Làm Thế Nào Để Quân Bình Giữa Bổn Phận Vợ Chồng Và Bổn Phận Hiếu Kính?

3373

Có những bậc cha mẹ Cơ Đốc và con cái của họ khi đã lập gia đình thì gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa khái niệm “lìa và dính díu” với hiếu kính cha mẹ. Có thể kể đến một số phân đoạn Kinh Thánh dạy về vấn đề này như là:

  • Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng Thế Ký 2:24).
  • “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1).
  • “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).

Trước hết, chúng ta tìm hiểu thế nào là hiếu kính cha mẹ theo lời Chúa dạy.

Hiếu kính cha mẹ là tỏ ra tôn trọng cha mẹ trong lời nói và hành động, cũng như bày tỏ sự kính mến vì họ là cha mẹ. Từ ngữ hiếu kính trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tôn kính, quý trọng, và đánh giá cao”. Tôn kính là tôn trọng không chỉ vì xứng đáng, mà còn vì vị trí của người đó. Ví dụ, một số người Mỹ có thể không đồng tình với những quyết định của tổng thống, nhưng họ vẫn phải tôn trọng ông trong vai trò người lãnh đạo đất nước. Tương tự, con cái ở mọi lứa tuổi phải hiếu kính cha mẹ, cho dù cha mẹ có “xứng đáng” được tôn kính hay không.

Đức Chúa Trời dạy chúng ta phải hiếu kính cha mẹ. Ngài xem hiếu kính là điều quan trọng nên đã đưa mạng lịnh này vào Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) và nhắc lại trong Tân Ước “Hỡi những người làm con, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa, vì đây là điều phải lẽ. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi – ấy là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa – để ngươi được phước và được sống lâu trên đất” (Ê-phê-sô 6:1-3, BTTHĐ). Hiếu kính cha mẹ là mạng lịnh duy nhất trong Kinh Thánh đi kèm với lời hứa ban phần thưởng là sự trường thọ. Những người hiếu kính cha mẹ sẽ được phước (Giê-rê-mi 35:18-19). Ngược lại, những người có “tâm trí bại hoại” và những kẻ không tin kính trong thời kỳ cuối cùng có đặc điểm là không vâng phục cha mẹ (Rô-ma 1:30; II Ti-mô-thê 3:2). Sa-lô-môn, người khôn ngoan nhất, cũng khuyên giục con cái phải tôn kính cha mẹ (Châm Ngôn 1:8; 13:1; 30:17). Mặc dù chúng ta có thể không còn trực tiếp ở dưới thẩm quyền của cha mẹ, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua mạng lịnh này. Ngay cả Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, cũng vâng phục cha mẹ trên đất (Lu-ca 2:51) lẫn Cha trên trời (Ma-thi-ơ 26:39). Noi gương Chúa Giê-xu, chúng ta cũng phải đối xử với cha mẹ như cách chúng ta tôn kính Cha trên trời (Hê-bơ-rơ 12:9; Ma-la-chi 1:6).

Vậy thì, rõ ràng chúng ta được truyền dạy phải hiếu kính cha mẹ, nhưng bằng cách nào? Hiếu kính bằng cả hành động lẫn thái độ (Mác 7:6). Tôn trọng những mong ước mà cha mẹ nói ra cũng như không nói ra. “Con khôn ngoan nghe sự khuyên dạy của cha; song kẻ nhạo báng không khứng nghe lời quở trách” (Châm Ngôn 13:1). Trong Ma-thi-ơ 15:3-9, Chúa Giê-xu nhắc người Pha-ri-si mạng lịnh của Chúa là phải hiếu kính cha mẹ. Họ làm theo từng câu chữ trong luật pháp, nhưng cũng thêm vào những truyền thống riêng mà thực chất là bác bỏ luật pháp. Mặc dù họ nói rằng tôn kính cha mẹ nhưng hành động của họ bộc lộ động cơ thật sự là không hề tôn kính. Tôn kính không phải chỉ ở lời nói. Từ “tôn kính” trong phân đoạn này là một động từ, và vì thế, nó đòi hỏi một hành động thích hợp. Chúng ta cần tìm cách bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ giống y như cách chúng ta cố gắng làm cho Chúa được vinh hiển- tức là trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Với trẻ nhỏ, vâng lời cha mẹ đi cùng với việc tôn kính cha mẹ. Điều đó bao gồm lắng nghe, làm theo, và thuận phục thẩm quyền của cha mẹ. Khi con trưởng thành, sự vâng lời mà chúng thực hành từ nhỏ sẽ giúp chúng biết vâng phục người lãnh đạo chẳng hạn như chính quyền, cảnh sát và chủ của mình.

Mặc dù chúng ta phải tôn kính cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải bắt chước cha mẹ không tin kính (Ê-xê-chi-ên 20:18-19). Nếu cha mẹ yêu cầu con làm điều gì đó hoàn toàn trái ngược với mạng lịnh của Chúa, thì con phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời cha mẹ (Công Vụ 5:29).

Tôn kính sinh ra tôn kính. Đức Chúa Trời sẽ không tôn cao những ai không vâng theo mạng lịnh Ngài là tôn kính cha mẹ mình. Nếu muốn làm vui lòng Chúa và được Ngài ban phước, chúng ta phải hiếu kính cha mẹ. Hiếu kính cha mẹ không phải là điều dễ, và không phải lúc nào cũng là điều đem đến sự thích thú, cũng như chắc chắn không khả thi với sức riêng của chúng ta. Nhưng tôn kính là con đường chắc chắn giúp chúng ta sống đúng với mục đích của mình trong cuộc đời này- đó là làm vinh hiển danh Chúa. “Hỡi những người làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì điều nầy đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20, BTTHĐ).

Bây giờ chúng ta nói đến vấn đề thứ hai là làm sao để con cái vừa “lìa” cha mẹ để “dính díu” với người phối ngẫu vừa “hiếu kính” cha mẹ.

Có ba phương diện trong lời tuyên bố ở Sáng Thế Ký 2:24. Thứ nhất là “lìa”- điều này cho thấy trong gia đình sẽ có hai loại mối liên hệ. Mối liên hệ cha mẹ – con cái là mối liên hệ tạm thời và sẽ đến lúc phải “lìa”. Mối liên hệ vợ-chồng là mối liên hệ lâu dài – “loài người không được phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Ma-thi-ơ 19:6). Vấn đề sẽ nảy sinh trong đời sống gia đình khi hai vai trò này bị đảo ngược và mối liên hệ cha mẹ- con cái được xem là chính yếu. Khi con trưởng thành và lập gia đình, mà mối liên hệ cha mẹ-con cái vẫn giữ vai trò chính yếu, thì mối liên hệ hôn nhân mới được hình thành sẽ bị đe dọa.

Thứ hai là “dính díu” – từ Hê-bơ-rơ được dịch là “dính díu” chỉ về (1) việc kiên trì theo đuổi người khác và (2) được dán hay gắn vào cái gì đó/người nào đó. Cho nên người nam phải kiên trì theo đuổi vợ mình sau khi kết hôn (sự tán tỉnh không chấm dứt khi cả hai nói lời hứa nguyện hôn nhân) và phải “gắn vào nàng như keo.” Việc dính díu nói lên sự thân mật gần gũi đến nỗi không nên có mối liên hệ nào gần gũi hơn mối liên hệ giữa vợ chồng, cho dù là với bạn bè cũ hay với cha mẹ.

Thứ ba là cả hai sẽ nên một thịt – Hôn nhân đòi hỏi phải có hai cá thể để tạo nên một thực thể mới. Phải có sự chia sẻ và hiệp một trong mọi khía cạnh (thể xác, tình cảm, lý trí, tài chính, xã hội) đến nỗi “một thịt” là cách mô tả hay nhất về sự kết hợp này. Ngoài ra, khi sự chia sẻ và ủng hộ tình cảm từ mối liên hệ cha mẹ – con cái nhiều hơn là từ mối liên hệ vợ – chồng, thì sự hiệp một trong hôn nhân đang bị đe dọa, dẫn đến sự thiếu cân bằng mà Kinh Thánh không hề dạy.

Như vậy, khi sự can thiệp của cha mẹ vi phạm nguyên tắc “lìa”, bởi vì xem mối liên hệ cha mẹ-con cái là quan trọng nhất (đòi hỏi sự vâng lời, phụ thuộc, hay sự hiệp nhất về tình cảm trên cả những mong muốn của, sự phụ thuộc vào, hay sự hiệp nhất với người phối ngẫu), thì nên lễ phép từ chối sự can thiệp đó, mà quan tâm đến mong muốn của người phối ngẫu. Tuy nhiên, khi cha mẹ già có những nhu cầu chính đáng (hoặc về thể xác, hoặc về tình cảm, với điều kiện “nhu cầu” tình cảm không thay thế nguyên tắc “lìa”), thì nhu cầu đó phải được đáp ứng, ngay cả khi người phối ngẫu không “thích” cha mẹ chồng hay vợ. Tình yêu thương đối với cha mẹ già theo Kinh Thánh là chọn làm điều đáng yêu dù mình không cảm thấy muốn làm điều đó.

Sự cân bằng giữa những mạng lịnh này cũng tương tự với mạng lịnh phải vâng phục bậc cầm quyền (Rô-ma 13) và tấm gương của các sứ đồ. Các sứ đồ chấp nhận vi phạm mạng lịnh này khi nhà cầm quyền bảo họ phải làm điều ngược với mạng lịnh của Chúa. Trong Công Vụ 4:5-20, các sứ đồ khước từ yêu cầu của giới lãnh đạo Do Thái không được rao giảng Phúc âm, vì yêu cầu của họ vi phạm mạng lịnh của Chúa. Nhưng các sứ đồ đã khước từ một cách lịch sự. Cũng vậy, Chúa Giê-xu phán chúng ta phải tôn kính cha mẹ nhưng Ngài cũng dạy mối liên hệ cha mẹ-con cái phải đứng thứ hai sau mối liên hệ của chúng ta với Chúa (Lu-ca 14:26). Tương tự, khi cha mẹ vi phạm những nguyên tắc ở Sáng Thế Ký 2:24, thì con cái không cần phải vâng lời cha mẹ, nhưng với thái độ lễ phép. Ngược lại, chúng ta có thể bỏ qua những mong muốn của người phối ngẫu nếu người ấy không sẵn sàng dành thời gian, sức lực và tài chính để đáp ứng nhu cầu chính đáng của cha mẹ già.

 

Lan Khuê
(Tổng hợp từ gotquestions.org)

Bài trướcSửa Phạt Vì Tình Yêu – 19/1/2022
Bài tiếp theoĐồng Tháp: Vui Mừng Chào Đón Chi Hội Tin Lành Thứ 12 – Chi Hội An Phú Thuận