Làm Thế Nào Để Kiềm Chế Cơn Giận?

4030

Sống trong một xã hội đầy áp lực, cụm từ “stress” như là một cụm từ được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến. “Stress” được hiểu như là một biểu hiện căng thẳng cực độ.

Các bác sỹ và chuyên gia tâm lý nhận định “Stress” là “kẻ giết người thầm lặng” và không chừa một ai. Một bài báo trên VnExpress đưa ra số liệu hiện nay có đến 15% dân số Việt Nam gặp những vấn đề nghiêm trọng về stress. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một trong những biểu hiện chính yếu của stress đó là dễ tức giận.

Tức giận – một biểu hiện của “stress”

Không cần phân tích nhiều thì đa số chúng ta đều hiểu rằng giận dữ thường là một cảm xúc tiêu cực và gây ra những hậu quả nguy hiểm khó lường. Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi những cơn tức giận. Đặc biệt khi sống gần với những người nóng nảy thì cảm xúc chúng ta dễ bị căng thẳng, ức chế và trở nên tức giận.

Tức giận làm nguy cơ phá vỡ các mối quan hệ, làm xấu đi hình ảnh của bản thân, và nghiêm trọng hơn tức giận thường xuyên sẽ gây ra hàng loạt các tác hại đối với sức khỏe như: gây hại cho tim, tổn thương gan, phổi, dạ dày và khiến não lão hóa nhanh…

Nếu cơ thể thường xuyên không kiềm chế được cơn tức giận, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ bị tổn thương nặng nề nhất, dẫn đến sức đề kháng đối với các loại bệnh tật sẽ giảm đi, cơ thể sẽ yếu hơn, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng và thậm chí cả ung thư.

Trong Truyền Đạo 7:9, tác giả nhận xét: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội”. Như vậy, con dân Chúa cần phải biết cách kiềm chế cơn giận, học cách sống khôn ngoan với những người xung quanh mình. Làm sao để có thể kiềm chế cơn giận:

Học cách kiểm soát cảm xúc

Về phương diện thể chất, mỗi khi có việc xảy ra khiến chúng ta có thể giận dữ ngay lập tức thì hãy tập hít một hơi thật sâu, thở thật đều để kiểm soát cảm xúc của mình. Các chuyên gia cũng đưa ra một số gợi ý như có thể uống một ly nước, đi tắm, tạm thời lánh mặt, đếm số từ 1-20… là những cách giúp chúng ta có thể tạm thời kiềm nén cơn giận. Tuy rằng đây chỉ là những cách khá đơn giản nhưng đòi hỏi chúng ta phải tập luyện thường xuyên và áp dụng mỗi khi cảm thấy bản thân rơi vào cảm xúc giận dữ, để cơn giận từ từ được kiểm soát.

Cầu nguyện với Chúa

Khi tức giận thì chúng ta sẽ cảm thấy khó có thể tập trung để cầu nguyện, có phải như vậy không? Vâng, đây là việc khó… nhất là khi bạn cảm thấy mình bị tổn thương sâu sắc đến không thể nói nên lời.

Sau khi chúng ta đã có được sự bình tĩnh trở lại khi thực hành các hành động kiểm soát cảm xúc thì cầu nguyện với Chúa sẽ là cách tốt nhất để chúng ta loại bỏ sự giận dữ ra khỏi tấm lòng cách nhanh nhất.

Bạn có thể khóc với Chúa, trình bày tất cả nỗi lòng của mình, kể cả những tổn thương, bất hòa, mối quan hệ gãy đổ và cả những đau khổ, oan ức mà bạn cảm thấy… Chúng ta tin rằng, sự cầu nguyện là liều thuốc nhiệm mầu giúp chúng ta giải quyết tất cả nan đề trong cuộc sống. Bởi vì khi đó, bạn ý thức rằng mình hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa và Ngài là Đấng hành động chứ không phải bạn. Hơn nữa, khi bạn thưa chuyện với Chúa, thì chính Thánh Linh Ngài là Đấng an ủi bạn, ban cho bạn sự bình an trong tâm hồn.

Sự cầu nguyện còn mang đến sự phục hòa các mối quan hệ, trước nhất là với Chúa, sau đó là với người khác. Cầu nguyện mở ra cánh cửa để Chúa tỏ bày sự khôn ngoan cho bạn trong khi giải quyết những xung đột.

Duy trì các thói quen tốt mỗi ngày

Tập thể dục, đọc sách, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý để không quá sức, thường xuyên tham gia nhóm lại với Hội Thánh và các sinh hoạt của ban, ngành; dành thời gian để làm điều mình thích, học một kỹ năng mới, học một ngôn ngữ mới, đi ngủ sớm hơn và dậy sớm hơn…. là những thói quen tốt mà chúng ta cần áp dụng để hình thành lối sống khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn. Trong thời đại 4.0 hiện nay, có lẽ một sự thực hành hữu ích là hạn chế thời gian ngồi trên máy tính và dùng điện thoại để vận động tay chân, dành thêm thời gian cho gia đình, con cái. Khi chúng ta cảm thấy vui thỏa với cuộc sống thì tâm trạng stress, những cơn tức giận cũng sẽ vơi dần đi.

Châm Ngôn 16:32 dạy: “Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ; và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành”.

Là con cái Chúa, chúng ta được ví như muối của đất và ánh sáng giữa thế gian này. Lối sống lành mạnh, điềm tĩnh, chậm giận, chan hòa với những mối quan hệ Chúa đặt để xung quanh sẽ là một trong những cách chúng ta bày tỏ Chúa, chiếu rọi chân lý Phúc Âm cho người khác.

Lời cầu nguyện:

Cám ơn Chúa đã đặt xung quanh con những người để con yêu thương và bày tỏ tình yêu của Ngài cho họ. Xin giúp con sống khôn ngoan theo đúng mục đích Chúa dựng nên và trở thành người hòa giải thay vì gieo rắc những mối bất hòa vì cớ sự giận dữ của mình. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu Christ, Amen.

Ru-tơ Đặng

Bài trướcHiệp nguyện Giáo phẩm tại TP. Hồ Chí Minh
Bài tiếp theoNhững Tấm Gương Nhịn Nhục – 5/5/2021