Sống Với Lòng Can Đảm – Chương I

1588

Những bài học từ cuộc đời của Đa-ni-ên

(Chuyển ngữ từ cuốn Living with Courage: Lessons from the Life of Daniel của Bill Crowder)

Với sự cho phép của RBC Ministry

 

 

 

 

 

 

Nội dung

Lời tri ân

Lời giới thiệu

Chương 1: Sống Cuộc Đời Khác Biệt

Chương 2: Sống Cuộc Đời Tin Cậy

Chương 3: Sống Cuộc Đời Quan Tâm

Chương 4: Sống Cuộc Đời Can Đảm

Chương 5: Sống Cuộc Đời Tận Hiến

 

  

 

Lời tri ân

Khi viết, bạn đứng trên vai của những người đi trước, của kiểu mẫu dạy dỗ tác động đến tư tưởng của bạn. Đối với cá nhân tôi, người đó là Tiến sĩ Donald K. Campell, hiệu trưởng danh dự của Trường Thần học Dallas (Dallas Theological Seminary). Tôi thích cách kể chuyện các nhân vật trong Kinh Thánh khi tiếp thu cách ông giải luận về cuộc đời của Đa-ni-ên trong tác phẩm Daniel:Decoder of Dreams (Tạm dịch: Đa-ni-ên: Người Giải Mộng), tôi mang ơn ông về những hiểu biết sâu sắc của ông. Tôi biết ơn về sự khôn ngoan và tính thực tiễn của ông, vì Campell đã dạy tôi giá trị của việc dùng lời Kinh Thánh và sự hoà quyện với tấm lòng và đời sống của những người mà từng trải của họ được miêu tả qua lời đó. Cho đến hôm nay, gương mẫu của ông tiếp tục tác động đến chức vụ giảng dạy của tôi, tôi rất biết ơn ông về điều đó. 

 

 

Lời giới thiệu

Vào thập niên 1960, người dân Mỹ phải chiến đấu trên nhiều chiến trường. Tại Việt Nam, những người lính Mỹ đang chết dần trong một cuộc chiến tranh không được ủng hộ. Ở quê nhà, người dân bị vướng vào hàng loạt những xung đột, mỗi cuộc xung đột đó viết nên những chương mới trong lịch sử nước Mỹ. Có những cuộc xung đột phát sinh khi những người trẻ bắt đầu thách thức mọi thẩm quyền, từ các trường đại học và các chủng viện đến sự dồi dào mà thế hệ cha ông phải khó khăn lắm mới có được đã để lại cho họ. Sự xung đột về chủng tộc xảy ra khi một cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã dũng cảm đứng lên để đòi quyền bình đẳng của mình thông qua hiến pháp. Bạo loạn nổi lên từ những cuộc phản kháng trong học đường để biểu tình chống lại những điều khoản chính trị – và thậm chí có những cuộc mưu sát các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội. Có những cuộc xung đột về tôn giáo, chẳng hạn các truyền thống lịch sử của những nhà thờ đã có tổ chức lâu đời bị thách thức bởi một phong trào cuồng nhiệt của giới trẻ tự xưng là Jesus People (Tạm dịch Người của Giê-xu).

 

Sự nổi dậy này báo hiệu cho những xung đột xã hội (vụ Watergate[1], Iran-Contra[2], quyền phá thai, phong trào nữ quyền, v.v) đe dọa nghiêm trọng đến sự thống nhất quốc gia. Như chúng ta biết, những Cuộc chiến tranh Văn hóa phân chia các vấn đề đạo đức xã hội thường liên quan đến niềm tin tôn giáo. Những căn nguyên như những quan điểm khác nhau về học thuyết về Đức Chúa Trời, về thế giới, sự công chính, bản tính con người, và sự tự do đã dẫn đến những hướng đi hoàn toàn khác biệt của sống và chết. Những sự khác biệt về nền tảng đức tin ảnh hưởng rõ ràng đến cách sống và cách xã hội được định hình.

“Trong thế giới ngày nay, những khác biệt được nhìn thấy để tạo nên một sự khác biệt. Những niềm tin có những hệ quả.”
 – OS GUINESS

Trong quá khứ, có những con người của đức tin đã ẩn mình khỏi xã hội để bước vào những cộng đồng tách biệt khỏi những xung đột về văn hóa (như nhóm Amish, Quaker, một số nhóm Menonite, và một số nhóm khác). Một số khác tự thành lập những nhóm hoạt động chính trị (như nhóm Đạo đức chính yếu, Liên minh Cơ Đốc, hay Liên minh người Mỹ vì những Giá trị Truyền thống). Một số khác nhận thấy mình được kêu gọi để sống cuộc đời như thế, trong tay Đức Chúa Trời, một đời sống có thể tạo nên sự khác biệt—thậm chí không có sự bảo đảm về các quyền công dân, ngay cả sống trong một nền văn hóa ngoại quốc (như vô số giáo sĩ phục vụ ở những nền văn hóa khó khăn bi thảm ở dưới sự đe dọa của chết chóc).

 
 
Sự Ảnh Hưởng Của Một Cuộc Đời

Khoảng sáu trăm năm trước khi Đấng Christ giáng sinh, một người đàn ông từ xứ Giu-đa nhìn thấy đất nước của mình bị giày xéo và cuộc đời của mình bị hủy hoại. Cùng với một nhóm những người Do Thái bị phu tù khác, người đàn ông – Đa-ni-ên – bị dẫn ra khỏi quê hương của mình đến một nơi được gọi là Ba-by-lôn—một nền văn hóa cách xa hàng trăm dặm và nhiều ‘năm ánh sáng’ so với Giê-ru-sa-lem. Trong vùng đó, ngay nay được biết đến là Iraq, Đa-ni-ên trải qua thử thách của việc sống với đức tin trong một nền văn hóa nhiệt thành với những khung giá trị và những ưu tiên khác xa một trời một vực so với của ông.

 

Trong thế giới mới đó, Đa-ni-ên và những người bạn của ông đã sống với lòng tin quyết của đức tin, mà điều đó sớm đặt họ không chung đường với những kẻ bắt giam họ. Tuy nhiên, ở giữa thế giới ngoại bang này, Đa-ni-ên trở thành một lãnh đạo chính phủ, phục vụ trong những vị trí được chọn dưới trướng của ba vị vua; là một nhà viết sử, ký thuật lại những điều Đức Chúa Trời đã làm trong thời của ông; và là một tiên tri, nói trước tương lai và rao giảng lẽ thật cho các bậc cầm quyền.

 

Đối với chúng ta, cả những thời đại sau này, Đa-ni-ên luôn là một tấm gương để học hỏi về cách một người sống với đức tin cá nhân trong một nền văn hóa địch thù. Trong những trang sau, chúng ta sẽ nhìn thấy những điều Đức Chúa Trời mặc khải về chính mình Ngài trong sự tiết lộ đầy kịch tính của Đa-ni-ên có thể đem chúng ta chạm đến những mục đích đời đời tuyệt vời của cuộc sống.

 


Chương I:  SỐNG CUỘC ĐỜI KHÁC BIỆT

 

Mở đầu câu chuyện của Đa-ni-ên, Giu-đa đang bị xâm lược đúng như lời tiên tri Giê-rê-mi báo trước. Hơn hai mươi năm, tiên tri Giê-rê-mi đã kêu nài dân Giu-đa quay về với Đức Chúa Trời của họ. Ông cảnh báo rằng họ sẽ bị bắt làm phu tù bởi người Ba-by-lôn và bị lưu đày bảy mươi năm nếu họ không chịu quay về với Ngài (Giê-rê-mi 25:1-11). Vì dân Giu-đa đã bịt tai trước những cảnh báo này, giờ đây Đa-ni-ên viết lại với tư cách người chứng kiến sự xâm chiếm và ông mô tả lại những điều xảy ra lúc đó.

 
Kế hoạch của nhà vua

Năm thứ ba về đời Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, thì Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến thành Giê-ru-sa-lem và vây lấy. Chúa phó Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa, và một phần khí mạnh của nhà Đức Chúa Trời vào tay người. Nê-bu-cát-nết-sa đem khí mạnh ấy về đất Si-nê-a, vào nhà của thần mình, và để trong kho của thần mình. (Đa-ni-ên 1:1-2)

 

Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn quyết định bắt những người giỏi nhất và thông sáng nhất trong dân phu tù Giu-đa và sử dụng họ để phát triển đế chế của ông. Không giống như A-suê-ru trong sách Ê-xơ-tê, bắt những phụ nữ phu tù cho thú vui của riêng mình, Nê-bu-cát-nết-sa chọn lấy những người trẻ tốt nhất để làm lợi cho đế quốc mình. Ông muốn những người có trí óc và khả năng tốt nhất này sẽ làm cho Ba-by-lôn hùng mạnh hơn. Vì cớ điều này, quá trình chọn lựa của nhà vua đòi hỏi người được chọn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao.

 

Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn quan mình, lấy trong con cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến mấy kẻ trai trẻ không có tật nguyền, mặt mày xinh tốt, tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua, và dạy cho học thức và tiếng của người Canh-đê (1:3-4).

“Những người có sự can đảm và nhuệ khí luôn có thể đem lại tai hoạ cho những kẻ còn lại.”
– Herman Hesse

Một bảng liệt kê thật ấn tượng! Những chàng trai trẻ này phải có mặt mày xinh tốt, không có một khuyết tật nào về thể chất, phải có sự khôn ngoan và khả năng học hỏi, và họ phải có năng lực nhận thức thật sâu sắc.

 

Vua rất nghiêm túc đối với chương trình này. Các chàng trai sẽ được huấn luyện trong ba năm trước khi họ sẵn sàng để hoàn toàn phục vụ nhà vua, và trong suốt thời gian đó họ được đối xử tử tế.

 

Vua định mỗi ngày ban cho họ một phần đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, hầu cho khi đã nuôi họ như vậy ba năm rồi, thì họ sẽ đứng chầu trước mặt vua. Trong bọn đó có Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria là thuộc về con cái Giu-đa. Người làm đầu hoạn quan đặt tên cho họ: cho Đa-ni-ên tên Bên-tơ-xát-sa; cho Ha-na-nia tên Sa-đơ-rắc; cho Mi-sa-ên tên Mê-sác; và cho A-xa-ria tên A-bết-Nê-gô (1:5-7).

 

Vâng, Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria được thoải mái hơn những phu tù khác ở Ba-by-lôn lúc bấy giờ nhưng tình cảnh của các chàng trai này đã đem đến cho họ những thách thức dưới nhiều hình thức:

 

Môi trường – Ở giữa một xứ và một dân ngoại bang, những chàng trai này đang ở độ tuổi dễ bị ảnh hưởng, phải giữ sự thánh khiết của mình.

 

Phong cách sống – “Đồ ngon vua ăn” không nhất thiết là chế độ ăn có hại, nhưng đây là thức ăn và rượu đã cúng tế cho những thần tượng hư không của Ba-by-lôn. Nếu ăn uống những đồ ăn thức uống như thế là thông đồng với các thần tượng đó.

 

Lòng trung thành – Kế hoạch của nhà vua là một sự tấn công rất tinh vi vào ngay cốt lõi của niềm tin. Bằng cách bắt họ học dưới chân những nhà chiêm tinh của Ba-by-lôn, ông hy vọng sẽ thay đổi được tư tưởng của họ. Bằng cách đổi tên, ông hy vọng thay đổi được sự thờ phượng của họ. Những cái tên Do Thái hướng đến Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Sự thay đổi tên ngụ ý một sự chuyển lòng trung thành hướng về những thần của Ba-by-lôn.

 

Bằng cách thay đổi lối suy nghĩ, ăn uống, và thờ phượng, Nê-bu-cát-nết-sa hy vọng thay đổi cách sống của họ. Họ phản ứng thế nào đối với sự thử thách này?

 
Phản ứng của Đa-ni-ên

Vả, Đa-ni-ên quyết định trong lòng rằng không chịu ô uế bởi đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, nên cầu xin người làm đầu hoạn quan để đừng bắt mình phải tự làm ô uế. (1:8)

Trung thành với cam kết khi đối mặt với những nghi ngờ và sợ hãi là một điều rất thuộc linh.”

 

Đa-ni-ên nhận thấy việc ăn đồ ăn của vua làm nảy sinh một vấn đề về nguyên tắc. Ông thấy điều gì về thức ăn khiến ông phản ứng tương tự với điều chúng ta thấy vua Đa-vít đã nói trong Thi Thiên 119:1, “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.”

 

Đa-ni-ên đã thấy gì? Trước hết, đồ ăn của vua không theo luật Do Thái: nó không được chuẩn bị theo những nguyên tắc dinh dưỡng của người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, trong cuộc sống lưu đày, việc tuân theo nhiều nguyên tắc luật pháp và những luật lệ trong đền thờ của người Y-sơ-ra-ên đối với các chàng trai là điều bất khả thi. Nhưng thực ra vấn đề quan trọng hơn đối với Đa-ni-ên là ông không muốn làm bất cứ điều gì thể hiện lòng tôn kính các thần tượng của Ba-by-lôn (kiểu mẫu nguyên tắc này cũng được bày tỏ trong những lĩnh vực khác trong cuộc sống lưu đày của ông). Đa-ni-ên xem việc sử dụng đồ ăn và rượu đã dâng cho thần tượng là trái nghịch với lời của Đức Chúa Trời và sự tôn kính Đức Chúa Trời của ông.

 

Hành trình sẽ dễ dàng nếu làm theo câu này: “Khi ở Ba-by-lôn, hãy làm như người Ba-by-lôn làm.” Nhưng mục tiêu của Đa-ni-ên là vâng phục trong bất kỳ môi trường sống nào.

 

Hãy lưu ý rằng Đa-ni-ên: “quyết định trong lòng.” Đây là thái độ then chốt. Nếu sự thánh khiết là ưu tiên hàng đầu, bạn phải có một ước muốn vâng phục Đức Chúa Trời và cam kết thực hiện ước muốn đó. Đa-ni-ên có rất nhiều lựa chọn, nhưng ông đã xác định phải trung thành với Đức Chúa Trời của mình.

 

Một đời sống cam kết với Đức Chúa Trời bắt đầu với chủ định trong lòng, và từ ngay lúc bắt đầu giai đoạn huấn luyện ba năm, Đa-ni-ên đã được thử thách về vấn đề này.

 

Đức Chúa Trời khiến Đa-ni-ên được ơn và thương xót trước mặt người làm đầu hoạn quan. Người làm đầu hoạn quan bảo Đa-ni-ên rằng: Ta sợ vua, là chủ ta, đã chỉ định đồ ăn đồ uống của các ngươi. Lẽ nào vua sẽ thấy mặt mày các ngươi tiều tụy hơn những kẻ trai trẻ khác đồng tuổi với các ngươi, và các ngươi nộp đầu ta cho vua sao? (1:9-10)

 

Lý lẽ của người làm đầu hoạn quan cho thấy trách nhiệm của ông không được khoan dung đến thế. Nếu không tuân theo chỉ thị của vua, phản tác dụng, ông hẳn sẽ mất mạng. Rõ ràng ông đang ở trong tình huống khó khăn. Nhưng Đức Chúa Trời đã dự phòng cho thời điểm này. Ngài khiến Đa-ni-ên được ơn và thương xót trước mặt người làm đầu hoạn quan. Chúng ta không biết chính xác thế nào—có lẽ cách cư xử của Đa-ni-ên với những người quản phu tù—nhưng Đức Chúa Trời đã hành động đằng sau những gì đang diễn ra. Và Đa-ni-ên đã củng cố thêm sự được ơn này bằng sự khéo léo trong giao tiếp, ngay cả khi giữ vững lập trường.

 

Đa-ni-ên nói với người có trách nhiệm phục vụ bữa ăn cho ông rằng:

“Tôi xin ông hãy thử những kẻ tôi tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước. Sau đó, sẽ nhìn nét mặt chúng tôi với nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ ăn ngon của vua; rồi ông sẽ làm cho những kẻ tôi tớ ông theo như điều ông đã thấy.” Ham-mên-xa nhậm lời họ xin, và thử họ trong mười ngày. (1:12-14)

“Trong sự giàu có, bạn bè biết chúng ta; trong nghịch cảnh chúng ta biết bạn bè.” – John Churton Collins

Đa-ni-ên đến với người coi sóc mình và đề nghị cho thử mười ngày với chế độ ăn rau. Tôi là người ăn thịt và khoai tây nên điều này với tôi chẳng hấp dẫn gì. Mười ngày ăn rau ư? Không phù hợp với tôi. Tuy nhiên, sâu xa hơn, sự thử nghiệm này đòi hỏi một hình thức tạm dừng tuân theo quy tắc dinh dưỡng. Làm thế nào có được sự khác biệt đáng kể chỉ trong mười ngày? Đó là một sự thử nghiệm nhỏ đối với đức tin để chuẩn bị cho Đa-ni-ên đối diện với những thử nghiệm lớn lao hơn.

 

Sự giải cứu của Đức Chúa Trời

Sự thử nghiệm hữu hiệu và cho thấy Đa-ni-ên cùng những người bạn của ông biết điều mà Y-sơ-ra-ên đã quên—Đức Chúa Trời ban phước cho người vâng phục.

 

Mười ngày ấy qua rồi, thấy mặt họ lại có vẻ xinh tươi đầy đặn hơn mọi kẻ trai trẻ khác đã ăn đồ ngon vua ăn. Vậy, Ham-mên-xa cất phần đồ ăn ngon và rượu của họ, và cho họ ăn rau (1:15-16).

 

Đa-ni-ên và những người bạn của ông đã xuất hiện với diện mạo tốt đẹp hơn những người khác trong cùng chương trình huấn luyện của nhà vua bởi Đức Chúa Trời đã hành động thay họ. Do đó, chế độ ăn rau được phép tiếp tục (mặc dầu, đối với cá nhân tôi, điều đó giống hình phạt hơn phần thưởng!).

 

Vì cam kết sống thánh khiết khởi nguồn từ sự vâng phục Lời Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên có một nền tảng vững chắc để sống giữa một nền văn hóa khắc nghiệt.

Vả, Đức Chúa Trời ban cho bốn người trai trẻ đó được thông biết tỏ sáng trong mọi thứ học thức và sự khôn ngoan. Đa-niên cũng biết được mọi sự hiện thấy và chiêm bao. Đến kỳ vua định để đem họ đến, thì người làm đầu hoạn quan dắt họ đến trước mặt Nê-bu-cát-nết-sa. Vua nói chuyện cùng họ; và trong hết thảy bọn họ, không thấy ai bằng Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria; vậy họ được đứng chầu trước mặt vua.Vả, khi vua hỏi họ những câu hỏi về mọi sự khôn ngoan sáng suốt, thì thấy họ giỏi hơn gấp mười những đồng bóng và thuật sĩ trong cả nước mình (1:17-20).

 

Kết thúc chương trình huấn luyện, ơn phước của Đức Chúa Trời được chứng thực khi Đa-ni-ên và những người bạn của ông được công bố là “giỏi hơn gấp mười” so với những học giả của Ba-by-lôn.

 

Rất có thể vào thời điểm đó, Đa-ni-ên không quá hai mươi tuổi, nghĩa là khi bắt đầu cuộc thử nghiệm, ông chỉ mới khoảng mười sáu hay mười bảy tuồi. Ở tuổi trẻ đó, ông được biệt riêng để phục vụ và sống một đời sống khác biệt trong một nền văn hóa ngoại bang đầy quyền lực của thế giới cổ đại.




[1] Vụ Watergate là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, khi chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiếnlực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.

[2] Vụ bê bối trong đó Mỹ ngấm ngầm bán vũ khí cho Iran, nước đang bị cấm vận vũ khí, để đổi lấy các con tin Mỹ đang bị giữ ở Iran.

Bài trướcHội Thánh Kế Sách Trao Học Bổng Cho Học Sinh Trong Huyện Kế Sách
Bài tiếp theoBài thứ 324: Hy Vọng Trong Đau Thương