Tại Sao Chúa Dường Như Im Lặng?

3774

Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm, nhưng về sau sẽ biết.” (Giăng 13:7).

Chúa ở đâu và Ngài đang làm gì? Tôi biết câu hỏi này. Tôi cũng thường hỏi như thế khi ở giữa những hoang mang, bối rối. Tôi đã không nhận ra rằng Ngài vẫn luôn hành động. Ngay cả khi bạn và tôi không nhìn thấy Ngài, hãy cảm biết Ngài. Hãy lắng nghe Ngài.

Bạn có đang trải qua giai đoạn khó khăn nào không? Có thể bạn đang đối diện với sự thay đổi tâm sinh lý của đứa con tuổi thiếu niên của mình, hay bạn đang gặp khủng hoảng trong đời sống hôn nhân? Hoặc cũng có thể bạn đang đối mặt với sự khủng hoảng tài chính? Dẫu đó là gì, bạn cảm thấy cuộc đời mình như cánh đồng băng giá trong một ngày đông lạnh buốt. Nhìn qua cửa sổ, bạn chỉ thấy một màu tối đen bên ngoài, một tấm chăn tuyết đang trùm khắp đất. Cuộc sống trông thật thê lương, chết chóc, và lạnh lẽo.

Nhưng chúng ta không nhìn thấy điều đang âm thầm diễn ra bên dưới. Ngay dưới tấm chăn tuyết đó, các dưỡng chất vẫn đang ngấm vào đất. Rễ vẫn đang đâm sâu, và hạt vẫn đang nảy mầm. Khi Xuân đến, chúng ta mới thấy điều gì thật đã diễn ra suốt trong mùa Đông ấy. Chúng ta thấy hoa nở rộ, những chồi non xanh mướt chớm lên từ đất, bướm lượn bay và thú đồng ra khỏi nơi trú đông của mình.

Khi bước vào Xuân, chúng ta mới thấy Chúa đã hành động thế nào. Đó là lời nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời vẫn âm thầm hành động vì cớ tương lai chúng ta. Các mùa trong năm đó nhắc chúng ta rằng Ngài vẫn luôn hành động dẫu tôi có hay không có thấy Ngài. Ngài vẫn luôn hành động cho dẫu tôi có cảm giác như thế nào. Đức Chúa Trời không thay đổi theo hoàn cảnh- nhưng Ngài là Đấng có thể khiến hoàn cảnh được thay đổi. Ngay cả khi không nhìn thấy Chúa, chúng ta vẫn được nhắc nhớ rằng Ngài là thành tín và chân thật với Lời Ngài đã hứa. Đức Chúa Trời luôn hành động.

Đức Chúa Trời vẫn luôn hành động. Ngài chẳng hề thay đổi theo hoàn cảnh. Dẫu mọi vật quanh tôi có thay đổi hay không bền vững, thì tôi vẫn cần nhớ rằng Chúa luôn thành tín và chân thật. Ngài vẫn luôn hành động.

Học Cách Thấy Điều Không Thể Thấy  

Đức Chúa Trời thường âm thầm hành động để đôi mắt thuộc linh của chúng ta được luyện tập. Chúng ta thường có xu hướng tập chú vào điều có thể cảm biết bằng mắt, tai, tay, miệng. Bất cứ khi nào đức tin nao núng, tôi đều trở lại với Kinh thánh và nhớ lại các câu chuyện ghi lại việc Chúa làm cách kín giấu để được nhắc nhớ về chân lý Ngài.

Khi tôi đọc và học về các nhân vật Kinh thánh Cựu ước, tôi liên tục được nhắc nhở chân lý này. Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Ápraham khi nói rằng ông sẽ là cha của nhiều dân tộc. Ngài cũng hứa đưa dân Ngài về lại vùng đất hứa và trao cho họ sự chủ quản. Cả Áp-ra-ham và Sa-ra đều già và không có con. Nhưng Đức Chúa Trời thật đã hành động và ban cho họ một con trai.

Đôi lần chúng ta cũng tự hỏi liệu dòng dõi này có bị tuyệt diệt không. Gia-cốp đã phải đối mặt với Ê-sau, là người mà ông đã cướp quyền trưởng nam và phước lành của ông ấy. Và cũng từ dòng dõi này, Giô-sép lại là người bị quăng xuống giếng và bị bán làm nô lệ. Khi đến Ê-díp-tô, Giô-sép lại bị bỏ tù oan. Nhưng cuối cùng ông được cất nhắc lên vị trí cầm quyền trên cả xứ Ai Cập để cứu dân tộc ông khỏi 7 năm đói kém.

Về sau, khi số lượng người Y-sơ-ra-ên gia thêm, người Ai Cập đâm ra e sợ và ghen ghét nên đã bắt họ làm nô lệ suốt hơn 400 năm. Trong thời gian này, Pha-ra-ôn ra lệnh cho các bà đỡ đẻ phải giết tất cả những bé trai mới sinh. Thế nhưng, vì lòng yêu mến Chúa, các bà mụ đã không làm theo lệnh vua. Cuối cùng, Môi-se đã được dùng để giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vùng đất nô lệ.

Vậy tại sao chúng ta có bài học lịch sử nhỏ này? Để cho thấy rằng Đức Chúa Trời thật đã hành động- ngay cả trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất. Qua cả một thế hệ thì con dân Chúa mới kinh nghiệm được sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Và trải qua hàng bao thế hệ thì vua dân Y-sơ-ra-ên mới được dấy lên. Thế nhưng, điều đó vẫn cho thấy việc Đức Chúa Trời đã làm.

Ngay cả khi việc sinh nở của Sa-ra và Áp-ra-ham trong tuổi già nua là điều dường như không thể thực hiện được, thì Đức Chúa Trời vẫn hành động.

Ngay cả khi Gia-cốp sợ phải đối mặt với anh mình là Ê-sau, Đức Chúa Trời vẫn hành động.

Ngay cả khi Pha-ra-ôn muốn làm suy yếu dân Y-sơ-ra-ên bằng cách ra lệnh giết tất cả bé trai mới sinh, Đức Chúa Trời vẫn hành động.

Đức Chúa Trời của bạn cũng là Đức Chúa Trời của thời Cựu ước. Ngài là Chúa của Áp-ra-ham, Gia-cốp, Giô-sép và cả dân Y-sơ-ra-ên.

Những câu chuyện trên cho chúng ta biết được Đức Chúa Trời là ai. Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, dân Y-sơ-ra-ên cũng là Đức Chúa Trời của chúng ta ngày nay. Chúa là thành tín với giao ước Ngài. Ngay cả khi tôi không thấy Chúa, Ngài vẫn hành động. Ngay cả khi tôi không cảm biết sự hiện diện của Chúa, Ngài vẫn làm việc.

Tại Sao Đức Chúa Trời Âm Thầm Hành Động Ở Hậu Trường?

Chúng ta đã lướt qua các bài học lịch sử trong Kinh thánh bày tỏ việc Chúa làm qua nhiều thế hệ. Bàn tay Ngài vẫn in dấu trong những câu chuyện đó, vì thế nếu bạn muốn có một đức tin vững vàng và kinh nghiệm sự bình an “vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:7), thì bạn phải học cách tin điều không thể thấy hơn cả điều bạn có thể thấy.

Phao-lô đã đề cập rất nhiều về thấy điều không thể thấy. Ông biết chúng ta cần học cách nhìn mọi việc bằng đôi mắt thuộc linh hơn là bằng đôi mắt thuộc thể. Trong thư ông viết cho Hội thánh tại Ê-phê-sô, ông viết, “Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta… soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao, và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin…” (Ê-phê-sô 1:17-19)

Vì chúng ta hiện đang sống trên đất- nhà tạm bợ của mình, chúng ta thường dựa vào những giác quan lờ mờ của mình, nhất là dựa vào những điều chúng ta có thể nhìn thấy được. Thật đáng buồn là khi chúng ta không thấy việc Chúa làm, chúng ta nghĩ rằng Ngài không làm gì cả. Nhưng đây là lúc chúng ta cần xin Chúa mở con mắt của tấm lòng chúng ta- đôi mắt thuộc linh của mình. Chúng ta cần xin Chúa tỏ cho chúng ta thấy cách Ngài đang hành động và ban cho chúng ta sự can đảm để đứng vững trên Lời hứa Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ được nhắc nhớ rằng, “Ngài vẫn đang hành động” ngay giữa những hoàn cảnh của chúng ta.

5 Lý Do Tại Sao Chúa Hành Động Ở Hậu Trường Trong Cuộc Đời Chúng Ta

  1. Chúa đang bày tỏ ý muốn Ngài.

Chúa muốn chúng ta có sự thông công với Ngài; đó là lý do tại sao chúng ta được tạo dựng. Ngài muốn chúng ta nhìn xem Ngài trong mọi điều đang diễn ra ngay ở hiện tại và tương lai, ngay cả khi chúng ta không hiểu được việc Ngài đang làm nhưng tin Ngài sẽ bày tỏ mọi điều cho mình.

“Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê-sai 55:8,9)

  1. Chúa đang bày tỏ mục đích Ngài.

Đôi khi chúng ta kiêng ăn cầu nguyện, và nghĩ rằng mình đã đưa ra quyết định đúng, nhưng rồi mọi thứ lại đảo lộn. Công việc chẳng đến đâu, tình trạng bệnh tật ngày một tệ hơn, hay câu trả lời lại là không. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa vẫn đang hành động theo mục đích của Ngài.

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng, Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết.” (Giăng 13:7)

  1. Chúa đang dạy chúng ta bước đi bởi đức tin.

Bạn có bao giờ thấy người mẹ nào trách mắng con khi bé bị té lúc đang tập đi không? Không. Người mẹ đó chỉ ôm hôn con, đỡ nâng và khuyến khích con tập đi lại. Đây là cách mà Cha chúng ta đang làm vì cớ đức tin của chúng ta. Nhất là khi Ngài đưa chúng ta đến một nơi mà chúng ta chẳng hề biết. Nhất là khi chúng ta đang cố vật lộn trong cảnh mờ tối. Nhất là khi chúng ta đang cố vật lộn với việc bước đi bởi đức tin khi tập tin rằng Chúa sẽ khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho mình.

 “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được goi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)

  1. Chúa đang dạy chúng ta nương cậy Ngài.

Khó có thể nương cậy Chúa khi chúng ta quen với việc cậy trông vào chính mình. Nhưng Kinh thánh dạy chúng ta cách nương cậy Chúa, thay vì cậy nhờ bản thân. Kinh thánh cho chúng ta một hình ảnh về tương lai khi chúng ta thật lòng muốn phát huy sự nương cậy Chúa của mình. Lời Chúa cũng cho chúng ta biết rằng dẫu tương lai có ra thể nào, thì Ngài vẫn là Đấng đang nắm giữ chúng ta trong kế hoạch và mục đích của Ngài.

“Ngài không để cho chân ngươi xiêu tó; Đấng gìn giữ ngươi không hề buồn ngủ.” (Thi Thiên 121:3,4)

  1. Ngài đang gieo hy vọng.

Hy vọng là nhịp đập của Lời hứa Ngài. Chúa giúp chúng ta đứng lên giữa mọi hoàn cảnh. Dẫu cho hoàn cảnh có thế nào, Ngài vẫn muốn chúng ta luôn hy vọng.

“Hãy vững lòng bền chí; chớ sợ chi và chớ kinh khủng trước mặt các dân đó: vì Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ bỏ ngươi đâu.” (Phục Truyền 31:6)

Hãy tiếp tục học tập tin cậy Chúa ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy việc Chúa làm. Đừng bị trói buộc bởi bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúa muốn chúng ta trung tín nhìn xem Ngài, để lòng cầu nguyện, và tra xem Lời Chúa. Ngay cả Đa-vít khi thắc mắc về việc Chúa làm, ông vẫn nhận ra sức mạnh của việc để lòng nương cậy Chúa, “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa…” (Thi Thiên 42:5).  Đức Chúa Trời dùng mọi điều hay con người để gieo niềm hy vọng, và đức tin trong bạn. Ngài đang dùng mọi điều để làm cho đức tin và tâm tính bạn được mạnh mẽ. Ngài sắp đặt một kết quả để đem lại phước hạnh cho bạn và Ngài sẽ ở cùng bạn trong mọi sự. Chúng ta có thể chờ đợi trong sự tin cậy Chúa và tiếp tục tiến bước.

Thảo Anh dịch
Tác giả: Heather Riggleman
(Theo Crosswalk.com)

Bài trướcGiáo Phẩm Tỉnh Quảng Nam Hiệp Nguyện Trực Tuyến Tháng 09/2021
Bài tiếp theoNếu Chúa Muốn – 16/9/2021