Tấm Gương Người Nữ Tin Kính Chúa

14514

Thế giới lấy ngày 8 tháng 3 làm “Ngày Quốc Tế Phụ Nữ” để ghi nhận và tri ân người phụ nữ. Trong ngày nầy, quý phụ nữ sẽ nhận được sự quan tâm và chú ý cách đặc biệt từ một nửa còn lại của thế giới. Trong tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Tổng Liên Hội quy định Chúa nhật thứ 2 của tháng 3 là “Ngày Phụ Nữ Tin Lành” nhằm để khích lệ tinh thần hầu việc Chúa của người nữ trong Nhà Chúa, và cũng là cơ hội để những người nam bày tỏ sự yêu thương đối với những người nữ Chúa đặt để trong cuộc sống họ.

Xã hội phong kiến ngày xưa thường “trọng nam, khinh nữ”, nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, người nữ đã khẳng định được vai trò của mình và có nhiều đóng góp quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong Hội Thánh, phụ nữ Cơ Đốc thể hiện được những vẻ đẹp theo Lời Chúa dạy và góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của Hội Thánh.

Trong các sách Phúc âm ghi lại một câu chuyện về một người phụ nữ làm một việc tốt được Ðức Chúa Giê-xu khen ngợi, dù bà bị người khác chê trách. Người phụ nữ đó là Ma-ri, người đã lấy dầu thơm xức chân cho Ðức Chúa Giê-xu. Qua câu chuyện “Ma-ri Lấy Dầu Thơm Xức Chân Đức Chúa Giê-xu” được ký thuật trong Phúc âm Giăng 12:1-8, chúng ta học được nơi tấm gương tin kính Chúa của bà Ma-ri với những đặc điểm như sau:

DÂNG HIẾN RỜI RỘNG CHO CHÚA

Trong Phúc âm Giăng chương 11, Sứ đồ Giăng ghi lại câu chuyện Ðức Chúa Giê-xu gọi La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết. Ma-thê và Ma-ri là em của La-xa-rơ. Giăng 12:2b cho biết “…La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài”. Điều nầy rất có thể ngụ ý đây là bữa tiệc mừng La-xa-rơ sống lại. Trong dịp nầy, bà Ma-ri đã lấy một bình dầu thơm quý giá – dầu cam tùng hương thật – xức chân cho Đức Chúa Giê-xu để bày tỏ lòng biết ơn Ngài.

Bà Ma-ri đã từng “…ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài” (Lu-ca 10:39), nên bà nhận biết Đức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của bà, nay Ngài đã gọi La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại nơi phần mộ, thì bà càng hết lòng tôn thờ và kính yêu Chúa. Bà Ma-ri đã bày tỏ tấm lòng của mình đối với Chúa bằng cách dâng của cải bà có để phục vụ Ngài.

Loại dầu bà Ma-ri dùng để xức chân Chúa Giê-xu có giá trị rất cao. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt cho biết giá trị của nó vào khoảng 300 đơ-ni-ê (Giăng 12:5). Đơ-ni-ê là đơn vị tiền tệ thời bấy giờ, tương đương với lương công nhật của một người theo (Ma-thi-ơ 20:2). Vậy nên giá trị của bình dầu thơm của bà Ma-ri tương đương với tiền lương của một người làm việc trong 300 ngày. Tức là thời gian làm việc suốt một năm, 360 ngày (trừ đi 52 ngày cuối tuần và những ngày nghỉ lễ). Đây có lẽ là số tiền mà bà Ma-ri dành dụm rất lâu mới có được, nhưng bà đã sẵn sàng dâng tất cả cho Chúa.

Tại sao Ma-ri không tiếc chai dầu thơm quí giá đó khi xức chân cho Chúa? Tại vì bà ý thức rằng tôn vinh Chúa, phục vụ Chúa quý hơn là chất chứa của cải cho mình. Hơn thế nữa bà Ma-ri có thể không biết, nhưng Chúa cho thấy việc làm của bà tương tự như việc xức xác trước cho Chúa. Điểm nhấn mạnh trong việc làm của bà là dịp tiện và cơ hội được phục vụ Chúa. Đức Chúa Giê-xu phán: “Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn” (Giăng 12:8). Lời phán nầy có nghĩa Chúa Giê-xu không bác bỏ hay xem thường việc bố thí cho người nghèo, nhưng việc làm của bà Ma-ri lúc đó là hợp thời, đúng lúc vì làm trước lúc Chúa chịu chết trên thập tự giá.

Ngày hôm nay quý bà, quý cô có tinh thần và tấm lòng như bà Ma-ri không? Quý bà, quý cô có thấy Ðức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của chính mình không? Nếu có… thì quý bà, quý cô bày tỏ lòng tôn thờ, kính yêu Chúa bằng cách nào?

Mỗi chúng ta cả người nam và người nữ đang có trước mắt nhiều dịp tiện để phục vụ Chúa, nhưng điều quan trọng là chúng ta có biết tận dụng những dịp tiện đó không! Học nơi gương bà Ma-ri, chúng ta cần dâng khả năng, ân tứ, thì giờ, tiền bạc cho Chúa đúng lúc, đúng nhu cầu trong công việc Nhà Chúa. Nếu chần chừ, sẽ đến lúc cơ hội qua đi thì chúng ta sẽ không còn dịp tiện để phục vụ Chúa nữa.

Mỗi chúng ta nên tâm nguyện rằng: Tôi phải xem Chúa quý hơn của cải mình có và hãy dâng điều quý nhất cho Ngài. Lời Chúa dạy rằng: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy” (Ma-thi-ơ 6:19).

HẠ MÌNH PHỤC VỤ CHÚA

Đôi chân đi dưới đất thường dính bụi và dễ bị dơ bẩn, đặc biệt là trong bối cảnh của xứ Trung đông như Y-sơ-ra-ên, vì vậy việc rửa chân cho người khác là một trong những biểu hiện rõ nét của tinh thần phục vụ. Thông thường, chúng ta hay chăm sóc đầu tóc, gương mặt hơn là lo chăm sóc cho đôi chân của mình. Có thể vì đôi chân nằm ở vị trí thấp kém và ít ai nhìn đến. Nhưng đối với bà Ma-ri thì dẫu cho đôi chân của con người là thấp kém, nhưng đôi chân của Đức Chúa Giê-xu thì cao quý, nên bà lấy dầu thơm xức cho chân của Ngài.

Hơn thế nữa, khi muốn xức dầu cho chân của Chúa, bà Ma-ri phải thực hiện một hành động là “cúi mình xuống”. Nghĩa là bà phải hạ mình xuống thì đôi mắt của bà mới thấy rõ được hai bàn chân của Chúa và hai tay của bà mới có thể chạm được hai bàn chân của Chúa để bà xức dầu thơm cho chân Ngài.

Đây là cung cách phục vụ Chúa thật đẹp và được Ngài vui lòng. Đây cũng chính là gương mẫu trong sự phục vụ Chúa của mỗi chúng ta, dầu phục vụ Chúa ở bất kì công việc gì chúng ta đều cần phải cúi mình xuống, nghĩa là hạ mình trước mặt Chúa. Chúng ta đừng bao giờ tự cao, kiêu ngạo khi được phục vụ Chúa, bởi vì được phục vụ Chúa là một đặc ân. Kinh Thánh dạy rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).

Người nữ Cơ Đốc hạ mình phục vụ Chúa

HY SINH PHỤC VỤ CHÚA

Khi Bà Ma-ri đem dầu thơm xức cho Chúa thì ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trách bà rằng: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo?” (Giăng 12:5). Điều nầy bày tỏ một thực tế: Khi chúng ta hầu việc Chúa thì sẽ có người nầy khen ngợi, người khác chê trách. Nhưng hãy nhớ rằng: Việc người ta khen hay chê không quan trọng bằng việc được Chúa khen hay chê. Nếu việc chúng ta làm đẹp lòng Chúa và làm sáng Danh Ngài, chúng ta hãy cứ tiếp tục hết lòng mà làm. Bà Ma-ri đã phục vụ Chúa trong tinh thần như vậy.

Theo phong tục ở vùng Pa-lét-tin, thì tóc của người phụ nữ phải được giữ kín. Vì thế, người phụ nữ phải trùm đầu lại. Nếu người nữ nào để cho ai thấy tóc của mình, thì đó là sự xấu hổ. Nhưng vì muốn tôn vinh Chúa, bà Ma-ri không sợ phong tục cho là xấu hổ hoặc bị dư luận chê cười. Trong Thư tín I Cô-rinh-tô 11:15, Phao-lô nói: “Nhưng, nếu đàn bà để tóc dài thì là lịch sự cho mình, vì đã ban tóc dài cho người, dường như khăn trùm vậy”. Bà Ma-ri tháo tóc của mình ra để lau chân Chúa, cho thấy bà bằng lòng đem sự hãnh diện về “lịch sự” của mình đem đặt dưới chân của Đức Chúa Giê-xu.

Mái tóc rất quí, đặc biệt đối với người phụ nữ như Ma-ri lại càng quý hơn. Dù vậy, Ma-ri nghĩ rằng tóc mình có quí như thế nào, nhưng được lau chân Ðức Chúa Giê-xu thì càng có giá trị. Bao nhiêu người nói rằng lau chân Chúa như vậy là điều xấu hổ, nhưng bà mặc kệ, miễn Danh Chúa được tôn cao qua việc làm của bà. Bà Ma-ri tâm niệm Danh Chúa là quý trọng hơn danh của bà, nên dù cho có kẻ chê người cười bà không quan tâm!

Ước mong những người nữ Cơ Đốc học được tấm gương hy sinh phục vụ Chúa của bà Ma-ri để tiếp tục dấn thân phục vụ Chúa dầu phải đối diện với nhiều áp lực, thách thức, khó khăn trong chức vụ, chức việc của mình. Hãy hầu việc Chúa trong tinh thần: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58).

Ảnh minh họa: Ma-ry xức dầu và lau chân Chúa Giê-xu. Nguồn: CBN

Qua câu chuyện trong Phúc âm Giăng 12:1-8, bà Ma-ri đã để lại tấm gương sáng về một người nữ tin kính Chúa cho tất cả tôi con Chúa nói chung và người phụ nữ nói riêng. Bà Ma-ri chỉ ước ao có dịp tiện và cơ hội để đem của cải mình dâng cho Chúa. Bà không đòi hỏi quyền lợi cho mình. Bà chỉ mong sao đời sống của bà đẹp lòng Chúa và làm cho Danh Ngài được vinh hiển.

Hành động của bà Ma-ri cho thấy bà biết ơn Chúa và đã bày tỏ lòng kính yêu Chúa một cách chân thành là dâng bình dầu thơm quí giá cho Chúa. Bà Ma-ri không cầu vinh hiển cho mình, nhưng Chúa không để cho kẻ tôn kính Ngài chịu thiệt thòi. Chúa đã ban phước lớn cho bà đến nỗi Ngài phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người” (Mác 14:9). Chúa muốn việc của bà Ma-ri “sẽ được nhắc lại” để làm gương cho chúng ta noi theo.

Cầu xin Chúa dùng tấm gương của bà Ma-ri để khích lệ mỗi chúng ta trên bước đường theo Chúa và hầu việc Ngài. Ước mong rằng mỗi chúng ta sẽ dâng hiến rời rộng cho Chúa, hạ mình và hy sinh phục vụ Chúa để đời sống mỗi chúng ta làm đẹp lòng Ðấng đã bằng lòng hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta.

Lê-vi

Bài trướcĐồng Nai: Hội Đồng Chấp Sự Năm 2023
Bài tiếp theoMloog Niamtxiv Lus Hauv Tus Tswv – 12/3/2023