Những Hành Vi Xấu Bộc Lộ Nhu Cầu Tiềm Ẩn Nào Của Con Cái?

2893

Tôi thích làm vườn nhưng không lúc nào tôi lại không vất vả với công việc đó. Có năm, tất cả cà chua tôi trồng đều bị hư thối một bên. Có lẽ đó là những trái cà “xấu xí”, nhưng gốc rễ của sự hư thối đó chẳng có gì liên quan đến trái của nó. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là đất trồng. Trái của cây chỉ đơn giản phản ánh điều đang diễn bên dưới cây. Điều này cũng đúng khi đề cập đến những hành vi của con cái chúng ta.

Bốn Động Cơ của Những Hành Vi Sai Lệch

Dinkmeyer & McKay là hai nhà giáo dục cũng đồng thời là tác giả của chương trình giảng dạy về việc nuôi dạy con cái, được gọi là Khóa Huấn Luyện Hệ Thống về Việc Nuôi Dạy Con Hiệu Quả (STEP). Chương trình này đã đưa ra những động cơ khiến trẻ có những hành vi không đúng và đề xuất hướng can thiệp hiệu quả. Là người Cơ Đốc, chúng ta có thể kết hợp mô hình hữu ích này với Kinh Thánh để tạo lối mở tiếp cận lòng con.

Hai tác giả của chương trình nêu trên đã nhận ra 4 phạm trù của những hành vi không tốt. Đó là:

Tìm kiếm sự chú ý

Tìm cách kiểm soát

Tìm cách trả thù

Thiếu tự tin

Những hành vi “xấu” của con cái thực ra là sự phản ảnh một nhu cầu sâu xa hơn trong lòng chún nó. Hãy cùng nhìn vào bốn loại hành vi có vấn đề mà con cái thường bộc lộ và khám phá nhu cầu tiềm ẩn của những hành vi đó. Hãy tra xem Kinh Thánh để nhận biết những nhu cầu thật của lòng con và cách đáp ứng các nhu cầu đó.

  1. Hành Vi Tìm Kiếm Sự Chú Ý

Đứa trẻ hay khóc lải nhải, hay càm ràm với bạn về anh/chị của nó khi bạn đang nói chuyện trên điện thoại thì thực ra là nó đang muốn tìm kiếm sự chú ý của bạn. Những trẻ này hay cố níu áo bạn, nói huyên thuyên, hay liên tục tò mò việc bạn đang làm. Có lẽ bạn chỉ muốn đưa cho con thứ mà nó muốn hay la rầy và bảo con để mình yên.

Nhu Cầu Tiềm Ẩn của Hành Vi Tìm Kiếm Sự Chú Ý và Hướng Giải Quyết

Hành vi tìm kiếm sự chú ý cho thấy một trong hai nhu cầu sâu xa hơn trong lòng con. Có thể con cần được quan tâm hơn điều chúng đang nhận, hoặc cũng có thể con đang cần sự kỷ luật trên phương diện tự mãn và tự tôn.

Bước đầu tiên là hãy chắc rằng bạn đang nói với con bằng loại ngôn ngữ yêu thương mà con cần. Có thể bạn nghĩ những ngôn từ bạn sử dụng khẳng định tình yêu bạn dành cho con, nhưng nếu ngôn ngữ yêu thương của con là hành động phục vụ, thì tất cả những ngôn từ trên thế giới vẫn sẽ không khỏa lấp được lòng con.

Nếu bạn nghĩ mình vẫn đang nói với con bằng loại ngôn ngữ yêu thương mà con cần, nhưng hành vi tìm kiếm sự chú ý của con vẫn cứ xuất hiện dai dẳng, đây là lúc “đất” của lòng con cần được bồi bổ. Cũng giống như cà chua trong vườn nhà tôi cần canxi, một số trẻ tìm kiếm sự chú ý cũng cần sự khiêm nhường hơn. Phi-líp 2:3 khuyên chúng ta “chớ làm chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.”

Tạo cơ hội phát huy cách nhìn “hướng về người khác” trong lòng của những trẻ thế này có thể rất hữu ích. Bạn có thể cùng tình nguyện với con trong những việc như tham gia vào các hoạt động nhân ái để giúp con biết quan tâm nhu cầu của những người chung quanh. Tập chú vào nhu cầu của người khác là cách để giảm bớt sự chú tâm về bản thân.

  1. Hành Vi Muốn Kiểm Soát

Bạn biết rằng khi bạn bắt đầu muốn quản lý con thì cũng là lúc bạn đang đối diện với hành vi muốn kiểm soát của con. Chính vì điều đó mà đôi khi bạn cảm thấy bị mất kiểm soát.

Những Ví Dụ về Hành Vi Muốn Kiểm Soát

Khi con không muốn nghe theo sự hướng dẫn của bạn hay chỉ thực hiện phân nửa nhiệm vụ được giao, điều này cho thấy rằng con muốn chứng tỏ hành vi muốn kiểm soát của mình. Chẳng hạn như, khi bạn bảo con đi vứt rác, thì con lại không làm ngay mà cứ lần lữa đến hơn tiếng đồng hồ mới chịu làm hay khi làm thì lại vứt rác vào giỏ nữa trong nữa ngoài. Hay khi bạn nói con không được ném banh trong nhà, nhưng con lại nhìn bạn, cười và rồi lại tiếp tục ném.

Nhu Cầu Tiềm Ẩn của Hành Vi Muốn Kiểm Soát và Hướng Giải Quyết

Hành vi muốn kiểm soát cho thấy một trong hai nhu cầu sâu xa hơn: nhu cầu lãnh đạo hay nhu cầu cần được tăng trưởng trong sự thuận phục.

Nếu con được sinh ra với những phẩm tính lãnh đạo, thì nó sẽ được lộ ra trong hành vi của con ngay khi còn nhỏ. Những trẻ có ước muốn lãnh đạo thường tìm kiếm quyền lực và sự kiểm soát. Bạn có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cho con sự chọn lựa. Bạn có thể hỏi con, “Con muốn vứt ra bây giờ hay trong mười phút nữa?” Con sẽ cảm nhận được quyền kiểm soát và công việc được giao sẽ được hoàn tất chu đáo.

Bạn cũng có thể cho con cơ hội lãnh đạo phù hợp. Khích lệ con hướng dẫn một nhóm bạn trong khu phố cùng chơi, giúp con chỉ đạo một nhóm nào đó, hay hỗ trợ con tổ chức công tác từ thiện đem đồ ăn đến cho người khó khăn. Những việc như thế sẽ đáp ứng đúng nhu cầu lãnh đạo của con, và khiến con thỏa lòng trong vai trò đó một cách phù hợp hơn.

Đôi khi những trẻ có hành vi muốn kiểm soát mọi thứ lại có sự hiểu biết rất giới hạn về ý nghĩa của việc trở nên môn đồ Đấng Christ. Đời sống người Cơ Đốc là một đời sống đầu phục. Chúng ta được gọi đến trong sự đầu phục Chúa (Gia-cơ 4:7), vâng phục nhà cầm quyền (Hê-bơ-rơ 13:17) và thuận phục nhau (Ê-phê-sô 5:21).

Cách tốt nhất để dạy con về sự thuận phục là cùng học Kinh Thánh với con, khích lệ con khi con biết vâng phục, và làm gương cho con trong tấm lòng đầu phục những thẩm quyền mà Chúa đã đặt để trong đời sống bạn.

  1. Hành Vi Tìm Cách Trả Thù

Những phụ huynh đối diện với hành vi tìm cách trả thù thường cảm thấy bị tổn thương hay bị đe dọa. Không giống như những trẻ tìm cách kiểm soát mọi thứ, những trẻ này thường không muốn khống chế, kiểm soát người khác nhưng lại đòi hỏi sự công bằng.

Những Ví Dụ về Hành Vi Tìm Cách Trả Thù

Những trẻ tìm cách trả thù thường tập chú vào sự công bằng hay chơi bình đẳng. Chẳng hạn như, sau khi phạt con về việc con làm, khi về nhà có lẽ bạn sẽ thấy bình hoa trong nhà bị vỡ. Đứa nhỏ có thể nói do lỡ thôi, nhưng trong thâm tâm bạn biết đó không phải là sự thật.

Những đứa trẻ này có thể cư xử lỗ mãng với anh chị em mình hay tìm cách trả thù đối với những việc khiến nó bị tổn thương ngay cả khi sự việc chỉ xảy ra ngẫu nhiên. Chúng có thể hét lớn những lời tổn thương như, “Con ghét mẹ!” hay “Chị chẳng yêu em gì hết!”

Nhu Cầu Tiềm Ẩn của Hành Vi Tìm Cách Trả Thù và Hướng Giải Quyết

Những hành vi này có lẽ bộc lộ hai nhu cầu sâu xa hơn: nhu cầu về sự an toàn hay nhu cầu cần biết rõ hơn về ân điển Chúa.

Những trẻ hay tìm cách trả thù thường mang cảm giác dễ bị tổn thương hay sống trong tình trạng như bị đe dọa. Chúng thường có xu hướng khiến người khác bị tổn thương trước khi người khác làm tổn thương chúng. Việc gần gũi, khẳng định tình yêu dành cho con ngay cả khi con có hành vi sai lệch sẽ giúp con cảm thấy an toàn và được yêu. Bạn có thể nói với con, “Mẹ không thích hành vi của con, nhưng mẹ yêu con.” Những trẻ là nạn nhân của những cảm xúc như thế rất cần được cảm nhận tình yêu và sự an ninh. Thường xuyên khẳng định tình yêu với con và mang đến cho con cảm giác được bảo vệ có thể giúp được con.

 Những trẻ này cũng cần hiểu và kinh nghiệm nhiều hơn về ân điển theo quan điểm của Thánh Kinh. Ân điển Chúa là món quà vô điều kiện dành cho kẻ không đáng được yêu nhưng vẫn được Chúa yêu. Chúng ta không thể tự kiếm hay đổi chác để được món quà đó. Giúp những trẻ thế này hiểu được tình yêu không điều kiện, không ràng buộc có thể giúp tỉa sửa lại đất lòng của chúng, là nơi mà hành vi kiếm tìm sự trả thù nảy nở.

Bạn có thể nói, “Những hành vi đó của con đáng phải nhận hậu quả, nhưng để cho con nhận biết ân điển là thế nào, mẹ vẫn sẽ ôm con. Dầu con thế nào, mẹ vẫn yêu con.” Câu Kinh Thánh Thi Thiên 103:10-11 nói, “Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.”

Tâm điểm của Phúc âm đó là sứ điệp của ân điển: chúng ta không nhận điều mà chúng ta đáng phải lãnh. Hãy chia sẻ Tin Lành này thường xuyên với những trẻ thế này.

  1. Hành Vi Thiếu Tự Tin

Một số trẻ bỏ cuộc ngay cả trước khi bắt đầu. Bố mẹ của những trẻ này thường cảm thấy vô vọng, bất lực.

Những Ví Dụ Về Hành Vi Thiếu Tự Tin

Những trẻ này thường ngại thử điều gì đó mới vì sợ thất bại. Chúng có thể thích thể thao nhưng lại không chịu thử tham gia trong một đội bóng chày vì nghĩ rằng nếu có chơi thì cũng sẽ chẳng bao giờ được chọn. Hay chúng có lẽ rất thông minh, nhưng lại chẳng chịu nỗ lực nhiều trong việc học ở trường vì nghĩ rằng dầu có cố gắng thế nào cũng sẽ chỉ nhận được điểm số xấu. (Hãy xem xét kỹ hành vi này vì đó có thể là dấu hiệu của sự trầm cảm. Và nếu đúng như thế, cần sự đánh giá và can thiệp mang tính chuyên môn hơn.)

Nhu Cầu Tiềm Ẩn của Hành Vi Thiếu Tự Tin & Hướng Giải Quyết

Những trẻ này có thể có nhu cầu sâu xa hơn: nhu cầu tin và được tin, cộng với nhu cầu cần được giải phóng khỏi gánh nặng về sự sợ hãi.

Động viên, khích lệ con (cụ thể và tập trung vào con) thay vì khen suông (mơ hồ và tập trung vào bố mẹ) là cách hữu hiệu để tăng sự tự tin cho con. Bạn có thể nói với con, “Con đã nỗ lực rất nhiều cho công việc đó. Chắc là con rất hài lòng.” Bạn cũng có thể làm tăng cảm giác tự tin của con bằng cách thường xuyên cho con thấy rằng bạn tin tưởng con. Chẳng hạn như, bạn có thể bảo đứa con thiếu tự tin của mình rằng hãy giữ giỏ và chìa khóa giùm mẹ.

Trong 1 Giăng 4:8, chúng ta biết rằng “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” Chúng ta có thể khích lệ con trao phó mọi điều lo lắng cho Chúa, nắm lấy tình yêu vô điều kiện của Ngài và được giải phóng khỏi sự sợ hãi.

Tôi đã có thể cắt bỏ và vứt đi những quả cà chua hư thối trong vườn, nhưng tôi vẫn sẽ không giải quyết vấn đề tiềm ẩn bên dưới. Điều này cũng giống với các con của chúng ta. Hành vi “xấu” chỉ đơn giản là sự phản ảnh về điều đang diễn ra bên trong lòng con của chúng ta. Khi chúng ta đào sâu để tìm biết đâu là nhu cầu tiềm ẩn đằng sau những hành vi sai trật của con, thì chúng ta sẽ có thể can thiệp tốt hơn bằng nhiều cách nhằm mang đến những thay đổi tích cực lâu dài.

Tác giả: Laura Kuehn
Thảo Anh dịch
(Nguồn: crosswalk.com)

Bài trướcTìm Kiếm Nước Đức Chúa Trời – 14/6/2021
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Quả Phụ Truyền Đạo Tình Nguyện Anưn