Một tiến sĩ tâm lý người Mỹ gốc Việt đã nói: Có nhiều thứ có thể mang lại hạnh phúc cho phụ nữ. Nhưng để có hạnh phúc trọn vẹn và viên mãn là do chính người phụ nữ ấy biết cách lựa chọn, quyết định, đem đến cuộc sống ý nghĩa cho bản thân mình, dù có gặp đau buồn cũng có thể vượt qua để bước đến bến bờ của sự hạnh phúc.
Hạnh phúc thật sự là như thế nào? Làm sao có được? Trong Kinh Thánh có một người nữ không hề biết Chúa, nhưng về làm dâu cho một gia đình tin Chúa. Rồi gia đình đó trải qua những bi kịch, nhưng người nữ ấy đã lựa chọn, quyết định cuộc đời mình một cách đúng đắn và tìm được niềm hạnh phúc cho riêng mình, là người nữ được ơn, có phước.
Người nữ đó chính là nàng Ru-tơ. Tên của nàng có nghĩa là “người bạn nữ đồng hành”. Ru-tơ thuộc dân tộc Mô-áp, là dòng dõi của Lót. Sau khi chạy khỏi thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ thì vợ Lót ngó lại đằng sau, hóa thành tượng muối. Để duy trì dòng giống thì hai cô con gái chuốc rượu cho cha và ăn nằm cùng.
Dân tộc Mô-áp không tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Họ thờ lạy nam thần Kê-móc và nữ thần Kê-mốt. Cách cúng tế của họ rất tàn ác, vật cúng tế là những kẻ thù họ giết khi tranh chiến. Ngày xưa thì vùng đất Mô-áp nằm ở cao nguyên phía đông Biển Chết, giữa hai con suối là Ạt-nôn và Giê-rệt (Đối diện thành Giê-ri-cô). Ngày nay thì đất Mô-áp đã hoang vu, không còn như lời tiên tri Sô-phô-ni 2:9 nói trước về sự hoang tàn của đất Mô-áp.
BI KỊCH (Ru-tơ 1:1-5)
Có thể nói thời Các Quan Xét là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Y-sơ-ra-ên, người ta cứ làm theo ý mình lấy làm phải. Dân Y-sơ-ra-ên bị các dân tộc xung quanh hà hiếp: Dân Mê-sô-bô-ta-mi; Mô-áp; Am-môn; A-ma-léc; Phi-li-tin; Ca-na-an; Ma-đi-an. Tổng cộng thời gian bị hà hiếp là 111 năm. Đức Chúa Trời đã dùng một số quan xét để giải cứu. Nhưng họ lún sâu vào tội lỗi bởi sự quyến dụ thờ hình tượng của các dân tộc xung quanh.
Đã có “một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bết-lê-hem xứ Giu-đa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp”. Thành Bết-lê-hem có nghĩa là “nhà của bánh mì”. Trước đây thì thành có tên là Ê-phơ-rát (câu 2b “đều là dân Ê-phơ-rát về Bết-lê-hem xứ Giu-đa”). Với cái tên như vậy và nằm trong khu vực trù phú của sông Ê-phơ-rát, chắc chắn đây là nơi sinh sống đầy đủ, nhưng nạn đói vẫn xảy ra khiến dân phải chuyển đi nơi khác để kiếm sống. Và có một gia đình cũng đang đối diện với khó khăn, phải mưu sinh cho cuộc sống của mình.
Người chồng – người cha đã qua đời trên xứ người. Một mình bà Na-ô-mi chăm lo cho hai con, chắc chắn có sự vất vả, cực khổ. Nhưng rồi bà cũng thành gia lập thất cho hai con trai của mình là Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Điều đáng buồn là họ cưới vợ người Mô-áp, không tin Chúa. Đó là Ọt-ba và Ru-tơ. Họ sống ở đó 10 năm, khoảng thời gian cũng không ít để bà Na-ô-mi có thể nguôi ngoai nỗi đau, nỗi nhớ nhung khi mất chồng. Nhưng nào ngờ, nỗi đau chồng chất nỗi đau. “Kế sau, Mạc-lô và Ki-li-ôn cũng thác để Na-ô-mi ở lại, không chồng không con”. Nỗi đớn đau và tuyệt vọng quá lớn, ba người đàn ông đã ra đi, căn nhà còn lại ba người phụ nữ hiu quạnh, cô quả, chiếc bóng, không còn ai, không người kế tự.
QUYẾT ĐỊNH (Ru-tơ 1:6-7)
“Bấy giờ, Na-ô-mi có nghe nói rằng Đức Giê-hô-va đã đoái xem dân sự Ngài, và ban lương thực cho”. Quê nhà Bết-lê-hem đã yên ổn trở lại, cuộc sống không còn đói kém nữa, Chúa đã đoái thương đến dân Ngài. Bà “bèn đứng dậy cùng hai dâu mình, đặng từ xứ Mô-áp trở về”. Bà quyết định liền, không chần chừ, không lưu luyến nơi xứ người nữa, bỏ hết đau thương, mà vực dậy cùng hai dâu mình từ Mô-áp trở về. Bà ước ao cả ba cùng đi, cùng trở về quê hương, trở về vùng đất thân yêu với ruộng vườn, bà con, đền thờ, với lòng tin kính.
“Vậy, người lìa bỏ chỗ mình đã ở, cùng hai dâu mình lên đường đặng trở về xứ Giu-đa.”. Hành lý chuẩn bị xong, ý chí, tinh thần đã sẵn sàng cho chuyến hồi hương. Nhưng lòng nhân từ, yêu thương của một người mẹ đã trỗi dậy trong bà Na-ô-mi. Đỉnh điểm ở sự lựa chọn của 2 nàng dâu đem đến cuộc sống hạnh phúc hay tầm thường. Và tình cảm dạt dào giữa mẹ chồng cùng 2 nàng dâu cũng nằm ở phân đoạn này.
LỰA CHỌN (Ru-tơ 1:8-18)
Bà Na-ô-mi nói với 2 nàng dâu: “Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi”. Na-ô-mi hiểu rằng hai nàng tuy là dâu mình nhưng 2 nàng vẫn còn gia đình riêng, còn cha mẹ, còn người thân. Bà không đành để hai con dâu đánh mất tuổi thanh xuân, đánh mất tương lai. Na-ô-mi chúc phước cho hai con dâu: “Cầu Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta! Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình yên ở nơi nhà chồng mới” (câu 8-9).
Trong những câu đầu không nhắc gì đến vấn đề tâm linh của bà Na-ô-mi, nhưng đây là bằng chứng cho thấy đời sống thuộc linh của bà khi ở xứ người và những điều đã xảy ra. Danh xưng “Đức Giê-hô-va” (YHWH) là tên riêng của Đức Chúa Trời mà Ngài bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên. Khi bà nhắc đến danh xưng này chắc chắn hai nàng dâu đã biết đến Đức Chúa Trời nhà chồng mình, đã hiểu, không gì lạ về điều này.
Bà Na-ô-mi không ích kỷ, bà ước mong hai nàng về lại nhà riêng (cha mẹ đẻ) để có thể tái giá, được bình yên, được hạnh phúc. Một người mẹ chồng quá tuyệt! Không chỉ trên câu nói mà qua hành động “Rồi người ôm hôn hai nàng, còn hai nàng cất tiếng lên khóc”. Rất lưu luyến, rất thân thiện, rất tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu, dường như không có khoảng cách “mẹ chồng nàng dâu” như bao người tưởng tượng. Mẹ thì ôm con, con thì buồn tủi khi nghe mẹ an ủi. Cả ba nước mắt giàn giụa, như chưa hề có cuộc chia ly.
Hai nàng dâu trả lời “Chúng tôi sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ”. Hai nàng dâu đã bày tỏ tấm lòng với mẹ, không muốn rời xa, không đành để mẹ một mình. Nhưng bà vẫn nghĩ đến tương lai hai nàng, bà đưa ra một lí do theo phong tục Do Thái để một lần nữa hai nàng lựa chọn: “Hỡi hai con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thế làm chồng chúng con sao?” Theo phong tục Do Thái, nếu người chồng chết mà chưa có con thì người vợ phải cưới người em của chồng để sinh con nối dõi dòng họ. “Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi; mẹ già quá mà lấy chồng nữa.” Bà gọi hai nàng dâu mình là “con gái ta”. Bà thúc giục họ trở về nhà mẹ ruột vì bà không lấy chồng nữa, tức là không có con trai nào nữa để gả cho hai nàng. Bà không cứng nhắc làm theo phong tục để ép hai nàng, nhưng cho hai nàng tự do lựa chọn cuộc sống tiếp theo.
“Lại dầu bây giờ mẹ nói: Ta có lòng trông mong, từ chiều nay ta sẽ có chồng, dẫu ta sanh đẻ con trai đi nữa, chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ” (câu 12-13). Bà Na-ô-mi cho rằng những điều xảy ra đã quá đau đớn cho bà, nó giống như sự trừng phạt khi gia đình rời bỏ nơi thờ phượng Chúa, đến xứ thờ thần khác chỉ vì cuộc sống của riêng mình. Tâm trạng của bà cay đắng, như là lỗi tại bản thân bà không tin cậy Chúa, không tin vào sự chu cấp của Chúa tại vùng đất mà Chúa đặt để.
Nghe những lí do rất thuyết phục đó, “Hai nàng lại cất tiếng lên khóc. Đoạn, Ọt-ba hôn và từ biệt bà gia mình; còn Ru-tơ không chịu phân rẽ người.”
Trước sự lựa chọn của hai nàng dâu, bà Na-ô-mi rất ngạc nhiên. Bà không nói gì đến Ọt-ba nữa nhưng hỏi Ru-tơ “Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi”. Đáng lẽ bà nói “Ru-tơ à, chị con đã trở về quê hương và mẹ mình, con cũng hãy trở về theo nó đi”. Phải chăng bà Na-ô-mi đang thử lòng Ru-tơ? Bởi bà biết họ xuất thân từ dân tộc Mô-áp, nơi thờ thần Kê-móc và Kê-mốt, dùng tù nhân chiến tranh để làm vật cúng tế.
Ru-tơ có một nền tảng đức tin, một đời sống đã quay đầu với tội lỗi và quay về với Chúa. Một đời sống dám bước tới – bước tiếp. “Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi” (câu 16-17). Một câu nói từ đáy lòng Ru-tơ, từ tình cảm, từ sự chứng kiến về mẹ trong 10 năm qua. Trước tiên Ru-tơ cầu xin mẹ đừng chia cắt nàng, mẹ đi đâu, mẹ ở nơi nào, sống chết thế nào nàng cũng quyết ở bên. Sau là sự bày tỏ đức tin của nàng với Đức Chúa Trời “dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi”. Tức là con không còn là dân tộc Mô-áp nữa nhưng là dân tộc được lựa chọn, được thờ phượng Chúa, được ở trong nhà Chúa.
“Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”, không phải là Kê-móc hay Kê-mốt nữa. Ru-tơ đã thay đổi đời sống, không còn là dòng máu tàn ác, không còn liên hệ gì với tội lỗi nữa nhưng là con dâu hiếu thảo, là con gái của Đức Chúa Trời.
“Na-ô-mi thấy nàng quyết định theo mình, nên không nói nữa.” Và hành trình trở về bắt đầu. Một hy vọng mở ra cho hai người đàn bà góa.
HY VỌNG (Ru-tơ 1:19-22)
“19 Vậy, hai người đi đến Bết-lê-hem. Khi hai người đến, cả thành đều cảm động. Các người nữ hỏi rằng: Ấy có phải Na-ô-mi chăng? 20 Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-raNa-ô-mi nghĩa là ngọt ngào; Ma-ra nghĩa là cay đắng , vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm. 21 Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi? 22 Na-ô-mi và Ru-tơ, người Mô-áp, dâu của Na-ô-mi, từ ở xứ Mô-áp trở về là như vậy. Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch.
Hai người trở về trong sự cảm động của dân thành Bết-lê-hem. Nhưng đâu đó trong nỗi lòng của Na-ô-mi muốn chôn giấu nỗi đau, bà không muốn cái tên Na-ô-mi nghĩa là “sự vui mừng” được nhắc đến nhưng lại đổi là Ma-ra nghĩa là “cay đắng”. Có một sự đối nghịch: Khi là Na-ô-mi nhưng lại đau đớn; còn khi là Ma-ra nhưng lại mở ra một phước hạnh cho cuộc đời bà và nàng Ru-tơ.
Tuy bà đã nhắc đến những mất mát, buồn bã nhưng lại xưng Chúa là Đấng Toàn Năng. Khi ra đi là đói kém nhưng trở về là đầu mùa gặt. Khi hồi hương, bà dắt về tay không nhưng Đức Chúa Trời bù đắp bội phần ở ba chương còn lại về dòng dõi và về tài sản. Đó không chỉ là niềm vui của Na-ô-mi nhưng là sự hạnh phúc của một người nữ như Ru-tơ. Con đường hạnh phúc của Ru-tơ được tóm tắt lại ở các chương kế tiếp như sau:
- Ru-tơ hạnh phúc khi được làm dâu trong gia đình tin Chúa, đến với gia đình của Đức Chúa Trời. (Đoạn 1)
- Ru-tơ hạnh phúc khi làm một nàng dâu thảo, được một người đàn ông âm thầm quan sát, âm thầm giúp đỡ, âm thầm yêu thương. (Đoạn 2)
- Ru-tơ hạnh phúc khi cảm động được một người đàn ông có thể giúp đỡ nàng bằng mọi cách, vì nàng là người phụ nữ khôn khéo, tài đức. (Đoạn 3)
- Ru-tơ hạnh phúc khi được làm vợ của một người đàn ông hiểu chuyện, khôn ngoan, thấu tình đạt lý. (Đoạn 4:1-16)
- Ru-tơ hạnh phúc khi là một người nữ vinh hạnh có tên trong gia phả hoàng tộc, nhà vua. (Đoạn 4:17-22)
- Ru-tơ hạnh phúc hơn khi là một người được lựa chọn cho dòng dõi của Chúa Cứu Thế ra đời. Đây là đỉnh điểm của sự hạnh phúc, không phải vật chất, không phải vương quyền nhưng là người được góp phần cho chương trình cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời.
Ti-mô-thê Tạ