Sao Con Khóc ?

1234

 

(Giăng 20:1-18)

 

GIỚI THIỆU:

 

Tiếng Việt có một số từ ngữ diễn tả tình trạng khóc của con người. “Khóc dai như đỉa” để nói đến người khóc hoài không chịu nín. “Khóc đứng khóc ngồi” để nói đến người khóc nhiều. “Khóc hết hơi” cũng để nói đến người khóc nhiều, lâu đến nỗi bị mệt. “Khóc hết nước mắt” để nói đến người khóc đến nỗi khô cạn nước mắt. “Khóc lóc” hay “khóc than” để nói đến người vừa khóc vừa than thở. “Khóc như cha chết” để nói đến người khóc thảm thiết. “Khóc như mưa” hay “khóc như mưa như gió” để nói đến người khóc nhiều và nướt mắt ràn rụa. “Khóc òa” để nói đến người đột nhiên khóc to tiếng. “Khóc sướt mướt” để nói đến người khóc thật nhiều. “Khóc thầm” để nói đến người đau xót, nhưng không khóc thành tiếng. “Khóc ròng” để nói đến người khóc nhiều. “Khóc thét” để nói đến người khóc bật lên thành tiếng kêu to. “Khóc tỉ tê” để nói lên người khóc từng tiếng và dai.

 

Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến tiếng khóc là khi A-ga bị Sa-ra đuổi khỏi nhà, bồng con đi trong sa mạc, và khi nước trong bình hết, thì nàng ngồi nhìn con mà “la khóc” (Sáng 21:16). Lần cuối cùng Kinh Thánh đề cập đến tiếng khóc là khi mô tả nếp sống trên thiên đàng như sau: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa.” (Khải 21:4). Từ Sáng-thế Ký đoạn 21 đến Khải huyền đoạn 21, Kinh Thánh đề cập đến rất nhiều tiếng khóc, trong đó có tiếng khóc của Ma-ri Ma-đơ-len mà chúng ta sẽ suy gẫm hôm nay.

 

Qua đề tài “Sao con khóc ?” dựa theo Giăng 20:1-18, chúng ta cùng suy gẫm hai ý chính: thứ nhứt, tiếng khóc bình thường của con người; thứ hai, niềm vui phi thường của chúng ta.

 

I. TIẾNG KHÓC BÌNH THƯỜNG CỦA CON NGƯỜI:

 

Đối với hàng triệu triệu người khác trên thế giới, buổi sáng sớm Chúa nhật mà Ma-ri Ma-đơ-len đến thăm mộ Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng bình thường như bao nhiêu buổi sáng Chúa nhật khác: mặt trời vẫn lên, tiếng chim vẫn hót, người người vẫn sinh hoạt bình thường; nhưng Ma-ri Ma-đơ-len lại mang một nỗi buồn khó tả. Trưa thứ sáu trước đó Ma-ri Ma-đơ-len chứng kiến cảnh Chúa Cứu Thế Giê-xu chết cách đau đớn và nhục nhã trên cây thập tự, và sau đó được chôn trong mộ đá. Sáng sớm hôm nay, theo phong tục, Ma-ri Ma-đơ-len cùng vài phụ nữ khác đem thuốc thơm đến mộ để xức xác Chúa Cứu Thế Giê-xu; nhưng khi đến mộ họ chẳng thấy xác Ngài đâu cả. Vội vàng chạy trở về nhà, họ báo tin cho sứ đồ Phierơ và Giăng rằng “Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, chẳng hay để Ngài tại đâu.”

 

Thưa ông bà, anh chị, một ngày bình thường của hàng triệu triệu người khác trên thế giới nói chung, và một ngày bình thuờng của những người chung quanh chúng ta hôm nay nói riêng, không hẳn là một ngày bình thường đối với chúng ta. Đang khi một chiếc xe tang chạy trên đường để đến nghĩa trang, thì hàng trăm chiếc xe khác cũng đang chạy trên đường đến nơi làm việc, đến phi trường, đến thương xá… Đang khi nhiều người cười nói cách vô tư, thì có thể chúng ta đang buồn khổ vì những lời nói xấu, vì căn bệnh hiểm nghèo của người thân, vì những rạn nứt trong gia đình,… Tưởng rằng trong những ngày qua buồn khổ chỉ có bao nhiêu đó; nhưng không, sáng nay thức dậy chúng ta thấy tình trạng lại nặng nề hơn.

 

Chính vì vậy mà sau khi Phi-e-rơ, Giăng trở về nhà, Ma-ri Ma-đơ-len ở lại “gần mộ, mà khóc. Người vừa khóc, vừa cúi xuống dòm trong mộ” cho thấy Ma-ri Ma-đơ-len tiếp tục khóc. Đây không phải là tiếng khóc thầm; nhưng đây là tiếng khóc lớn của người Trung Đông và của người đang trong hoàn cảnh tang chế mà không biết phải đối phó như thể nào. Ma-ri Ma-đơ-len không những khóc về cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu; nhưng nàng cũng khóc vì xác Ngài đã bị lấy cắp và không biết người ta đã làm gì với thân xác của Ngài.

 

Vấn đề được đặt ra là tại sao Ma-ri Ma-đơ-len lại bày tỏ nỗi lòng của mình đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu sâu đậm hơn những người khác như vậy? Những nhà giải nghĩa Kinh Thánh cho biết Ma-ri Ma-đơ-len chính là người phụ nữ “xấu nết” đổ dầu thơm lên chân Chúa Cứu Thế Giê-xu, khóc, và lấy tóc mình lau chân Ngài  tại nhà của người Pha-ri-si tên là Si-môn, được ghi trong Lu-ca 7:36-50. Qua Lu-ca 8:2 và Mác 16:9 Kinh Thánh cho biết Ma-ri Ma-đơ-len là người được Chúa Cứu Thế Giê-xu đuổi bảy dữ ra. Và khi đề cập đến thái độ của Si-môn đối với Ngài so với Ma-ri Ma-đơ-len, Chúa Cứu Thế Giê-xu phán: “Tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, nên người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít, thì yêu mến ít.” (Lu 7:47).

 

Khóc cho cái chết của người thân, khóc cho cái chết của người bạn, khóc cho cái chết của người ơn nghĩa… là chuyện bình thường. Một số con cái Chúa tìm cách che giấu tiếng khóc trước nghịch cảnh để chứng tỏ mình là người có đức tin lớn, mình là người nhìn được đàng sau của những nghịch cảnh, và không muốn ai thấy mình yếu mềm, không có đức tin. Một số con cái Chúa cũng khuyên người khác khi ở trong nghịch cảnh đừng khóc vì “Chúa biết điều gì tốt nhứt cho chúng ta”, vì “Mọi sự rồi sẽ qua”… Không. Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng đã khóc khi chứng kiến cảnh đau buồn trong cái chết của La-xa-rơ, Ngài đã khóc về dân thành Giê-ru-sa-lem đã thờ ơ đối với cơ hội Đức Chúa Trời ban cho họ; và Ngài đã ban cho chúng ta nước mắt để khóc.

 

“Vừa khóc, vừa cúi xuống dòm trong mộ” Ma-ri Ma-đơ-len thấy hai người mặc áo trắng, mỗi người ngồi một đầu. Hai người hỏi Ma-ri Ma-đơ-len: “Hỡi đàn bà kia, sao chị khóc ?” Câu hỏi nầy không phải là câu hỏi tò mò, tìm kiếm lý do; nhưng là câu hỏi trách khéo: “Đây đâu phải là lúc chị khóc. Đây là lúc chị phải vui mừng.” Đúng, có lúc chúng ta khóc, nhưng không phải lúc nào cũng khóc. Nhưng trong cơn đau buồn và trong nước mắt Ma-ri Ma-đơ-len không nhìn ra đó là thiên sứ, mà chỉ mở miệng than thở: “Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu”, mong rằng hai người có thể cho nàng biết được vài chi tiết liên quan đến vấn đề nầy.

 

Không đợi câu trả lời của thiên sứ, và cũng còn trong tiếng khóc, Ma-ri Ma-đơ-len cảm nhận có người đứng sau mình nên xoay lại. Ma-ri Ma-đơ-len không ngờ đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại từ cõi chết, mà tưởng là người làm vườn. Tại sao Ma-ri Ma-đơ-len không nhìn ra được Chúa Cứu Thế Giê-xu ? Chúng ta phải biết rằng thân thể phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là thân thể được biến hoá, và trang phục của Ngài không còn trong vải liệm nữa. Hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út đã không nhận được Ngài, dầu Ngài đi với họ một quãng đường và ngồi bàn ăn với họ (Lu 24:13-32). Bảy sứ đồ đánh cá tại hồ Ga-li-lê cũng không nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu đứng trên bờ, cho mãi đến khi phép lạ xảy ra thì Giăng mới lên tiếng “Ấy là Chúa” (Giăng 21:1-8). Hơn nữa, trong tâm trí của Ma-ri Ma-đơ-len, cũng như các sứ đồ, họ không tin Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ sống lại; họ chỉ nghĩ đến thấy Ngài trong thân xác bất động. Vì thế, không có gì lạ khi Ma-ri Ma-đơ-len trong nước mắt tràn mi không nhận diện được người đứng bên mình là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

Chúa Cứu Thế Giê-xu hỏi Ma-ri Ma-đơ-len: “Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc ? Ngươi tìm ai ?” Câu “Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc ?” cũng không phải là câu hỏi tìm hiểu lý do; nhưng là câu trách khéo rằng tại sao khóc khi Ngài đã sống lại. Câu hỏi: “Ngươi tìm ai ?” là lời mời Ma-ri Ma-đơ-len mở con mắt đức tin để biết rằng Ngài là Cứu Chúa, là Đấng đã chết và cũng đã sống lại. Rất tiếc, Ma-ri Ma-đơ-len lại tưởng người đứng đó là người giữ vườn và thể nào cũng cung cấp được vài dữ kiện để mình có thể tìm được xác của Chúa Cứu Thế Giê-xu nên hỏi: “Thưa ông, nếu ông dời Ngài đi, xin cho tôi biết ông đặt Ngài ở đâu để tôi đến đem về.”

 

Thưa ông bà, anh chị, trong biết bao nhiêu nỗi đau buồn của cuộc sống, chúng ta chỉ muốn mở miệng than vãn, trách móc; nhưng lại không nhận biết các sứ giả mà Đức Chúa Trời sai đến để an ủi và khích lệ chúng ta. Cũng có thể chúng ta nhìn Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng giống như bao nhiêu nhà sáng lập tôn giáo khác, hoặc tệ hơn, chúng ta có thể nhìn Ngài không hơn gì những người chung quanh, là những người có lời hướng dẫn chúng ta trong nghịch cảnh. Thêm vào đó, giống như Ma-ri Ma-đơ-len chỉ nhìn trong mộ, chúng ta thấy nỗi đau buồn và toàn là hình ảnh tuyệt vọng của nghịch cảnh mà không thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu đang đứng bên cạnh mình là câu giải quyết cho nan đề đang xảy ra. Dường như chúng ta không thấy điều gì tốt có thể ra từ những nghịch cảnh đau buồn.

 

II. NIỀM VUI PHI THƯỜNG CỦA CHÚNG TA:

 

Dầu Ma-ri Ma-đơ-len không tin Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại, dầu nước mắt đang tràn mi, dầu nghĩ rằng người đứng cạnh mình là người giữ vườn, dầu đôi mắt đang nhìn vào trong mộ trở lại; nhưng khi nghe Chúa Cứu Thế Giê-xu phán: “Hỡi Mari”, thì Mari nhận ra ngay tiếng của Ngài, quay lại và thưa: “Rabuni” (nghĩa là “thầy”). Làm sao người giữ vườn có thể biết tên để gọi “hỡi Mari” ? Làm sao Mari có thể quên được giọng nói của Chúa Cứu Thế Giê-xu ? Sứ đồ Giăng ghi lại tiếng “Rabuni” (nghĩa là thầy) là tiếng A-ra-mic để nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Ma-ri Ma-đơ-len và Chúa Cứu Thế Giê-xu; chớ không muốn nói lên nghĩa thần đạo, xưng Ngài là “Chúa tôi, và Đức Chúa Trời tôi” như sứ đồ Thô-ma (Giăng 20:28).

 

Có khi một người gọi điện thoại đến tôi, tôi vừa mở miệng nói “A lô” thì người đó nói một tràng dài mà tôi chẳng nhận được tiếng nói đó của ai. Tôi phải mất một thời gian ngắn để có thể nhận được tiếng nói, hoặc tôi đành phải hỏi: “Xin lỗi tôi được nói chuyện với ai ở đầu dây ?” Lý do là người đó và tôi ít quen biết và ít nói chuyện trên điện thoại. Lại có người gọi điện thoại đến tôi, nói một tràng dài, rồi hỏi: “Mục sư biết đang nói chuyện với ai không ?” Tôi trả lời: “Tôi biết. Tôi nhận được tiếng nói của chị (hoặc của anh)” vì người đó và tôi quen biết nhau nhiều và nói chuyện nhiều với nhau. Tôi rời Việt Nam tháng 4 năm 1975 với tâm trạng sẽ chẳng bao giờ gặp lại cha mẹ mình, và mang một nỗi buồn của người con không có cha mẹ. Nhưng đến năm 1993, sau khi mẹ tôi được đi du lịch qua Úc và Hoa Kỳ thăm con, tôi có dịp đưa mẹ tôi trở lại Việt Nam vì bà mang chứng bệnh yếu tim. Khi bước ra khỏi cửa phi trường Tân Sơn Nhất, lần đầu tiên sau mười tám năm, tôi gặp lại ba tôi, tôi xúc động, chỉ nói được một chữ “Ba !” Bao nhiêu nỗi buồn, mất mác chợt tan biến, nhường lại cho một niềm vui, một cảm xúc sung sướng khó tả.

 

Đây là điểm quan trọng mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đề cập đến mối liên hệ giữa Ngài, người chăn và chúng ta là đàn chiên trong Giăng 10:3-4 như sau: “Người canh mở cửa cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người.” Tại đây Ma-ri Ma-đơ-len nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu khi nghe Ngài gọi tên mình; hai môn đồ trên đường về làng Em-ma-út nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài bẻ bánh, tạ ơn, rồi trao cho họ. Sứ đồ Giăng và các sứ đồ khác nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu khi họ thấy phép lạ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, không có một định luật nhứt định nào để chúng ta nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại; nhưng hễ một người có mối thông công mật thiết với Ngài, người đó sẽ nhận diện được tiếng nói của Ngài, hành động của Ngài, phép lạ của Ngài. Và khi Ma-ri Ma-đơ-len nghe Chúa Cứu Thế Giê-xu gọi tên mình, nhận diện được Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại, gọi Ngài là “Rabuni”, thì bao nhiêu nỗi buồn và tuyệt vọng tan biến trước niềm vui và sung sướng. Đây là niềm vui phi thường của Ma-ri Ma-đơ-len khi nàng chỉ mong tìm thấy xác chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì nàng lại thấy Ngài sống, đứng cạnh mình và gọi tên mình.

 

Thưa ông bà, anh chị, giữa cô đơn, giữa những nỗi buồn, giữa những khổ đau, và có thể giữa cảnh tuyệt vọng trong cuộc sống, chúng ta có thể nghĩ Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết, hoặc dễ lắm nghĩ rằng Ngài không đoái hoài đến nghịch cảnh của chúng ta. Trong những lúc như vậy, làm sao chúng ta nghe được tiếng phán của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi chúng ta đọc Kinh Thánh, khi chúng ta học Kinh Thánh, và khi chúng ta nghe giảng Kinh Thánh.

 

Cố Mục sư Đoàn Văn Miêng có giai đoạn bị lao phổi đến thời kỳ cuối cùng vì lao lực. Sau một thời gian chữa trị tại bệnh viện chưa lành hẳn, ông trở lại với công việc vì Hội Thánh có quá nhiều nhu cầu, đến nỗi có người nói ông là người chết chưa chôn. Một sáng Chúa nhật nọ, vì kiệt sức không thể đi nhà thờ được mà phải ở nhà, ông mở Kinh Thánh đọc. Ông đọc trong Thi Thiên 118 đến câu 17 và 18, “Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, thuật lại những công việc Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va đã sửa phạt tôi cách nghiêm trang, nhưng không phó tôi vào sự chết.” Ông cảm nhận ngay tiếng Đức Chúa Trời phán với mình, nên lấy một tờ giấy cứng, viết lên hàng chữ lớn: “Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống”; và ông được chữa lành.

 

Đang khi sứ đồ Phi-e-rơ, Giăng và các phụ nữ khác từ mộ trở về nhà, Ma-ri Ma-đơ-len tiếp tục ở lại với tấm lòng và ý chí muốn biết thêm về tin tức của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì phần thưởng của nàng là nghe Ngài gọi tên mình và đáp lại tiếng gọi đó. Niềm vui phi thường của chúng ta quanh quẩn đâu đó mà chúng ta không biết.

 

Rồi Chúa Cứu Thế Giê-xu bảo Ma-ri Ma-đơ-len: “Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng Ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.” Vâng lời, “Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa, và Ngài đã phán cùng mình những điều đó.” Đây không phải là thời điểm nghi ngờ nữa; nhưng sau khi đã thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại, đã nghe Ngài gọi tên mình, thì đây là thời điểm mà Ma-ri Ma-đơ-len “đi đến cùng anh em…rao bảo…mình đã thấy Chúa, và Ngài đã phán cùng mình những điều đó.”

 

Các sứ đồ khác có tin những gì Ma-ri Ma-đơ-len nói với họ không, phân đoạn Kinh Thánh này không cho chúng ta biết. Nhưng theo Luca 24:11 ghi rằng sau khi các phụ nữ trở về báo tin thiên sứ cho biết Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại và căn dặn họ phải đi qua Ga-li-lê để gặp Ngài tại đó, “song các sứ đồ không tin, cho lời ấy như là hư không.” Dẫu vậy, Ma-ri Ma-đơ-len vẫn nói vì biết rằng mình biết điều mình nói, và mình biết nhiều hơn điều họ biết. Thật ra, không có mãnh lực nào có thể ngăn chận được Ma-ri Ma-đơ-len nói rằng mình đã thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại; giống như không ai có thể ngăn cản được một người vui vẻ nói với những người khác rằng mình vừa được chữa lành bệnh ung thư thời kỳ chót.

 

KẾT LUẬN:

 

Không có gì sai khi chúng ta khóc trong cảnh đau buồn hoặc khổ sở; đó là chuyện bình thường của những người ngoại đạo và ngay cả của những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng điểm khác biệt trong hoàn cảnh đó là chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống lại và sống đời đời, nên chúng ta sẽ có niềm vui phi thường.

 

Có một người được hỏi tại sao tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, đã trả lời như sau: Trên con đường tìm kiếm chân lý, tôi đi đến ngã hai đường, không biết phải chọn đi con đường nào. Chợt tôi thấy trên con đường bên tay trái có người nằm chết; còn con đường bên phải có người đang đi qua đi lại. Thử hỏi giữa hai con đường đó tôi có còn sự lựa chọn nào khác hơn là chọn con đường có người đi qua đi lại ? Đó là lý do tôi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Sống.

 

Tôi áp dụng câu chuyện nầy cho chúng ta khi đối diện với nghịch cảnh. Chúng ta có hai sự lựa chọn: chọn con đường có người chết để cùng chết với họ, hay chọn con đường của Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại và sống đời đời để cùng sống với Ngài.

 

 

Mục Sư Đoàn

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.