Phước Hạnh Nơi Chúa Thăng Thiên – Tĩnh Tâm Lễ Thăng Thiên 2022

3763

HTTLVN.ORG – Bốn mươi ngày sau khi phục sinh và sau những lần hiện ra với nhiều người để chứng thực sự sống lại của mình, Chúa Giê-xu đã thăng thiên về trời trong những đám mây. Việc Chúa Giê-xu thăng thiên không phải là một sự kiện ngẫu nhiên nhưng đã được chính Ngài tiên báo. Việc Chúa thăng thiên cũng không phải là một sự kiện kém quan trọng đối với đời sống người theo Ngài, mà đem đến cho môn đồ Ngài một tầm nhìn và hy vọng vượt lên trên những bối rối, bất an của đời này: sự đảm bảo được ở trong nhà Cha và nguồn năng lực để sống với sứ mạng trên đất trong hành trình trở về nhà Cha.

Trong đêm Chúa Giê-xu cùng các môn đồ dự lễ Vượt Qua, Ngài đã nói với các môn đồ rằng: “Hỡi các con bé nhỏ, Ta không còn ở với các con bao lâu nữa…” (Giăng 13:33a). Buổi tiệc ấy diễn ra trong một thời điểm bản lề, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra, nhiều cuộc chiến sẽ đến. Rồi đây, các môn đồ sẽ đối diện với những thách thức họ chưa từng kinh nghiệm. Ở giữa những hỗn độn ấy, người thầy thân cận của họ lại bảo rằng Ngài sắp rời họ mà đi, và nơi Ngài đi là nơi mà họ “không thể đến được” (Giăng 13:33b). Hiểu được sự bối rối của những người học trò, Chúa Giê-xu khích lệ họ rằng: “Lòng các con đừng bối rối. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa…Khi Ta đi và đã chuẩn bị chỗ cho các con rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, để Ta ở đâu thì các con cũng ở đó.” (Giăng 14:1,3). Hoá ra, việc Ngài rời đi không phải là một tin xấu nhưng là một lời tiên báo đem đến hy vọng cho các môn đồ. Sự “rời đi” mà Chúa Giê-xu đề cập đến, không những chỉ về sự thương khó của Ngài, nhưng một cách nhìn xa hơn, Ngài đang nói về việc Ngài sẽ thăng thiên, trở về với ngôi cai trị vinh hiển trong Nhà Cha. Ngài về với Cha để chuẩn bị chỗ ở cho những người thuộc về Ngài, và đó là hy vọng, là phước hạnh của người Cơ Đốc.

Sự thăng thiên của Chúa giúp môn đồ Ngài nhận biết rằng nhà Cha trên trời là nơi họ thật sự thuộc về, nhờ ân sủng của Chúa và bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Đó là nơi chúng ta vui hưởng mối tương giao với Ba Ngôi Đức Chúa Trời và chiêm ngưỡng vinh quang đời đời của Ngài. Đó là nơi không còn bóng dáng của tội lỗi, điều ác và khổ đau. Ý thức về nơi mình thuộc về giúp môn đồ Chúa biết mình thật sự là ai và sống cuộc đời trên đất trong tư cách “người ở trọ, kẻ đi đường” (I Phi-e-rơ 2:11a). Người tin Chúa dù sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, mà hướng tầm nhìn và cuộc sống mình đến những điều còn lại đời đời. Như sứ đồ Phao-lô đã khuyên các tín hữu tại Cô-lô-se, người thuộc về nhà Cha là người tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 3:1). Ý thức về nơi mình thuộc về khiến môn đồ Chúa từ bỏ những thói quen của lối sống xưa cũ để sống với những giá trị đời đời của Nhà Cha. Mọi suy nghĩ, mọi quyết định, mọi sự dấn thân, mọi công việc chúng ta làm là làm với tư cách người con của Cha trên trời. Hướng đến nhà Cha, người thuộc về đó vui lòng từ bỏ nếp sống luông tuồng theo những đam mê của xác thịt, và rèn tập đời sống kỉ luật theo chuẩn mực của Nước Trời như một lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, sự nhận biết mình thuộc về Nhà Cha trên trời không khiến chúng ta thoát ly khỏi những câu chuyện của đời sống, cũng không phải là lý do để chúng ta vô tâm, thờ ơ với những vấn đề của thời đại. Ngay trong bữa tiệc tại phòng cao, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho các môn đồ và cho chính chúng ta: “Con không cầu xin Cha đem họ ra khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi điều ác…Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai họ vào thế gian” (Giăng 17:15,18). Sự thăng thiên của Chúa Giê-xu nhắc nhở Hội Thánh rằng chúng ta có một sứ mệnh phải dự phần, chúng ta có một sứ mệnh được trao ban, ấy là “sự tham gia có cam kết của chúng ta trongcách là dân của Đức Chúa Trời, theo lời mời và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, vào sứ mệnh riêng của Đức Chúa Trời trong lịch sử thế giới của Đức Chúa Trời để cứu chuộc cõi tạo vật của Đức Chúa Trời” (Theo Christopher Wright, The Mission of God, 2006). Bởi sứ mệnh ấy, chúng ta noi theo dấu chân của Đấng Cứu Thế để tiếp tục bước vào thế gian trong tư cách của người thuộc về Nhà Cha. Chúng ta học cách yêu thương những cuộc đời cô đơn, yếu thế; học cách ủi an những cuộc đời nặng gánh, mỏi mệt; học cách bao dung, ân sủng cho những cuộc đời tối tăm, lầm lạc và học cách bày tỏ Ánh sáng Chân lý cho những ai còn ở dưới bóng tối của tội lỗi, ô nhơ.

Chúa thăng thiên không chỉ để sắm sẵn chỗ ở tương lai trong nhà Cha cho môn đồ, mà còn để ngồi bên hữu Đức Chúa Trời trong tư cách thầy tế lễ, Đấng cầu thay, biện hộ cho người theo Ngài trong hành trình về nhà Cha. Để bước đi trong địa vị mới và thực thi sứ mệnh được trao ban trên đất, môn đồ Ngài không thể cậy nơi sức riêng của mình, mà cần dựa nương sự đồng hành của chính Đấng đã thăng thiên nhưng vẫn luôn hiện diện trong đời sống người tin Ngài. Trước nhất, Chúa Cứu Thế đồng hành với chúng ta qua sự cầu thay cho những vấp ngã, sai trật của chúng ta trên hành trình thuộc linh. Giấu mình nơi sự công chính của Chúa Cứu Thế, chúng ta hoàn toàn tin quyết nơi địa vị không thể dời lay của mình, vì ai sẽ là người kết án chúng ta “…khi mà Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta?” (Rô-ma 8:34). Sau nữa, khi Chúa Cứu Thế trở về Nhà Cha, Ngài cũng thực thi lời hứa ban Thánh Linh cho người tin Ngài. Qua Thánh Linh, Ngài hiện thức hoá lời hứa ở cùng với chúng ta “cho đến tận thế”. Bởi đó, chúng ta dạn dĩ cậy nhờ nơi quyền phép của chính Ngài để ra đi môn đồ hoá muôn dân cho Đức Chúa Trời.

Chỗ ở đời đời mà Đấng thăng thiên chuẩn bị cho chúng ta cũng chính là đích đến trong hành trình của đời sống chúng ta. “Điều gì sẽ xảy ra sau cái chết?” – vẫn luôn là câu hỏi đầy thách thức đối với con người. Triết gia người Anh, William Hazlitt trong tác phẩm Về cảm nhận bất tử của tuổi trẻ[1] đã lý giải vì sao cái chết lại khiến con người choáng váng. Ông viết: “Vừa mới đó thôi, ta còn có tất cả. Vậy mà chỉ tích tắc sau cái chết, tất cả đều biến mất, như một hoang tưởng, như một chiêu trò của ảo thuật gia. Sự chuyển dịch trong chớp mắt, từ tất cả tới hư không, khiến ta không tài nào chịu đựng được.” Trong cách nhìn của một triết gia như Hazlitt, phía sau cái chết là hư không, là một bí ẩn mà con người không thể nào hiểu được. Cái chết tước đi hết tất cả những gì con người có thể có trong đời sống. Một số tôn giáo khác thì lại nhìn về đời sống như một vòng tròn xoay vòng, không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc. Con người kết thúc ở cuộc đời này, thì cũng sẽ bắt đầu ở một cuộc đời khác. Cuộc đời cứ thế luân phiên, chết rồi lại sống, sống rồi lại chết, cho đến vô cùng tận. Còn với Cơ Đốc giáo, đời sống bắt đầu từ Đức Chúa Trời và kết thúc với Đức Chúa Trời. Điểm đến trong đời sống của người Cơ Đốc không phải là bắt đầu một cuộc đời mới, một kiếp người khác, nhưng là sự đoàn tụ với Đấng mà chúng ta tin cậy và tôn thờ. Vì Chúa Cứu Thế đã đi trước và chuẩn bị nhà đời đời cho chúng ta, nên chúng ta không còn nhìn về cái chết với sự sợ hãi, bất an, vô định nhưng với niềm hy vọng rạng ngần. Tại núi Ô-li-ve, sau khi Chúa Giê-xu được rước vào trong những đám mây, các thiên sứ đã hiện ra và phán cùng các môn đồ rằng: “Đức Chúa Giê-xu nầy đã được cất lên trời khỏi các ông, cũng sẽ trở lại như cách các ông đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công Vụ 1:10b). Sự thăng thiên của Chúa chính là điều bảo chứng cho sự tái lâm của Ngài trong nay mai. Ngài thăng thiên trong thân thể phục sinh và sẽ hồi lai để làm sống lại những người thuộc về Ngài trong thân thể mới. Chúa Giê-xu đã đắc thắng sự chết, Ngài trở thành trái đầu mùa của sự sống lại và vì vậy, “Ngài sẽ biến hóa thân thể thấp hèn của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài”, chúng ta sẽ “…được cất lên trong đám ây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.” (Phi-líp 3:21; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).

Trong quyển sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ,[2] tác giả Đặng Hoàng Giang đã nhận định về người trẻ trong thế hệ đương đại là “những nhà lữ hành bền bỉ, đi với cái mù mờ vô định của tương lai… chúng ta đang đi với sự bất an vô bờ bến, không chỉ vì cái vô định của phía trước mà còn vì sự lẻ loi, trống vắng vô tận.” Là những người trẻ thuộc về Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng đang là những nhà lữ hành bền bỉ nhưng không-hề-vô-định. Chúng ta biết mình thuộc về nơi đâu, sống vì điều gì và sẽ đi về đâu. Chúa Giê-xu đã thăng thiên để nhắc chúng ta về nơi mình thuộc về, về một sứ mạng được dự phần để thực thi và về điểm đến của hành trình đời sống.

Quả thật, thuộc về Nhà Cha và được cầu thay, ban năng lực để sống cho Nhà Cha trong niềm hy vọng được đoàn tụ tại Nhà Cha – ấy là phước hạnh được đảm bảo bởi Đấng đã làm người để cứu chuộc chúng ta và trở về nhà Cha trước chúng ta để tiếp đón chúng ta.

Khối Thanh Niên
Ủy ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội

[1] William Hazlitt, On The Feeling of Immortality in Youth, 1827
[2] Đặng Hoàng Giang, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, 2019

Bài trướcBình Phước: Huấn Luyện Công Tác Truyền Giáo Năm 2022
Bài tiếp theoTso Tseg Txhua Yam Raws Tus Tswv Qab – 27/5/2022