Quảng Nam: Lễ Cảm Tạ Chúa Và Kỷ Niệm 80 năm Thành Lập HTTL Chiên Đàn

3254

HTTLVN.ORG – Vào lúc 8g30, ngày 01/09/2023, tại khu phố Đông Yên, phường Hòa Thuận, Tp. Tam Kỳ đã diễn ra lễ Cảm tạ Chúa và Kỷ niệm 80 năm Thành lập HTTL Chiên Đàn.
Hiện diện có Mục sư Thái Phước Trường – Hội Trưởng HTTLVN; Mục sư Trần Đình, Mục sư Nguyễn Xuân Sanh – Ủy viên Tổng Liên Hội (TLH), Mục sư Võ Đình Đán – Trưởng ban, cùng các thành viên Ban Đại diện, và gần 800 tôi con Chúa về tham dự. Đại diện chính quyền các cấp cũng đến dự và chúc mừng.


Nhà thờ Tin Lành Chiên Đàn


Quang cảnh trong và ngoài nhà thờ


MS Mã Phúc Thanh Tươi, UV TLH – Quản nhiệm HT Chiên Đàn, hướng dẫn chương trình, có lời hoan nghênh và chào mừng.


MS Nguyễn Đôn Đăng, Nguyên Quản nhiệm HT Chiên Đàn, ngợi khen Chúa qua bài thơ: Hội Thánh Chiên Đàn Chúc Tụng Chúa.


Ban hát HT Tam Kỳ tôn vinh Chúa Thánh ca ‘Ánh sáng tình yêu’


Ban hát thiếu nhi HT Chiên Đàn tôn vinh Chúa Thánh ca 872 ‘Tôi là chiên của Chúa’


Ban hát HT Chiên Đàn tôn vinh Chúa Thánh ca 433 ‘Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi’


MS Thái Phước Trường giảng Kinh Thánh với đề tài Cảm Tạ Chúa Mãi Mãi, nương trên Kinh Thánh Thi Thiên 79:13. Lời Chúa nhắc nhở quý tôi con Chúa cần biết chúng ta có địa vị là dân sự Ngài; Sự cảm tạ Chúa mãi mãi không lệ thuộc vào hoàn cảnh; Hãy cùng lưu truyền sự cảm tạ Chúa từ đời nọ sang đời kia.


Hợp ca Thanh Thiếu niên HT Chiên Đàn tôn vinh Chúa Thánh ca 242 ‘Lên chốn cao hơn’

Trong chương trình, Hội Thánh cũng được xem clip Lược sử Hội Thánh để thấy được sự bảo bọc, che chở của Đức Chúa Trời trên Hội Thánh Ngài trong suốt 80 năm qua, giữa biết bao biến cố thời cuộc, Hội Thánh Chúa vẫn tồn tại và ngày càng phát triển ơn thần hựu của Ngài. Mục sư Thái Phước Trường cầu nguyện đặc biệt cho Hội Thánh tiếp tục vững bước trong những năm tới.


Đại diện TLH chúc mừng


Ban Đại diện TL tỉnh Quảng Nam chúc mừng


Ban Đại diện TL Thành phố Đà Nẵng chúc mừng


Đại diện Hội Thánh mẹ, HT Tam Kỳ, chúc mừng





Đại diện chính quyền chúc mừng

Ban Trị sự Hội Thánh có lời tri ân, quà tặng đến lãnh đạo giáo hội, và các tiền nhân đã đóng góp công sức cho Hội Thánh qua các thời kỳ.

Buổi lễ kết thúc lúc 11g30 trong niềm vui cảm tạ sau lời cầu nguyện của Mục sư Trần Đình, và chúc phước của MS Trí sự Nguyễn Việt.

TTV. MS Tạ Quang Vinh

LƯỢC SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH CHI HỘI CHIÊN ĐÀN

Ngày xưa, vượt qua đồi Trà Cai, đến hòn Đá Dựng, là đã đến với ngôi nhà thờ Tin Lành Chi Hội Chiên Đàn. Vùng đất thân thiện, giàu tình nặng nghĩa, các bậc tiền bối có công khai lập nên xã hiệu Chiên Đàn, nay thuộc thành phố Tam Kỳ.
Chiên Đàn là danh từ được phiên âm từ chữ Chandan của người Chăm, có nghĩa là cây lô hội, dùng làm dược thảo và mỹ phẩm. Văn hóa của họ còn lưu giữ cho đến ngày nay là tháp cổ Chiên Đàn.
Người tin theo đạo Chúa nghe đến Chiên Đàn, một Hội Thánh có tên gọi bình dị, gợi cho người nghe cảm nhận được thương yêu và thanh bình, như những con chiên được nằm trong cánh tay bồng ẵm và chăn giữ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cũng là Đấng Chăn nhân từ hiền lành.

  1. KHỞI ĐẦU HỘI THÁNH

Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Chiên Đàn là Chi phái Khánh Thọ của Hội Thánh Tam Kỳ. Hội Thánh hình thành trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam chiến tranh khốc liệt và nền kinh tế kiệt quệ của thế chiến thứ hai.
Năm 1943, Giáo hội ra quyết định thành lập Chi Hội Chiên Đàn với 21 hộ, có 102 tín hữu. Vị Quản nhiệm đầu tiên là cố Mục sư Nguyễn Xuân Diệm (1943-1944). Nhà thờ ban sơ làm bằng gỗ, lợp tranh vào năm 1944 trên mảnh đất của cụ Huỳnh Thỏa, (là thân sinh của Mục sư Huỳnh Thái Học) hiến dâng. Sau này, vì hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ bị sụp đổ do đạn pháo, phải sơ tán, đến năm 1992, chính quyền đã phân chia cho người khác sử dụng.

2. TÍN HỮU BAN ĐẦU

Câu chuyện ngày xưa kể lại rằng, có những phụ nữ không biết chữ trong Ban Chứng đạo Hội Thánh Tam Kỳ đi lên Khánh Thọ làm chứng về đạo Chúa. Những người nghe là thầy thuốc, những thầy có học, trong làng xã đã tỏ rõ khinh thị, nhưng lời nói đơn sơ chân thành cùng với ơn Chúa ban cho, nhiều người ở đây đã tâm phục khẩu phục mà tin theo đạo. Cố Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu đã viết, trong cuộc sống tại nông thôn, một người trở nên tín đồ Tin Lành “thường cần một sự can đảm”, vì thờ cúng tổ tiên là đặc trưng tín ngưỡng của người Việt, đã góp phần không nhỏ trong việc thắt chặt các quan hệ họ hàng và làng xã. Tin theo đạo Tin Lành bị xem là đối lập với gia tộc, dưới thời phong kiến từ chối tham dự việc cúng bái, thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa không khác gì làm tay sai cho ngoại bang, hại dân hại nước.
Hội Thánh Chiên Đàn bắt đầu với những người tín hữu đầu tiên với đức tin trung kiên như thầy Nguyễn Sửu (ông ngoại Mục sư Võ Đình Đán), cụ Đẳng, cụ Nguyễn Huẩn (ông nội của bà Võ Đình Đán và Chấp sự Nguyễn Nghĩa), cụ Trần Cân (ông nội của anh Trần Minh Thế), Cụ Trần Thuận (thân sinh của ông bà Trần Thái Phương), cụ Huỳnh Thỏa (thân sinh của Mục sư Huỳnh Thái Học), cụ Nguyễn Hy (thân sinh của Mục sư Nguyễn Ngọc Dư), cụ Hồ Năm (thân sinh Mục sư Hồ Hải Tâm) cụ Nguyễn Phẩm (thân sinh Mục sư Nguyễn Thân Phẩm và Mục sư Nguyễn Thanh), cụ Hồ Lượng, cụ Hồ Bồng, cụ Hồ Bình, cụ Nguyễn Cửu, cụ Nguyễn Thành (thân sinh của Mục sư Nguyễn Việt), ông Huỳnh Do (thân sinh Chấp sự Huỳnh Thắng), ông Trương Cương, ông Nguyễn Bang, ông Nguyễn Phó và còn có nhiều người khác nữa.
Đức Chúa Trời đã làm nhiều điều kỳ diệu để gây dựng đức tin, giải cứu, bảo vệ tôi con Chúa trong giai đoạn sơ khai của Hội Thánh. Các vị mục sư lần lượt đã được Giáo hội bổ nhiệm lo cho Hội Thánh là cố Mục sư Tạ Kế (1944-1945). Trong thời điểm này tà thuyết Chúa Tái Lâm của ông Trần Như Tuân đã ảnh hưởng đến tín hữu làm cho nhiều người vừa mất lòng tin, vừa bị người ta chê cười. Với tâm tình của Mục sư kiêm lo quản nhiệm, những người tín hữu Chiên Đàn vấp ngã đã nhờ ơn Chúa đứng dậy, từng bước đi lên.
Cố Mục sư Lê Châu (1945-1953) đến hầu việc Chúa tại Tam Kỳ và kiêm nhiệm Chiên Đàn. Trong thời kỳ kháng chiến I, Tam Kỳ là mục tiêu bắn phá của máy bay quân đội Pháp, chính quyền có chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Nhà thờ Chiên Đàn trở thành nơi tiếp đón tín hữu Hội Thánh Tam Kỳ đến nhóm trong hoàn cảnh chiến tranh và thiếu vắng mục sư. Năm 1952 là năm thiếu đói, nhưng anh chị em tín hữu đã đồng lòng hiệp ý xây dựng được ngôi nhà thờ bằng ngói, tường vôi đá ong. Âm nhạc thờ phượng trong giai đoạn còn rất mới mẻ với những tín đồ nông thôn, thầy Đinh Văn Điển (là nhạc gia cố Mục sư Nguyễn Kim Long) ở Tam Kỳ hằng tuần lên đây lo việc tập hát và hướng dẫn gây dựng lớp trẻ. Chiên Đàn có những nam thanh nữ tú thật kính yêu Chúa như ông Nguyễn Thiệu, ông Trần Điển, bà Mục sư Lê Yên, bà Ngô Thái Bình, bà Mục sư Bùi Phiên, Mục sư Nguyễn Thân Phẩm, Mục sư Nguyễn Thanh, Mục sư Huỳnh Thái Học, Mục sư Nguyễn Ngọc Dư, Mục sư Hồ Hải Tâm… đã dâng mình phụng sự Nhà Chúa.
Sau Hiệp định Geneve đình chiến, cố Mục sư Nguyễn Xuân Vọng đổi đến Tam Kỳ kiêm lo cho Hội Thánh. Năm 1962, Truyền Đạo Trần Tuôi (1962-1963) đã được bổ nhiệm đến hầu việc Chúa ở giữa bầy chiên. Ngôi nhà thờ thật nhỏ, cũ kỷ, cột gỗ, tường vôi, chật hẹp, tư thất vừa mới xây xong lợp ngói, tín đồ có khoảng hơn 70 người nhóm lại. Thầy Tuôi khởi sự bằng việc khích lệ tín hữu tham gia kiêng ăn cầu nguyện mỗi tuần, quyền phép Chúa đã chữa lành cho những người bệnh tật, cho người bị quỷ ám.  Năm 1963, thầy cô Truyền đạo Mã Phúc Tín đã được bổ nhiệm thay thế thầy Tuôi về học tại Thánh Kinh Thần Học Viện. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng với cái sườn nhà bằng gỗ cây mít, chạm khắc công phu, trước đây là cái đình ở xã Tam Thái, về sau chuyển nhượng cho Hội Thánh. Vì là nhà cổ nên mái rất thấp, ngay sau trận lụt năm Thìn (1964) thầy Mã Phúc Tín đã cùng tín hữu sửa chữa, đã nâng cao lên và nới rộng hơn. Đêm đêm thanh niên thiếu nữ đi gánh cát ngoài suối đem về đúc gạch táp-lô, xây tường nhà thờ, chi phí hết 60.000 đồng bạc thời bấy giờ. Ngày 09/09/1965 hoàn tất khánh thành, cụ Mục sư Nguyễn Xuân Vọng Chủ nhiệm Địa hạt Bắc Trung phần đến cử hành lễ cảm tạ và giảng bồi linh, Hội Thánh vui mừng phước hạnh.
Những ngày yên bình ngắn ngủi mau qua, chẳng mấy chốc nhà thờ thành vùng tranh chấp kiểm soát. Hội Thánh nhóm họp dưới làn đạn pháo hai bên trong chiến tranh Việt Nam, tín hữu cư trú tại Đông Yên và cả Tây Yên, thể chế chính quyền hai bên 16, 17 khác nhau. Thanh niên thiếu nữ trong Hội Thánh có một số tham gia bộ đội du kích, số khác lại phải đi quân dịch. Dầu là đối địch với nhau, nhưng họ vẫn giữ tình thương yêu nhau và cùng chung thờ phượng dưới mái Nhà Chúa.
Năm 1967-1968, chiến tranh ác liệt, nhà thờ bị đạn pháo làm hư hỏng nặng, nên phải di dời đến khu đất hiện nay. Khu đất này do ông bà Huỳnh Hòa dâng hiến khoảng 1.600 mét vuông làm nơi tạm cư, nhà nguyện dựng tạm bằng gỗ, vách ván cho con dân Chúa nhóm lại.
Tình cảnh đồng bào và cả con cái Chúa trong giai đoạn này thật là thảm thương, chiến tranh vừa mất nhà cửa ruộng vườn, vừa mất cả những người thân yêu, cái khổ cái nghèo hòa cùng nước mắt trong những ngôi nhà nằm giữa cánh đồng buồn thiu hiu quạnh, đêm đêm súng pháo tơi bời.
            “Mồ côi tội lắm ai ơi
            Đói cơm, khát nước biết tìm về đâu”

 Năm 1968, TĐ Nguyễn Xuân Tín đã được Địa Hạt bổ nhiệm thay thế. Thầy Mã Phúc Tín và thầy Nguyễn Xuân Tín trong những năm này đã tiễn đưa hai mươi mấy em thiếu ấu nhi của Hội Thánh chịu cảnh tang thương, mất cha mất mẹ, thân phận côi cút mỏng manh lên đường vào các Cô nhi viện Mỹ Khê, Tam Kỳ, Chu Lai, Nha Trang, Long Thành…để được nuôi dưỡng học tập, được bảo bọc trong tình thương yêu của tôi con Chúa. Những em này sau khi trưởng thành trở về góp phần gây dựng Hội Thánh từ năm 1975 cho đến nay.
Năm 1970, Truyền đạo Nguyễn Đôn Đăng (1970-1972) về hầu việc Chúa với Hội Thánh. Thanh niên hầu hết đã lên đường thi hành nghĩa vụ hay đi quân dịch, Hội Thánh chỉ còn những người cao tuổi, phụ nữ và trẻ con. Tín hữu rất nghèo, các em thiếu niên, thiếu nhi hằng ngày phải đi chăn bò giữ trâu, hái sim, kiếm củi trên các ngọn đồi, đem xuống Tam Kỳ bán để mua gạo. Thầy Đăng chỉ biết nhờ Chúa cầu thay cho bầy chiên nhỏ bé ít ỏi:
                        Đêm đêm tỉnh thức nguyện cầu.
                        Xin Cha chăn dắt cả bầy tôi con.

Tháng 10 năm 1971, cơn bão Hester đi qua miền Trung, thổi xuôi quật ngược, tôn lợp nhà nguyện bay rơi lả tả, vách gỗ cũng bị sập ngã tan tác khắp nơi. Mùa Giáng sinh năm đó thật buồn, tín hữu xúm xít nhóm ở tư thất chật hẹp. Mấy tháng còn lại của một nhiệm kỳ ngắn ngủi, thầy trò cùng nhau xây dựng nhà nguyện đổ nát. Hội Thánh chẳng còn tiền, thầy Đăng về quê Bình Định bán ruộng đem dâng làm xong Nhà Chúa. Cuộc sống của một Truyền đạo đơn thân gian lao mọi bề, trong tình cảnh chiến tranh khốc liệt mùa hè đỏ lửa, Hội Thánh sinh hoạt chỉ như cầm chừng.
Năm 1972, Mục sư Trương Thành Quang được bổ nhiệm về Chiên Đàn, hiệp với Ban Trị sự mới có ông Hồ Thanh (Thư ký), ông Hồ Thái An (Tư hóa) để ổn định Hội Thánh. Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân năm 1975 xảy ra. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, dầu vậy hậu quả cuộc chiến lâu dài còn rất nặng nề về kinh tế lẫn xã hội.
Trong thời kỳ bao cấp, tôn giáo bị xem như “tàn dư” của xã hội cũ, là nhận thức sai lầm, đối lập với chủ nghĩa xã hội và khoa học hiện đại. Thanh niên thiếu nữ lớn lên đi vào các công trường, nông trường, nông dân phải bước vào con đường làm ăn tập thể hợp tác xã. Những thay đổi xã hội làm nhiều tín hữu không thể đến nhà thờ, có người chối bỏ niềm tin. Có người dự báo đạo Tin Lành cũng như ngọn đèn cạn dầu ngày càng tàn lụi và sẽ tắt hẳn. Ông bà Mục sư phải về quê lao động sản xuất mưu sinh ở Khánh Bình, cách nhà thờ khoảng 80 km, cuối tuần đạp xe leo đèo vượt dốc trở về lo cho bầy chiên. Năm 1977, theo đơn xin của Mục sư, Địa hạt bổ nhiệm Truyền đạo Trần Đình đến phụ tá Chủ tọa, nhưng thầy đến cũng chỉ được mấy tuần, vì không phải là người địa phương nên thầy không được phép để lo mục vụ cho Hội Thánh.
 Từ cuối năm 1978, Truyền đạo sinh Nguyễn Việt trở về quê cũ góp phần linh vụ với Mục sư Quản nhiệm. Đến năm 1986, Ông bà Trương Thành Quang rời khỏi Hội Thánh.
Địa hạt cử cố Mục sư Nguyễn Xuân Vọng ở Phương Hòa lên kiêm lo, nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ chính quyền không đồng thuận. Trong giai đoạn khó khăn này, thầy Nguyễn Việt hiệp cùng cố Nguyễn Thiệu, cố Trần Điển, cố Nguyễn Phó, anh Huỳnh Thắng duy trì công việc Chúa. Những bữa ăn cơm mắm đạm bạc của ông bà Trương Khiêm, Nguyễn Thi và những tín hữu ở quanh nhà thờ làm ấm lòng người hầu việc Chúa. Nhớ mãi tình thương của các ông bà cụ ngày xưa ở tại Chiên Đàn trong cảnh gian khó, Mục sư Nguyễn Đôn Đăng có làm dòng thơ tự tình:
                   Những cụ ông yêu Chúa,
                   Lòng tin kính như cha,
                   Những cụ bà nghèo khổ,
                   Chia cho con từng chút mắm cọng rau.
                   …………………………………………….
                   Quên sao được: cơm hẩm ghế hai phần.
                   Ăn vẫn ngon, vì con chưa từng nếm trải.

  Dù đường lối đổi mới của Nhà nước được khởi xướng bắt đầu từ năm 1986, nhưng cũng chính năm này Hội Thánh Chiên Đàn không được phép tổ chức lễ Kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh. Hội Thánh Phương Hòa mở rộng tấm lòng cưu mang đón tiếp những tín hữu Chiên Đàn xuống cùng đón lễ Nô-ên trong cảnh mùa đông lạnh giá của đêm dài bao cấp.
Đường lối đổi mới đất nước bắt đầu đi vào cuộc sống, dần dần thể hiện tính đúng đắn. Năm 1987, Địa hạt Trung Trung bộ ủy nhiệm nội bộ Truyền đạo Nguyễn Việt lo linh vụ cho Hội Thánh. Năm 1990 đến 1992, Hội Thánh được Chúa thăm viếng thật kỳ diệu, nhiều người đã lìa xa Nhà Chúa sau năm 1975 nay đã quay trở về sinh hoạt với Hội Thánh.
 Năm 1991, Giáo hạt Trung Trung bộ bổ nhiệm, chính quyền tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đồng ý, Truyền đạo Nguyễn Việt chính thức quản nhiệm Chi Hội Chiên Đàn. Nhu cầu tín hữu ngày càng đông, Hội Thánh quyết định trùng tu nhà thờ. Không thể nói hết những thách thức, gian khó trong khi thi công, Chúa đã dùng ông Trịnh Rân là tín hữu Trường Xuân, hiệp với Quản nhiệm, Ban Trị sự và toàn cả tín hữu Hội Thánh lúc bấy giờ dâng hiến tiền bạc và công sức xây dựng Nhà Chúa. Tín hữu nghe tin xây dựng đền thờ đã cầu nguyện và góp phần tiền bạc gửi về.  Ngày khánh thành cung hiến do Mục sư Quyền Chủ nhiệm Dương Thạnh, Ban Trị sự Địa hạt Bắc Trung phần và tôi con Chúa trong tỉnh đã đến tham dự đông vui phước hạnh.
Năm 2006, Mục sư Nguyễn Việt xin thuyên chuyển, Tổng Liên Hội đã cử Mục sư Mã Phúc Tín kiêm nhiệm lo cho Hội Thánh. Trong thời gian này có thầy cô Đỗ Văn Trường về thực tập gần 3 năm, ông Trương Văn Vạn, là Tư hóa Hội Thánh, tạm trú tư thất coi sóc nhà thờ.
Năm 2009, Mục sư Mã Phúc Thanh Tươi được Ban Trị sự – Chấp sự và anh chị em tín hữu trong Hội Thánh tín nhiệm mời đến hầu việc Chúa với Hội Thánh. Đây là lần đầu tiên Hội Thánh được quyền mời Quản nhiệm.
Mục sư Mã Phúc Thanh Tươi gây dựng đời sống tâm linh tín hữu bằng cách  thăm viếng ổn định Hội Thánh và phân chia làm 7 chi phái, hằng tuần nhóm lại đều đặn. Ông bà thường xuyên đến từng chi phái tham gia học Kinh Thánh, cầu nguyện, tâm tình và thăm hỏi anh chị em tín hữu. Hội Thánh cầu nguyện cho những người đã tin nhận Chúa, nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nay không còn sinh hoạt với Hội Thánh, nay họ đã đi nhóm thờ phượng Chúa trở lại. Ngoài các ban ngành đã có trước đây, Ban Thanh Tráng, Ban Phụ nữ đã được hình thành. Hội Thánh đã có những đêm mừng ngày lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh đông đảo thân hữu tham dự biết đến tình yêu của Đức Chúa Trời, nhiều người tiếp nhận ơn cứu rỗi, thêm vào Hội Thánh.
Hằng năm vào dịp Lễ Giáng sinh, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ, phường Hòa Thuận, xã Tam Đàn đến chào thăm và chúc mừng Hội Thánh, vận động bà con tín hữu sống “tốt đạo đẹp đời”, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Thánh trong việc hành đạo, tổ chức các ngày lễ trang nghiêm trân trọng. Hằng tuần có các buổi nhóm tuần hoàn cầu nguyện bình an cho gia đình, hằng năm được tổ chức các buổi liên hoan Giáng sinh Chi phái thật đầm ấm vui vẻ cho bà con tín hữu.
Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam đã tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày của người dân trong đó có bà con tín hữu Hội Thánh Chiên Đàn. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia ứng phó tốt với dịch bệnh, dù trải qua những đợt bùng phát liên tục. Hội Thánh Chiên Đàn chấp hành chủ trương của chính phủ và thành phố trong việc giãn cách và phòng ngừa dịch bệnh. Hội Thánh hướng dẫn và giúp phun thuốc khử trùng đến từng hộ gia đình. Nhà thờ giảm thiểu tập trung đông người trong những ngày Chúa nhật, lễ Phục sinh và Giáng sinh. Tất cả các buổi lễ đều được truyền phát trực tuyến đến từng nhà, nên tín hữu được vững vàng trong đức tin, mang đến niềm hy vọng trong cơn đại dịch và thể hiện tình thương đối với mọi người. Hội Thánh đóng góp với chính quyền địa phương để mua vaccine, những túi thuốc của Ủy ban Y tế – Xã hội Tổng Liên hội và Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Quảng Nam được chuyển đến kịp thời cho những gia đình lâm bệnh, phát tiền phát quà giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, già yếu và bệnh nền. Những thùng hàng thực phẩm cứu trợ của Hội Thánh được gửi đến các thành phố lớn nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu cho công nhân làm việc và các sinh viên là tín hữu đang ở trong vùng dịch bệnh. Hội Thánh Chiên Đàn đã có nhiều thanh niên thanh nữ trước đây dâng mình phục sự Nhà Chúa. Thế hệ kế tiếp có bà Mục sư Võ Đình Đán, bà Mục sư Nguyễn Việt, Mục sư Nguyễn Lập, Mục sư Huỳnh Lý Hải, cô Huỳnh Thị Hồng Bửu. Khi Viện Thánh Kinh Thần Học mở cửa trở lại vào năm 2003, tiếp tục có những thanh niên lên đường nhập học, tốt nghiệp ra trường về quản nhiệm các Hội Thánh trong và ngoài tỉnh như ông bà Mục sư Nguyễn Ngọc Phước, Mục sư Phan Đình Hảo, Mục sư Huỳnh Thái Tâm, Mục sư Huỳnh Xuân Diệu, Truyền đạo Nguyễn Vĩnh Phước, Mục sư Tân Đức Hải, Mục sư Nhiệm chức Nguyễn Việt Hòa, Mục sư Nhiệm chức Trần Minh Cảnh, Sinh viên Hoàng Quốc Khánh, thầy Phan Quốc Hoài (học tại Hàn Quốc).
Về cơ sở Hội Thánh, tọa lạc trên mảnh đất diện tích thực tế khoảng hơn 1.500 mét vuông do 1 tín hữu dâng cho Hội Thánh trong thời kỳ chiến tranh để làm nơi nhóm tạm. Hội Thánh đã sửa dùng sườn gỗ nhà thờ cũ làm hội trường. Vì đất đai chật hẹp, không có phòng ốc để các ban ngành sinh hoạt như những Hội Thánh khác, nên tạm dùng ba phòng trong tư thất Mục sư làm nơi học Kinh Thánh hàng tuần cho các lớp giáo lý, lớp ấu nhi và lớp thiếu nhi. Hội Thánh nới rộng tòa giảng, làm nhà để xe ngay trước tư thất, nhưng vẫn khó đủ chỗ đáp ứng theo nguyện vọng và nhu cầu cho tín hữu. Đây là yếu tố tất yếu đến cùng với sự hòa nhập, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thành phố Tam Kỳ.
 Nhà thờ Tin Lành Chiên Đàn cần phải xây dựng mới, đảm bảo diện tích tối thiểu phục vụ hoạt động của nhà thờ, phòng học sinh hoạt cho các ban ngành; là nơi tôn nghiêm thông thoáng, cũng là điểm đến xanh đẹp cho khách tham quan khi đến thăm thành phố Tam Kỳ.
  Sau thời gian dài xin cấp đất, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản giao cho UBND thành phố Tam Kỳ xem xét giải quyết theo văn bản ngày 11/10/2021. UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi cho Hội Thánh ngày 27/10/2022 trả lời đang chỉ đạo các phòng ban, ban chuyên môn và các đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh qui hoạch phân khu 2. Các cấp thẩm quyền phê duyệt đất tôn giáo sẽ xem xét đề nghị của Hội Thánh liên quan đến việc di đời cơ sở cũ đến nơi mới.
Hội Thánh chúng tôi vui mừng chờ đợi về chủ trương này của chính quyền tỉnh và thành phố, kính mong quí vị lãnh đạo chính quyền sớm đáp ứng theo nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của tất cả tín hữu Tin Lành chúng tôi.
Hội Thánh chúng tôi nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn đến lãnh đạo giáo hội, lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam kỳ, phường Hòa Thuận đã tạo điều kiện tốt cho Hội Thánh chúng tôi trong sự sinh hoạt. Chúng tôi cũng biết ơn công sức, lòng hiến dâng của anh chị em tín hữu trong và ngoài Hội Thánh, sự yêu mến cầu nguyện và chia sẻ của các ân nhân ở khắp nơi đối với Hội Thánh chúng tôi.
                      “Tôi sẽ nhắc lại công việc của Đức Giê-hô-va
                      Nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa.”  (Thi 77:11)

 80 năm đã qua, hoàn cảnh có nhiều thăng trầm, nhưng hôm nay tất cả chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời, đã thành lập, giữ gìn và ban phước cho Hội Thánh. Đồng thời nhắc nhở và giáo dục con cháu bước theo tiền nhân giữ vững đức tin, vâng lời Chúa dạy và phục vụ tha nhân. Hội Thánh là nơi mà tín hữu cảm nhận sự tự do và an toàn, để yêu thương và được yêu thương, chúng tôi nguyện hết lòng góp phần thực hiện sứ mạng của Hội Thánh, tôn cao danh Chúa ở giữa trần gian.
             “Còn chúng tôi là dân sự Chúa,
              và là bầy chiên của đồng cỏ Chúa,
              Chúng tôi sẽ cảm tạ Chúa mãi mãi;
              Từ đời nầy qua đời kia,
            chúng tôi sẽ truyền ra sự ngợi khen Chúa”. (Thi 79:13 )

Amen.

Bài trướcLâm Đồng: Khởi Công Xây Dựng Nhà Thờ Hàng Làng
Bài tiếp theoQuảng Nam: Lễ Khai Giảng Trung Cấp Thần Học Lớp T6, Niên Học 2023