Sống Vì Tin Lành – 13/10/2017

3186

 

I Cô-rinh-tô 9:19-23

19 Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. 20 Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp; 21 với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp. 22 Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. 23 Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó.

 Câu gốc: “Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (câu 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Sứ đồ Phao-lô sẵn sàng từ bỏ quyền tự do của mình? Nguyên tắc rao truyền Phúc Âm của ông là gì? Ông khẳng định động cơ của mọi việc ông làm là gì? Chúng ta áp dụng bài học này trong công tác rao truyền Phúc Âm như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô là một người tự do, không bị ràng buộc dưới bất cứ luật lệ nào hay dưới quyền của ai, nhưng ông sẵn sàng từ bỏ sự tự do cùng mọi đặc quyền cá nhân chỉ để “được nhiều người hơn” (câu 20). Ông “đành phục mọi người,” có nghĩa là tự nguyện làm nô lệ cho mọi người để có thể tiếp cận với nhiều hạng người nhằm đem Tin Lành đến cho họ. Sứ đồ Phao-lô là người có học thức, biết luật pháp, có chức quyền nhưng từ khi gặp Chúa, đời sống ông hoàn toàn được biến đổi và ông hết lòng, hết sức để sống vì Tin Lành mà ông đã nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Trong phân đoạn Kinh Thánh này, ông nêu lên những nguyên tắc rao truyền Phúc Âm mà ông áp dụng hầu có thể cứu được nhiều người. Khi tiếp xúc với người Do Thái, ông đề cập đến những điều họ quan tâm như luật pháp Môi-se, lời tiên tri,… để được họ lắng nghe và chấp nhận Tin Lành. Đối với người không ở dưới luật pháp, ông không ép mình vào lễ nghi, luật lệ khiến họ xa lánh, nhưng ngược lại ông cố gắng liên hệ đến nếp sống văn hóa của họ để họ thấy gần gũi và dễ dàng tiếp nhận Phúc Âm. Còn đối với những “người yếu đuối” (câu 22) là những người có đức tin đơn sơ, dễ tin thì ông cũng trở nên yếu đuối giống như họ hầu cho họ không cảm thấy tự ti, nhưng có một sự đồng cảm và có thể chia sẻ để được nâng đỡ. Tóm lại, nguyên tắc truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô là “trở nên mọi cách cho mọi người”. Ông không ngại bất “cứ cách nào” để có thể tiếp cận mọi đối tượng và đem Phúc Âm đến cho họ. Là một nhà truyền giáo xuyên lục địa, xuyên văn hóa, gặp gỡ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, nếu ông cứ cứng nhắc, chỉ nghĩ cho mình thì không thể nào đem Phúc Âm đến cho mọi người được. Vì thế, ông dám từ bỏ những gì ông đang nắm giữ, từ chối mọi đặc quyền ông có để có thể đến với mọi người. Ông sẵn sàng hòa nhập vào thế giới của người khác, miễn sao không phạm nguyên tắc Kinh Thánh, để dẫn đưa họ trở về với Đấng Christ. Ông đã thật sự sống đạo giữa đời vì mục đích Tin Lành! Ông khẳng định “mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành” với một hy vọng là sẽ “có phần” phước hạnh trong Phúc Âm mà ông chia sẻ (câu 23).

Bạn có sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình để sống vì Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-xu không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan, nhạy bén khi tiếp xúc với người khác để con có thể giúp họ tiếp nhận Phúc Âm. Nguyện nếp sống tin kính của con luôn vì lợi ích của Tin Lành.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 12.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện

 

Bài trướcLễ Cảm Tạ Chúa 10 Năm Thành Lập Hội Nhánh Bảy Ngàn, Cần Thơ.
Bài tiếp theoVững Lòng Bước Đi – 14/10/2017