Sống Với Lòng Can Đảm – Chương IV

789

Sống Cuộc Đời Can Đảm

 

Được trưởng thành trong những năm 1960 là “một đặc ân lớn lao,” Os Guiness viết trong cuốn The Call (Tạm dịch: Sự Kêu Gọi) (). Không ai có thể tự nhiên có được bất cứ điều gì. Đối với những người biết suy xét, mọi thứ phải qua thử nghiệm và rồi trở lại điểm khởi đầu. “Thách thức này được thể hiện rõ ràng hơn hết trong việc biết điều mình tin và lý do mình tin điều đó.”

 

Đó là là thế hệ của tôi—mọi thứ được yêu mến bởi “sự kiến tạo” và thế hệ trước đây không đơn thuần xem như một sự lựa chọn, nó được xem như một cấu trúc nặng nề cần được tháo dỡ. Những giá trị và những thứ tự ưu tiên trong thế giới của cha mẹ tôi bị nghi ngờ và khước từ một cách rộng rãi bởi một thế hệ chưa từng trải qua những kinh nghiệm hình thành cuộc sống từ thời kỳ Đại suy thoái Kinh tế Toàn cầu và Thế Chiến II. Có quá ít sự quan tâm tìm hiểu bằng cách nào chúng ta mới có được như hôm nay; chỉ có ước muốn chống đối, kháng cự, và loại bỏ thẩm quyền mà thôi.

 

Tương tự, trong thời của Đa-ni-ên, ông đã chứng kiến nhiều điều. Khi còn trẻ ông đã bị bắt đem khỏi gia đình và quê nhà ở Giê-ru-sa-lem đến xứ Ba-by-lôn ngoại bang. Ông được biệt riêng để phục vụ hoàng gia và đã thăng tiến đến vai trò làm người cố vấn quan trọng cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, và nhìn thấy bằng chứng về sự can thiệp của Đức Chúa Trời trên mỗi bước đường. Tuy nhiên, trong tất cả những kinh nghiệm tuyệt vời mà Đa-ni-ên đã trải qua, một trong những điều ý nghĩa nhất là nhận thức thuộc linh làm thay đổi đời sống của vua . Chúng ta chỉ có thể hình dung được sự thay đổi trong nhà vua đã thay đổi vương quốc của ông như thế nào, nhưng trong những năm tiếp theo của triều đại Nê-bu-cát-nết-sa chắc hẳn cũng được điều chỉnh bởi sự nhận biết của ông về quyền tối cao của Vua Thiên đàng. Bản thân tôi nhìn thấy hình ảnh thời kỳ vàng son ở Ba-by-lôn với một vị vua công bình chứ không còn độc ác. Không chỉ có quyền lực, mà còn có được sự tôn kính. Một kiểu mẫu mới.

 

Tuy nhiên, bất cứ một sự thiết lập nào về công bình và tôn trọng như thế cũng sẽ mất đi cùng với Nê-bu-cát-nết-sa. Cuối cùng, người thay thế ngôi vị của ông là là một người hoàn toàn hoàn toàn đối lập với mọi điều Nê-bu-cát-nết-sa đã tin cậy. Như thế hệ của chúng ta vào những năm 1960, thay vì coi trọng di sản của ông để lại, con người đó đã không thừa nhận nó.

 
Một Vị Vua Mới

Khi xem những kinh nghiệm tiếp theo của Đa-ni-ên tại Ba-by-lôn, chúng ta sẽ thấy một vị vua mới—một người bác bỏ tất cả, đặc biệt Đức Chúa Trời mà Nê-bu-cát-nết-sa đã quay trở lại nhiều năm trước đó (Đa-ni-ên 4:34-37). Và, ông tìm cách làm mọi điều có thể để níu giữ những điều ngược lại, đưa vương quốc trở lại với tà thần mà Nê-bu-cát-nết-sa đã từ bỏ để thuận phục Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên.

 

Vào năm 538 T.C, hai mươi ba năm sau khi Nê-bu-cát-nết-sa băng hà, một vị vua mới là Bên-xát-sa, cháu nội của Nê-bu-cát-nết-sa, một người sùng bái bất cứ thần tượng nào ngoại trừ Đức Chúa Trời Chân Thần. Đó là sự sùng bái mà sẽ đem đến sự sụp đổ của ông và cả sự tàn diệt đối với vương quốc của ông.

 

Thành Ba-by-lôn nằm trong sự vây hãm bởi những quân đội của đế chế Mê-đô Ba Tư. Nhưng nhà vua đang hành động một cách kỳ quặc. Giống như Nê-rô, hoàng đế La Mã chơi đàn trong khi thành Rô-ma bị đốt, Bên-xát-sa ra lệnh ăn mừng quốc lễ – mặc dầu sự vây hãm đang đe dọa thành phố.

 

Vua Bên-xát-sa dọn tiệc lớn đãi một ngàn đại thần mình, và vua uống rượu trước mặt họ (Đa-ni-ên 5:1).

 

“Bạn không thể thoát khỏi trách nhiệm của ngày mai bằng cách trốn tránh nó hôm nay.”—APRAHAM LINLCON

 

Tại sao có sự ăn chơi thảnh thơi như vậy trong thời điểm này? Vài lý do có thể như: Thứ nhất, vua muốn đặt dân chúng vào sự thảnh thơi để bảo đảm với họ rằng ông đang kiểm soát được tình hình. Như một người huýt sáo cách căng thẳng trên đường qua nghĩa địa, nhà vua cố gắng tạo ra một bầu không khí yên bình mặc dầu đang lâm nguy. Thứ hai, Bên-xát-sa muốn thể hiện uy quyền của vương quốc mình. Thứ ba, ông ta muốn tán dương các thần của Ba-by-lôn. Những thần tượng này được khắc họa trên các bức tường của sảnh tiệc, và Bên-xát-sa dẫn đầu việc nâng ly tán tụng từng thần trong số đó.

 

Kế đến, khi mọi người đã uống say, nhà vua đã phạm phải một sai lầm tai hại.

 

Vua Bên-xát-sa đương nhấm rượu, truyền đem những khí mạnh bằng vàng và bạc mà vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha mình, đã lấy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, hầu cho vua và các đại thần, cùng các hoàng hậu và cung phi vua dùng mà uống. Người ta bèn đem đến những khí mạnh bằng vàng đã lấy từ trong đền thờ của nhà Đức Chúa Trời, tại Giê-ru-sa-lem; và vua cùng các đại thần, các hoàng hậu và cung phi mình dùng mà uống. Vậy họ uống rượu và ngợi khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá (5:2-4).

 

 

“Loại bỏ những cảm xúc có hại dễ hơn là kiểm soát, và từ chối không cho chúng xâm nhập dễ hơn là điều khiển sau khi chúng bước vào.”—SENECA

 

Hãy nhớ rằng, vương quốc đang bị bao vây và nhà vua đang cố tìm cách để chống đỡ vương quốc đang lung lay của mình. Vì thế, trong trạng thái say xỉn, ông truyền đem những bình của đền thờ được lấy từ Giê-ru-sa-lem nhiều năm trước đó đến. Tại sao ông làm điều này? Có lẽ ông mong muốn không bị khuất phục trước Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Có lẽ ông muốn chứng tỏ lời tiên tri trước đây (của Đa-ni-ên dành cho ông nội của Bên-xát-sa) về sự sụp đổ của Ba-by-lôn là không đúng. Có lẽ ông nhớ lại thế nào Đa-ni-ên đã làm cho Nê-bu-cát-nết-sa khiêm nhường và ông muốn thể hiện mình là siêu việt.

 

Với bất kỳ lý do gì, trong lúc lẽ ra Bên-xát-sa phải kiêng ăn, ông lại ăn chơi trác táng, ông bày tỏ tất cả sự khinh thường đối với Đức Chúa Trời Chí Cao. Ông uống để tán tụng những thần tượng của mình bằng những bình được biệt riêng để thờ phượng Đức Chúa Trời.

 
Một Thách Thức Mới

 

Sự nhạo báng của Bên-xát-sa không thể bỏ qua, và những hậu quả đến ngay tức thì. Người ta nói “gieo gió, gặt bão.” Đối với Bên-xát-sa, bão đang đến!

Chính giờ đó, có những ngón tay của bàn tay người hiện ra, viết trên vôi tường cung vua, đối ngay chỗ để chân đèn; và vua trông thấy phần bàn tay đó đương viết. Bấy giờ vua biến sắc mặt, các ý tưởng làm cho vua bối rối; các xương lưng rời khớp ra, và hai đầu gối chạm vào nhau. Vua kêu lớn tiếng truyền vời các thuật sĩ, người Canh-đê, và thầy bói đến. Đoạn, vua cất tiếng và nói cùng những bác sĩ của Ba-by-lôn rằng: Ai đọc được chữ nầy và giải nghĩa ra cho ta, thì sẽ được mặc màu tía, được đeo vòng vàng vào cổ, và được dự bậc thứ ba trong việc chính trị nhà nước (5:5-7).

 

Bên-xát-sa tức thì tỉnh rượu. Ông trở nên tái nhợt và yếu ớt, hai đầu gối chạm vào nhau. Trước đó, ông uống quá nhiều nên không thể đứng vững. Giờ đây ông quá khiếp sợ đến mức không thể đứng được!

 

Ông lập tức đưa ra một giải thưởng cho bất kỳ ai có thể giải nghĩa những chữ viết, và giải thưởng cực kỳ lớn! Bên-xát-sa đã nhận lãnh cương vị quản lý của ngai vàng, vì lịch sử cho chúng ta biết cha của ông, vua Nabonidus đã hóa điên và được chuyển đến cung điện mùa hè tại Shushan. Vì cha của mình còn sống, Bên-xát-sa trông coi ngai vàng khi cha vắng mặt, “bậc thứ ba” là vị trí quyền lực cao nhất của vương quốc!

 

Mặc dầu điều này còn hơn là một đề nghị hào phóng, nhưng tất cả những nhà thông thái của vua đều thất bại, và vua “bối rối lắm; sắc mặt người đổi đi; các quan đại thần đều bỡ ngỡ” (5:8-9). Giờ đây Bên-xát-sa đối mặt với một tình huống mà ông không thể làm chủ được, và ông đã mất kiểm soát.

 

Và rồi, một giải pháp đến từ một nơi không ai nghĩ đến.

 

Bà thái hậu, vì cớ lời của vua và các quan đại thần đã nói, bèn vào trong phòng tiệc, cất tiếng nói rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! Xin vua chớ để tư tưởng bối rối, chớ đổi sắc mặt đi! Trong nước vua có một người, linh của các thần thánh ở trong nó. Về đời vua cha, người ta thấy trong nó có ánh sáng, sự thông minh, khôn ngoan, như sự khôn ngoan của các vị thần. Vậy nên vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha vua, chính cha vua, đã lập người lên làm đầu các đồng bóng, thuật sĩ, người Canh-đê và thầy bói, bởi vì Đa-ni-ên mà vua đã đặt tên là Bên-tơ-xát-sa, trong người có linh tánh tốt lành, có sự thông biết và khôn sáng để giải được những điềm chiêm bao, cắt nghĩa được những câu kín nhiệm, và làm cho những sự hồ nghi tan chảy. Vậy bây giờ hãy sai gọi Đa-ni-ên, và người sẽ giải nghĩa cho.

 

Thái hậu biết rõ lịch sử. Nhưng lưu ý bà là ai. Bà không phải hoàng hậu, không phải vợ của Bên-xát-sa, vì chúng ta được cho biết rằng những vợ của vua đã ở trong phòng yến tiệc rồi (5:3), thậm chí đang bị xem là đáng hổ thẹn và trái ngược với nghi thức hoàng gia. Bà cũng không phải là hoàng hậu, là vợ của vua Nabonidus, vì hoàng hậu đó đang ở Shushan để chăm sóc cho người chồng điên loạn của mình. Không, đây chắc chắn là thái hậu Amytis, vợ của Nê-bu-cát-nết-sa. Ông quá yêu bà đến nỗi xây dựng cho bà những vườn treo của Ba-by-lôn, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, để cho bà bớt nhớ nhà, vì nhà của bà nằm trên ngọn đồi xanh thẳm của miền quê. Bà đã trải qua những kinh nghiệm của vua Nê-bu-cát-nết-sa (Đa-ni-ên 4) và hiểu rõ những gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào. Bà không chỉ biết rõ lịch sử mà còn sống trong nó!

 
Một Cơ Hội Mới

Đa-ni-ên, bấy giờ là một cụ già hơn tám mươi tuổi, được vời đến gặp vua. Thật là một cảnh ấn tượng! Thử tưởng tượng Đa-ni-ên đang đứng đó, giữa một sảnh tiệc cùng với sự sùng bái thần tượng và vô luân của nó, trước một ông vua đang coi thường Đức Chúa Trời mà Đa-ni-ên yêu mến và thờ phượng. Tưởng tượng điều gì xảy ra trong lòng người đàn ông tin kính này, một người đang một lòng sống cuộc đời thánh khiết.

 

Bên-xát-sa đề nghị với Đa-ni-ên cả sự thăng tiến và phần thưởng lớn cho sự giải nghĩa những chữ bàn tay viết trên tường.

 

Ta đã nghe nói về ngươi rằng linh của các thần ở trong ngươi, và người ta đã thấy trong ngươi có ánh sáng, sự thông minh, và khôn ngoan lạ thường. Bây giờ những bác sĩ và thuật sĩ đã được đem đến trước mặt ta để đọc những chữ nầy và giải nghĩa cho ta; nhưng họ không giải nghĩa được. Ta nghe nói rằng ngươi có thể giải nghĩa và làm cho những sự hồ nghi tan chảy. Vậy nếu ngươi đọc được chữ nầy và giải nghĩa cho ta, thì sẽ được mặc màu tía, sẽ mang vòng vàng nơi cổ, và dự chức thứ ba trong việc chính trị nhà nước (5:14-16).

 

Lưu ý rằng Đa-ni-ên không bày tỏ cùng mức độ cảm thương đối vị ông vua này như ông đã từng bày tỏ với Nê-bu-cát-nết-sa. Ông thẳng thừng từ chối món quà của vua và vạch trần tội lỗi của ông ta. Đối với Nê-bu-cát-nết-sa, ông đã tư vấn với lòng thương cảm. Đối với Bên-xát-sa, ông công bố với sự nổi giận thực sự.

 

 

Đâu là nơi có được sự cao trọng nếu thiếu đi sự chân thật?—CICERO

 

Đa-ni-ên bảo vua giữ lại các giải thưởng. Tiếp theo, ông cho vua một bài học lịch sử. Bài học này trở lại với những ngày trong thời của Nê-bu-cát-nết-sa, ông nội của vua, và phơi bày nan đề mà ông đã gặp phải vì sự kiêu ngạo—một nan đề mà cháu nội của ông, Bên-xát-sa cũng đang mắc phải (5:18-21).

 

Trước khi Đa-ni-ên giải nghĩa những chữ viết tay, ông cũng công bố sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với Bên-xát-sa và xác quyết rằng tội của vua không phải là tội không biết: “…dầu vua đã biết hết các việc ấy, mà lòng vua cũng không chịu nhún nhường chút nào” (Đa-ni-ên 5:22).

 

Tội lỗi của nhà vua không phải là tội không biết. Tội đó là …

·         Kiêu ngạo, được nhìn thấy qua tinh thần ngang ngạnh của vua;

·         Nhạo báng, thể hiện qua việc làm ô uế các bình của đền thờ;

·         Sùng bái thần tượng, được chứng minh bởi việc thờ lạy thần tượng của vua;

·         Phản nghịch, vì vua từ chối để Chúa là Đức Chúa Trời (5:23).

 

Tất cả những điều này xứng đáng với hình phạt của Đức Chúa Trời, và thông điệp viết tay trên tường cho thấy hình phạt đó đang xảy ra:

“MÊ-NÊ, MÊ-NÊ, TÊ-KEN, U-PHÁC-SIN.”

MÊ-NÊ là: Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng.

TÊ-KEN là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy là kém thiếu.

PHÊ-RẾT là: Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ (5:26-28).

 

Hình phạt đang được thực thi. Không có đề nghị nào để giảm nhẹ hay cứu chữa; không có lối thoát nào, không có cách nào thoái thác, không có kỹ thuật nào—chỉ có những hậu quả của những lựa chọn ngu ngốc của Bên-xát-sa mà thôi.

 

Ngay đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-sa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai (5:30-31).

 

“Thật khó kiên nhẫn với những người nói rằng ‘Không có sự chết’ hay ‘Chết không phải là vấn đề.’ Có sự chết. Và bất cứ điều nào cũng là vấn đề. Và bất cứ điều gì xảy ra cũng đều có những hậu quả, và những hậu quả đó thì không thể nào hủy bỏ hay thay đổi được.”—C.S LEWIS

 

“Ngay đêm đó” những bức tường thành của Ba-by-lôn dường như không thể nào xuyên thủng được đã bị đâm thủng bởi những đội quân của người Mê-đô Ba Tư và thành đã bị đánh hạ. Sử gia Xenophon cho chúng ta biết tướng của Si-ru, Gobryas, đã chinh phục Ba-by-lôn bằng cách ngăn đập con sông chảy dưới các tường thành và dẫn vào trung tâm thành. Sau đó hành quân bên dưới tường thành và đánh chiếm thành.

 

Tuy nhiên, lưu ý rằng trước khi Bên-xát-sa bị giết và nước của ông bị xâm chiếm, ông đã truyền ban những phần thưởng cho Đa-ni-ên, bao gồm vị trí thứ ba trong việc cai trị nhà nước.

 

 

* * *

Bên-xát-sa, người đã bị bại hoại bởi cùng thứ kiêu ngạo mà gần như hủy hoại ông nội của ông, người từng cố thách thức Đức Chúa Trời. Nhưng ông đã thất bại. Hậu quả là ông “bị cân trên cái cân, và thấy là kém thiếu.” Điều này đặt ra câu hỏi mà mỗi chúng ta cần phải trả lời: Tôi được đo lường như thế nào?

 

Tôi được đo lường như thế nào? Không phải trong mắt của đám đông nhưng trong mắt của Đức Chúa Trời?

 

Điều chúng ta không bao giờ được phép quên là chúng ta được kêu gọi trước hết và trên hết là để sống trước mặt Vị Khán giả Duy nhất—không phải những người khác. Nguyện chúng ta sống theo tiêu chuẩn phù hợp với thiết kế của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của chúng ta. Phải sống như Đa-ni-ên đã sống, để được đo lường chỉ bởi Chúa mà thôi.

 

Đó là ước muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời, và chỉ mình Đức Chúa Trời. Và đó là ước muốn đem đến cho Đa-ni-ên lòng can đảm để đối diện và quở trách nhà vua. Sự hiện diện không thay đổi của Đức Chúa Trời trong đời sống của Đa-ni-ên đã đem lại cho ông một quyết định sắt đá. Và như lỗ hổng đạo đức của Bên-xát-sa đã đem đến những hậu quả nhất định cho cuộc đời ông ta, lòng can đảm của Đa-ni-ên đã đem đến những kết quả lâu dài trong đó có di sản về nhân cách và sự trung tín của ông.

 

Những kết quả trước mắt là gì? Bên-xát-sa đã giữ lời. Trước khi ông bị giết và nước của ông bị xâm chiếm, ông truyền ban những phần thưởng cho Đa-ni-ên.

 

Tức thì, theo lệnh truyền của vua Bên-xát-sa, người ta mặc màu tía cho Đa-ni-ên; đeo vào cổ người một vòng vàng, và rao ra rằng người được dự chức thứ ba trong việc chính trị nhà nước (5:29).

Bài trướcLễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Cơ Sở Làm Việc Tin Lành Tỉnh Đăk Lăk
Bài tiếp theoTHƠ: Giê-xu đến!