Sứ Điệp Chúa Phục Sinh

1624

SỨ ĐIỆP CHÚA PHỤC SINH

Giăng 20:19-23

 

Qua sự kiện phục sinh, Chúa Giê-xu đã trở thành Chúa của sự sống, mặc dầu Thánh Kinh miêu tả Chúa phục sinh cách đơn giản theo của ngôn ngữ con người: “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu của những kẻ ngủ” (I Côr 15:20). Nhưng theo thần học, Ngài là Chúa tể của sự sống, Ngài cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ (Khải huyền 1:18). Ngay sau khi phục sinh, Chúa Giê-xu với tư cách là Vua của sự sống, Ngài đã phán những lời rất quan trọng gọi là ‘Sứ Điệp Chúa Phục Sinh’.

 

Nhân ngày Kỷ niệm Chúa Giê-xu phục sinh, chúng ta suy ngẫm đề tài: SỨ ĐIỆP CHÚA PHỤC SINH, trên nền tảng Phúc Âm Giăng 20:19-23. Sứ điệp nầy gồm có 3 phần:

 

I. BÌNH AN CHO CÁC NGƯƠI!

“Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dn Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: Bình an cho cc ngươi! Nói đoạn, Ngài giơ tay và sườn mình cho mơn đồ xem. Các môn đồ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ” (câu 19,20).

 

Sứ điệp nầy Chúa truyền cho tất cả các sứ đồ và nam nữ thánh đồ vào buổi chiều của ngày Chúa phục sinh. Lúc ấy các môn đệ đang ở trong tâm trạng sợ hãi, người Giu-đa có thể bắt giết họ bất cứ lúc nào. Một phần vì buồn rầu về việc Chúa bị đóng đinh. Giữa lúc tâm trạng hoang mang lo lắng như vậy, Chúa Giê-xu xuất hiện đứng chính giữa họ và phán: “Bình an cho các ngươi!” Phán xong Ngài liền đưa tay và sườn cho các môn đệ xem. Sau khi các môn đệ nhìn xem tay và sườn Chúa, thì “họ đầy sự mừng rỡ”.

 

Tại sao Chúa Giê-xu đưa tay và sườn cho các môn đệ xem? Chúa biết rõ trong lòng các môn đệ, hình ảnh Ngài bị đóng đinh chết thảm vẫn còn in đậm trong tâm trí, đến nỗi họ không dám nghĩ đến. Thế nhưng Chúa Giê-xu lại đưa đôi bàn tay có dấu đinh với hông có dấu giáo đâm cho họ xem, lạ lùng thay sau khi họ nhìn thấy những vết thương đó, thì đầy sự vui mừng, vì họ tin chắc chắc rằng Chúa đã thật sống lại, không phải là một người nào khác, cũng chẳng phải là ma!

 

Đúng như vậy, sự bình an vui vẻ phước hạnh của tôi con Chúa có đuợc, không do các phương tiện bảo vệ trong đời nầy, cũng không do khôn khéo tự vệ, nhưng nó xuất phát từ những lằn roi đòn, những vết thương nơi tay, chơn và sườn Chúa phục sinh đem lại. Chính những vết thương đó bảo đảm cho tình yêu, sự bao dung che chở của Chúa đối với con cái Ngài (Ê-sai 53:5). Tâm linh người nào cảm nghiệm được những điều ấy, thì đời sống sẽ không còn lo lắng sợ hãi nữa. Biết bao tôi con Chúa xưa nay đã nhờ mục kích vết đinh nơi tay, chân và dấu giáo nơi sườn Chúa mà họ đã an tâm theo Chúa, hầu việc Chúa giữa muôn vàn khó khăn nguy hiểm.

 

II. “CHA ĐÃ SAI TA THỂ NÀO, TA CŨNG SAI CÁC NGƯƠI THỂ ẤY”

Sau khi Chúa đưa tay và sườn cho các môn đệ xem rồi thì phán: “Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Giăng 20:21). Đây là sứ điệp thứ hai Chúa truyền cho các sứ đồ, môn đồ trong ngày Phục sinh đầu tiên. Chắc chắn sứ điệp nầy đã làm cho các môn đệ vô cùng run sợ. Làm sao Chúa Giê-xu có thể sai phái họ như Đức Chúa Cha đã sai phái Ngài? Nhứt là trong tình cảnh các môn đệ mất hết can đảm, đóng cửa phòng ở, không dám đi ra ngoài! Sứ điệp nầy có ý nghĩa gì?

 

1. “Cha đã sai ta thể nào”

Để biết cách Đức Chúa Cha sai Đức Chúa Con như thế nào, chúng ta đọc Phi-líp 2:7,8 “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người, Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Đây là cách Đức Chúa Cha sai Đức Chúa Con vào đời. Trước hết Chúa Con phải tự bỏ mình đi, tức là không kể mình là Đức Chúa Trời quyền năng vô hạn, chấp nhận trở thành người, cam chịu thân phận nô lệ (đầy tớ). Chúa Giê-xu tự hạ mình xuống dưới bàn tay của con người, để cho con người bắt trói, đánh đòn, sỉ nhục, nhổ trên mặt, bắt vác cây thập tự đi quanh phố chịu sự bêu xấu, sau đó còn bị lột trần đóng đinh trên thập tự giá để sỉ nhục tỏ tường. Chúa Giê-xu chấp nhận vâng phục ý muốn Đức Chúa Cha, sẵn sàng chết trên thập tự giá để hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại. Chúng ta có chấp nhận để Chúa sai phái mình vào trong thế gian tiếp tục làm các công việc mà Chúa đã làm không ?

 

2. “Ta cũng sau các ngươi thể ấy”.

Nếu chấp nhận thì chúng ta sẽ thực hiện phần hai của sứ điệp nầy: “Ta cũng sai các ngươi thể ấy”, nghĩa là Chúa muốn chúng ta làm bốn điều: (1) “Liều mình vác thập tự giá mình đi theo Chúa” (2) Chấp nhận bị người đời ghen ghét vì mình thuộc về Chúa (3) Sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa để giữ đức tin và (4) Chịu đựng sự bắt bớ bách hại để rao giảng Phúc âm cứu vớt đồng loại. Mặc dầu tôi con Chúa đi vào thế gian «như chiên đi vào giữa bầy muông sói», nhưng vẫn được bình an vì có Chúa bảo vệ gìn giữ từng giây phút. Trải hơn 2000 năm qua đã có biết bao tôi con Chúa chấp nhận để Chúa sai họ đi vào thế gian cứu vớt người hư mất và họ đã đem vô số tội nhân về cùng Chúa. Ngày nay Chúa cũng sai quý tôi con Chúa y như vậy, chúng ta có vui lòng để Chúa sai phái không? Thế gian lắm người để cho những tổ chức gian ác như khủng bố, tội phạm xã hội đen, những kẻ lưu manh đầu gấu sai khiến làm nhiều điều tội ác giết người, thế mà họ vẫn cúi đầu làm theo. Trong khi Chúa sai chúng ta đi cứu người và đem phước hạnh sự sống đến cho mọi người, thì chúng ta lại chễnh mãn sao? Mỗi người hãy nhanh chóng thực thi sứ điệp Chúa Phục sinh ngay hôm nay.



III. HÃY NHẬN LÃNH ĐỨC THÁNH LINH

Đây là sứ điệp thứ ba: “Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” (Giăng 20:22). Sứ điệp nầy Chúa truyền cho tất cả nam nữ thánh đồ, không phân biệt (Giô-ên 2:28,29, Công vụ 2:4).

Trong công trình sáng tạo cũ (Sáng Thế ký 2:7), Đức Chúa Trời chỉ hà hơi trên ông A-đam, bà Ê-va không được hà hơi. Thế nhưng những người được chuộc trong công trình sáng tạo mới, tức là các Cơ Đốc nhân thì đều được hà hơi nhận lãnh Đức Thánh Linh để sống và phục sự Chúa. Người được hà hơi sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh để làm hai việc:

 

1. “Kẻ nào các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha”

Điều nầy không có nghĩa là con cái Chúa có quyền tha tội cho ai, mà nó có ý nghĩa giống như chiếc chìa khóa Chúa giao cho sứ đồ Phierơ trong Mat 16:19, cả hai đều nói lên uy quyền Chúa ban cho tôi con Chúa để công bố Phúc Âm giải phóng tội nhân ra khỏi gông cùm tội lỗi và xiềng xích Satan. Vậy con cái Chúa hãy cậy uy quyền Chúa ban mở miệng ra rao giảng Phúc Âm, dẫn đưa tội nhân đến với Chúa để giải phóng họ khỏi quyền lực tội lỗi và sự khống chế của Satan, hầu đem họ về cùng Chúa nhận được sự sống đời đời.

 

2. “Kẻ nào các ngươi cầm tội lại, sẽ bị cầm cho kẻ đó”

Thực ra tôi con Chúa cũng không có quyền buộc hoặc bỏ ai vào hỏa ngục. Nhưng khi tôi con Chúa không chịu làm chứng về Chúa cho tội nhân, cứ để họ đi vào cõi chết và âm phủ, thì ấy chính là hành động cầm buộc tội người ta lại để họ đi vào hỏa ngục: “Khi ta nói với kẻ dữ rằng: Mầy chắc sẽ chết! Nếu ngươi không răn bảo nó, không nói với nó đặng khuyên nó từ bỏ đường xấu để cứu mạng mình, thì người dự đó sẽ chết trong tội lỗi nó; nhưng ta sẽ đòi huyết nó nơi tay ngươi. Trái lại, nếu ngươi răn bảo kẻ dữ, mà nó không từ bỏ sự dự cùng đường xấu mình, thì nó sẽ chết trong tội lỗi nó; còn ngươi, thì giải cứu được linh hồn mình” (Ê-xê-chi-ên 3 :18,19).

 

Tóm lại, ba sứ điệp nầy rất nghiêm trọng, mỗi tôi con Chúa phải thực thi, nếu không chúng ta sẽ mắc nợ yêu thương với những linh hồn hư mất, và Chúa sẽ đòi máu họ nơi tay chúng ta. Cầu xin Chúa ban uy quyền cho tôi con Chúa để thực thi sứ điệp Chúa Phục sinh.

 

Tác giả: Doulos

Bài trướcBài thứ 90: An bình tuyệt diệu
Bài tiếp theoTHƠ: Bài Ca Rộng Mở