Sự Cao Trọng Thật

1859



     “Song trong các ngươi không như vậy; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”

(Mác 10:43-45)

 

     Giữa chúng ta có lẽ không có tham vọng nào phổ thông hơn, hay thúc bách hơn là ham muốn làm lớn để nhận được sự cao trọng. Ai là người làm lớn trong cộng đồng của bạn? Ai là những vĩ nhân trong thời chúng ta? Những nhân vật chính trị tên tuổi thường đăng trên các báo chăng? Những tỉ phú, những người có thế lực cao, những người có tài năng xuất chúng chăng? Hay là những người thực sự đã tung hoành trên thế giới này? Nói cách khác, có phải sự cao trọng chỉ về những người chúng ta gọi là thành công?

 

     Từ xưa đến nay, bao giờ cũng luôn có nhiều người hết sức nhiệt thành đi tìm sự cao trọng. Tham vọng của họ ở ngay chốn đông người, thí dụ như Gia-cơ và Giăng, là các môn đồ của Chúa Giê-xu. Hai người này chẳng phải vô cớ được gọi là Con Trai Của Sấm Sét.  Họ chăm vào những địa vị cao trọng trong vương quốc do Chúa Giê-xu sắp thiết lập. Họ “đến gần Ngài mà thưa rằng: Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin.  Ngài hỏi rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? Thưa rằng: Khi thầy được vinh hiển, xin cho chúng tôi một đứa ngồi bên hữu, một đứa bên tả” (Mác 10:36-37).  Bạn có quen biết những người nào giống như thế không?  Họ chen nhau tranh giành cho được vị trí nổi trội. Họ đang nhắm tiến đến tột đỉnh và chẳng cần quan tâm đến có ai biết hay không. Dầu vậy, không phải mọi người đều tiến thân như thế. Có thể chúng ta đang thực hiện theo một phương cách khác.

 

     Mác 10:41 cho biết “Mười sứ đồ kia nghe sự xin đó, thì giận Gia-cơ và Giăng.” Theo chúng ta biết, mười môn đồ kia không hề lên tiếng xin những địa vị như thế trong vương quốc hầu đến. Nhưng trên thực tế, khi nghe việc Gia-cơ và Giăng đang làm, họ đã tức giận.  Điều gì ẩn đàng sau sự phẫn nộ đó? Vì sao có sự tức giận? Hãy nghĩ đến những cảm giác mà đôi khi chúng ta có. Vì sao chúng ta rất bực bội khi cảm thấy sự tự phụ và tự quảng cáo ở nơi người khác? Có phải một phần vì đó là những mong mỏi của chúng ta, những ao ước bất thành của chúng ta không? Có thể nói, đấy là khác biệt giữa Gia-cơ và Giăng với các môn đồ còn lại. Chúng ta đều có những phương cách khác nhau, nhưng dù hăm hở hay rụt rè, công khai hay âm thầm, chúng ta thảy đều ấp ủ những giấc mơ được làm lớn.

 

     Chúa Giê-xu dạy dỗ cho những người này hết sức ấn tượng. Trước hết Ngài trả lời: “Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén ta uống, và chịu được phép báp-tem ta chịu chăng?” Họ trả lời thẳng thắn: “Được,” dường như để bảo: Chúng tôi có thể giải quyết được. Chúa Giê-xu công nhận họ nói đúng nhưng Ngài nói cho họ biết rằng điều họ đang xin không thuộc thẩm quyền của Ngài. Toàn bộ vấn đề đó nằm trong tay Đức Chúa Cha. Nhưng điều đáng lưu ý là Chúa không quở trách họ vì đã xin như vậy.  Ngài không nói cách khắt khe: “Không có chỗ cho tham vọng và thói dương dương tự đắc như thế giữa những người theo ta đâu!”  Trái lại, Ngài thấy lời cầu xin của họ là xứng đáng. Bằng chứng là họ có đức tin nơi Ngài – họ tin Ngài sẽ có một vương quốc, có tình yêu và họ muốn luôn được ở gần bên Ngài. Ngài dịu dàng hỏi họ: Các ngươi có uống được chén ta uống, và chịu được phép báp-tem ta chịu chăng?”

 

     Chúa Giê-xu không bao giờ làm suy yếu những tham vọng trong bạn. Khao khát để được làm người độc đáo, để tạo một thành công có ý nghĩa trong đời, để được sống đầy trọn tiềm năng của mình, đấy là điều đúng, thậm chí còn tốt nữa. Chẳng có gì gọi là kính sợ Chúa khi chúng ta chỉ thỏa lòng với những điều bình thường mà chẳng có chút tham vọng nào. “Bạn phải có một hoài bão. Nếu không có hoài bão làm sao biến ước mơ thành hiện thực?” Đức Chúa Trời là Đấng đã đặt điều đời đời trong lòng chúng ta và đã nhen lên những hoài bão ấy trong chúng ta, thì Ngài luôn trân trọng những khát vọng chính đáng của bạn để được cao trọng.  Hãy nhớ điều đó. Bạn không cần phải hổ thẹn về những ngọn lửa tham vọng ấy đang bùng cháy trong bạn. 

 

     Việc Chúa Giê-xu đã dạy dỗ cho các môn đồ Ngài, và cũng cho chúng ta ngày nay, để loại bỏ nếp suy nghĩ tiêu cực của chúng ta về ý nghĩa của cao trọng. Quan niệm thông thường về sự cao trọng của con người đời nầy đã hoàn toàn đi lệch mục đích thật trong Chúa. Chúa Cứu Thế phán: “Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân.” Theo quan điểm này, người làm lớn là người trút hết gánh nặng của họ cho người khác rồi sai khiến người khác, còn mình thì không làm. Họ là những người có vẻ như điều khiển cả thế giới và bắt người khác phục vụ mình. 

 

     Nhưng Chúa Cứu Thế dạy: “Song trong các ngươi không như vậy.” Nói cách khác, đó không phải là khuôn mẫu của Đức Chúa Trời. Rồi Ngài phán một điều rất khác lạ và kinh ngạc đến nỗi dường như làm một cuộc cách mạng: “Hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người.”

 

     Chúa Cứu Thế hỏi: Các ngươi muốn làm lớn sao? Vậy hãy phục vụ người khác. Chữ này nguyên văn có nghĩa là làm người hầu bàn. Hãy đến phục vụ họ. Hãy làm thành những ước muốn của họ. Hãy đáp ứng nhu cầu của họ. Hãy đặt mình dưới quyền sai khiến của họ.  Đó là kiểu cao trọng kỳ lạ quá phải không?  Chúa Giê-xu lại hỏi: Các ngươi muốn làm người đứng đầu, người quan trọng nhất, người số một phải không? Ai lại không muốn? Rồi Ngài phán tiếp: Thế thì các ngươi hãy bắt tay vào làm công việc của một đầy tớ ngay từ bây giờ. Hãy phục vụ ngay đi. Chúa Giê-xu, Vua của thiên đàng vinh hiển cao sang tột cùng, nhưng Ngài đã hạ mình lấy mặc lấy áo của người đầy tớ. “Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người;” ( Phi-líp2:6-7)

 

     Dựa vào lời phán của Chúa Giê-xu, “Ai là người cao trọng thật?” Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những bà mẹ đã dành hết khoảng thời gian của đời mình để chăm sóc, phục vụ gia đình, ban tặng cho các con bà cả một kho tàng yêu thương và trìu mến. Những y, bác sĩ đã hy sinh quyền lợi riêng mình, dành thì giờ đi khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, phục vụ cho những người nghèo vùng sâu, vùng xa của mọi miền đất nước. Thiết tưởng, tên của họ rất xứng đáng đứng đầu danh sách của những người được kính trọng trong vòng chúng ta.

 

     Chẳng phải là chuyện quan trọng sao nếu bức tranh toàn cảnh trong thế giới này bằng cách nào đó bị đảo ngược? Điều gì xảy ra nếu người quan trọng nhất trên sân cỏ không phải là vận động viên ngôi sao bóng đá, nhưng lại là người giúp việc của đội bóng phát khăn lau mặt và chạy đi nhặt từng vỏ cam? Điều gì xảy ra nếu người ta thấy người nữ vĩ đại nhất không phải là nhân vật được in hình trên bìa báo nhưng là một cô gái trẻ thầm lặng tại một bệnh viện nọ đang mỉm cười với bệnh nhân và sẵn sàng làm công tác phục vụ của một người lao công?  Điều ấy chẳng quan trọng sao?

 

     Chúa Giê-xu nói, ngay cả Con Người cũng đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” Bí quyết nằm ở đó. Đấng đã sống ở giữa chúng ta từng tự xưng là Con Người, nhưng Ngài không hề trút gánh nặng của mình cho người khác. Ngài có tâm tình nhu mì và khiêm nhường, luôn đứng về phía người nghèo, người thất thế, thậm chí về phía những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài dành thì giờ chăm sóc trìu mến cho người bệnh, người cô đơn và người sầu khổ.  Thế nhưng khi dân chúng muốn tôn vinh Ngài lên làm vua, Ngài lại âm thầm rút lui khỏi họ. Khi các môn đồ thân thiết của Ngài tỏ ra vô tình và ích kỷ, thì đang ăn, Ngài bèn đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình, đổ nước vào chậu, và rửa chân cho từng môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.  Và cuối cùng, Ngài đã phó chính Ngài chịu chết trên cây thập tự để những người đang đau thương được Ngài yêu, có sự sống đời đời. 

 

     Giờ đây Ngài sống lại rồi. Sự Chết và Âm phủ không cầm giữ được Ngài. Ngài sống lại từ cõi chết bởi quyền phép của Đức Chúa Trời. Giờ đây Ngài được gọi là Vua muôn vua và Chúa muôn chúa. Hết cả quyền phép trên trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Danh Ngài là Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Đức Chúa Trời Quyền Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An. Mọi đầu gối trên trời dưới đất bên dưới đất thảy đều quỳ xuống trước Ngài trong ngày sau rốt và mọi lưỡi thảy đều xưng Ngài là Chúa.

 

     Bấy lâu nay chúng ta bị lừa dối bởi những ý tưởng cao trọng sai lầm, và vẫn cứ xử sự cách dại dột. Quan niệm của thế gian về sự cao trọng đã bị vạch ra cho thấy là hoàn toàn sai lầm qua đời sống và chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vấn đề không phải là bạn nhận được gì, mà là bạn cho gì. Không phải bạn đã thành công cách nào nhưng là phục vụ cách nào. Không phải bạn trở nên cao trọng nhờ đầu đội vương miện, nhưng chính là tấm lòng biết quan tâm người khác. Con đường dẫn mỗi chúng ta đến sự cao trọng thật chính là theo dấu chân Chúa Giê-xu và thông công với Ngài mỗi ngày.

 

Tiến sĩ William C. Brownson

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.