RẰM THÁNG BẢY nói chuyện HÀNG MÃ

803

 

 

    Khu phố cổ Hà Nội là khu phố nằm xung quanh Thành cổ Hà Nội và mang đậm nét văn hoá cổ xưa với “36 phố phường”, mỗi tên phố của 36 phố phường thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống. Ví dụ Phố Hàng Bát chuyên bán chén bát, Hàng Bông chuyên bán bông, Hàng Bún, Hàng Bút, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Cháo, Hàng Chè, v.v… Phần lớn các phố ngày nay đã thay đổi mặt hàng buôn bán vì không còn phù hợp với nền kinh tế của xã hội nữa, nhưng cũng có ít phố vẫn còn giữ lại phần nào các mặt hàng truyền thống xưa, một trong những phố đó là phố Hàng Mã, chuyên sản xuất và bán hàng mã phục vụ cho “cõi âm”! Đây là mặt hàng đang rất ăn khách hiện nay nên ngoài phố Hàng Mã, vẫn còn nhiều nơi khác buôn bán loại hàng hoá đặc biệt nầy, như làng Cót (Cầu Giấy, Hà Nội) và làng Đông Khê (làng Đông Hồ cũ), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nếu như làng Cót là một “ngân hàng địa phủ” chuyên sản xuất tiền vàng, thì Đông Khê là nơi sản xuất “đồ gia dụng”. Người ta cho biết toàn xã Song Hồ có trên 600 hộ chuyên nghề sản xuất hàng mã. Vào những đợt cao điểm, người ta phải dùng xe tải đóng hàng để chuyển đi Hà Nội và các tỉnh.

 

    Thị trường hàng mã ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phát triển không kém. Hàng loạt cửa hiệu hàng mã hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ và bên hông chợ Thiếc quận 11; ở chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh; và hầu hết mỗi chợ đều có các gian hàng mã.

 

    Điểm qua những gian hàng mã trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, chúng ta thấy những thứ gì có trên đời này, những nhà sản xuất hàng mã đều có thể làm được, nếu có đơn đặt hàng. Họ đã từng sản xuất từ hàng cao cấp đến hàng chợ, như “máy bay”, “tàu thuỷ”, “biệt thự”, “xe hơi”, “xe máy” v.v… rất tinh xảo, có giá từ 8 – 12 triệu đồng, đến những chiếc nón đơn sơ có giá chỉ vài ngàn đồng!

 

    “Trần sao âm vậy”, “Tốt lễ dễ nói”, người đời quan niệm như vậy, nên xu hướng hàng mã đang ngày càng phát triển. Báo chí cho biết tại Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội có một ngôi nhà bốn tầng của một ông “thầy”, vàng mã chất cao như núi. Sát cửa điện, hai “ông” ngựa giấy lực lưỡng cao ngót 3 mét, dán giấy xanh đỏ loè loẹt. Trong điện, những “đinh” vàng bạc và những chồng tiền giấy âm phủ xếp dọc theo chân tường lên tận trần nhà. Giữa điện, hai con voi lớn chen chúc với thuyền rồng, những toà bảo điện, ngai bà chúa, cùng vài chục hình nhân lớn như người thật. Tất cả đều bằng giấy màu sặc sỡ.

 

    Tại một buổi lễ của một bà nhà giàu nọ, người ta thử liệt kê: Bốn “ông mã”, mỗi ông 500.000 đồng. Ông voi thì bảy trăm. Hai toà bảo điện để làm lễ “rải quan” (rải tiền cho quan cõi âm) mỗi toà 600.000 đồng. Ngai bà chúa và thuyền rồng thì trên triệu đồng một bộ… Buổi lễ hôm ấy nguyên tiền vàng mã đã lên đến hơn 70 triệu đồng!!!

 

    Một chị khác ở phố Hàng Cháo ly dị chồng đã hai năm, hiện đang ở với đứa con trai duy nhất quặt quẹo đau ốm. Theo lời “thầy”, chị sắm liền ba lễ “gửi con”, “đổi tuổi” và “trói cô”. Lễ “gửi con” là mong thằng bé được thánh thần phù hộ; lễ “đổi tuổi” là mong chị thay đổi được duyên nghiệp; còn lễ “trói cô” là để níu giữ người chồng cũ trở lại với chị. Tổng cộng chị phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng sắm lễ!

 

    Có một bà đến từ Nam Định nhờ thầy làm lễ “rải quan di hạn” (chuyển hạn sang người khác), giải nghiệp chướng cho chồng bà là một giám đốc công ty xuất nhập khẩu, vừa bị tai nạn xe hơi. Mỗi lần làm lễ bà bỏ ra gần 30 triệu đồng.

 

    Nhiều người khác đang có cuộc sống bình thường nhưng mong năm mới gặp may mắn, tài lộc đầy nhà cũng tìm đến nhờ một “thầy” nào đó sắm lễ. Tại thành phố Hồ Chí Minh báo đăng có người đốt một lần vàng mã trị giá lên đến cả trăm triệu đồng!

 

    Rồi chúng ta lại thường xuyên chứng kiến cảnh những đám tang rãi tiền “âm phủ”, toàn là bạc giấy có mệnh giá cao và đô la y như thiệt, trên suốt hành trình đưa tang.

 

    Một mồi lửa châm vào “ngôi biệt thự” bằng giấy có trị giá bằng một căn nhà tình thương. Một chiếc “xe hơi” Lexus, một chiếc “xe máy SH” to bằng xe thật, một nhà lầu… có thể cứu giúp nhiều mảnh đời cơ cực. Thế nhưng biết bao người lắm tiền nhiều của đã đem đốt đi vì mê tín dị đoan, thật là quá lãng phí. Biết là lãng phí nhưng tại sao người ta vẫn cứ đốt?  Có thể kể một vài nguyên nhân sau:

 

    Một số người cho rằng bỏ thật nhiều tiền để cúng tế cho “thế giới cõi âm” thì cuộc sống ở dương gian sẽ giải trừ được tội lỗi. Một sự trao đổi mang tính “hối lộ”, dùng tiền bạc đốt hàng mã để giải quyết tội lỗi, để tự trấn an về những sai phạm mình đã mắc phải, và một khi đã an lòng vì nghĩ rằng hàng mã đã giải quyết xong rồi thì rất dễ tiếp tục tiến bước vào con đường sai trái. Suy cho cùng thì hàng mã đâu phải là một giấy thông hành tốt nhất để lún sâu vào thế giới tội lỗi mà không lo bị chìm xuồng, đâu có thể chỉ cần đốt thật nhiều thì tội lỗi cũng được “thiêu cháy” theo!

 

    Một số người khác thì nghĩ rằng hàng mã là nấc thang để leo lên đỉnh cao của công danh sự nghiệp, gia tăng phúc lộc, công danh, vì vậy chỉ đốt một mà lại mong được nhận lại trăm ngàn lần hơn, quả là một cuộc trao đổi không bình đẳng!

 

    Có người đốt hàng mã, tiền và đô la âm phủ cho thân nhân đã chết để mong dưới cõi âm họ cũng được sống vinh hoa phú quý, cũng có xe máy, nhà lầu, cũng có tiền bạc để chi tiêu thoải mái! Những người nầy có suy nghĩ rất đúng, rằng chết không phải là hết, nhưng suy nghĩ của họ vẫn chưa thấu đáo và phương cách hành động còn có điểm chưa đúng. Họ đốt rất rời rộng cho người chết, nhưng có khi bà con đang sống thì lại bỏ bê! Họ đang lo cho linh hồn người đã chết nhưng chính linh hồn mình thì chẳng có chút quan tâm!

 

    Có người đốt hàng mã để mong nhờ cậy một vị thần nào đó giúp cho đánh bại kẻ thù mà họ đang bó tay. Theo suy nghĩ của họ thì thần thánh chẳng khác nào những tay anh chị trong giới giang hồ! Cứ dùng hàng mã “thuê” là được!

 

    Còn những đám đưa tang rãi tiền âm phủ dọc đường vì họ suy nghĩ rằng có chút đỉnh quà cáp cho những “cô hồn các đảng” để chúng đừng phá phách, hầu cho việc đưa tang được suôn sẻ, bình an!

 

    Qua những sự kiện trên, chúng ta có suy nghĩ gì? Cuộc sống mỗi ngày với biết bao tai ương thảm hoạ, khiến cho ai nấy luôn sống trong mối bất an, lo sợ, ai cũng muốn được an lành, muốn được thăng tiến, nhưng trước những biến cố của cuộc đời, có nhiều điều khó lường luôn xảy ra ngoài tầm tay của con người, và trong sự bế tắt đó, nhiều người đành tìm đến với thế giới thần linh, mặc dù họ chẳng biết thần đó là ai và cũng chẳng biết có thật sự giúp ích gì cho họ không, nhưng dù sao cũng có một chút gì đó để nương dựa, để cậy trông, để mong chờ vẫn hơn… Chính vì những tâm lý bất ổn đó mà họ bị những “thầy” ở thế gian nầy lợi dụng, vì báo chí cho biết, núp bóng đằng sau lưng những ông “thầy” nổi tiếng là những cơ sở sản xuất hàng mã đồ sộ và ai nấy đang làm giàu trên sự lo sợ của nhiều người.

 

    Con người tội lỗi không thể tự mình giải quyết tội lỗi cho mình bằng bất cứ một phương cách nào cả. Chẳng khác nào một người không biết bơi đang vùng vẫy dưới dòng sông sâu, người ấy không thể tự cứu mình bằng bất kỳ một phương phức nào cả, trừ khi có người khác đứng ở nơi an toàn đưa tay ra cứu giúp. Chỉ có Đức Chúa Trời giáng sinh làm người, là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng vô tội, chịu chết thay cho tội lỗi của con người trên thập tự giá, để cho tất cả những ai bằng lòng tin nhận Ngài thì sẽ được tha tội và được sự sống vĩnh cửu. Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-xu, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).

 

    Người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ được làm con của Đức Chúa Trời. Và vì chúng ta là con của Chúa nên Ngài giải thoát chúng ta ra khỏi ách thống trị của ma quỷ, cuộc sống mới của chúng ta được Đức Thánh Linh dẫn dắt, vì vậy con đường chúng ta đi là con đường của sự sáng. Kinh Thánh cho biết: “Vậy người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa. Vì luật của Thánh Linh hằng sống trong Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết.” (Rô-ma 8:1-2), và Cô-lô-se 1:12-14 ghi rằng: “Hãy luôn luôn cảm tạ Cha thiên thượng. Chúa Cha đã làm cho anh em xứng đáng chung hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ trên Nước sáng láng. Ngài giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm của Sa-tan, chuyển chúng ta qua Nước của Con yêu dấu Ngài. Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dùng máu mình cứu chuộc chúng ta và tha thứ tội lỗi chúng ta.”

 

    Được làm con cái Chúa, chúng ta sẽ không còn chịu sự ràng buộc nào khác ngoài sự ràng buộc với Chúa yêu thương, Đấng đã yêu chúng ta và chết thay cho tội lỗi chúng ta. Mỗi ngày chúng ta được sống trong ơn lành của Chúa, mọi đòi hỏi của ma quỷ không còn giá trị gì trên người theo Chúa, vì chúng ta không còn thuộc về ma quỷ nữa nhưng thuộc về Chúa. Chúa Giê-xu đã phán: “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa.” (Giăng 12:46). Khi bạn tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu vào lòng thì cuộc đời được giải thoát khỏi những ràng buộc của tối tăm và được sống sung mãn trong sự sáng của Ngài. Còn gì vui hơn?

 

    Cầu xin Chúa cho bạn được soi sáng tâm linh để nhìn thấy ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không hề đòi hỏi phải “cúng” gì hay đốt gì cho Ngài cả, nhưng chính Ngài lại ban cho chúng ta không điều kiện, ban chính mạng sống của Ngài trên cây thập tự để chúng ta được giải thoát, được sạch tội và được sống vĩnh cửu.

 

 

    Ánh Dương

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.