Sống Vô Cảm – 18/9/2017

2124

 

Nê-hê-mi 5:1-5

1 Khi ấy có tiếng kêu la lớn của dân sự và vợ họ về người Giu-đa, là anh em mình. 2 Có người nói rằng: Chúng tôi, con trai và con gái chúng tôi, đông đảo, và chúng tôi phải có lúa mì để ăn cho sống. 3 Cũng có người nói rằng: Trong khi đói kém, chúng tôi cầm ruộng, vườn nho và nhà chúng tôi hầu cho có lúa mì ăn. 4 Lại có người khác nói rằng: Chúng tôi có cầm ruộng và vườn nho chúng tôi, mà vay bạc đặng đóng thuế cho vua. 5 Vả, thân của chúng tôi vốn như của anh em chúng tôi, các con trai chúng tôi khác nào các con trai họ; nầy chúng tôi phải bắt các con trai và con gái chúng tôi làm tôi mọi, và đã có đứa con gái chúng tôi làm tôi mọi rồi; không còn thuộc nơi quyền tay chúng tôi chuộc nó lại; vì đồng ruộng và vườn nho chúng tôi đã thuộc về kẻ khác. 

Câu gốc: “Có người nói rằng: Chúng tôi, con trai và con gái chúng tôi, đông đảo, và chúng tôi phải có lúa mì để ăn cho sống” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao có tiếng kêu la lớn trong dân Giu-đa? Tiếng kêu ấy phản ánh thực trạng đau buồn gì lúc bấy giờ? Có phải người giàu phải có trách nhiệm với người nghèo; và người nghèo được ỷ lại vào người giàu không? Chúa muốn chúng ta sống như thế nào?

Trong quá trình xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem, dân Giu-đa không chỉ gặp nguy khó từ sự tấn công bên ngoài, nhưng họ cũng gặp nan đề từ chính trong nội bộ của mình khiến những người nghèo kêu la vì họ không chịu nổi sự bóc lột và hà hiếp từ những người giàu có. Khi nạn đói xảy ra, người nghèo không còn gì để ăn, một số người khác không có tiền nộp thuế cho vua, nên phải cầm cố ruộng vườn của mình cho những người giàu để vay tiền (câu 2-5). Những người giàu có ấy đã lợi dụng thời cơ cho vay nặng lãi (câu 7), đến khi người nghèo không đủ tiền trả thì ruộng vườn thuộc về họ. Thậm chí còn có người phải bắt con cái mình làm kiếp tôi mọi cho người giàu để trừ nợ (câu 5). Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cái ách nặng nề của chế độ vua chúa, cùng với sự ích kỷ của giới quyền thế đã đẩy nhiều người trong dân Giu-đa vào cảnh không ruộng, không vườn, không lương thực và nhiều con cái của họ phải bị bán làm kiếp nô lệ. Đây là một thực trạng vô cùng đau đớn xảy ra giữa vòng con dân Chúa lúc bấy giờ. Thực trạng này cho thấy có những người giàu chỉ biết sống hưởng thụ cho riêng mình. Họ thâu tóm tài sản của những người nghèo bằng mọi cách để thêm lên khối tài sản đồ sộ của họ. Họ vô cảm trước sự túng thiếu và nghèo ngặt của đồng bào mình. Chính sự vô cảm ấy đã đẩy người nghèo vào ranh giới giữa sự sống và cái chết, bởi họ đã kêu lớn lên rằng chúng tôi cần lúa ăn để sống (câu 2).

Trong thực tế, dường như Hội Thánh nào cũng có nạn phân chia giầu nghèo. Bài học hôm nay không nhằm lên án những người giàu, nhưng lên án sự vô cảm và lạnh lùng của những người giàu có trước sự túng thiếu cùng cực của anh chị em mình. Hội Thánh sẽ trở nên ấm áp hơn khi có những đôi tay bằng lòng giúp đỡ những anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, rất cần được cưu mang. “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi líp 2:4). Nói như thế không có nghĩa là người giàu phải có trách nhiệm với người nghèo, và người nghèo được phép ỷ lại vào người giàu. Nhưng điều Chúa muốn nơi mỗi chúng ta là hãy biết sống quan tâm, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau để nhiều người thấy Chúa trong cách sống của chúng ta.

Có ai quanh bạn đang rất cần sự giúp đỡ không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thể hiện tình yêu thương qua nếp sống hằng ngày của mình. Xin cho con sẵn lòng giúp đỡ những anh chị em đang gặp hoàn cảnh khó khăn quanh con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Cô-rinh-tô 3.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

Bài trướcHoạt Động Nha Học Đường Tại Xã Nam Đà – Tỉnh Đăk Nông
Bài tiếp theoĐồng Tháp: Bồi Dưỡng Linh Vụ – Mục Vụ