Quảng Nam: HTTL Hội An Cảm Tạ Chúa 100 Năm Thành Lập

2901

HTTLVN.ORG – Ngày 21/07/2022, Hội Thánh Tin Lành Hội An, 114 Phan Châu Trinh, P. Cẩm Phô, TP. Hội An tổ chức Lễ Cảm tạ Chúa, Kỷ niệm 100 năm Thành lập Hội Thánh (1921 – 2021).

Mục sư Thái Phước Trường, Hội trưởng HTTLVN đến dự và rao giảng sứ điệp cảm tạ. Tham dự chương trình còn có Mục sư Nguyễn Xuân Sanh, Mục sư Mã Phúc Thanh Tươi, Mục sư Dương Quang Hòa, Mục sư Trần Đình, Ủy viên Tổng Liên Hội; Mục sư Võ Thành Phê, Ủy viên HĐGP; Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cùng quý tôi Chúa trong và ngoài Hội Thánh. Ngoài ra đại diện chính quyền các cấp của thành phố Hội An và phường Cẩm Phô cũng đến dự và chúc mừng.

Dựa trên nền tảng Thi Thiên 147:1-7 với chủ đề “Ca Tụng Công Việc Chúa”, trong niềm vui của sự tạ ơn Đức Chúa Trời, Mục sư Thái Phước Trường nhắc nhở mỗi tôi con Chúa phải nhận biết công việc lớn lao Chúa đã làm trên đất và đặc biệt là Hội Thánh mà Ngài thành lập trên Chúa Giê-xu Christ, nên cùng hòa lòng ngợi khen ơn Chúa và mỗi người tiếp tục rao truyền công việc quyền năng của Chúa ra khắp đất.

Để tỏ lòng biết ơn những tôi tớ Chúa trải qua các thời kỳ phục vụ với Hội Thánh, cũng như các Mục sư lãnh đạo Giáo hội, đại diện Hội Thánh đã có lời tri ân cùng quà tặng. Nhân Lễ kỷ niệm, đại diện Giáo hội và chính quyền có lời chúc mừng đến với Hội Thánh.

Nhân dịp Lễ tạ ơn Chúa, trước đó vào lúc 19 giờ ngày 20/07/2022 Hội Thánh cậy ơn Chúa tổ chức chương trình Truyền giảng Tin Lành, có rất đông thân hữu đến dự. Mục sư Dương Quang Hòa, Ủy viên TLH chia sẻ sứ điệp “Tin Lành”. Tạ ơn Chúa, sau lời kêu gọi của Mục sư Nguyễn Công Tâm Thiện, quản nhiệm Hội Thánh, đã có những thân hữu đáp ứng cầu nguyện tin nhận Chúa.

Một số hình ảnh trong chương trình:

CS Trần Minh Tâm hướng dẫn chương trình

MS Nguyễn Công Tâm Thiện chào mừng và giới thiệu

MS Võ Đình Đán cầu nguyện khai lễ

Các ban hát Hội Thánh tôn vinh Chúa

Mục sư Hội trưởng giảng rao Lời Chúa

Tri ân lãnh đạo Giáo hội và đại diện của các tiền nhiệm

Đại diện Ban Trị sự TLH, HĐGP, BĐD Tin Lành tỉnh Quảng Nam chúc mừng

MS Trần Đình cầu nguyện tất lễ

MS Mã Phúc Thanh Tươi chúc phước

Quang cảnh đêm truyền giảng

Mục sư Dương Quang Hòa chia sẻ Phúc Âm

Các thân hữu tin Chúa

LƯỢC SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH HỘI AN (1921-2021)

GIAI ĐOẠN 1: TRUYỀN GIÁO – TRÁI ĐẦU MÙA TẠI HỘI AN

Năm 1911, nhà thờ Tin Lành đầu tiên của người An Nam tại Đà Nẵng được thành lập. Công việc truyền giáo tiếp tục phát triển. Đến năm 1915 Giáo sĩ F. A. Soderberg và A. H. Birkel dưới sự hướng dẫn của Giáo sĩ Hosler đã mở thêm một trụ sở truyền giáo mới tại Faifoo.    

Năm 1921, Truyền đạo Nguyễn Châu Thông được Giáo sĩ Irwin cử vào Hội An để bán sách và chứng đạo.

Tại đây, giữa muôn vàn khó khăn và bế tắc Chúa cho gặp được ông Huỳnh Diêu (còn gọi là ông Chánh Thanh). Truyền đạo Nguyễn Châu Thông đã làm chứng và tặng ông cuốn sách “Chân giả luận”. Sau khi được giải thích cặn kẽ, ông đã đồng ý tin nhận Chúa, và ông Chánh Thanh trở thành trái đầu mùa tại Hội An.

Người thứ hai là ông Trương Mua. Ông nói: “Nếu tôi gặp và hỏi ông giáo sĩ Jeffrey một vài câu mà ông ấy không thay đổi sắc mặt, tôi sẽ tin Chúa”. Sự việc diễn ra đúng như lời, giáo sĩ Jeffrey vẫn giữ được sắc mặt tự nhiên khi bị chất vấn. Ông Trương Mua đã bằng lòng tiếp nhận Chúa. Cũng trong năm này, Chúa cho có nhiều người đến với Chúa như: ông Thủ Cự, ông Thủ Tại, ông Trùm Diên ở Kim Bồng, ông Hương Lem, ông Chánh Sáu ở Phú Chiêm, ông Sáu Đấu, ông Phan Đình Liệu sau nầy trở thành Mục sư Phan Đình Liệu ở Cẩm Sa…vv…

Khi có người tin nhận Chúa, Hội Truyền Giáo cử Mục sư Hoàng Trọng Thừa và Giáo sĩ Irwin thay phiên đến Hội An để chứng đạo, chăm sóc và hướng dẫn tân tín hữu.

 Cuối năm 1915, trụ sở Hội Truyền Giáo tại Hội An bị đóng cửa, nên những tín hữu này phải đi bộ một chặng đường dài hơn 30km để thờ phượng Chúa tại nhà thờ Đà Nẵng.

Số tín hữu ngày càng tăng lên, họ thật sự khao khát trụ sở Hội Truyền Giáo tại Hội An được phép mở cửa trở lại để họ có thể thờ phượng Chúa ngay tại quê hương của mình.

Sau nhiều ngày dốc lòng cầu nguyện, giáo sĩ E. F. Irwin có cơ hội gặp gỡ với vị quan chức cao cấp nhất của người Pháp. Giáo sĩ giải thích công việc và chia sẻ những khó khăn của Hội Truyền Giáo do điều khoản của Hòa ước Giáp Thân. Vị quan chức này hứa sẽ trình bày lại việc này khi vị Khâm sứ thường trực đến. Và khi giáo sĩ E. F. Irwin được gặp vị Khâm sứ mới, ông được đón tiếp nồng hậu. Vị tân Khâm sứ cho biết: “Tôi không thể đổi cách giải thích hòa ước, nhưng ông có thể mở một nhà thờ Tin Lành tại Hội An để những người này có thể thờ phượng Chúa như họ mong muốn. Tôi sẽ không khám xét và cũng không cho cảnh sát bắt các anh.”

Như vậy, tin vui đã đến nhưng cần phải có tài chánh để mở một nhà thờ Tin Lành ngay trong thành phố, mà Hội Truyền Giáo thì không có ngân sách cho việc này. Và điều kỳ diệu đã xảy ra trong chương trình của Đức Chúa Trời. Trước đó hai đến ba tháng, tại thành phố Dominion của Canada, một cô gái được Chúa cảm động đã bằng lòng bán chiếc nhẫn đính hôn của mình để dâng cho việc truyền giáo. Dầu cô gái này không biết gì về công việc truyền giáo tại Việt Nam. Và khi các giáo sĩ từ Hội An quay lại Đà Nẵng. Họ nhận được một lá thư được kèm theo tờ ngân phiếu với chỉ định tài trợ để thuê một nơi làm nhà thờ.    

Năm 1922, các Giáo sĩ đến Hội An để tìm một nơi để nhóm lại, dù tìm kiếm nhiều nơi nhưng vẫn không có được một chỗ phù hợp để thuê. Cuối cùng khi chuẩn bị quay về Đà Nẵng, các giáo sĩ đi ngang qua một ngôi nhà người Hoa bị bỏ hoang tọa lạc giữa thành phố. Từ Chùa Cầu đi vào thì căn nhà nằm phía tay trái và chỉ cách Chùa Cầu vài căn nhà. Nhìn vào trong là nơi phù hợp để một hội chúng để nhóm lại. Đây là nhà của một người Hoa làm nghề nấu rượu đã treo cổ tự vẫn. Hàng xóm xung quanh nói rằng ngôi nhà này bị ma ám, nên người chủ nhà đã sẵn lòng cho thuê với giá tượng trưng là 6 piastres /1 tháng. Và nơi này trở thành nơi thờ phượng Chúa đầu tiên của tín hữu Hội An. 

Tháng 8/1922, Truyền đạo Nguyễn Châu Thông trở thành vị chủ tọa đầu tiên. Chúa cho Hội Thánh phát triển và nhiều điểm truyền giáo mới được mở tại các thôn làng xung quanh. Khi mãn hạn sáu tháng thuê nơi nhóm lại, lúc số tiền tài trợ vừa hết cũng là lúc Chúa cho Hội Thánh đủ điều kiện để trang trải mọi chi phí sinh hoạt. Số tín hữu lúc này là 234 người và Hội Thánh bắt đầu cung lương tháng đầu tiên cho Truyền đạo Chủ tọa.

Đến tháng 5/1923, Truyền đạo Nguyễn Châu Thông được bổ đến Sa-đéc và Truyền đạo Phan Đình Liệu về thay thế và được hầu việc Chúa trên chính quê hương của mình. Nhưng chỉ tròn 5 tháng, vì nhu cầu cấp thiết của Hội Thánh chung nên tháng 10/1923, Truyền đạo Phan Đình Liệu được Hội truyền giáo thuyên chuyển đến hầu việc Chúa tại nơi khác. 

Tháng 6/1924, Truyền đạo Lê Văn Thái được bổ nhiệm đến Hội Thánh. Truyền đạo chủ tọa đã đưa ra chương trình làm việc “Bảy ngày trong một tuần lễ”: Đó là một kế hoạch mục vụ gồm: giảng dạy, thăm viếng, chăm sóc tín hữu, chứng đạo tại Hội An và các vùng lân cận, cầu nguyện, chăm lo cho nhi đồng và hỗ trợ công tác xây cất trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng.

Tính đến tháng 10/1924 số tín hữu tại Hội Thánh Hội An là 380. Lớp trường Chúa Nhật có khoảng 185 tín hữu tham dự hằng tuần.

Tháng 09/1925 Truyền đạo Phạm Thành kế nhiệm, tiếp tục phát triển mạnh mẽ công tác truyền giáo tại Hội An và các vùng phụ cận. Hàng tuần, Truyền đạo Phạm Thành cùng chấp sự Nguyễn Cự ngược dòng sông Thu Bồn trên chặng đường dài hơn 40km về phía Tây đến những nơi như: Thu Bồn, Mỹ Lộc, Phú Hanh, Khánh Bình tổ chức cầu nguyện, dạy đạo cho tín hữu và tiếp tục rao giảng Tin Lành.

Đến tháng 5/1926, Hội Thánh được tiếp đón Mục sư Hoàng Trọng Thừa về chủ tọa, Mục sư tiếp tục công khó của người tiền nhiệm trong việc truyền giáo tại vùng đất phía Tây cho đến ngày HTTL Thu Bồn được thành lập. Trong thời gian này, công việc xây dựng nhà thờ Hội An còn đang dở dang. Nhưng MS chủ tọa Hoàng Trọng Thừa phải bàn giao công việc Chúa tại Hội An cho Mục sư Lê Văn Long để đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

GIAI ĐOẠN II: XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH, ỔN ĐỊNH NỀN TỰ TRỊ        Chúa nhật 04/08/1929, ngôi nhà thờ Tin Lành đầu tiên tại Faifoo được cung hiến trên chính mảnh đất tọa lạc ngôi nhà thờ hiện nay với lòng dâng hiến rời rộng của con dân Chúa. Tổng chi phí xây dựng bao gồm cả tư thất nhỏ cho mục sư ở là 1,200 piastres. (tương đương hơn 7.000USD hiện nay). Theo tạp chí “The Call of French Indo-china” số 28 thì các giáo sĩ khẳng định rằng: mọi chi phí hoàn toàn được trả bởi những thành viên của hội chúng thạnh vượng mà không có bất kỳ giám sát trực tiếp nào của Hội Truyền Giáo”.

Cũng trong năm 1929, con cái Chúa cũng đã sử dụng 100 piastres để xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ bằng tre tại Lạc Thành, là Hội nhánh của Hội Thánh Hội An. Tại Lạc Thành công việc chứng đạo tiếp tục phát triển và là nền tảng vững chắc để Tin Lành tiếp tục phát triển lên các vùng phía trên dọc theo sông Thu Bồn như: Phong Thử, Trường An, Đại An….

Khi công việc Chúa bắt đầu ổn định phát triển, thì nhiều người ghen ghét, phao vu, xuyên tạc để chống phá Hội Thánh. Không những thế mà chính quyền lúc bấy giờ còn gây khó, bắt bớ, giam cầm tín hữu làm nhiều người nhụt chí, ngã lòng. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn bảo vệ Hội Thánh Ngài,  khiến Hội Thánh được sàng lọc và vững tin vượt qua cơn bức hại.  Chúa còn cho có nhiều dấu kỳ, phép lạ, xảy ra. Nhiều người được giải cứu khỏi tà linh, được chữa khỏi bệnh….đem lại sự khích lệ, phấn hưng cho Hội Thánh.

Năm 1932, Hội Thánh được vinh dự được đón tiếp Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 9. Trong kỳ Hội đồng này, Mục sư Lê Văn Long, Chủ tọa Hội Thánh được bầu vào chức vụ Phái viên Tổng Liên Hội đặc trách khu vực Trung Hạt.

Tháng 3/1934, tư thất được xây lại khang trang, đẹp đẽ. Hội Thánh cũng bắt đầu thành lập Ban Lục truyền đạo ở thôn quê và Ban Thủy truyền đạo tại vùng sông nước. Trong suốt năm 1934-1935, Hội Thánh liên tục mở các chương trình bồi linh và bố đạo trong thành phố. Đầu năm 1937, một tín hữu tại Hội An là ông Trần Ích đã lái thuyền đưa đoàn truyền giáo của Hội Thánh gồm Mục sư Lê Văn Long, ông Lê Ngọc Anh, ông Nguyễn Khanh, ông Trương Mua vượt biển đến tận xã Tân Hiệp trên đảo Cù Lao Chàm để phát sách và chứng đạo tại đảo. Nhờ đó hơn 300 người làm nghề đánh cá, lượm củi trên đảo có dịp nghe giảng Tin Lành.

Đến tháng 7/1937, Hội Thánh tiến hành xây cất lại đền thờ bị xuống cấp. Cũng trong lúc này, Mục sư Lê Văn Long được Hội Truyền Giáo mời về làm giáo sư cho Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng.

Tháng 8/1937, Mục sư Đoàn Văn Khánh-Chủ nhiệm Trung hạt được mời kiêm lo công việc Chúa tại Hội An trong thời gian chờ đợi vị tân chủ tọa. Đến tháng 11/1937, Truyền đạo Lê Tấn Đặng được bổ nhiệm về lo công việc Chúa và Đền thờ mới được cung hiến vào Giáng sinh năm 1937.

Từ ngày 27/3-2/4/1939, Hội Thánh tổ chức tuần lễ bố đạo. Ban ngày giảng bồi linh cho tín hữu, ban đêm truyền giảng Tin Lành. Từ ngày 13-16/6/1940, Hội Thánh vinh dự đón tiếp Hội đồng Địa hạt Trung kỳ. Hội đồng cũng dùng bốn buổi tối để truyền giảng, có nhiều đồng bào trong khu vực đến nghe, trong bốn đêm có 38 người tin nhận Chúa.

Năm 1941, Truyền đạo Lê Nguyên Anh là người Hội An được mời về chủ tọa Hội Thánh tại quê hương. Một trong những việc được ông chú trọng là Chứng đạo. Ban chứng đạo làm việc trọn ngày thứ bảy. Sáng tập trung tại nhà thờ để hội ý và cầu nguyện, sau đó chia nhau chứng đạo, phát sách khắp các vùng xung quanh cho đến chiều tối. Có khi họ đi rất xa và mỗi người tự lo phần ẩm thực cho mình. Mỗi năm ban chứng đạo tổ chức ba ngày Phục Hưng Bố Đạo được chuẩn bị chu đáo, công phu.

Năm 1949, Mục sư Lê Nguyên Anh được mời về làm Giáo sư Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, mọi công việc điều hành do Ban Chấp Sự Hội Thánh đảm trách. Đến năm 1950, Mục sư Nguyễn Hữu Đinh được bổ nhiệm. Nhưng vì tuổi cao nên một vài tháng sau đó Mục sư xin hưu hạ.

Tháng 5/1950, Mục sư Lê Đình Tố được bổ nhiệm về chủ tọa. Mỗi Chúa nhật, con dân Chúa nhóm lại rất đông. Hội Thánh từng bước lập lại Trường Chúa nhật, Ban thanh niên, lớp nhi đồng, cùng chương trình cầu nguyện có kết quả đáng khích lệ. Chiều Chúa nhật hàng tuần, Mục sư và Ban chứng đạo đi làm chứng và phát sách ở nhiều nơi, đến những vùng lân cận như Phú Chiêm, An Bàng, Kim Bồng… và các điểm công cộng như trại tế bần, quân y viện, sở Canh nông, bệnh viện và đặc biệt được cấp giấy phép giảng Tin Lành trong trung tâm cải huấn.

Ngày 20/6/1956, Mục sư Nguyễn Văn Nhung được bổ nhiệm làm chủ tọa. Lúc nầy Chúa cho cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ. Mọi sinh hoạt của Hội Thánh có nề nếp và ổn định nên Mục sư đã chuyên tâm trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín hữu và đẩy mạnh công tác chứng đạo. Sau gần 1 năm hầu việc Chúa, Mục sư Nguyễn Văn Nhung từ giã Hội Thánh để đến nhiệm sở mới.

Năm 1957, Mục sư Nguyễn Xuân Ba về Chủ tọa Hội Thánh. Mục sư chú trọng đến việc giảng dạy, chăm sóc tín hữu. Tổ chức chứng đạo cá nhân vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Ngày 06/5/1959, Hội Thánh quyết định mua đất của ông Võ Nuôi tại xã Cẩm Hà với diện tích: 5.300m2 để làm nghĩa trang của Hội Thánh.

Đầu năm 1960, công việc truyền giảng phát triển mạnh, đặc biệt tại An Bàng và Duy Xuyên. Năm 1961, Hội Thánh quyết định thành lập Hội Thánh mới tại Duy Xuyên. Tháng 5/1962, sau nhiều nỗ lực của Hội Thánh trong ơn Chúa ban, nhà thờ Tin Lành Duy Xuyên được xây dựng và khánh thành.

Tháng 5/1964, Mục sư Nguyễn Xuân Ba được Địa hạt Bắc Trung phần phân công làm Trưởng ban Truyền đạo Lưu hành. Để toàn tâm với công việc, Mục sư đã có đơn xin thôi được Chủ tọa. Với nhu cầu cấp thiết của Hội Thánh nên tháng 7/1964 Ban Trị Sự Hội Thánh mời cụ MS Trí sự Lê Nguyên Anh đang sống tại Hội An một lần nữa đảm nhiệm chức vụ chủ tọa Hội Thánh. Ông vui vẻ nhận lời. Dù vậy, vì tuổi cao nên cụ MS Lê Nguyên Anh chỉ hầu việc Chúa với Hội Thánh đến cuối năm 1965.

Đến tháng 6/1966, Mục sư Nguyễn Anh được mời đến hầu việc Chúa. Vừa đến nhiệm sở mới, căn bệnh ung thư máu tái phát nên ông phải từ biệt Hội Thánh để chữa bệnh. Đến 30/9/1966, Mục sư Nguyễn Anh đã qua đời tại Đà Nẵng trong sự thương nhớ của gia đình và Hội Thánh.

Ngày 07/5/1967, Truyền đạo Phan Minh Tân được bổ nhiệm làm Chủ tọa Hội Thánh. Ông tổ chức nhiều chương trình hoạt động cho thanh thiếu niên rất sôi động, bổ ích, thu hút được nhiều người tham gia. Đến tháng 3/1970, ông viết đơn xin thôi Chủ tọa Hội Thánh để chuyên tâm đảm nhiệm chức vụ Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Trung Hạt.

Tháng 5/1970, Mục sư Bùi Tấn Lộc đến thay cho Truyền đạo Phan Minh Tân. Trong thời gian này, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, khiến cho công việc chứng đạo của nhiều Hội Thánh bị giảm sút. Dù vậy, vào thứ Năm hàng tuần, ban chứng đạo cứ trung tín đi ra, phát sách, có nhiều người trở lại tin nhận Chúa. Và Hội Thánh tiếp tục mở được hai Hội nhánh là Xuyên Long và Phước Trạch.

Sau 4 tháng chủ tọa, ngày 17/9/1970, Mục sư Bùi Tấn Lộc viết đơn xin nghỉ dưỡng bệnh. Đến tháng 11/1970, Truyền đạo Nguyễn Đình Long được bổ nhiệm về Hội An. Sau nhiệm kỳ tận tụy với công việc Chúa, ông được bổ về HTTL An Trung.

Đến năm 1972, Mục sư Nguyễn Văn Sỹ được mời về hầu việc Chúa. Thời gian này BTS/ĐH đã bổ Truyền đạo Nguyễn Ngọc Anh về lo Hội nhánh Xuyên Long, Truyền đạo Lương Ngọc Ngọc về lo Hội nhánh Phước Trạch, cũng có Truyền đạo Phạm Đến và Nguyễn Thanh Bình đến tập sự. Được sự hỗ trợ đắc lực của bốn Truyền đạo, cùng với máy chiếu xách tay, Mục sư Nguyễn Văn Sỹ và ban Chứng đạo tổ chức được nhiều chương trình bố đạo cho đồng bào. Kết quả của những nổ lực hết mình này được bày tỏ qua quyết định thành lập Hội Thánh tại Phú Chiêm vào tháng 3/1974.

Ngày 27/9/1974, Mục sư Nguyễn Văn Sỹ về nước Chúa trong sự thương nhớ của gia đình và Hội Thánh. Đứng trước nhu cầu của Hội Thánh, Mục sư Tuyên úy Dương Đình Nguyện được Địa hạt cắt cử hàng tuần đến giúp Linh vụ cho Hội Thánh. Qua sự cổ động của Phòng Tuyên úy, các anh em binh sĩ Hàn Quốc và đặc biệt là công khó của Trung úy Huỳnh Ngọc Kiệm đã giúp vật liệu, xe đổ đất để mở rộng khuôn viên phía sau nhà thờ và xây cất thêm phòng nhóm cho Thanh niên và Trường Chúa Nhật.

Ngày 12/4/1975 Mục sư Dương Đình Nguyện được chính thức bổ nhiệm đến chủ tọa. Đến cuối tháng 09/1975, chính quyền yêu cầu Mục sư Dương Đình Nguyện ngưng chức vụ và buộc rời khỏi nhà thờ nên ông phải bàn giao công việc hành chánh và mục vụ cho Ban chấp sự.

GIAI ĐOẠN 3: VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG VÀ ỔN ĐỊNH

Biến cố lịch sử 1975 khiến Hội Thánh rơi vào tình trạng khủng hoảng, trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh trong lúc này do Ban Chấp Sự gánh vác. Một cuộc họp của Ban Chấp Sự đương nhiệm được tiến hành để bổ sung và phân chia vai trò điều hành công việc Hội Thánh như sau: ủy phó chức vụ Thư ký mới cho ông Dương Văn Sung; chức vụ Tư hóa cho ông Nguyễn Văn Tư. Bên cạnh đó, các ông Trần Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Huệ, Đặng Phúc Nhung, Hoàng Ngọc Sa … là các thành viên Ban chấp sự.

Thời gian này, các Mục sư Truyền đạo từ nơi khác không được phép đến giảng dạy tại Hội An. Nhưng văn phòng Địa hạt vẫn điều phối các truyền đạo về giảng lời Chúa cho Hội Thánh như: Truyền đạo Nguyễn Văn Ngọc, Truyền đạo Mã Phúc Hiệp… Tuy nhiên, tuần nào không có tôi tớ Chúa về giảng dạy thì các vị trong Ban Trị Sự như: ông Nguyễn Văn Tư, ông Dương Văn Sung thay nhau để học Lời Chúa cùng Hội Thánh.

Đến năm 1978, Truyền đạo Nguyễn Văn Na được Địa Hạt bổ nhiệm về chủ tọa Hội Thánh. Dù vậy, ông không được thường trú tại Hội An. Trong bối cảnh kinh tế xã hội hết sức khó khăn nhưng cậy ơn Chúa Truyền đạo Nguyễn Văn Na đã giúp cho Hội Thánh có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu lại các ban ngành, ổn định tình hình Hội Thánh, thăm viếng khích lệ và âm thầm gầy dựng lại các Hội nhánh An Bàng, Phú Chiêm.

Khi tình hình được thuận lợi hơn, Hội Thánh tiếp tục đẩy mạnh chương trình cá nhân chứng đạo, tổ chức truyền giảng trong nhà thờ. MS quản nhiệm tổ chức và kêu gọi tín hữu tham gia học chương trình “Cuộc Đời Chúa Cứu thế”, và mở lớp học Kinh Thánh cho các Chấp sự.

Năm 1996, MS Nguyễn Văn Na nhận nhiệm sở mới tại Đà Nẵng, sau 18 năm gắn bó cùng với Hội Thánh vượt qua giai đoạn khủng hoảng và tiếp tục phát triển.

GIAI ĐOẠN 4: PHÁT TRIỂN VÀ KIỆN TOÀN CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI THÁNH

Năm 1996, Mục sư Phan Ân được mời về Quản nhiệm Hội Thánh. Trong giai đoạn này, ban chứng đạo hoạt động rất mạnh mẽ. Các ban viên đều trải qua khóa huấn luyện về phương pháp chứng đạo sâu rộng. Mỗi năm có hàng trăm người được nghe về Tin Lành và nhiều người bằng lòng tin nhận Chúa. Hội Thánh bắt đầu củng cố và đẩy mạnh các điểm nhóm cầu nguyện, học Kinh Thánh tuần hoàn trong nội thị, chương trình tĩnh nguyện mỗi buổi sáng. Đồng thời tái lập việc nhóm lại thờ phượng Chúa tại Phú Chiêm và An Bàng. Từ năm 1997 – 2005, Hội Thánh đón tiếp 5 lớp Truyền đạo tình nguyện để bồi dưỡng mục vụ và đào tạo nhân sự trong giai đoạn Trường Kinh Thánh chưa được chính thức hoạt động trở lại. Ngày 02/01/2000, Hội Thánh thuận cử thầy Nguyễn Thanh Minh đặc trách công việc Chúa tại điểm nhóm Phú Chiêm.

Đến cuối năm 2006 Mục sư Phan Ân rời HTTL Hội An để nhận nhiệm sở mới. Trong lịch sử 100 năm của HT thì từ 2006 -2010 là giai đoạn khuyết quản nhiệm kéo dài nhất: 4 năm. Dù vậy, Ban Chấp sự đã phải cố gắng hết sức, cậy ơn Chúa để có thể duy trì các sinh hoạt của Hội Thánh. Công tác truyền giảng và chứng đạo vẫn tiếp tục thực hiện, các nhân sự chứng đạo hầu hết là tình nguyện, sốt sắng đi ra làm chứng. Công việc Chúa tại điểm nhóm Phú Chiêm và An Bàng do 02 chấp sự được Ban trị sự ủy thác đảm trách.

Dù khuyết quản nhiệm nhưng Hội Thánh cũng cậy ơn Chúa để tiến hành xây dựng lại Tư thất nhằm: trang bị chỗ ở tốt hơn cho gia đình Tôi tớ Chúa và để có khuôn viên sân nhà thờ rộng rãi sử dụng cho sinh hoạt chung của Hội Thánh, để tổ chức các chương trình Truyền giảng ngoài trời và mở xây thêm phòng học cho các lớp Trường Chúa Nhật.

Tháng 10/2010, Truyền đạo Nguyễn Công Tâm Thiện được bổ nhiệm về quản nhiệm Hội Thánh và bắt đầu lộ trình xây dựng lại nền tảng lời Chúa cho tín hữu. Sự khởi sắc nhìn thấy rõ nhất là tinh thần học lời Chúa trong Hội Thánh. Các lớp Thánh Kinh Hè thu hút học viên từ nhỏ đến lớn. Truyền đạo Quản nhiệm đã triển khai các loạt bài học đáp ứng với nhu cầu và bối cảnh Hội Thánh hiện tại. Giai đoạn này Hội Thánh đã tổ chức được rất nhiều chương trình truyền giảng ngoài trời, với sự tham dự của rất đông thân hữu. Dù số lượng người tin Chúa mỗi năm khác nhau nhưng cũng khích lệ tinh thần con cái Chúa trong công tác rao truyền giảng Tin Lành.

Tháng 5/2015, Truyền đạo Nguyễn Việt Hòa được bổ nhiệm phụ tá quản nhiệm, đặc trách Hội nhánh An Bàng. Năm 2017 Hội Thánh mua một lô đất tại An Bàng và con cái Chúa tại Hội An đã dâng hiến để xây dựng cơ sở nhà Chúa tại đây. Cơ sở mới được hoàn tất vào năm 2019.

Hiện nay, nhờ ơn Chúa lãnh đạo và dẫn dắt, Mục sư Nguyễn Công Tâm Thiện vẫn đang điều hành Hội Thánh Hội An bước qua cột mốc lịch sử 100 năm. Và với lòng hiệp một của toàn thể con cái Chúa thì chắc chắn Hội Thánh Hội An sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

KẾT LUẬN

Nền Hội Thánh Chúa tại Hội An đã khai sinh trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu cho nên trong suốt 100 năm qua không hề bị rúng động. Các thế hệ tiền nhân tại Hội An chưa bao giờ mệt mỏi mà dừng lại, sợ hãi mà chùn bước nhưng họ vẫn vững bước tiến tới để đem lẽ thật vinh quang của Tin Lành truyền bá rộng khắp, qua đó nhiều Hội Thánh được thành lập không chỉ tại Hội An mà gồm nhiều Hội Thánh khác trên cả một vùng rộng lớn tại Quảng Nam hiện nay như: Đại An, Trường An, Thu Bồn, Lạc Thành, Phong Thử, Phú Lãnh, Thanh Quýt, Tam Kỳ, Xuyên Long, Phước Trạch, Duy Xuyên, Phú Chiêm, An Bàng…

Đó là những di sản vô giá mà tiền nhân đã để lại và thế hệ con cái Chúa tại Hội An sẽ tiếp tục nối gót theo lời dạy của Kinh thánh: “vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” (Rô-ma 10:17)

Nhìn lại quá khứ, tiếp bước tương lai là mục tiêu mà con dân Chúa tại Hội Thánh Hội An phải hướng đến để Danh Chúa được vinh hiển, xây dựng Hội Thánh và phát triển Vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất./.   

(Lược sử do HTTL Hội An cung cấp)

TTV. MS Trần Văn Khôi
Hình ảnh: Hoàng Vũ

Bài trướcHai Phản Ứng Khác Nhau – 22/7/2022
Bài tiếp theoVajtswv Txojlus Nyob Ruaj Khov – 23/7/2022