lên bậc tam cấp để có thể đứng trên bục giữa cho cao ráo và nhiều người nhìn thấy. Phía bên dưới, người thì nhướng mắt lên nhìn rồi lấy tay che miệng xì xầm, người thì nhận diện ra đó là người quen, cũng có người lấy điện thoại ra quay lại cảnh tượng có một không hai này. Cả hội chúng bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Vị diễn giả đang say sưa giảng bỗng dừng lại, tự nhủ: Người phụ nữ này đang gặp vấn đề gì sao? Tóc nàng rối bời, người nàng cong khom, mặt nàng cúi xuống và quần áo nàng xộc xệch. Nhóm nam giới dẫn nàng lên trông đạo mạo lắm, ai cũng mặc com-lê chỉn chu và mặt mày thông thái. Họ trình bày với vị diễn giả trẻ mới nổi rằng họ vừa bắt quả tang người nữ này đang ngoại tình với một người đàn ông và đề nghị diễn giả cho thực thi giáo luật hiện hành. “Ồ, thật xấu hổ!” “Thật đáng khinh!” “Trông xinh vậy mà tởm quá!” “Thật đáng thương cho ông chồng với mấy đứa con!” “Chỉ có hạng người như vậy mới làm điều bại hoại đó chứ tôi thì không bao giờ nha!” “Dứt phép thông công là chắc luôn! Đừng cho bén mảng đến nhà thờ nữa!” – Mọi người rầm rì với nhau từ hàng ghế các bà, rồi lan đến các ông, tiếp theo là những cái chỉ trỏ, bĩu môi, nhún vai, tặc lưỡi, thở dài…

Bạn đang ngồi ở đâu trong những hàng ghế đó? Có lẽ bạn nghĩ mình không thuộc nhóm hội chúng hiếu kỳ và phán xét, nhưng cũng không tệ hại như người nữ kia. Thế nhưng, nếu bạn là người phụ nữ ấy, bạn cảm thấy thế nào?

Một nỗi nhục nhã ê chề. Một sự xấu hổ tận xương tủy. Một nỗi lo sợ khi nghĩ đến chồng con và gia đình. Một nỗi hoang mang, sợ hãi khi đối diện với dư luận và những vị lãnh đạo sắp thi hành kỷ luật mình. Rồi đây, tai tiếng về nàng sẽ lan rộng và lan xa. Trong nỗi hoang mang, sợ hãi và nhục nhã tột độ, nàng vẫn đang đứng lặng thinh đó giữa hội chúng, giữa những người am hiểu Kinh Thánh và luật lệ, trước mặt vị diễn giả trẻ nhân từ mà nàng từng nghe người ta gọi là “Chúa.” Nàng thấp thỏm xem diễn giả này sẽ trả lời ra sao, mà dường như người ấy cũng yên lặng, còn nàng không dám ngước nhìn nên không biết chuyện gì đang xảy ra, sẵn sàng đón nhận điều phải đến với mình.

Thế rồi, nàng bất ngờ khi giọng nói diễn giả cất lên bảo những người đạo đức, ‘vô tội’ ném đá mình. Mắt nàng nhắm riết, nghĩ rằng mình sẽ bị người đạo đức nhất, thánh thiện nhất ném cho tơi bời. Nàng gồng mình lên, cúi cong người để chuẩn bị đón nhận. Thế nhưng, nàng nghe những bước chân rời đi từng người một, xa dần về phía cuối thánh đường. Nàng ngước mắt lên; họ không còn ở đó nữa. Hội chúng cũng nín bặt. Nàng giật mình khi nghe diễn giả đích thân hỏi mình: Mấy người đó đi đâu rồi? Không ai kết án chị à? – Nàng đáp, và đây là câu nói duy nhất của nàng trong toàn cảnh sự việc hỗn độn từ đầu đến giờ: Thưa Chúa, không ai cả!

“Thưa Chúa” là một cụm từ đơn giản nhưng đã nói lên tất cả tấm lòng của người phụ nữ phạm tội. Chắc hẳn kể từ khi bị phát giác cho đến khi được Chúa Giê-xu hỏi đến, nàng đã nhận thấy thực trạng tội lỗi của mình, và đã trải qua những cảm xúc mặc cảm tội lỗi, hoang mang, sợ hãi. Giờ đây, nàng gọi Giê-xu là CHÚA. Bằng một cách nào đó, nàng đã ăn năn và thống hối tội lỗi mình, đã tin Giê-xu là Con Đức Chúa Trời đến trần gian để giải cứu tội nhân, đã có Đức Thánh Linh hướng dẫn để nàng thốt lên lời xưng nhận Giê-xu là CHÚA. Sau này, chính Sứ đồ Phao-lô đã xác nhận rằng “Nếu Đức Thánh Linh không hướng dẫn thì cũng không ai xưng ‘Đức Chúa Jêsus là Chúa!’” (I Cô. 12:3 TTHĐ). Thật ngạc nhiên, người phụ nữ bị những người ‘đạo đức’ kết án tử hình vì tội tà dâm lại được Thánh Linh hướng dẫn để nhận biết Giê-xu là ai. Có thể sự ăn năn và tương giao với Chúa của người nữ diễn ra trong thầm lặng, trong sự tranh chiến riêng tư của nàng giữa lúc nàng bị người ta kéo đi và kết án. Dù thế nào, nàng đã tiếp nhận Chúa và có Đức Thánh Linh hướng dẫn.

Người nữ phạm tội đã ăn năn, đã đáp ứng với việc làm của Đức Thánh Linh, và đã xưng nhận Giê-xu là Cứu Chúa của mình. Có thể nàng vẫn còn đang lo sợ rằng liệu Chúa có biết sự biến đổi đang diễn ra bên trong nàng không. Nàng vẫn đang trông đợi một lời xác nhận từ chính CHÚA của nàng.

Tấm lòng người ‘đạo đức’

Trái ngược với sự hoang mang và thống hối của người nữ phạm tội, những thầy thông giáo và người Pha-ri-si rất tự tin. Họ tự tin vì với một mũi tên, họ có thể “bắn hai con chim.” Trước hết, họ chứng tỏ sự công bình của bản thân khi phát hiện và kết án người nữ. Họ chứng tỏ trước hội chúng rằng họ am hiểu Kinh luật Môi-se, thông tuệ giáo luật và đã sống một đời đạo đức vất vả để giữ gìn luật ấy. Do đó, họ có thẩm quyền để kết án người nữ. Nhờ bằng chứng phạm tội của người nữ, họ được nổi bật là những người xứng đáng trước Đức Chúa Trời và quyền lực của họ nhờ đó được gia tăng.

Ý đồ thứ hai của họ mới là điểm mấu chốt. Kinh Thánh ghi rõ rằng “họ nói như thế để thử Ngài” (Gi. 8:6). Họ thử Ngài về điều gì? Một số nhà giải kinh cho rằng họ gài bẫy Chúa Giê-xu vào thế tiến thoái lưỡng nan để vi phạm luật pháp. Luật Môi-se quả thật có kết án tử hình người phạm tội tà dâm bị bắt quả tang (Phục 22:22-25 – cả nam lẫn nữ, mà trớ trêu thay ở đây họ chỉ kết án người nữ). Luật La Mã không cho phép người Do Thái thi hành án tử vì quyền đó thuộc về người La Mã. Nếu Chúa Giê-xu là người Do Thái mà không tuân theo Luật Môi-se, thì Ngài chối bỏ thẩm quyền của Môi-se và không xứng đáng để ảnh hưởng đến dân chúng Do Thái. Nếu Chúa Giê-xu làm theo Luật Môi-se của người Do Thái, thì Ngài chống lại sự cai trị của La Mã.

Tuy nhiên, xét trên ngữ cảnh của các sách Tin Lành, cái bẫy mà những người ‘đạo đức’ này giăng ra cho Chúa Giê-xu không đơn giản như vậy. Thật ra, họ đang tấn công vào trọng tâm sứ mạng của Ngài, vào tấm lòng của Đấng Mê-si-a. Ngài sẽ không chỉ gặp rắc rối với luật pháp hai bên, mà còn bị giằng co giữa đức công bình và lòng yêu thương của một Chúa Cứu Thế. Họ biết rõ Ngài đã từng liên hệ với những người chẳng ra gì, như nhân viên thuế vụ Lê-vi (Lu-ca 5:30) và cả Sở trưởng Sở Thuế vụ Xa-chê (Lu. 19:7). Họ biết rõ Ngài từng tuyên bố rằng “Ta không đến để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn” (Lu. 5:32), rằng “Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu. 19:10). Giờ đây, với bằng chứng tội lỗi rõ ràng, nếu Chúa Giê-xu tiếp tục sống nhất quán với tiếng gọi của mình – là Chúa Cứu Thế và kết bạn với những tội nhân – thì Ngài không đứng về phía công lý đương thời. Còn nếu Ngài chọn công lý, thì Ngài sẽ tự mâu thuẫn với sứ mạng mà mình đã từng tuyên bố, và do đó họ có thể lên án Ngài giả hình.

Thế nhưng, ý đồ xấu xa của họ đã bị Chúa Giê-xu lột trần một cách ngoạn mục, và cục diện sự việc đã được thay đổi toàn diện. Đánh thẳng vào ảo tưởng công chính hơn người của những thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Chúa Giê-xu trao cho họ quyền “ném đá” người nữ phạm tội, với điều kiện họ là những người “vô tội”. Bằng cách đó, Chúa không những cho họ cơ hội để nhìn lại chính mình, mà còn tránh được cái bẫy về phương diện luật pháp lẫn về phương diện sự kêu gọi của Ngài. Từ chỗ tự phụ về sự công bình của riêng mình, lên án người tội lỗi, và thử nghiệm Chúa Giê-xu, họ đã phải ngậm ngùi lui bước, trong đó người cao tuổi nhất bỏ đi trước. Họ nhận ra không ai vô tội, nhất là càng sống lâu trên đất, người ta tích lũy càng nhiều tội lỗi nếu không chịu ăn năn. Thế nhưng, sự tự phụ và kiêu hãnh của họ đã không cho họ trực tiếp thừa nhận mình cũng có tội. Họ lựa chọn rút quân an toàn.

Tấm lòng Chúa Cứu Thế

Giờ đây, còn lại riêng mình Chúa Giê-xu với người nữ phạm tội. Trong khi Ngài vẫn loay hoay cúi xuống viết gì đó trên đất, thì Ngài ngước lên trò chuyện với nàng. Lời đáp sau cùng của Chúa với người nữ vừa cảm động vừa sâu nhiệm: “Ta cũng không kết án chị đâu; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (c. 11). Đây chính là lời xác nhận mà người nữ đang trông đợi. Dầu ai lên án hay không lên án mình, thì phán quyết cuối cùng của Chúa mình mới có hiệu lực. Sau câu khẳng định này của Chúa, chúng ta không biết diễn biến tiếp theo về người nữ, nhưng chắc chắn nàng vui mừng hân hoan vì nàng đã được chính Chúa tìm đến, tha thứ, và thánh hóa.

Chúa Cứu Thế tìm và cứu người hư mất. Sự toàn tri của Chúa cho phép chúng ta hiểu rằng Ngài không đến đền thờ chỉ để giảng một cách ngẫu nhiên. Ngài biết hết tấm lòng của những người thông giáo và Pha-ri-si. Ngài biết thực trạng của người nữ. Ngài biết sự việc tố cáo sẽ diễn ra trong đền thờ. Nói đúng hơn, Ngài đến đền thờ để tìm và giải cứu người nữ đã phạm tội tà dâm. Ngài đến để bày tỏ cho mọi người thuộc mọi nhóm khác nhau – nhóm tự cho mình công bình, nhóm tội lỗi rõ ràng, nhóm dân chúng đang tìm chân lý – rằng Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Chỉ Ngài mới có quyền tha tội hay kết án. Và Ngài đã không kết án tội nhân.

Chúa Cứu Thế tha thứ và phục hồi. Gánh nặng tội lỗi của người nữ bao gồm quá khứ nhơ nhớp và hiện trạng mù tối đều được trút bỏ nhẹ nhõm bởi một lời xác nhận ngắn gọn của Chúa Giê-xu: “Ta cũng không kết án chị đâu.” “Cái gì?” – chúng ta có thể tự hỏi – “tội lỗi rành rành trước mắt mà Chúa công chính như vậy có thể bỏ qua được sao?” Vâng, tội vẫn rõ ràng và Chúa vẫn công chính, nhưng Chúa đã bỏ qua. Đến cả Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời, là Đấng thánh khiết và vô tội, không kết án tội nhân, thì ai có thể kết án được? Người nữ ắt hẳn đã vui mừng biết bao nhiêu khi người mà nàng vừa xưng là CHÚA đã không định tội mình.

Chúa Cứu Thế thánh hóa và sai phái. Thế nhưng, chúng ta cần lưu ý vế tiếp theo trong câu nói của Chúa. Ngài không bỏ qua tội để người phạm tội tiếp tục sống trong tội lỗi. Ngài tha thứ để họ được thánh hóa, được nên mới, được sống một cuộc đời thay đổi. Ngài không chấp nhặt quá khứ, nhưng ai đến với Ngài chắc hẳn sẽ phải có một tương lai đổi mới. Ngài bảo người nữ: “Hãy đi, và đừng phạm tội nữa.” Nàng phải đi đâu? Tiếp tục cuộc sống của mình, nhưng nàng sẽ bước vào đời với một danh phận mới: con cái của Đức Chúa Trời và tích cực sống chứng nhân cho tình yêu, sự tha tội, và sự đổi mới mà Chúa Cứu Thế dành cho nàng. Mạng lệnh “đừng phạm tội nữa” có vẻ khó tuân theo, nhưng đó là một mạng lệnh của sự tín thác và trao ban năng lực. Như nàng đã đáp lại sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để xưng Giê-xu là Chúa, thì nàng cũng sẽ bởi Thánh Linh mà sống đời nên thánh. Được Chúa chấp nhận không có nghĩa là sống lại cuộc đời đã được Chúa cứu mình khỏi đó.

Vậy, giữa lúc hoang mang với tin dữ kết án mình, người phụ nữ phạm tội tà dâm ngày xưa đã nhận được tin mừng rằng nàng không bị kết án nữa. Giữa lúc đối mặt với sự chết thân thể, nàng lại được sống cả thân thể lẫn tâm linh. Nàng không những được nghe tin lành, mà còn tiếp nhận và sống với tin lành ấy trong Đấng Christ nhờ sự tìm kiếm, tha tội, và thánh hóa của Ngài. Chúa Cứu Thế đến để ban sự sống cho con người, như Ngài đã phán: “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10). Tin Lành của sự sống chính là tin lành mà Giăng đang rao báo. Sự sống ấy chỉ có được cho những ai tin Giê-xu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời (Gi. 21:30).

Là tội nhân, liệu chúng ta có giống như người nữ trông đợi nơi tình yêu bao dung và tha thứ của Chúa Cứu Thế chăng? Là những người đã có một hành trình bước đi với Chúa, chúng ta có tự phụ về sự công bình riêng của mình và kết án tội nhân khác chăng? Là môn đồ của Chúa Cứu Thế, liệu chúng ta có được tấm lòng giống như Ngài để chủ động tìm đến tha nhân, bao dung, và đồng hành cùng họ trong hành trình tâm linh chăng? Nguyện Chúa ban cho chúng ta có tấm lòng của Ngài để Tin Lành từ trời được bày tỏ giữa trần gian.

Karis Đỗ
(Trích Bản Tin Mục Vụ)

Bài trướcQuản Trị Hội Thánh: Chăm Chỉ – 9/10/2023
Bài tiếp theoĐắk Nông: Huấn Luyện Kỹ Năng Quản Trị Hội Thánh